31 thg 5, 2012

BA NGÔI THIÊN CHÚA



Khám phá những qui luật, điều khó hiểu, bí mật là những tố chất cần có của những nhà tri thức, học giả, những con người may mắn sở hữu các bộ óc có chỉ số thông minh cao. Điều này không những đúng trong khoa học mà còn cả trong tôn giáo.
Có hai mẫu truyện sau minh họa cho ý trên, một của Phật giáo, một của Công giáo.
1.Tương truyền kể lại, tiến sĩ hội thánh:thánh Augustino, một lần khi đang suy nghĩ về mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi thì bắt gặp một đứa bé trên bãi biển. Đứa bé đang cố gắng tát cạn nước biển bằng cái vỏ sò. Augustino cười rồi bảo, công việc của em bé làm chỉ là dã tràng xe cát. Đứa bé nhìn Augustino rồi trả lời, việc của em làm còn dễ hơn điều mà ông đang suy tư. Nghe xong, thánh Augustino ngộ ra vấn đề.

2. Có một vì Tỳ khưu Malunkyaputta đến hỏi Đức Phật: “Sau khi chết Đức Như Lai sẽ còn tồn tại hay không còn; sẽ vừa còn vừa không còn; hay sẽ không còn và không không còn”. Đức Phật khuyên thầy ấy không nên lãng phí thời giờ tập trung vào những việc này, vì nó không giúp ta dứt bỏ dục vọng và giác ngộ.

Mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi là mầu nhiệm được sự mặc khải của chính Thiên Chúa. Các phương thức mà Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ quyền năng, tình yêu, ý định, tương lai cho con người được gọi là mặc khải. Mặc khải có thể là ở dạng siêu nhiên hay tự nhiên. Thiên Chúa là thần trí, con người lại là nhục thể, Thiên Chúa thì tinh tuyền, con người thì tội lỗi. Hai thuộc tính trái ngược đã tạo nên hai bức tường ngăn cách, làm con người quá khó để tiếp cận Thiên Chúa. Nếu không được chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp của Thiên Chúa, con người rất dễ giải thích sai lầm về Ngài.

Trong Tân ước chỉ duy có một đoạn là mô tả sự gặp gỡ của ba Ngôi Thiên Chúa: Cha-Con-Thánh thần. Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3, 16).
Mặc dù Thần học là đức tin của sự hiểu biết, bao hàm cả việc dùng trí tuệ để tra vấn và trả lời. Tuy vậy, sự hiểu biết của con người là có hạn và giới hạn về sự hiểu biết ấy ở mỗi người là khác nhau. Suy niệm về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, trước hết cần được sự dẫn dắt của Thần Khí và sự lao động con người trong thể khiêm nhu.
Liên quan đến những bí nhiệm này, trong Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu có nói “Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25). Như vậy, khiêm hạ là điều kiện cần để nhận được sự thông tri từ Đấng Tối Cao.
Lạy Thiên Chúa ba Ngôi, xin đổ xuống chúng hoa trái của đức tin và ân sủng của sự hiểu biết khi suy niệm về những mầu nhiệm mà Ngài đã mặc khải cho nhân loại. Và sự hiểu biết đựơc gia tăng một cách tỉ lệ thuận với lòng mến Chúa, yêu người.

G. Tuấn Anh


21 thg 5, 2012

TRUYỀN THÔNG TRONG THINH LẶNG




Thinh lặng để truyền thông
Một cách đọc Sứ điệp Truyền Thông 2012 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
-----o0o-----
Đức Bênêđictô XVI xem ra đang lội ngược dòng thời đại. Quy tụ cả triệu bạn trẻ trong các Đại hội Giới trẻ thế giới ở Đức, Úc, Tây Ban Nha, ngài mời gọi người trẻ sống tĩnh lặng trước Thánh Thể. Nói đến người trẻ là phải nói đến ồn ào, nhộn nhịp, hát ca múa nhảy… chứ tại sao lại thinh lặng? Trong sứ điệp cho Ngày Truyền thông thế giới năm nay cũng thế, ngài lại chọn chủ đề: Thinh lặng và Lời nói : Nẻo đường Phúc âm hóa. Truyền thông ngày nay đang được đồng hóa với nói và nói, nói càng nhiều càng to thì càng tốt càng thành công, làm sao thinh lặng mà lại truyền thông được? Đúng là ngược đời.
Thực ra, lội ngược dòng chỉ là mời gọi trở về với cái vốn nằm trong bản chất của sự việc nhưng đã bị lãng quên, thậm chí coi thường, nên cần ý thức lại. Bài viết này là một cách lắng nghe và tiếp cận lời mời gọi ấy để tìm lại ý nghĩa phong phú của thinh lặng trong truyền thông: (1) khởi đi từ một vài nhận định về hiện trạng của truyền thông, đến (2) khám phá lại giá trị của thinh lặng, và (3) hướng tới việc loan báo Tin Mừng.
1. Một vài nhận định về hiện trạng truyền thông
Tháng 3 năm 2012, Encyclopaedia Britannica tuyên bố chấm dứt việc xuất bản bộ bách khoa toàn thư nổi tiếng này. Thay vào đó sẽ là bộ bách khoa online. Một bộ bách khoa có lịch sử lâu đời (ấn bản đầu tiên vào năm 1770, cách nay gần 250 năm), nổi tiếng về học thuật, niềm tự hào của những người yêu sách, nay phải đình bản để nhường chỗ cho ấn bản online.
Vào Wikipedia, người đọc sẽ thấy trong tiếng Anh có gần 4 triệu bài viết về đủ mọi vấn đề, ngay cả tiếng Trung quốc bây giờ cũng có gần 800.000 mục từ.
Tất cả đều nói lên ưu thế của internet trong truyền thông ngày nay: “Đối với nhiều người, muốn tìm lời khuyên, ý tưởng, thông tin và các câu trả lời, thì việc đầu tiên là lên mạng hay vào
mạng xã hội. Trong thời đại chúng ta, internet ngày càng trở thành nơi để hỏi và tìm câu trả
lời " (Sứ điệp Truyền Thông 2012).

Đúng thế, bà nội trợ muốn làm món ăn ngon? Lên mạng. Cô thiếu nữ muốn sắm bộ cánh mới? Lên mạng. Bạn thanh niên tìm kiếm thông tin mới nhất về bóng đá? Lên mạng. Thần tượng ca nhạc mới nổi mặt mũi ra sao? Lên mạng. Ngay cả các linh mục muốn tìm thông tin về thần học, cũng có thể lên mạng.
      
Internet đúng là quà tặng tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa và trí sáng tạo của con người. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Với tốc độ hết sức nhanh và với lượng thông tin khổng lồ như thế, internet có thể làm cho con người trở nên hời hợt, phân tán và lệ thuộc.
Hời hợt. Một chuyên viên phần mềm Macromedia cho biết những người lướt web trung bình chỉ có 7 giây để nhìn vào một giao diện, rồi chuyển sang giao diện khác. Ông nói với các công ty như thế để họ biết phải làm thế nào thu hút người xem. 7 giây! Chỉ bằng một hơi thở sâu và còn thua thời lượng cho việc xỉa răng! Một giám mục kêu lên: Làm thế nào để giới thiệu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trong 7 giây? Làm thế nào để có thể trình bày đức tin công giáo trong 7 giây? Và vì người ta chuyển liên tục từ kênh này sang kênh khác, từ hình ảnh này đến hình ảnh khác, làm sao có được sự sâu sắc? Hời hợt là chuyện dễ hiểu.
Phân tán. Với khối lượng thông tin khổng lồ. Đức Bênêđictô XVI dùng từ “bị dội bom” (bombarded)– tâm trí con người bị phân tán thành nhiều mảnh: “Con người ngày nay thường xuyên bị dội bom vì những câu trả lời cho những câu hỏi mà họ không bao giờ đặt ra và những nhu cầu họ không biết đến” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Bị phân tán vì những thông tin không cần thiết, người ta cũng dần đánh mất sự tập trung vào những câu hỏi thiết yếu nhất trong hành trình làm người, những câu hỏi về cội nguồn, ý nghĩa và cùng đích đời sống.
Lệ thuộc. Bị dội bom liên tục và thường xuyên như thế, con người cũng dễ đánh mất khả năng suy tư độc lập và nhận định khách quan, hoàn toàn lệ thuộc vào những thông tin các trang mạng cung cấp. Mạng nói thế là đúng rồi, mạng viết thế là chính xác rồi! Cho nên cuộc chiến quyết liệt ngày nay là chiến tranh thông tin.

Nhắc lại ở đây chuyện ngụ ngôn hiện đại về chú rùa chắc cũng không thừa. Chú rùa có
 cái mai cứng, tuy nặng nề nhưng bảo vệ mạng sống an toàn. Con cáo nhiều lần dụ chú rùa bán mai cho nó, lấy tiền đi du lịch cho sướng. Dĩ nhiên rùa không tin. Thế rồi một hôm, nhân cáo đi vắng, rùa thò đầu ra xem, thấy màn hình TV thông tin cáo đã “ăn năn sám hối”, không ăn thịt nữa mà chuyển sang ăn chay.
Lại thêm màn quảng cáo đi du lịch bằng máy bay. Rùa bán tín bán nghi. Hôm sau thò đầu ra lại cũng nghe thấy thế. Nhiều lần lặp đi lặp lại, bèn tin. Rùa ngỏ ý bán mai cho cáo. Nhưng ngày rùa bán mai cũng là ngày kết thúc đời rùa !

Tội nghiệp chú rùa chết vì thông tin. Thông tin làm chao đảo tâm hồn, làm mờ xác tín, cuối cùng giết chết niềm tin.
Thế giới thông tin có những mặt trái như thế nhưng chúng ta không thể chạy trốn thế giới đó. Điều may mắn và cũng là điều làm cho con người thành vĩ đại, ấy là mỗi con người vẫn là một chủ thể tự do và có khả năng suy nghĩ độc lập. Ở tự nó, tốc độ nhanh nhạy của internet và lượng thông tin khổng lồ nó cung cấp không thể giết chết ai, trái lại còn làm cho con người thêm phong phú nếu biết sử dụng đúng cách. Một trong những đòi hỏi căn bản là kiến tạo sự thinh lặng nội tâm. Để mình thật là mình. Để tạo khoảng cách với cuộc đời. Để thấy chiều sâu những sự kiện. Để đón nhận những gì thực sự mang ích lợi cho bản thân và xã hội.
“Giữa những phức tạp và đa dạng trong thế giới truyền thông, nhiều người vẫn thấy mình phải chạm trán với những câu hỏi tối hậu về hiện hữu nhân sinh: Tôi là ai? Tôi có thể biết được gì? Tôi phải làm gì? Tôi nên hi vọng gì? Điều quan trọng là phải nâng đỡ những ai đặt câu hỏi này và mở ra cuộc đối thoại sâu sắc về những vấn đề đó. Cuộc đối thoại ấy được tiến hành bằng lời nói, sự trao đổi, nhưng cũng bằng suy tư tĩnh lặng, vốn là điều gì đó ‘hùng biện’ hơn câu trả lời vội vã. Suy tư tĩnh lặng cũng giúp cho người tìm kiếm đạt tới chiều sâu của hiện hữu và mở lòng ra với nẻo đường mà Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim nhân loại” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Vậy thì cần phải ý thức lại giá trị của thinh lặng như thành tố thiết yếu trong hoạt động truyền thông.

2. Tìm lại giá trị của thinh lặng
Thinh lặng để lắng nghe
Hãy thử đặt câu hỏi: trong hoạt động truyền thông, giao tiếp giữa người với người, người nói tác động trên người nghe thế nào? Theo phân tích của các nhà chuyên môn, tác động của lời nói chỉ chiếm 10%, 30% là do âm điệu, còn 60% do ngôn ngữ cơ thể. Đức Bênêđictô XVI hiểu rõ điều này nên ngài viết: “Truyền thông đúng nghĩa nhất diễn ra giữa những người đang yêu: những cử chỉ, những diễn tả trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể là những
dấu hiệu qua đó họ ‘nói với nhau’, tỏ mình cho nhau. Niềm vui, nỗi âu lo, đau khổ, tất cả có thể được truyền thông trong thinh lặng. Thinh lặng cung cấp hình thức diễn tả mạnh mẽ cách đặc biệt” (Sứ điệp Truyền Thông 2012).
Nếu tác động của lời nói chỉ chiếm 10% còn tác động của ngôn ngữ cơ thể chiếm 60%, hóa ra người ta nghe không phải bằng tai mà bằng mắt! Sự thật là thế, video hấp dẫn hơn audio nhiều. Nhưng sâu xa hơn nữa là chính trái tim con người. Mắt chỉ nhìn thấy cái bên ngoài, còn trái tim mới thấy cái bên trong. Nếu người ta nghe bằng mắt hơn bằng tai, ấy là vì cặp mắt là cửa sổ của linh hồn. Cho nên thay vì nói “nghe bằng mắt” thì có thể nói “nghe bằng linh hồn, nghe bằng con tim”.
Để nghe bằng con tim, điều tiên quyết là phải thinh lặng. Thinh lặng tạo không gian tự do cho người khác lên tiếng. Thinh lặng tạo khoảng trống để có thể đón nhận người khác. Thinh lặng làm nên sự chăm chú trước những gì người khác muốn truyền đạt, không những qua lời đang nói mà còn qua ngữ điệu và cử điệu, qua khuôn mặt và những phản ứng của cơ thể. Người ta nghe mà không hiểu nhau, chủ yếu là vì thiếu thinh lặng. Thiếu thinh lặng nên chỉ nghe những gì mình muốn nghe. Thiếu thinh lặng nên chỉ đón nhận người khác cách hời hợt, đón nhận họ như mình muốn chứ không như họ là.
Thinh lặng để có thể nói
Cách đây 30 năm, William Shannon đưa ra nhận xét: “Chúng ta đang sống trong thời đại của ngôn từ. Chúng ta bị ngạt thở, bị chôn vùi, bị tràn ngập vì ngôn từ từ mọi phía. Và những ngôn từ ấy thường ít gây ấn tượng nơi ta vì nhiều quá và hời hợt. Nó không phát sinh từ thinh lặng nhưng từ sự bận rộn”. Nhận xét ấy vẫn đúng và càng đúng hơn nữa cho thời đại ngày nay, thời của computer và internet. Tràn ngập thông tin và rất nhiều thông tin ở bề mặt, hời hợt, phiếm diện, thiếu chiều sâu.

Để lời nói có giá trị, cần thinh lặng, vì “Trong thinh lặng, tư tưởng phát sinh và có được chiều sâu. Trong thinh lặng, chúng ta hiểu rõ hơn điều mình muốn nói và muốn người khác đón nhận. Trong thinh lặng, chúng ta tìm cách diễn tả chính mình tốt hơn” (Sứ điệp Truyền thông 2012). Chắc chắn đây là kinh nghiệm cụ thể và sống động của tất cả những ai hoạt động trong mọi lãnh vực tư duy, từ khoa học tự nhiên đến triết học siêu hình, từ khoa học xã hội đến sáng tạo nghệ thuật. Thinh lặng là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông. Thinh lặng là cung lòng người mẹ cho tư tưởng mang lấy hình hài.
Không trân quý thinh lặng, ngôn từ sẽ thiếu chiều sâu và lời nói thành vô nghĩa. Như Thomas Merton diễn tả, “Nếu đời ta cứ tuôn ra toàn những lời vô ích, sẽ chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ cái gì, sẽ chẳng bao giờ ta trở thành bất cứ cái gì, và cuối cùng, vì ta toàn nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói”.

Thinh lặng làm nên truyền thông
Vì thinh lặng là đòi hỏi cần thiết không những để nghe mà còn để nói, nên thinh lặng làm nên sự giao tiếp đích thực trong truyền thông. Trong thinh lặng, chúng ta phân biệt được những gì là thiết yếu và những gì là phụ thuộc. Trong thinh lặng, chúng ta khám phá mối liên hệ giữa những biến cố và sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng như là những sự kiện rời rạc. Trong thinh lặng, chúng ta phân tích và đánh giá những thông tin, nhờ đó có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc, những ý kiến đáng giá và ích lợi.
Trong Sứ điệp Truyền Thông 2011, Đức Bênêđictô XVI đã nói đến bốn yếu tố của truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Cả bốn yếu tố này đều chỉ có được nhờ thinh lặng.
Nhờ thinh lặng, tôi biết mình rõ hơn và thật với chính mình hơn. Nhờ thinh lặng, tôi hiểu người khác rõ hơn và có thể đón nhận họ. Nhờ thinh lặng, tôi nhìn người khác như họ là chứ không như tôi muốn hay tôi nghĩ họ là như thế. Cũng nhờ thinh lặng, tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình khi phát biểu. Thật vậy, “Thinh lặng và lời nói là hai mặt của hoạt động truyền thông. Hai mặt ấy cần được giữ ở thế quân bình, tác động lên nhau và hòa quyện với nhau để làm nên cuộc đối thoại đúng đắn và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi thinh lặng và lời nói loại trừ nhau thì truyền thông bị bẻ gẫy, vì nó dẫn đến sự mơ hồ hoặc sự lạnh lùng; ngược lại, khi bổ túc cho nhau thì hoạt động truyền thông đạt được ý nghĩa và giá trị” (Sứ điệp Truyền Thông 2012).
3. Để truyền thông Tin Mừng
Những phân tích trên về mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói không nhằm mục đích nghiên cứu tâm lý, nhưng là nền tảng cho suy nghĩ về sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Không phải vô tình mà Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày lễ Thăng Thiên gắn liền với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Vì thế Ngày Thế Giới Truyền Thông gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và trong thế giới hiện đại, Hội Thánh khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ mệnh.
Tuy nhiên thực tế là dù có trong tay những phương tiện truyền thông hiện đại đến đâu chăng nữa thì phương tiện vẫn chỉ là phương tiện. Chính con người –ở đây là các Kitô hữu– mới là chủ thể. Nếu các Kitô hữu không ý thức và tha thiết với sứ mệnh loan báo Tin Mừng thì những phương tiện truyền thông hiện đại cũng không thể giúp gì được, có khi còn gây tác dụng ngược. Vì thế, trong tư cách là người làm công tác truyền thông, bản thân Kitô hữu phải được ‘phúc âm hóa’ để có thể ‘phúc âm hóa’ người khác cũng như những thực tại xã hội.

Nếu thinh lặng là thành tố thiết yếu trong hoạt động truyền thông và giao tiếp giữa con người với nhau, thì thinh lặng lại càng cần thiết hơn nữa trong tiến trình phúc âm hóa. Phải thinh lặng để có thể lắng nghe Đấng không chỉ tỏ mình bằng lời nói nhưng còn qua thinh lặng. Tông huấn Verbum Domini số 21 diễn tả chân lý này hết sức sâu sắc: “Như thập giá Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Khi bị treo trên thập giá, Người đã diễn tả nỗi đau khổ do sự thinh lặng (của Thiên Chúa) gây ra: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34; Mt 27,46). Từ đó, tông huấn nói đến kinh nghiệm của các thánh, các nhà thần bí cũng như của chính chúng ta về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng ngỏ lời trong thinh lặng thì làm sao có thể nghe được tiếng Ngài và đón nhận Lời Ngài khi ta không chấp nhận trở về trong thinh lặng?

Hơn thế nữa, phải trở về trong thinh lặng để có thể nói với Đấng của cõi lặng. Khi đó, thinh lặng trở thành cầu nguyện trong chiêm niệm. Chiêm ngắm công trình tạo dựng kỳ vĩ và tuyệt hảo của Thiên Chúa. Chiêm ngắm hành động cứu độ qua những đường lối lạ kỳ của
Ngài. Chiêm ngắm sự hiện diện vô hình mà sống động của Chúa trong những biến cố của Hội Thánh và thế giới : “Trong thinh lặng của chiêm niệm, Lời hằng hữu hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta khám phá ra kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch sử bằng lời nói cũng như hành động” (Sứ điệp Truyền Thông 2012).
Chỉ khi ấy, chỉ khi bản thân Kitô hữu, nhờ thinh lặng, lắng nghe được tiếng Chúa và đi vào cuộc giao tiếp với Ngài, chúng ta mới có thể truyền thông Lời Chúa như là Lời Chúa thực sự chứ không chỉ là vỏ bọc cho những suy nghĩ của con người ích kỷ và chật hẹp vốn có nơi mỗi chúng ta.
Chính vì thế Đức Bênêđictô XVI khuyến khích những ai làm công tác truyền thông hãy xây dựng những trang web và mạng xã hội “có thể giúp con người ngày nay tìm được thời giờ suy tư và tìm hiểu những vấn đề thiết yếu, cũng như tạo khoảng trống cho thinh lặng và cơ hội cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa”.
Mẹ Têrêxa Calcutta đã diễn tả vẻ đẹp, chiều sâu và sự cần thiết của thinh lặng qua lời cầu nguyện thật thâm thúy:
“Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu thích sự thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng
để ở một mình với Ngài,
trò chuyện, lắng nghe,
và thấm nhuần Lời hằng sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
để nghe được tiếng kêu của người nghèo,
để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi
để biết ca tụng Chúa
và đem lại an vui cho muôn người.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
để tránh mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.
Kết luận
Trong số những từ ngữ đẹp đẽ dành cho Đức Maria, tôi yêu một tên gọi mà Jean Guitton dành cho Mẹ. Ông gọi Mẹ là “Trinh nữ suy tư”. Người trinh nữ ấy “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ không vội vã phản ứng và phát biểu nhưng “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Dĩ nhiên trong thinh lặng của tâm hồn. Trong thinh lặng, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố. Trong thinh lặng, Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ. Và trong thinh lặng, Mẹ “truyền thông” Lời Thiên Chúa cho nhân loại. Mẹ đúng là mẫu gương tuyệt vời của truyền thông.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết yêu mến sự thinh lặng như Mẹ, để chúng con được trở nên những người truyền thông Lời Chúa như Mẹ đã ban tặng Đức Giêsu cho chúng con.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc HĐGMVN

 
 

15 thg 5, 2012

CHÚA LÊN TRỜI

Chúa Nhật VII Phục Sinh - B

“ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo .” (Mc 16,15 -16)



10 thg 5, 2012

YÊU NHƯ THẦY


Chúa Nhật VI Phục Sinh - B
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu
của mình”.
(Ga 15,9-17)

7 thg 5, 2012

NHỮNG TUYỆT TÁC

Sống động như thật những tuyệt tác của họa sĩ Collin Bogle


Hãy thưởng thức và cảm nhận những hình ảnh này bạn nhé! Bạn dễ dàng lầm tưởng đấy là những hình ảnh của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp cảnh thiên nhiên hoang dã.

 Nhưng những hình ảnh đẹp đến từng chi tiết làm mê đắm lòng người ấy không phải đến từ nghệ thuật nhiếp ảnh mà là tuyệt tác của họa sĩ tài năng Collin Bogle.

Họa sĩ  Collin Bogle đã dùng phấn màu, bút chì màu, màu nước, acrylic, kết hợp tất cả những gì cần thiết để tạo ra bức tranh tuyệt đẹp, thực tế và gần như là những bức ảnh chụp.

Phải công nhận rằng ông đúng là một họa sĩ đỉnh cao trong ngành hội họa thế giới nhất là cảnh động vật hoang dã.

 Chúng làm ta như sống thật với khung cảnh rừng rậm, như nhìn thấu những xúc cảm, và cái thần của từng loài động vật qua những tác phẩm của ông.

Nghệ thuật vẽ tranh của Ông luôn cuốn hút người xem bởi sự gần gũi với thiên nhiên.
Nào bạn hãy cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác của Collin Bogle, tôi tin rằng bạn cũng sẽ bị mê hoặc vào đó giống như tôi.







HOA THÁNG NĂM

 Thiếu Nhi Thiên Ân
Dâng Hoa Mừng Kính Mẹ

6 thg 5, 2012

TÌNH YÊU CHIẾU SÁNG TRONG ĐÊM



Có người đã kể lại mẫu chuyện sau đây:
Vào một buổi chiều tà của mùa hè, bầu trời rất đẹp. Trong khi đi dạo, tôi nhìn thấy một cậu bé độ khoảng 10 tuổi và một người phụ nữ trên bãi đất trống.


 Đứa trẻ đang bắn vào chiếc bình thủy tinh bằng một chiếc ná thô sơ đặt ở dưới đất cách nó khoảng bảy tám mét.
Đứa trẻ đó khi bắn lệch đến một mét, mà còn lúc cao lúc thấp nữa. Tôi đứng sau lưng cậu bé không xa, nhìn sững cậu, bởi vì tôi chưa từng thấy đứa trẻ nào bắn ná lại tệ như thế.

Người phụ nữ ngồi trên bãi cỏ, nhặt một viên đá từ trong hai đống đá nhẹ nhàng đặt vào tay của cậu bé với một nụ cười khoan dung. Cậu bé đặt viên đá lên miếng da và bắn, rồi tiếp tục nhận viên đá khác. Từ ánh mắt của người phụ nữ ấy, có thể đoán được bà là mẹ đứa bé ấy.

Cậu bé rất chăm chỉ, nín một hơi, ngắm thật lâu rồi bắn một viên. Tôi đứng bên cạnh cũng đoán biết viên này chắn chắn không trúng, nhưng cậu vẫn bắn.

Tôi tiến về phía trước nói với người mẹ:
- Để tôi dạy cháu bắn được không ?
Người mẹ nhìn tôi cười:
- Cảm ơn anh, không cần đâu !
Chị im lặng một lúc, nhìn về đứa bé, khẽ nói:
( Ảnh minh họa )

- Cháu nó không thấy đường.
Tôi ngẩn người ra. Một hồi lâu tôi mới lắp bắp nói :
- Vậy… tôi xin lỗi ! Nhưng tại sao… ?
- Những đứa trẻ khác đều chơi như thế.
Tôi ngập ngừng một hồi rồi nói:
- Nhưng cháu nó… làm sao bắn trúng ?”
- Tôi nói cho anh biết, nhất định sẽ bắn trúng – người mẹ bình tĩnh nói – mấu chốt là cháu nó quyết tâm hay không.

Tôi im lặng.
Một hồi lâu, cậu bé từ từ chậm lại, cậu đã thấm mệt.
Nhưng người mẹ không nói gì, vẫn khoan thai nhặt đá, mỉm cười trao cho con, chỉ có nhịp độ trao cũng chậm lại.

Tôi dần phát hiện, đứa trẻ này bắn rất có quy luật, cậu bắn một phát, di chuyển sang một chút, bắn thêm phát nữa, lại chuyển địa điểm, sau đó từ từ di chuyển trở lại.
Cậu chỉ có thể nhận biết phương hướng một cách đại khái mà thôi.

Gió đêm nhẹ nhàng thổi, tiếng dế trong bãi cỏ râm ran. Vài ngôi sao thưa thớt trên nền trời.

 Tiếng “pằng” của miếng da bắn và tiếng “bịch” của viên đá chạm đất lặp đi lặp lại một cách khô khốc. Đối với cậu bé ấy, đêm hay ngày thì có khác biệt gì cơ chứ.
Một hồi lâu nữa, sắc đêm đã buông xuống, tôi không còn nhìn rõ chiếc bình nữa.

“Xem ra hôm nay cậu bé không bắn trúng rồi”. Tôi nghĩ. Do dự một lúc, tôi nói tiếng “tạm biệt” và xoay người bước đi.

Đi được không xa, đằng sau vang lên một tiếng vỡ lanh lảnh của thủy tinh.

MỘT CHÚT SUY TƯ

Người thắp lên ánh sáng trong đêm
Trong câu chuyện ở đây bà mẹ là người đã thắp lên ánh sáng trong đêm cho đứa con mù lòa tội nghiệp.

 Biết bao người đang sống trong đời tăm tối. Tăm tối không phải chỉ là không còn thấy ánh sáng mặt trời, mà còn không thấy cả ánh sáng chân lý, những điều thiện hảo, sự cao cả tâm linh. Có những người tuy đôi mắt thể xác mù lòa mà đôi mắt tâm hồn vẫn nhìn thấy xuyên suốt bao vẻ đẹp kỳ diệu của cuộc sống.


Ai trong chúng ta cũng hơn một lần chìm đắm trong đêm tối. Đêm tối của thiên nhiên, và đêm tối của tâm hồn. Như một người đi lạc vào rừng sâu không còn tìm được lối ra. Không tìm thấy được một chút ánh sáng cho dù chỉ là một ánh sao lẻ loi xuyên qua cành lá…

Lúc ấy, ta rất cần ai đó thắp lên cho ta ánh sáng hy vọng. Ánh sáng đó có khi rất bé nhỏ nhưng chứa dựng một tình yêu quá lớn của một tâm hồn quảng đại đang thật sự quan tâm tới cuộc sống của ta.

Nhiều người chỉ biết đòi hỏi người khác quan tâm đến mình. Đời của họ nhiều may mắn. Họ sống trong nhà cao cửa rộng và chưa từng biết thế nào là đồng tiền đẩm ướt mồ hôi và nước mắt. Nhưng họ vẫn thấy mình thiếu thốn.

Sự thiếu thốn đáng thương ấy không bao giờ được lấp đầy vì họ chưa bao giờ có niềm vui của sự cho đi. Họ luôn phàn nàn người này người khác không quan tâm đến họ mà họ chưa bao giờ nhìn thấy được những  giọt lệ âm thầm trong tâm hồn của những người khác.

Hơn ai hết, ở đây, người mẹ nhận ra đêm tối bao phủ cả đời đứa con yêu quý của mình. Đứa bé còn quá nhỏ để biết cách làm thế nào định hướng trong đêm tối.

“Bắn vào chiếc bình thủy tinh bằng một chiếc ná thô sơ” là một trò chơi nhỏ, nhưng là bài học lớn cho đứa trẻ mai sau. Chàng thanh niên sau này sẽ biết nhắm đến mục tiêu chính xác của đời mình trong thế giới không có ánh sáng mặt trời.

Trò chơi nhẹ nhàng với “huấn luyện viên” là người mẹ thật khôn ngoan và giàu tình thương.

Đích điểm cuộc đời
Để sống có ý nghĩa, đời ai cũng phải có mục đích nhắm đến. Mục đích ấy không nằm ngoài vòng Chân Thiện Mỹ.

Có lúc, trong dòng đời, ta đóng vai “người mẹ” để thắp sáng niềm tin cho người. Có lúc, ta đóng vai đứa trẻ lòa, cần đón nhận tình thương và biết tận dụng mọi nguồn tiếp sức để tiến bước.

Mặt trời vẫn chiếu sáng trong không gian nhưng tối tăm vẫn còn đó trong lòng người. Người sáng mắt chưa hẳn đã thấy rõ đích điểm của đời mình. Người mù lòa chưa hẳn đã hoàn toàn mất phương hướng.
                                                                                ( Ảnh minh họa )

Ai trong cuộc sống cũng mong từng giây phút đời mình là ánh sáng.
Có lần tôi đến dự ngày sinh nhật năm thứ 7 của một bé gái mù.

- Mẹ ơi, mẹ đốt nến chưa mẹ .
- Xong rồi, con gái cưng của mẹ !
- Con muốn “thấy” 7 cây nến đang cháy, mẹ ạ !
- Được rồi… được rồi… để mẹ sắp đặt lại cho con “xem” nhé !

Tôi rất lấy làm lạ, đứa bé mù làm sao “thấy” được nhỉ ? Tôi chăm chú theo dõi hai mẹ con bà.
Bà mẹ lấy 7 cây nến đang cháy ra khỏi ổ bánh to, cắm thành một hàng dài trên bàn.
- Này, con gái mẹ lại đây.
Bà âu yếm bồng cô bé đến gần cái bàn rồi cầm bàn tay bé nhỏ của cô bé, đặt phía trên cao cây nến đang cháy đầu tiên, bà từ từ hạ thấp dần bàn tay của cô bé xuống gần ngọn nến, và hỏi:
- Con thấy cây nến cháy chưa nào ?

Im lặng một lúc.
Nhận biết hơi nóng ngọn lửa cây nến đang cháy, cô bé nở nụ cười hồn nhiên:
- Con “thấy” cây nến đang cháy rồi, mẹ ạ…
- Một cây rồi nhé…
Rồi bà tiếp tục làm lại động tác y như thế…
Miệng không ngừng tươi cười, cô bé đếm sau mỗi lần bàn tay đặt gần trên ngọn nến :
- Hai cây …ba cây…sáu cây rồi hả mẹ ?
Bà mẹ ngọt ngào :
- Ừa, sáu cây rồi đó, con gái cưng của mẹ !
- …. Ah ! bảy cây ! Hết rồi hả mẹ !
- Ừa, hết rồi, con bảy tuổi mà ! Con muốn già thêm một tuổi hả ?
Hai mẹ con cùng cười vang lên.
Bà ôm hôn con, và cắm mấy cây nến trở lại vào ổ bánh.
Tôi quay sang nhìn nơi khác. Nước mắt tôi rơi lúc nào không hay !

Người khôn ngoan luôn đi tìm và nhận ra thứ ánh sáng bất diệt, chiếu soi cả vạn vật và mọi ngỏ ngách tâm hồn mình. Ánh sáng bất diệt ấy chỉ có thể tìm thấy từ một cuộc hành trình cam go và nhẫn nhục của những con người thành tâm thiện chí mang khát vọng về những giá trị thiêng liêng và vĩnh cửu của thân phận con người. 

Ngay cả khi cuộc đời xem ra hoàn toàn tăm tối, Ánh sáng ấy vẫn sáng rực trong tâm hồn họ. Ánh sáng Tình Yêu chân chính.
MAI NHẬT THI


3 thg 5, 2012

MỪNG KÍNH THÁNH GIUSE THỢ



CẢ DÂN TỘC ĐANG “BỊ ĐẦU ĐỘC” BỞI HÓA CHẤT

Trong khi tại các quốc gia Âu Mỹ, người dân được bảo vệ tối đa trước các thực phẩm độc hại, thì tại Việt Nam người dân phải tự bảo vệ mình là chính. Nhưng bảo vệ thế nào được khi mà hầu như tất cả các đồ ăn thức uống, thậm chí đồ may mặc cũng tràn ngập hóa chất độc hại. Báo chí đã nêu danh nhiều, đã lên tiếng nhiều, sau khi đã chứng minh hẳn hoi. Nào là nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư, sữa nhiễm Mêlamine, phở ướp phoocmôn; nào là heo siêu nạc chứa chất độc clenbuterol, nào là gà vịt bị tẩm hoá chất tạo màu bắt mắt, v,v... và gần đây nhất là vụ cá diêu hồng được nuôi bằng thực phẩm có chứa chất cực độc. Tuy nhiên còn bao nhiêu thứ thực phẩm bị nhiễm độc khác chưa được phanh phui thì sao?

Người dân Việt Nam vẫn thường được khuyến khích hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh. Nhưng thông minh thế nào đây khi mà hầu như tất cả đồ ăn thức uống đều bị đầu độc. Được bao nhiêu người thông minh giữa một đất nước đa phần là những người nông dân chân lấm tay bùn, ít học. Vả lại thông minh quá chắc là không còn biết ăn uống gì nữa, trừ khi tự mình cung cấp mọi thứ. Đã từng có một cựu Tổng bí thư khuyên người dân không nên mua rau ngoài chợ. Nhiều người nghèo nghe mà cảm thấy tủi thân. Họ tự hỏi vậy thì mua rau ở đâu? Lên cung trăng mà mua ạ!


Ngay cả những mặt hàng được kiểm định chất lượng VSATTP cũng không đáng tin là an toàn. Bởi vì rất thường người ta chỉ kiểm định lấy có, kiểm định chiếu lệ. Những con dấu kiểm định được đóng lên thực phẩm hay đồ dùng mà không phải nhọc công kiểm định hoặc kiểm định một cách qua loa vô trách nhiệm. Một phần cũng vì khâu nhân sự dành cho lĩnh vực kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại Việt Nam dường như bị bỏ ngỏ: vừa thiếu vừa yếu. Có những nơi thiếu trầm trọng. Đây cũng là hậu quả của chương trình đào tạo nguồn nhân lực hiện nay quá bất cập.


Nguyên nhân để cho cả một thị trường bị tràn ngập hóa chất độc hại đã rõ. Trước hết là do lòng tham của con người: để có tiền người ta làm đủ mọi cách kể cả việc đầu độc người khác. Thứ đến là do quản lí quá lỏng lẻo, thậm chí nhiều khâu, nhiều công đoạn trong sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, tiêu thụ bị thả nổi. Sau nữa là do xử lí không nghiêm minh: theo kiểu đánh trống bỏ dùi, hoặc theo phong trào rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Nhưng sâu xa hơn là lương tâm người ta đã bị cơ chế làm cho không còn nhận ra đâu là tội, đâu là lỗi. Hay nói một cách hình tượng là lương tâm đã bị rụng hết răng rồi nên không còn cắn rứt khi làm điều ác, điều hại với đồng loại. Chính vì thế dù làm những điều ác với đồng loại, người ta vẫn cứ ăn ngon ngủ ngon.


Bao nhiêu thứ mặt hàng của Trung Quốc bị cấm nhập khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ… vẫn được tuồn vào Việt Nam một cách vô tư sau khi đã cho thay đổi nhãn mác. Chính tâm lí ham của rẻ, của lạ cũng là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho những kẻ làm hàng nhái, hàng dỏm, hàng kém chất lượng, hàng độc hại sống phây phây.

Hậu quả là gì? Hậu quả là hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô tập thể, có những vụ ngộ độc lên tới hàng ngàn người (đặc biệt là tại các khu công nghiệp). Ngày 27.4, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC bị một tòa án Úc ra lệnh bồi thường 8,3 triệu USD cho gia đình một bé gái bị tổn thương não nặng và phải ngồi xe lăn, sau khi ngộ độc vì ăn thịt gà của hãng này. Đọc tin tức này thấy thương cho người dân Việt Nam! Bị ngộ độc phải cấp cứu mà không được bồi thường một đồng cắc nào? Các nhà hàng, quán ăn gây nên ngộ độc, chỉ cười trừ. Huề cả làng. Buồn!

Hậu quả là gì nữa? Hậu quả là bệnh tật ngấm ngầm ngày càng nhiều. Dòng giống người Việt bị thoái hóa trầm trọng. Rất nhiều trường hợp vô sinh cũng có nguyên nhân từ việc ăn uống những thứ có nhiều hóa chất độc hại mà các bác sĩ đã chỉ rõ. Rất nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật cũng vì cha mẹ bị phơi nhiễm quá nhiều các hóa chất độc hại từ các đồ ăn thức uống kém chất lượng. Nghiêm trọng nhất đó là chưa bao giờ người Việt Nam lại phải đối mặt với đại nạn ung thư lan tràn như ngày hôm nay. Chắc chắn trong tương lai người ta còn phải xây dựng nhiều bệnh viện, nhiều trung tâm ung bướu nữa, nếu tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm không được cải thiện.


Người ta vẫn thường rêu rao đất nước Việt Nam yên bình vì không có chiến tranh, không có những xáo trộn về chính trị… Nhưng thực tế thì lòng người xáo trộn và bất an hơn bao giờ hết. Ra đường thì nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, xuống phố thì thấp thỏm sợ lo bị trộm cắp. Vào bếp thì canh cánh lo sợ nổ bình ga, vào bàn ăn thì áy náy sợ lo không biết đồ ăn thức uống có đảm bảo an toàn không đây? Bao nhiêu thứ hoá chất đang rình rập bủa vây? Nhất là những thứ thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ăn uống là một nhu cầu sinh tồn của con người. Người ta không thể tồn tại nếu không ăn không uống. Ăn sạch uống sạch thì mới khỏe mạnh, nhưng ăn uống bây giờ là đồng nghĩa với việc tích lũy mầm bệnh. Câu tục ngữ: “Bệnh từ miệng vào” quả đã trở thành câu tục ngữ mang tính thời sự hơn lúc nào hết. Bao nhiêu thứ hóa chất độc hại mà người dân Việt Nam đang vô tình rước vào thân sẽ còn xuất hiện dài dài trên bản danh sách liệt kê của các tờ báo đây?

Biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới có thể an toàn ngồi vào bàn ăn, mà không còn lo cái nỗi lo ăn phải thức ăn gì nguy hại đây? Biết đến bao giờ các bà nội trợ mới hết phải đắn đo suy nghĩ chọn lựa thức ăn nào là an toàn và thức ăn nào là không an toàn đây? Biết đến bao giờ các y bác sĩ Việt Nam mới có thể ngồi rung đùi uống cà phê giữa các ca trực mà không còn phải ưu tư nhiều vì phận người sao lắm bệnh tật khổ đau?

Đau khổ vì nghèo đói đã là thứ đau khổ hạ thấp phẩm giá con người; đau khổ vì bệnh tật, mà bệnh tật do bị đầu độc bởi các hóa chất phải chăng là thứ đau khổ làm cho người ta uất hận hơn hết ?

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long