28 thg 2, 2013

Tin chi tiết Ngảy cuối cùng của Triều Đại GH Benedicto XVI

 

  AUDIO VATICAN   

 

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gọi là "Đức Giáo Hoàng danh dự" (Pope emeritus). Cha Federico Lombardi, SJ, Trưởng phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba 26 tháng Hai. Ngài cũng được gọi là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật cho biết sáng thứ Sáu 22 tháng Hai vừa qua. Về y phục, ngài sẽ mặc y phục trắng như hiện nay nhưng không có mozzetta (áo choàng vai) .

 
 

Hơn 50,000 vé đã được phát ra cho buổi triều yết chung cuối cùng của Đức Giáo Hoàng vào ngày thứ Tư 27 tháng Hai, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều anh chị em tín hữu tham dự hơn. Sau khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Giáo Hoàng sẽ đến điện Clementine để gặp gỡ một số viên chức chính quyền dân sự trong đó có tổng thống Slovakia và chủ tịch vùng Bavaria của Đức.

Vào buổi sáng ngày 28 tháng Hai, ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ một lần nữa tại điện Clementine, các vị Hồng Y đang có mặt tại Rome. 

Lúc 4:55 chiều tại sân San Damaso của Điện Tông Tòa và trước đội vệ binh Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các thành viên khác trong giáo triều Rôma sẽ chia tay với Đức Thánh Cha. 

Máy bay trực thăng chở Đức Giáo Hoàng sẽ hạ cánh tại Castel Gandolfo lúc 5:15 chiều. Đón Đức Thánh Cha tại đây có Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Đức Giám mục Giuseppe Sciacca, là thống đốc và tổng thư ký của thành Vatican cùng với Đức Giám mục Marcello Semeraro là Giám Mục Giáo phận Albano, chính quyền dân sự và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ xuất hiện trên ban công của biệt điện Castel Gandolfo để chào đón những người tập trung tại quảng trường này để chào ngài. 

Vacante Sede, tức là thời gian trống ngôi Giáo Hoàng sẽ bắt đầu lúc 8:00 tối và đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo được giải tán. Hiến binh Vatican sẽ thay thế các Ngự Lâm Quân để bảo vệ cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Cha Lombardi cũng cho biết thêm là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ không còn sử dụng "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ", vì chiếc nhẫn này sẽ bị phá hủy cùng với dấu ấn của triều đại giáo hoàng. 

Nhiệm vụ này sẽ do Đức Hồng Y Nhiếp Chính Tarcisio Bertone và các phụ tá của ngài thực hiện. 

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng sẽ không còn mang đôi giày đỏ Giáo Hoàng. 

Sáng 01 tháng Ba, Đức Hồng Y Niên Trưởng sẽ gởi thư mời các Hồng Y về Rôma để tham dự Cơ Mật Viện. Cha Lombardi nói thêm: "Do đó, có khả năng, là Mật Nghị Hồng Y sẽ bắt đầu vào tuần tới,"

ĐẶNG TỰ  DO

23 thg 2, 2013

CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY - Năm C





















Tin Mừng: Lc 9,28b-36
           
Hôm ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê, và một cái cho ông Ê-li-a". Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

22 thg 2, 2013

Tháng 02 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 4)

ĐỨC TIN VÀ TỰ DO
Khai triển nội dung
1. Tự do là khả năng tự mình làm những hành động có ý thức, tự mình chọn lựa hành động hay không hành động, làm việc này hoặc làm việc khác. Tự do là nét đặc trưng cao cả của con người, nhờ đó chúng ta phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Cũng vì có tự do, nên con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, tùy theo mức độ các hành vi ấy phát xuất từ ý muốn của họ như thế nào. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa là vinh phúc của chúng ta.
2. Ân sủng của Thiên Chúa ban không hủy diệt tự do nơi chúng ta. Đúng hơn, ân sủng ấy nâng đỡ để chúng ta sử dụng tự do cho phù hợp với ý nghĩa của Sự Thật và Sự Thiện mà Thiên Chúa đã đặt để nơi trái tim con người. Chính Sự Thật và Sự Thiện này giải thoát chúng ta, làm cho chúng ta nên những con người tự do đích thực. Bằng tác động của ân sủng, Chúa Thánh Thần giáo dục chúng ta về sự tự do thiêng liêng, thúc đẩy chúng ta tự nguyện cộng tác vào công trình của Ngài trong Hội Thánh và trong thế giới: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Đức Maria và các thánh là những mẫu gương cụ thể về mối tương quan hài hòa tuyệt hảo giữa ân sủng Thiên Chúa và tự do của con người.
3. Đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là hành vi của con người có lý trí và tự do. Do đó, đức tin và tự do gắn bó chặt chẽ với nhau: “Không được cưỡng bách bất cứ ai hành động trái với lương tâm, cũng như không được ngăn cấm họ hành động theo tiếng lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo” (Tuyên ngôn về Tự Do, số 3). Chúa Giêsu là mẫu mực điển hình cho mọi người noi theo. Người đến để làm chứng cho chân lý nhưng không bao giờ Người dùng sức mạnh để áp đặt chân lý. Vương quốc của Người tăng trưởng bằng tình yêu, tình yêu của Đấng đã chịu giương cao trên thập giá để lôi kéo người ta đến với mình.
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Tự do là gì?
Thưa: Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức (số 363).
Hỏi: Đức tin giúp gì cho sự tự do của con người?
Thưa: Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là Sự Thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta (số 363).
Ý cầu nguyện:
Cầu cho những anh chị em thuộc mọi tôn giáo đang chịu bắt bớ và bách hại vì niềm tin tôn giáo của họ.

Tháng 02 - NĂM ĐỨC TIN (Tuần 3)

ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Khai triển nội dung

1. Nền tảng của đức tin Kitô giáo là uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải, Đấng không thể sai lầm và cũng không thể lừa dối chúng ta. Tuy nhiên, để nâng đỡ đức tin của chúng ta, Thiên Chúa cũng ban cho những bằng chứng bên ngoài về mặc khải của Ngài. Chẳng hạn, các phép lạ của Đức Kitô và các thánh, các lời tiên tri, sự phát triển và thánh thiện cũng như sự phong phú và vững bền của Hội Thánh…tất cả là những dấu chỉ chắc chắn của mặc khải và lý trí con người có thể tiếp nhận.

2. Những chân lý mặc khải có thể bị coi là tối tăm đối với lý trí cũng như kinh nghiệm của loài người. Chẳng hạn, làm sao một trinh nữ lại có thể thụ thai và sinh con? Làm sao một con người chịu đóng đinh trên thập giá lại có thể là Đấng Cứu độ? Những câu hỏi tương tự khiến con người cảm thấy nghi nan. Thế nhưng đức tin lại chắc chắn hơn mọi hiểu biết của loài người, vì lý trí con người có nhiều giới hạn, còn đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng toàn năng và toàn tri: Trời đất này sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói với anh em sẽ không qua đi. Cũng vì thế, gắn liền với đức tin là việc các tín hữu muốn biết rõ hơn và sâu hơn về Đấng mình tin và những điều Ngài mặc khải. Một đàng, ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Eph 1,18) để chúng ta hiểu biết Chúa hơn; đàng khác, sự hiểu biết sâu xa sẽ giúp chúng ta tin tưởng và yêu mến Chúa hơn.

3. Trong tương quan giữa đức tin và khoa học, Hội Thánh nhấn mạnh rằng không thể có sự mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, bởi lẽ cả hai đều chung một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng mặc khải các mầu nhiệm và tuôn đổ đức tin, cũng chính Ngài là Đấng ban ánh sáng lý trí cho tâm hồn con người. Do đó, không thể có mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, giữa những chân lý mặc khải và nghiên cứu khoa học, nếu những nghiên cứu ấy được tiến hành cách khoa học thật sự và theo đúng các chuẩn mực luân lý.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Đức tin có liên quan gì đến lý trí tự nhiên?

Thưa: Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, được lòng muốn thúc đẩy do tác động của Thiên Chúa, để tự do chấp nhận chân lý Thiên Chúa (số 28).

Hỏi: Tại sao không có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học ?

Thưa: Dù đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cả hai đều có cùng một cội nguồn là chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và ban đức tin cho con người.

Ý cầu nguyện:

Xin cho những ai tìm kiếm Chúa được gặp Chúa. Xin cho những người đã gặp Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa hơn.

16 thg 2, 2013

THỨ TƯ LỄ TRO


Tin Mừng: Mt 6,1-6.16-18 

 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh…"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.”

13 thg 2, 2013

MÙNG 3 TẾT:Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Lời Chúa Mt 25,14-30

 

     Bấy giờ, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.  Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.  Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.  Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.  Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.  Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói :"Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây."  Ông chủ nói với người ấy : "Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !" Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói : "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy : ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói : ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. ' Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !’' Ông chủ đáp : "Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,  thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ ! ''Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. "Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. " Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’'

11 thg 2, 2013

Mùng 2 Tết:Biết Ơn Tổ Tiên-Ông Bà-Cha Mẹ.

 
Lời Chúa: Mt 15,1-6
       Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu và nói rằng:  "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" Người trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?  Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.  Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

10 thg 2, 2013

MÙNG 1 TẾT - CẦU BÌNH AN NĂM MỚI

 NGÀY THÁNG & THỜI GIAN LÀ CỦA CHÚA

“Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và sự công chính của Người” (Mt 6,33)


Lời Chúa: Mt 6,25-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?" Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

9 thg 2, 2013

MỪNG GIAO THỪA - ĐÓN NĂM MỚI

MỪNG ĐÓN XUÂN VỀ, VUI THÁNH ĐỨC - THIÊN ÂN GIÁNG PHÚC, CHÚC AN KHANG.

PHÚT GIAO MÙA

3 thg 2, 2013

CHUYỆN LÌ XÌ

Từ tuổi trung niên trở lên, không ai lại không biết câu đối rất phổ biến:

Đêm Ba mươi, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa

Sáng mồng Một, giơ tay bồng ông Phú vào nhà.

Vì “bần hàn” mà bị gọi là “thằng”, và bởi “phú quý” nên được gọi là “ông”. Cũng vậy, vì nghèo mà bị gọi là “kẻ nghèo”, mà “nghèo” thì đi với “hèn”; còn nhờ giàu mà được gọi là “người giàu”, mà “giàu” thì đi với “sang”.

Cũng là con người – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, thế mà nghèo bị dùng chữ KẺ, còn giàu được dùng chữ NGƯỜI. Về “thể” trong khi dùng động từ thể thụ động cũng vậy, chữ “bị” dùng cho kẻ nghèo, còn chữ “được” dùng cho người giàu. Ngoại ngữ không diễn tả được như Việt ngữ. Như vậy, Việt ngữ thâm thúy nhưng cũng thật “đau khổ” cho kẻ nghèo hèn.

Cũng là đại từ chỉ ngôi thứ hai số ít, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Cái “phú quý” thường được hiểu theo nghĩa “vật chất” và “tiền bạc”, hiếm có người nghĩ tới cái “phú quý” theo nghĩa tinh thần!

Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng “lì xì” rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta “kiểu cách” hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho “ra vẻ”. Đúng là chỉ trọng “bề ngoài”, mà trọng bề ngoài thì chứng tỏ “yếu kém” nội tâm. Sao không lì xì hai ba chục ngàn đồng tiền Việt cho tiện, lì xì 2 USD chỉ thêm khó khăn cho người được lì xì, vì họ lại phải đi đổi ra tiền Việt. Thật là “rách việc” và phiền toái quá!

Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, “lì xì” có tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành “lê-i-xị”, ám chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.

Ở Việt Nam, “lì xì” được hiểu một cách đơn giản là “tiền mừng tuổi”. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc người nhận quanh năm sung mãn, may mắn, phát đạt. Như vậy, ý nghĩa chính của “tiền lì xì” không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức là ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì “nặng” hay “nhẹ” (nhiều hay ít tiền) không phải là điều đáng lưu tâm. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay, văn hóa lì xì đang bị lạm dụng thái quá, bị “biến tướng” thiên hình vạn trạng và rất tinh vi. Do đó, người lì xì cảm thấy phải… “nghĩ ngợi” và “đau cái điền”! (*)

Nếu định nghĩa cho vui, theo kiểu “trào phúng thực tế” hoặc “tự điển tra ngược”, thì lì xì là vì người kia “lì” quá nên đành phải “xì” tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là “lì xì ngược” và “lì xì xuôi”.

Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì “thái quá” thì cũng hóa “bất cập”, gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì cũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể “trình độ” người nghèo hơn hẳn người giàu, nhưng nói gì cũng không ai tin, nói đúng cũng bị cho là sai. Quả thật, “miệng nhà quan có gang, có thép”. Còn miệng nhà nghèo? Chắc là “miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi”!

Chuyện đời là thế đã đành. Chuyện “nhà đạo” cũng không khá hơn. Nói là một chuyện, làm là chuyện khác!

Ở Giáo hạt P. thuộc GP X. có linh mục nọ “chịu khó” đi chúc tuổi mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhưng đi là cốt để nhận những phong bì – tất nhiên càng “nặng” càng… tốt! Suốt khoảng 10 năm, linh mục này đều đi “chúc tết” như vậy. Linh mục là chủ chăn, bổn phận là quan tâm chăm sóc đoàn chiên, đi chúc tết các gia đình là nhiệm vụ, tạo sự gần gũi và hiểu nhau hơn, vậy mà sao lại “đòi” phải có phong bì? Có những người đã từng phải đóng cửa, tránh né để không phải tiếp người đến chúc tết nhà mình. Chuyện “lạ” thật, và cũng… buồn thật!

Cũng tại Giáo hạt P. thuộc GP X., một linh mục khác nói rằng mọi năm đi chúc tết các gia đình thì không nhận lì xì, nhưng năm Nhâm Thìn (2012) thì linh mục này “xin được nhận”. Nghe chừng rất “tế nhị” và “lịch sự”. Linh mục này nói thêm: “Chúng tôi không nhận cho bản thân, chỉ nhận cho giáo xứ, lý do là giáo xứ còn thiếu tài chính khi phải tổ chức thứ này hoặc thứ nọ”. Nói như vậy có điều gì đó vẫn “tiêu cực”. Giáo xứ này thuộc vùng quê, còn nhiều người nghèo, chắc chắn những người nghèo phải “nghĩ ngợi” lắm lắm. Phải chi linh mục này nói thêm rằng “quý vị đừng ngại, ít nhiều gì cũng được, không có cũng không sao, cái chính là chúng ta chúc tết nhau”, như vậy thì những người “thiếu điều kiện” sẽ đỡ tủi thân hơn. Và chắc rằng như vậy sẽ đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn, vì “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14), và lần khác, Ngài đã gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15:32). Rõ ràng là Chúa luôn cảm thấy chạnh lòng thương những người nghèo. Thiết tưởng Phúc âm tường trình quá rõ ràng, không cần nói gì thêm!

Đi chúc tết trong 2 ngày (mùng 2 và 3, hoặc mùng 3 và 4), mà số gia đình khoảng gần 2.000 hộ thì thời gian “ngồi đối thoại với nhau” quá ít, thể hiện “nghi thức” cũng hết thời gian rồi, tình cảm chỉ chiếu lệ mà quan trọng không gì hơn là “phong bì”!

Tại TGP Saigon, một linh mục mới về nhận xứ gần năm nay, linh mục này không đi chúc tết đúng ngày Xuân mà đi trước Tết cả tháng trời, linh mục này đến thăm hỏi và tạo sự thân thiện giữa chủ chăn và đoàn chiên, mỗi tuần đi một khu, nhờ vậy mà thời gian “ngồi đối thoại với nhau” nhiều hơn.

Cũng tại TGP Saigon, một linh mục chưa qua ngũ tuần xây dựng một nhà thờ thuộc loại “nổi bật” với một ý xanh rờn: “Chưa thấy Rôma thì cứ tới đây”. Xây nhà thờ xong thì nợ vài tỷ đồng. Rồi thuê “ca sĩ” về làm show với giá vé 200.000 đồng để “cứu vãn”. Hàng tuần, có những ngày giáo dân phải “nghĩ ngợi” nhiều vì bị “xin tiền” tới 3 lần: Mỗi giáo dân tới dự lễ đều nhận 1 thư ngỏ, giữa lễ thì có xóc giỏ, sau lễ lại có những người cầm giỏ đứng ở các cửa và cổng để chờ “lòng hảo tâm”. Hết ý! Giáo dân “than phiền” nhiều nhưng… vô ích. Được biết, Tết Nhâm Thìn 2012, các gia đình cũng “bị” linh mục chính xứ đi chúc tết, và vấn đề chính vẫn là “chuyện lì xì”. Tội nghiệp giáo dân vì họ bị “nhức đầu” kinh niên!

Ngày xưa người ta nói: “Đi chùa tốn gạo, đi đạo tốn công”. Điều đó cho thấy một “thực tế”, vì các thiện nam và tín nữ đi chùa thường có những “thói quen” như làm công quả, bố thí, phát tâm cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng,… Nghĩa là “tốn công và tốn của”. Nhưng “đi đạo”, ý nói theo đạo Công giáo, chỉ tốn công sức (dự lễ, xưng tội, đọc kinh, cầu nguyện, làm việc tông đồ,…). Tuy nhiên, ngày nay không còn “thuần túy” như vậy vì nhiều lý do quá ư là “thực tế”! Ngày xưa, khi Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP Saigon) còn sống, ngài đã có Thư Chung nói về việc “không ủng hộ xây dựng nhà thờ” (có đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc).

Người viết không có ý “bới bèo ra bọ” hoặc “vạch lá tìm sâu”, cũng không có ý tiêu cực mà có ý tích cực xây dựng – con người, xã hội, giáo hội, và đất nước. Theo lẽ thường thì niềm vui người ta không nhớ lâu, thậm chí là dễ quên, nhưng nỗi buồn thì luôn làm người ta nhớ rất lâu. Thật vậy, khi cơ thể bạn bình thường, không hề thấy có gì “khó chịu”, nhưng khi bạn bị một vết thương, dù nhỏ như đạp gai, thậm chí chỉ nhỏ như cái dằm, vậy mà bạn rất dễ nhận thấy “cái đau”, đôi khi “đau nhói”.

Để tạm kết, xin mượn lời của Thánh Phaolô: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6:13). Quả thật, chúng ta đều là những người “từ cõi chết trở về”, chẳng ai hơn ai, thế nên đừng “làm khổ” nhau nữa!

Lạy Thiên Chúa, năm cũ đang kết thúc, năm mới đang khởi đầu. Nguyện xin Chúa kết thúc những điều xấu nơi chúng con, và xin khởi đầu những điều tốt nơi chúng con, đồng thời hiệp nhất chúng con nên một (x. Ga 17:21-23; Rm 6:5; 1 Cr 6:7; 1 Cr 12:13). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Điên cái đầu.

ẤM ÁP MÙA XUÂN - LẦN VI

Đêm Văn Nghệ " ẤM ÁP MÙA XUÂN VI " do Ban Mục Vụ Giới Trẻ Gx. Thiên Ân phát động tối qua (22 Tết) đã thành công tốt đẹp. Xin chân thành tri ân:

- Cha Cố Gioan Bt.

- Cha Chánh xứ Giuse 

- Cha Phaolo đặc trách Giới trẻ 

- Ban MVGT .

- Các Anh chị em Nghệ sĩ :

Siu Black, Hiền Thục, Nguyễn Hồng Ân, Khánh Anh, Thanh Hưng Idol, Thanh Phong, Nhóm Dreamhigh, nhóm BOA, vũ đoàn Ngọc Trai Đỏ, Phan Ngọc Luân, Hằng Bing Bong, nhạc sĩ  Đức Tiến,CĐ Cecilia, nhóm hài Vân Sơn Kiều Linh...

- Dẫn chương trình: MCThanh Hải (GT), MC Trà My (Én bạc).

Chương trình đến phút cuối (11g45), với số tiền 100 triệu tròn đầy đã nói lên tình yêu thương chia sẻ của tất cả những vị ân nhân, những mạnh thường quân xa gần, và tất cả cộng đoàn giáo xứ cùng chung tay với ước mong cho mùa Xuân thêm ấm áp trên các mảnh đời còn nhiều khó khăn mỗi dịp Xuân về...

(Video: manhquyetk2)

Tháng 02 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 2)

NỘI DUNG ĐỨC TIN

 

Khai triển nội dung

1. Đức tin Kitô giáo bao hàm hai điều chính yếu : một là gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa, hai là chấp nhận tất cả những chân lý được Thiên Chúa mặc khải. Hai điều này liên kết chặt chẽ với nhau. Cũng vì thế, đức tin Kitô giáo khác với sự tin tưởng một người hoặc một hệ ý thức nào đó. Không ai và không tổ chức nào trong cuộc đời này có thể đòi hỏi nơi chúng ta sự tin tưởng tuyệt đối, vì bất cứ con người nào và tổ chức nào cũng chỉ là bất toàn, đầy giới hạn. Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng thượng trí và Tình yêu mới có thể đòi hỏi nơi chúng ta sự gắn bó và tin tưởng tuyệt đối như thế.

2. Đối với chúng ta, tin vào Thiên Chúa cũng có nghĩa là tin vào Chúa Giêsu Kitô. Người là Con chí ái của Chúa Cha, là Đấng Chúa Cha sai đến. Người chính là Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Bởi vì Người “đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46) nên chỉ một mình Người biết Chúa Cha và có thẩm quyền mặc khải Chúa Cha cho chúng ta. “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Không có Chúa Giêsu, chúng ta có thể rơi vào nguy cơ thờ phượng một vị Thiên Chúa theo trí tưởng tượng của loài người chứ không phải là Thiên Chúa chân thật và hằng sống.

3. Chúng ta không thể tin vào Chúa Giêsu Kitô mà không thông phần vào Thần Khí của Người. Chính Chúa Thánh Thần mặc khải cho loài người biết Chúa Giêsu là ai: “Không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Thật vậy, ai có thể biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa? (1Cr 2,10-11). Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể biết trọn vẹn về Ngài. Chúng ta tin vào Chúa Thánh Thần vì Ngài là Thiên Chúa.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Tin vào Thiên Chúa nghĩa là gì?

Thưa: Là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân chúng ta cho Chúa, và chấp nhận tất cả những chân lý Ngài mặc khải, vì Ngài là chính Chân lý (số 27).

Hỏi: Mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo là gì?

Thưa: Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Người Kitô hữu chúng ta được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (số 44).

Ý cầu nguyện:

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Tháng 02 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 1)

Tháng 2 là Mùa Thường Niên trước Mùa Chay. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về đức tin Kitô giáo, nhấn mạnh hơn về phía con người. Chủ đề của tháng này là: TIN LÀ THƯA “VÂNG” VỚI LỜI CHÚA.

Chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề này trong 4 tuần lễ:

Tuần 1: Sự vâng phục của đức tin.

Tuần 2: Nội dung đức tin.

Tuần 3: Đức tin và lý trí.

Tuần 4: Đức tin và tự do.

 

SỰ VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC TIN

Khai triển nội dung

1. Lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước bắt đầu với việc Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Abraham. Ông đã vâng theo tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận làm gia nghiệp, và “ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Nhờ đức tin, bà Sara vợ ông đã thụ thai người con của lời hứa khi tuổi đã già. Cuối cùng, nhờ đức tin, tổ phụ Abraham đã dâng hiến con mình làm hy lễ. Ông đã trở nên “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11). Cùng với tổ phụ Abraham, trong Cựu Ước có rất nhiều những chứng từ đức tin: “Nhờ đức tin ấy, các bậc tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,2.39).

2. Trong Tân Ước, Đức Maria là gương mẫu tuyệt vời. Nhờ đức tin, Mẹ đã đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng “Đối với Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Bà Elisabeth đã chào Đức Mẹ bằng những lời này: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Trong suốt cuộc đời của Đức Mẹ, kể cả trong những thử thách lơn lao nhất, đức tin của Mẹ không hề lay chuyển. Mẹ luôn vững tin rằng lời Chúa phán sẽ được thực hiện. Chính vì đức tin ấy mà Đức Mẹ được mọi đời ca ngợi là diễm phúc, và Hội Thánh tôn kính Mẹ là người thể hiện đức tin cách tinh tuyền nhất.

3. Chiêm ngắm tổ phụ Abraham và Mẹ Maria, chúng ta hiểu được thế nào là sự vâng phục của đức tin. Đó là sự tự nguyện quy thuận lời Chúa phán, vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân lý, bảo đảm: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hi vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Trong Thánh Kinh, ai là những chứng nhân chính yếu cho việc vâng phục đức tin?

Thưa: Có nhiều chứng nhân, nhưng đặc biệt là hai vị:

  • Ông Abraham, dù bị thử thách, vẫn vững tin vào Thiên Chúa và vâng theo lời Ngài. Vì thế ông trở thành tổ phụ của tất cả những người tin (Rm 4,11).
  • Đức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã thể hiện cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin : “Xin Chúa thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38) (Số 26).

Hỏi : Vâng phục đức tin là gì?

Thưa: Vâng phục đức tin là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài, chân lý được Thiên Chúa bảo đảm vì Ngài là chính Chân lý (số 25).

                                                      Ý cầu nguyện:

Xin Mẹ Maria dạy chúng con hai tiếng “Xin Vâng” trước thánh ý Chúa và trong mọi hoàn cảnh

1 thg 2, 2013

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - C


ĐỨC GIÊSU KHÔNG CHỈ ĐẾN VỚI NGƯỜI DO THÁI.

Tin Mừng Lc 4,21-30

           Hôm ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?" Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri-a thôi". Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi - họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi

MÙA XUÂN Ở ĐÂU ?

Chẳng ai biết mùa Xuân ở đâu, vì mùa Xuân vô hình. Mùa Xuân có thể ở gần, ở xa, ở trên cao, ở dưới thấp, ở xung quanh,… Tùy cảm nhận của mỗi người. Mùa Xuân có thể là ánh nắng, là đóa hoa, là miếng mứt, là miếng bánh, là ly rượu, là chiếc áo mới,… Mùa Xuân lạ thật!
Với cảm nhận của NS Trầm Tử Thiêng (*), mùa Xuân của ông có vị trí riêng, ông trả lời bằng cách viết ca khúc “Mùa Xuân Trên Cao”. Mùa Xuân trên cao vì mùa Xuân cao thượng, hy vọng và yêu thương. Ca khúc này được viết ở nhịp 4/4, âm thể La Thứ. Ca khúc mùa Xuân mà ông lại dùng âm thể Thứ, nhưng tạo cảm giác da diết và lắng đọng, chứ không trĩu nặng. Giai điệu cũng trầm chứ không “bay bổng” như các ca khúc khác viết về mùa Xuân..
Từ hồi còn tuổi thiếu niên, không hiểu sao tôi đã cảm thấy thích âm nhạc của NS Trầm Tử Thiêng. Theo tôi, ông viết giai điệu lạ, cấu trúc lạ, quãng nhạc không cầu kỳ, ca từ lạ, cách diễn tả cũng lạ… Nói chung là cách nghĩ của ông “khác người” nên có nhiều cái lạ – lạ mà hay, chứ không “kỳ dị”. Những cái “lạ” đó được ông lồng trong một cấu trúc phổ biến: A’ – A’’ – B – A’’. Và cho tới nay, tôi vẫn thích những cái “lạ” của ông.
Mở đầu, ông nói những điều rất bình thường, như chuyện dĩ nhiên, thế mà vẫn có cái “lạ” độc đáo của riêng ông: “Trời bây giờ trời đã sang Xuân, anh và mai ngủ bên bìa rừng, chờ giấc ba mươi mộng ảo, mùa Xuân vẫn đẹp vô cùng, nếu Xuân này môi em còn hồng”. Từ mùa Xuân thiên nhiên, ông chuyển sang Xuân trên môi cô gái. Tuy nhiên, “cô gái” ở đây không hẳn là một cô gái đương xuân thì (theo nghĩa đen), mà có thể là bất kỳ ai (nam, phụ, lão, ấu), cứ môi ai biết cười là còn “hồng”, nghĩa là còn có mùa Xuân.
Thời chiến, những người yêu nhau rất khó gặp nhau, vì chàng nơi tiền tuyến, còn nàng nơi hậu phương. Không xa lắm mà như ngàn trùng cách trở: “Tình yêu nào chợt về đêm Xuân, ta cần nhau gặp nhau vài lần, nhìn én bay qua đầu núi thì Xuân đã ngập trong lòng”, Thấy én đưa tin Xuân mà chộn rộn trong lòng, và nỗi thương nhớ cũng ngập đầy con tim. Cô nàng thổ lộ: “Thương anh vào những ngày lập Đông”. Người lính ngoài biên cương hoặc chiến tuyến, hẳn là lạnh lắm trong những ngày Đông giá. Thương lắm!
Em gái hậu phương tự nhủ: “Quê hương trong thời đau thương, mùa Xuân chia ly là thường, bao nhiêu khổ nhục tủi hờn”. Cô gái như muốn gào thét to lên cho thấu trời xanh, và cô kêu gọi mọi người: “Hát lên nhân loại, trả buồn cho Đông”. Cứ trả hết nỗi buồn cho mùa Đông để có thể tận hưởng trọn niềm vui khi mùa Xuân đến.
Khi được gặp người yêu, anh chàng tâm sự: “Trời bây giờ trời đã sang Xuân, ta nhìn em tình yêu thành gần”. Được gặp người yêu là hạnh phúc, được nhìn thấy người yêu là thỏa lòng, trong thời chiến mà được tâm sự với người yêu giữa mùa Xuân thì thật là may mắn. Nhưng lòng vẫn chưa yên, thế nên mới có những ước vọng cho tương lai: “Mộng ước xanh như màu cỏ, dù bao lửa Hạ, Đông buồn, mong Xuân này em vẫn còn Xuân”. Chàng cũng thương nàng lắm nên cầu chúc cô người yêu vẫn mãi được hưởng mùa Xuân vui tươi.
Mùa Xuân là mùa mà ai cũng mong ước, người giàu mong Xuân nhiều hơn người nghèo. Người càng nghèo khổ càng “sợ” Xuân về, Tết đến. Tại sao? Người ta có của ăn, của để, “vi vút” vui Xuân, người nghèo tủi thân lắm. Tục ngữ nói: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có Ba mươi Tết mới hay”, hoặc: “Có, không: mùa Đông mới biết; giàu, nghèo: Ba mươi Tết mới hay”. Quả thật, Xuân “vô tình” làm người nghèo khổ thêm, như ca dao “than thở” thế này.
Bây giờ tư Tết đến nơi
Tiền thì không có sao nguôi tấm lòng
Thật đáng thương những con người nghèo khổ! Ước vọng “mãi còn mùa Xuân” dành cho tất cả mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, không chỉ riêng ở Việt Nam hoặc ở các quốc gia Đông Nam Á, mà còn dành cho mọi người trên thế giới, ở bất kỳ quốc gia nào.
Với người Công giáo có một Mùa Xuân tuyệt vời và đáng mơ ước hơn là Mùa Xuân Cứu Độ, và Mùa Xuân Vĩnh Hằng này chỉ có ở tại Thiên Quốc. Nhưng ai có thể hưởng Mùa Xuân này?
Tất nhiên là phải sám hối, ai cũng vậy, ngay cả người công chính, vì “người công chính mỗi ngày phạm tội 7 lần” (Cn 24:16), và tuyệt đối tin vào Thiên Chúa. Nên công chính là nhờ đức tin (Rm 1:17; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:1; Rm 10:6). Đồng thời còn phải yêu thương mọi người, nhất là người nghèo khổ, những người nhỏ mọn, những người bị khinh miệt, những người bị xã hội ruồng bỏ,...
Hai tiếng “yêu thương” quá ngắn gọn và đơn giản, nhưng vô cùng phức tạp và không dễ thực hiện vuông tròn cho đúng Tôn Ý Chúa – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Yêu thương được nhắc nhở rất nhiều, hầu như hằng ngày. Mà Luật Chúa cũng chỉ tóm gọn bấy nhiêu thôi. Có thể chúng ta chẳng muốn nghe biết vài câu nhắc nhở như thế này:
– Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi (Mt 5:42)
– Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10:8)
– Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô. Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình (Gl 6:2-3).
– Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Ep 5:5).
Và còn nhiều câu Kinh thánh khác “chạm” đến tận chỗ yếu nhất của chúng ta…
Ai cũng phải “siêng năng cầu nguyện, tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4:2), cầu nguyện liên lỉ. Nhờ đó, chúng ta có thể xác định: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).
Tóm lại, ai cũng phải tâm niệm mà định hướng cuộc đời: Sống tuyệt vời cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô – Vivere Summe Deo in Christo Jesu.
Và như vậy, mùa Xuân không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng mỗi người vậy!
TRẦM THIÊN THU
Trong không khí nô nức đón Xuân Quý Tỵ – 2013
________________________
(*) NS Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1-10-1937 tại Đại Lộc (Quảng Nam). Ông bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các thôn quê miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1949). Sau đó ông vào Saigon tiếp tục học và tham gia hoạt động âm nhạc ở các học đường và các đoàn thể trẻ.
Năm 1958, ông tốt nghiệp trường Sư Phạm và bắt đầu dạy học. Cũng năm đó đó ông bắt đầu viết nhạc, trong đó có bản “Bài Hương Ca Vô Tận” được sáng tác trong thời kỳ đầu nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh.
Năm 1966, ông nhập ngũ, ở Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian đó, ông viết các bản nhạc về lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như: Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho,... Tết Mậu Thân (1968), ông sáng tác bài “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” nói về cầu Trường Tiền trên sông Hương bị giật sập. Năm 1970, ông viết ca khúc “Tôn Nữ Còn Buồn” nói về trận bão tàn phá miền Nam. Từ năm 1970, ông làm việc trong ngành Phát thanh Học đường cho đến 30-4-1975. Ông cũng là thành viên Phong trào Du ca Việt Nam.
Các sáng tác của Trầm Tử Thiêng khá đa dạng, từ âm hưởng dân ca đến tình ca. Một số ca khúc nổi tiếng từ trước 1975 như: Kinh Khổ, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Mười Năm Yêu Em, Tình Ca Mùa Đông, Mây Hạ,...
Sau 1975, sau nhiều lần vượt biên không thành, ông có bị tù một thời gian. Ông đến Hoa Kỳ năm 1985, định cư tại Little Saigon, California. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại 2 nhiệm kỳ (1996-2000). Cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư Viện Việt Nam tại Little Saigon.
Tại Hoa Kỳ, ông hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và Asia. Ông đã cùng NS Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc cho thể loại nhạc đồng ca như: Bước Chân Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh,... và những tình khúc như Cơn Mưa Hạ, Đêm, Đã Qua Thời Mong Chờ,... Ca khúc Đêm Nhớ Về Saigon được ông viết năm 1987 cũng được nhiều người biết đến.
Tháng 8-1996, ông viết ca khúc “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” nhân sự kiện một làng Việt Nam được xây dựng ở Philippines dành cho người Việt lưu vong. Bài hát đó đã nổi tiếng với tiếng hát ca sĩ Khánh Ly
.
Ông mất tại bệnh viện Anaheim West Medical Center ngày 25-1-2000. Trong chương trình Paris By Night tưởng niệm ông do trung tâm Thúy Nga tổ chức, Khánh Ly đã hát lại ca khúc “Mây Hạ” cùng tiếng hát của ông được ghi âm trước đó.
Một số ca khúc khác của NS Trầm Tử Thiêng: Ai Biểu Anh Làm Thinh, Bài Tình Ca Mùa Đông, Bảy Ngàn Đêm Góp Lại, Biệt Khúc, Cách Biệt, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Con Quốc Việt Nam, Đêm Nhớ Về Saigon, Đêm Trên Quê Hương, Đò Dọc, Đời Không Như Là Mơ, Đưa Em Vào Hạ, Hành Khúc Cho Quê Hương, Hạt Mưa Trên Poncho, Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi!, Kinh Khổ, Lời Tiền Thân Của Cát, Mùa Xuân Không Đợi, Mười Năm Yêu Em, Nếu Xuân Này Hòa Bình, Người Hùng Cô Đơ, Người Tình Mùa Hạ, Người Vợ Nghèo, Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông, Tám Nẻo Đường Thành, Thầm Thì, Tình Đầu Tình Cuối, Tống Biệt Hành, Trên Đỉnh Yêu Đương, Trộm Nhìn Nhau, Từ Tiếng Hát Tiếp Nối, Tưởng Niệm, Vùng Trước Mặt,…