30 thg 6, 2013

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN - C

Tin Mừng Lc 9,51-62

           Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”


Sunday XIII in Ordinary Time - YearC

Gospel Lk 9,51-62

When the days for Jesus’ being taken up were fulfilled,
he resolutely determined to journey to Jerusalem,
and he sent messengers ahead of him.
On the way they entered a Samaritan village
to prepare for his reception there,
but they would not welcome him
because the destination of his journey was Jerusalem.
When the disciples James and John saw this they asked,
“Lord, do you want us to call down fire from heaven
to consume them?”
Jesus turned and rebuked them, and they journeyed to another village.

As they were proceeding on their journey someone said to him,
“I will follow you wherever you go.”
Jesus answered him,
“Foxes have dens and birds of the sky have nests,
but the Son of Man has nowhere to rest his head.”

And to another he said, “Follow me.”
But he replied, “Lord, let me go first and bury my father.”
But he answered him, “Let the dead bury their dead.
But you, go and proclaim the kingdom of God.”
And another said, “I will follow you, Lord,
but first let me say farewell to my family at home.”
To him Jesus said, “No one who sets a hand to the plow
and looks to what was left behind is fit for the kingdom of God.”

29 thg 6, 2013

NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG CUỘC SỐNG



1
Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.
People are illogical, unreasonable, and self-centered.
Love them anyway
2

Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi.
Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
If you do good, people will accuse you of selfish ulterior motives.
Do good anyway.

3
Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.
If you are successful, you will win false friends and true enemies.
Succeed anyway.

4
Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
The good you do today will be forgotten tomorrow.
Do good anyway.

5
Thẳng thắn trung thực thường làm bạn tổn thương.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống thẳng thắn.
Honesty and frankness make you vulnerable.
Be honest and frank anyway.

6
Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.
The biggest men and women with the biggest ideas can be shot down by the smallest man and women with the smallest minds.
Think big anyway

7
Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người yếu thế.
People favor underdogs but follow only top dogs.
Fight for a few underdogs anyway.

8
Những thành quả mà bạn đã phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phá hủy trong phút chốc.
Nhưng dù gì đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.
What you spend years building may be destroyed overnight.
Build anyway.

9
Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.
People really need help but may attack you if you do help them.
Help people anyway.

10
Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phủ phàng.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.
Give the world the best you have and you’ll get kicked in the teeth.
Give the world the best you have anyway.



27 thg 6, 2013

CHUNG BƯỚC


Khi đối diện với đau khổ chúng ta thường hỏi: "Chúa ở đâu ?" Và khi đứng trước những hiểm nguy chúng ta thường đặt điều kiện: "Nếu Ngài là Chúa, xin hãy cứu con?".
Làm sao không hoài nghi cho được! Vì chính Chúa Giêsu, khi đứng trước đỉnh điểm của cái chết còn phải kêu lớn tiếng: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?" (x. Mt 27,45-50)

Thế nhưng, đau khổ vẫn cứ tiếp diễn trong cuộc sống. Mỗi ngày trôi qua chúng ta phải chứng kiến biết bao những bất hạnh rủi ro, biết bao cái chết đau thương đến với con người chúng ta; nguyên nhân từ bạo lực, khủng bố, chiến tranh, ghen tương thù hận, bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, ... 

Nhìn vào cuộc đời khiến nhiều người bi quan bảo rằng: "Đời là bể khổ", hay "kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo" (Nguyễn Công Trứ).

Quả thực, nếu sinh ra trong cuộc đời để chịu cực, chịu khổ, chịu nhiều đắng cay đọa đầy là một bất hạnh cho kiếp người chúng ta. Nhưng thực ra, trong cuộc sống vẫn còn có những niềm vui. Niềm vui của tình liên đới, niềm vui của sự chia sẻ, niềm vui của lòng bác ái, niềm vui của tinh thần hy sinh dấn thân phục vụ tha nhân, ...

Nếu không có tấm lòng nhân ái được trao ban thì những bất hạnh rủi ro đến với nhân loại sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nếu có nhiều tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ cho nhau, thì những đau thương mất mát sẽ sớm được hàn gắn và chữa lành.

Sự dữ luôn có mặt ở quanh ta. Vì vậy, cuộc đời được ví là "Biển đời" quả không sai. Cuộc đời không thiếu những sóng gió nghi nan. Nhưng, Thiên Chúa có thể làm những điều tốt hơn từ trong những bất hạnh này.

Phải chăng, Chúa muốn dạy chúng ta bài học, khi đứng trước khổ đau của anh em mình, chúng ta phải tự hỏi: Chúng ta đang ở đâu khi khổ đau ập xuống anh em? Chúng ta đã làm gì cho anh em mình khi chứng kiến những cảnh tang thương và bất hạnh của anh em?

Sự dữ vẫn đang hoành hành. Quyền lực của ác thần vẫn làm cho con người sợ hãi, đôi khi đánh mất niềm tin. Nhưng Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta: Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian (x. Ga 16, 29-33). Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cùng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy đưa tay cho Ngài dìu chúng ta bước qua những khó khăn của dòng đời.

Thánh Phê-rô đã có thể đi trên mặt biển, đi qua hiểm nguy khi ông nhận ra Chúa đang đến với ông. Cuộc đời chúng ta cũng chỉ bình an trước gian nan khi chúng ta tin tưởng rằng:
Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.

Và hôm nay với biết bao khổ đau của tha nhân, Chúa cũng muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại.
Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ đau, những lắng lo trong cuộc sống.

Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Nhưng chúng ta có sẵn lòng trao vào tay Chúa cái mình hiện có, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng ?

Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt biển. Nhưng chúng ta có hết tình nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của biển đời cuộc sống ?

Chúng ta không có khả năng khiến cho sóng gió ba đào im lặng. Nhưng chúng ta có hăng hái góp phần đầy lùi sự dữ, xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta ?
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để chúng ta trở nên khí cụ mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa.  Amen.

CÁT BIỂN



24 thg 6, 2013

Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6)

Tin Mừng:  Lc 1,57-66.80
           Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

The Nativity of Saint John the Baptist June 24
Gospel  Lk 1:57-66, 80
When the time arrived for Elizabeth to have her child
she gave birth to a son.
Her neighbors and relatives heard
that the Lord had shown his great mercy toward her,
and they rejoiced with her.
When they came on the eighth day to circumcise the child,
they were going to call him Zechariah after his father,
but his mother said in reply,
"No. He will be called John."
But they answered her,
"There is no one among your relatives who has this name."
So they made signs, asking his father what he wished him to be called.
He asked for a tablet and wrote, "John is his name,"
and all were amazed.
Immediately his mouth was opened, his tongue freed,
and he spoke blessing God.
Then fear came upon all their neighbors,
and all these matters were discussed
throughout the hill country of Judea.
All who heard these things took them to heart, saying,
"What, then, will this child be?"
For surely the hand of the Lord was with him.
The child grew and became strong in spirit,
and he was in the desert until the day
of his manifestation to Israel.

22 thg 6, 2013

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN - Năm C
Tin Mừng Lc 9,18-24
          
Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa". Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy". Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Sunday XII in Ordinary Time - YearC

Gospel Lk 9,18-24

Once when Jesus was praying in solitude,
and the disciples were with him,
he asked them, “Who do the crowds say that I am?”
They said in reply, “John the Baptist;
others, Elijah;
still others, ‘One of the ancient prophets has arisen.’”
Then he said to them, “But who do you say that I am?”
Peter said in reply, “The Christ of God.”
He rebuked them
and directed them not to tell this to anyone.

He said, “The Son of Man must suffer greatly
and be rejected by the elders, the chief priests, and the scribes,
and be killed and on the third day be raised.”
Then he said to all,
“If anyone wishes to come after me, he must deny himself
and take up his cross daily and follow me.
For whoever wishes to save his life will lose it,
but whoever loses his life for my sake will save it.”

16 thg 6, 2013

HAPPY FATHER'S DAY

 

 

Thực tế, “Ngày của Bố” đã được diễn ra đầu tiên ở Fairmont, Tây Virginia vào ngày 05/07/1908. Nó được tổ chức bởi bà Grace Golden Clayton, người muốn kỷ niệm cuộc sống của 210 người đàn ông (họ đều đang làm bố) đã bị hy sinh trong thảm họa khai thác mỏ Monongah vài tháng trước đó tại Tây Virginia. Clayton đã chọn ngày chủ nhật gần nhất, ngày sinh nhật người bố của bà vừa mới qua đời để tổ chức buổi lễ. Thật không may, ngày lễ đó đã bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Tiểu bang Tây Virginia cũng không chính thức đăng ký cho buổi lễ, từ đó nó không được tổ chức trở lại.

Sau sự kiện ở Tây Virginia 2 năm, cô Sonora Louise Smart Dodd, sống tại Shokane, Washington, nghĩ ngay đến một ngày để vinh danh các người bố khi nghe bài thuyết giáo ngày của mẹ năm 1909. Sonora là con gái lớn nhất trong sáu chị em. Bố cô là ông William Jackson Smart, còn mẹ cô qua đời trong lúc sinh. Sonora yêu quý và kính trọng bố vì đã một thân nuôi gia đình.

Năm 1910, Sonora đã chọn ngày 19 tháng 6 là “Ngày của Bố” vì ngày đó là sinh nhật của bố cô. Với sự giúp đỡ từ Hội Bộ trưởng Spokane và YMCA (Young Men’s Christian Association — Hiệp hội thanh niên Thiên chúa giáo), “Ngày của Bố” đầu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Lễ kỷ niệm
Năm 1966, Tổng thống B. Johnson (Mỹ) đã đưa ra lời loan báo đầu tiên tôn vinh bố, ông chỉ định chủ nhật thứ ba trong tháng sáu là “Ngày của Bố”.
Sáu năm sau, ngày kỷ niệm ý nghĩa này đã được thực hiện một cách trang trọng như một kỳ nghỉ lễ thường xuyên hàng năm tại Mỹ khi Tổng thống Nixon đã ký nó thành luật vào năm 1972.

Từ đó, “Ngày lễ của Bố” dần dần được phổ biến rộng rãi và được tổ chức khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, ở một số nơi thời điểm tổ chức và hình thức lại không đồng nhất, nó mang những nét đặc trưng riêng của từng quốc gia và sự sáng tạo đặc trưng trong các buổi lễ.

Mỹ

Đây là quốc gia tổ chức “Father’s Day” rộn ràng nhất thế giới. Một ngày được nghỉ lao động, trẻ em được ra đường vui chơi như ngày quốc tế thiếu nhi. Báo đài, các quan chức chính quyền luôn đề cập về ngày lễ đặc biệt này. Đồng thời rất nhiều quà cáp, thư từ và điện thoại được chuyển đi để bày tỏ sự quan tâm về người bố trong ngày lễ. Ở Mỹ, ngày lễ của bố được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 06 hàng năm.

Việt Nam

“Ngày lễ của Bố” mới được du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Hiện nay, giống như một số nước, Việt Nam kỷ niệm ngày lễ của bố vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu hàng năm.

Ngày lễ tri ân người thân trong gia đình như Ngày của Cha là một món quà ý nghĩa chứa đựng tấm lòng của con cái đối với cha mình. Đây vừa là nét đẹp trong đạo hiếu  vừa là ngày gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, giúp gia đình thêm gắn bó yêu thương...

Mặc dù "Ngày của Cha" chưa chính thức trở thành ngày lễ kỷ niệm trên toàn quốc, nhưng rất nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng và nhân rộng nó ra như  một ngày lễ tri ân thật ý nghĩa cho những người cha thân yêu của mình cũng như "Ngày của Mẹ" vậy.

 

15 thg 6, 2013

VÌ ĐÃ YÊU NHIỀU

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN - Năm C
Tin Mừng Lc 7,36 – 8,3

           Một hôm, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!" Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-mon, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói". Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" Ông Si-mon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn". Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm". Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-mon: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít". Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi". Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được cả tội?" Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an". Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

10 thg 6, 2013

CARITAS THIÊN ÂN

 

THÁNH BARNABA

Ngày 11 tháng 6
Dù không phải là một trong số mười hai tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba được thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt.

Thánh nhân là người gốc Dothái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi.”

Ngay khi trở thành Kitô hữu, thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy.

Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại.

Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn thánh nhân có cơ hội để trao ban.
Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Sau đó, thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.

Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.

Đa Minh M. Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch

8 thg 6, 2013

NGƯỜI CHẠNH LÒNG THƯƠNG

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN - C


Tin Mừng Lc 7,11-17

           Một hôm, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!" Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". Lời này được đồn ra trong khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

Lạy Trái Tim Tân khổ và Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ.

“ Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả “( Lc 1, 49 ) ” Lạy Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa vì phúc lộc Ngài ban"( Tv 12, 6 ). Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Người(St 1, 26 - 27 ).

Mẹ Maria vốn được Thiên Chúa yêu thương tuyển lựa giữa muôn vàn người nữ, Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, nghĩa là Mẹ đã nên hình ảnh của Thiên Chúa về lòng trung tín, nhân từ và lòng xót thương vô biên đối với mọi người. Vì thế, Thiên Chúa đã làm cho Trái Tim Mẹ Maria trở thành cung điện xứng đáng cho Chúa Thánh Thần, cho Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô ngự trị.

TRÁI TIM CỦA MẸ MARIA: TRÁI TIM TÌNH YÊU:

Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Chúa Giêsu vì thế trái tim của Mẹ đã hoàn toàn hiến tế, thuộc trọn về Chúa, Mẹ đã để cho Thiên Chúa hoàn toàn sử dụng Mẹ cho tình yêu của Người và để cứu rỗi nhân loại. Thánh Công Đồng Vaticanô II viết:” Đức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian, lúc Thiên Thần Gabrien truyền tin cho Mẹ”( LG 53 ). 

Trong tông thư Đấng Cứu Độ con người, số 22, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: “Chúng ta có thể nói mầu nhiệm cứu độ đã thành hình nhờ Trái Tim Đức Trinh Nữ thành Na-gia-rét khi Maria thưa lời xin vâng. Từ giây phút đó, Trái Tim Trinh Khiết Từ Mẫu ấy luôn luôn theo sát công cuộc của Con Mẹ và vươn đến với tất cả những ai được Chúa Kitô ôm ấp và tiếp tục ôm ấp trong tình yêu vô cùng của Người”.

Như Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ Maria đã hiến tế con tim tình yêu vẹn toàn của mình cho Thiên Chúa, trái tim của Mẹ đã rộng mở để đón nhận mọi người. Người lính đâm cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Người bị treo trên thập giá, tức thì nước và máu chảy ra, từ nơi đó phát sinh các bí tích. Trái tim hiền mẫu của Mẹ Maria cũng luôn mở rộng để cùng với Chúa Giêsu qui tụ mọi người, để ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người. Mẹ Maria với trái tim vẹn toàn, trinh trong đã cống hiến cho công tình cứu rỗi của Chúa và góp phần xây dựng Hội Thánh trần thế.

Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng của thánh Gioan: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ) đã minh chứng tình yêu của Chúa là tình yêu vĩnh cửu, vô vị lợi, xả kỷ. Mẹ Maria với trái tim vẹn toàn là dấu chỉ tuyệt vời và cao đẹp nhất dẫn nhân loại và từng người đến tình yêu của Thiên Chúa Cha. Trái tim của Mẹ Maria là trái tim tình yêu vì Mẹ đã sống trọn tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

MARIA ĐÃ LUÔN TUÂN THEO Ý THIÊN CHÚA :

Thiên Chúa qua sứ thần Gabrien đã gọi đích danh Maria: Mẹ đã thưa xin vâng không chút đắn đo, không chút do dự khi được sứ giả của Thiên Chúa giải thích. Maria đã nói lời xin vâng tuân theo ý Chúa. Suốt cuộc đời của Mẹ là lời thưa vâng, đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.

Đời của Mẹ là bài ca cảm tạ, tri ân không ngừng. Mẹ đã giữ kỹ những điều Mẹ đã cảm nghiệm và suy đi nghĩ lại trong lòng( Lc 2, 51 ). Cuộc đời của Mẹ là hồng ân quí giá nhất Chúa trao cho nhân loại. Qua tác động của Chúa Thánh Thần, cuộc đời của Mẹ trở nên kiệt tác tình yêu và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì Mẹ luôn làm theo ý Thiên Chúa, nên nhân loại muôn đời sẽ khen Mẹ là người đầy ân sủng: Mẹ đã để Thiên Chúa hoàn toàn sử dụng cho tình yêu của Ngài và để góp công vào công trình cứu rỗi nhân loại. Tình yêu tự hiến của Mẹ chìm sâu trong mầu nhiệm cứu độ và làm cho cuộc sống Giáo Hội được triển nở phong phú.

Đức Thánh Cha Piô XII vào ngày 31 tháng 10 năm 1942, nhân kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã dâng hiến nhân loại và toàn thể gia đình Kitô giáo khắp thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ và ngày 04 tháng 5 năm 1944, Ngài truyền cho Giáo Hội mừng lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

“ Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái Tim Đức Trinh Nữ Maria nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần; vì lời Đức Trinh Nữ chuyển cầu, xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự”( Lời nguyện nhập lễ, lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ )

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

7 thg 6, 2013

MỪNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


MỪNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
BỔN MẠNG GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM Gx. Thiên Ân


Lịch sử lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu


Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có từ thế kỷ XI, nhưng mãi đến thế kỷ XVI thì việc sùng kính này vẫn chỉ là riêng tư, thường gắn liền với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành vào ngày 31-8-1670 tại Rennes, Pháp quốc, nhờ nỗ lực của thánh Jean Eudes (1602-1680).
Từ Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan truyền đi nhiều nơi, nhưng đến khi nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647-1690) thì lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.

Trong những lần thị kiến, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margaret Mary Alacoque, Thánh Tâm Chúa Giêsu giữ vai trò chính. Lần hiện ra quan trọng xảy ra vào ngày 16-6-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi), là nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày nay.

Trong lần thị kiến đó, Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ Margaret Mary Alacoque xin giáo quyền cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa (reparation for the ingratitude) của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu là hiện thân không chỉ về trái tim về thể lý mà còn là tình yêu thương dành cho nhân loại.

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khá phổ biến sau khi thánh nữ Margaret Mary Alacoque qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo hội lúc đó còn nghi ngờ giá trị thị kiến đích thực của thánh nữ, nên mãi đến năm 1765 lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới được cử hành chính thức tại Pháp quốc. Gần 100 năm sau, năm 1856, ĐGH Piô IX mới mở rộng biên độ mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn cầu theo yêu cầu của các giám mục Pháp.

Theo yêu cầu của Chúa Giêsu, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành trọng thể vào thứ Sáu trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thánh Thể và Thánh Tâm tuy hai mà một, vì đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại tội lỗi đến cùng đến nỗi chết nhục nhã trên Thập giá.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót và tha thứ chúng con, xin biến đổi chúng con nên mới thực sự để chúng con hiểu được tình yêu Chúa và chỉ yêu Chúa mà thôi. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

6 thg 6, 2013

Sống thử & Bất ổn


Ngày xưa người ta quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, quan niệm sống đầy tính luân thường đạo lý và nhân bản, nhưng ngày nay người ta “chỉnh sửa” quan niệm đó thành “nam nữ cọ cọ sát thân”. Cách nghĩ quá “thoáng” như vậy trở thành táo bạo và tội lỗi ! 


Người ta còn cho rằng cứ sống thử trước, nếu hợp thì… sống tiếp, không hợp thì chia tay. Quá dễ dãi! Và quan niệm mà người ta cho là tân kỳ và thoáng như vậy lại chỉ là quan niệm sai lầm mà thôi. Sự bất ổn gia đình tiếp tục tăng ở Hoa Kỳ mặc dù giảm tỷ lệ ly hôn đối với các gia đình. Các nhà nghiên cứu nói rằng mức tăng về việc sống thử (sống chung chạ như vợ chồng mà không kết hôn) là một phần của vấn nạn gia đình.

Ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao. Nhiều người muốn cứu vãn hôn nhân của mình đang trên bờ vực thẳm ly hôn, người ta đã phải đôn đáo tìm nhà tư vấn. Vì thế, các trung tâm tư vấn (tình yêu, hôn nhân, gia đình, và các vấn đề khác) lần lượt xuất hiện nhiều, ngay cả báo chí cũng thường có mục tư vấn, và các đài phát thanh hoặc truyền hình cũng có các chương trình tư vấn.

Giáo sư W. Bradford Wilcox, thuộc ĐH Virginia và Trung tâm Hôn nhân và Gia đình của Viện Giá trị Hoa Kỳ (Institute for American Values’ Center for Marriage and Families) tại New York, nhận xét: “Tỷ lệ ly hôn đối với các cặp vợ chồng đã trở lại mức mà chúng tôi thấy trước cuộc cách mạng ly hôn hồi thập niên 1970. Tuy nhiên, tính bất ổn gia đình lại đang gia tăng đối với con cái người Mỹ. Điều này có vẻ chiếm một phần vì nhiều cặp vợ chồng có con cái sống thử, và điều này rất bất ổn”. 

Ngày nay, hơn 40% thanh thiếu niên Hoa Kỳ đều sống thử. Họ muốn có kinh nghiệm chia tay của cha mẹ hơn so với những đứa con của các cặp vợ chồng kết hôn. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ chia tay cao hơn so với những đứa con của các cặp sống thử, lên tới 170%. Việt Nam cũng đang có nguy cơ tương tự, đạo đức luân lý suy thoái nên sự “dễ dãi” về tình dục cũng dần dần “thoáng” hơn!

GS Bradford Wilcox nói rằng con cái của các cha mẹ sống thử sẽ bị rắc rối nhiều hơn về các vấn đề xã hội và tình cảm (lạm dụng ma túy, trầm cảm, bỏ học sớm, yêu đương nhăng nhít,…) so với những đứa con có cha mẹ kết hôn hẳn hoi. Nghiên cứu này được thực hiện với 250 bài viết về hôn nhân & gia đình ở Hoa Kỳ và khắp thế giới. Nghiên cứu này cũng phân tích các dữ liệu của số liệu Khảo sát Xã hội tổng quát và Khảo sát Thu nhập và Tham gia Chương trình (General Social Survey and the Survey of Income and Program Participation).

Bản tường trình cho biết thêm: “Dù chúng ta thành công hay thất bại trong việc xây dựng văn hóa hôn nhân lành mạnh thì rõ ràng cũng là mối quan tâm chung hợp pháp và là vấn đề tối quan trọng nếu chúng ta muốn đảo ngược tình trạng cách ly khỏi nhịp phát triển xã hội của các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta: giới lao động, dân nghèo, dân tộc thiểu số, và con cái”.

Con cái của các cặp sống thử có thể bị lạm dụng về thể lý, tình dục hoặc tình cảm gấp 3 lần so với con cái của các cặp vợ chồng vẫn nguyên vẹn hôn nhân. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tính bất ổn gia đình cũng góp phần phan biệt giai cấp, phe cánh. Con cái của các cha mẹ có học thức thấy cuộc sống gia đình họ ổn định, còn con cái của các cha mẹ ít học lại thấy cuộc sống gia đình họ càng ngày càng bất ổn. Những người sống dư dả tận hưởng gia đình “vững mạnh và ổn định”, còn những người khác đối mặt với gia đình “càng bất ổn, càng bất hạnh và càng mất tác dụng”.

Ly hôn liên quan con cái trở lại mức trước khi luật hôn nhân thay đổi để dễ ly hôn hơn. Khoảng 23% con cái có cha mẹ kết hôn đầu thập niên 1960 đều biết cha mẹ ly hôn khi chúng được 10 tuổi. Cũng gần tương đương tỷ lệ đó đối với con cái có cha mẹ kết hôn năm 1997.

Các tác giả của bản tường trình kết luận rằng hôn nhân nguyên vẹn giữa cha mẹ vẫn là “tiêu chuẩn vàng” đối với đời sống gia đình tại Hoa Kỳ. Ngày 16-8-2011, Viện Giá trị Hoa Kỳ cho biết: “Con cái có thể phát triển tốt hơn về kinh tế, xã hội và thể chất nếu chúng sống trong các gia đình theo chuẩn này”. Hôn nhân là “điều tốt quan yếu của cộng đồng” với nhiều lợi ích về kinh tế, sức khỏe, giáo dục và an toàn, giúp ích hơn cho xã hội và chính phủ phục vụ công ích.

Lợi ích của hôn nhân cũng lan rộng tới người nghèo, giới lao động và dân tộc thiểu số, mặc dù có việc suy yếu hôn nhân trong 4 thập niên qua. Viện Giá trị Hoa Kỳ kết luận: “Việc sống thử gia tăng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng và tính ổn định của đời sống con cái trong các gia đình ngày nay”.

Tóm lại, sống thử hoàn toàn bất lợi – cả về tâm lý lẫn sinh lý, kéo theo hệ lụy làm suy giảm sức khỏe, điều mà khoa học cũng đã chứng minh. Xưa nay, xã hội vẫn đề cao việc “nam nữ thọ thọ bất thân”, chỉ bắt đầu “chuyện ấy” trong đêm động phòng, dành cho nhau những giây phút thăng hoa cao thượng nhất, và nhiều tôn giáo cũng khuyến cáo chuyện sống thử hoặc “ăn cơm trước kẻng”.

Trầm Thiên Thu

5 thg 6, 2013

BẾP HỒNG YÊU THƯƠNG

Theo tinh thần phục vụ và lời mời gọi của cha Chánh xứ Giuse: Nhằm gánh đỡ phần nào nhọc nhẳn cho những hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn phục vụ của giáo xứ, không phân biệt lương giáo. 

Vào lúc 10g00 sáng nay: Ban Caritas Thiên Ân đă khai lửa " Bếp Hồng Yêu Thương".

Mới 6g30 sáng, anh chị em đã rộn ràng bắt tay vào bếp: mỗi người mỗi việc, người thì nhặt rau thái thịt, người thì gọt củ nấu canh, nhóm kia vo gạo thổi cơm...rồi chia phần, vô hộp.v.v...
Dù tay chân tất bật, mồ hôi đẩm ướt lưng áo, tiếng cười nói vẫn râm ran vì cùng chung niềm vui phục vụ !

Khoảng 8g45: hơn 100 xuất cơm đã được anh chị em chuẩn bị xong, sẳn sàng chờ người đến nhận.

Ngoài Cha Chánh xứ và anh chị em trong ban Caritas hôm nay còn có Cha phụ tá Phaolo, HĐMV giáo xứ, đại diên Ban Xã hội P. Phú Thạnh, đại diện Caritas Hạt TSN, quý ân nhân...
Đúng 10g00: Cha Chánh xứ đã trao "xuất cơm đầu tiên" trong ngày khai trương, niềm vui tỏ hiện trên từng nét mặt bà con đến đây, thức ăn không nhiều, nhưng nói lên tâm tình cảm thông thật nhiều cùng những ưu tư sẻ chia của cả cộng đoàn giáo xứ.

Theo dự tính ban đầu, giáo xứ sẽ chia sẻ  1 xuất cơm trưa vào ngày thứ tư mỗi tuần. Và trong tương lai nếu có điều kiện hơn, số ngày sẽ tăng lên. Đó cũng là ước mong của mọi người đang công tác phục vụ nơi đây...

Xin mời cộng đoàn xem lại hình ảnh sáng nay:


3 thg 6, 2013

Gx. Thiên Ân: Giờ Chầu Thánh Thể

Đức Thánh Cha Phanxico chủ trì Chầu Thánh Thể trong Nhà thờ Thánh Phêrô cùng với các giáo xứ trên toàn thế giới.

Tích cực hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxico qua  Đức Hồnng Y GioanBaotixita  Tổng giáo phận SaiGon và các vị chủ chăn trên toàn quốc.

Chưa đến 22g00, nhà thờ giáo xứ Thiên Ân đã đông đảo tín hữu tập trung.

Mọi ánh mắt đổ dồn về màn ảnh lớn trên gian cung thánh, nô nức chờ đợi từng  "con số đồng hồ đếm ngược" vào thời khắc lịch sử trọng đại (lúc 5g00 chiều tại Roma và 22g00 tối tại Việt Nam): "Giờ Chầu Thánh Thể Toàn Cầu" do ĐGH Phanxico chủ sự (Truyền hình trực tiếp từ Vatican)

Trong tâm tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Cha Chánh xứ Giuse và cộng đoàn phụng vụ đã sốt sắng cử hành "Giờ Chầu Thánh Thể" cùng thời điểm trên nói lên sự thông hiệp trong niềm tin trong Năm Đức Tin và nơi Bí Tích Thánh Thể: nguồn Yêu Thương - Hiệp Nhất...

Đúng 22g00, vị dẫn lễ đưa cộng đoàn vào nghi thức phụng vụ:
Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, và lễ Mình Máu Thánh Chúa trong Năm này phải là cơ hội giúp chúng ta bày tỏ, củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, vào 17g00 hôm nay tại Rôma, tức là 22g00 tại Việt Nam, Đức giáo hoàng Phanxicô chủ sự Giờ Chầu Thánh Thể đặc biệt, và ngài kêu gọi tất cả chúng ta cùng cử hành Giờ Chầu Thánh Thể với ngài, ngay tại địa phương của mình.

Giờ Chầu Thánh Thể này là cơ hội để chúng ta cùng với Đức giáo hoàng, tôn thờ Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể vì yêu thương chúng ta. Giờ Chầu này còn là cơ hội để tất cả chúng ta hiệp nhất với Đức giáo hoàng và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến.

Xin Chúa Thánh Thần giúp cộng đoàn chúng con cử hành Giờ Chầu này cách sốt sắng như Hội Thánh ước mong.

CHỈ VÀI BƯỚC THÔI


1. 
Đọc Phúc Âm, tôi thấy nhiều khi số phận khốn khổ đời đời được định đoạt từ những thái độ vô tâm coi như bình thường.

Đáng suy nghĩ nhất là trường hợp “ông nhà giàu” kể trong Phúc Âm thánh Luca.

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó, tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn.
Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông nhà giàu ngước mắt lên thấy tổ phụ Apraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm. Ông Araham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi, còn Ladarô bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con, thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta cũng không được” (Lc 16,19-26).

2.
Tôi thấy từ nhà ông phú hộ đến chỗ ông ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, nghĩa là cách nhau chỉ có cái cổng. Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và cứu khổ cho người hành khất Ladarô luôn nằm đó. Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó đã phải ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng cao sang vời vời.

Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận.

3.
Dụ ngôn trên đây khiến tôi thực sự lo ngại cho một số trường hợp giàu nghèo đang xảy ra tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay.

Hưởng thụ một cách quá vật chất như ông phú hộ mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình hằng ngày thì không có. Nhưng hưởng thụ một cách tinh vi dựa vào những phát triển vật chất khoác áo đạo đức, thì có.

Hưởng thụ kiểu đó, nếu lại quên cứu khổ những người nghèo túng khổ đau bên cạnh mình, thì thiết tưởng sẽ khó chối được mình cũng giống phần nào người phú hộ vô phúc đó.

4.
 Chỉ vài bước thôi, thế mà nhiều khi chúng ta không muốn bước ra khỏi ranh giới cộng đoàn tôn giáo chúng ta, để tìm đến những người nghèo túng khổ đau ngay cạnh nhà chúng ta.
Người nghèo hiện nay rất đông. Họ thuộc nhiều thứ nghèo. Họ là địa chỉ, mà Chúa muốn chúng ta tới. Nhưng chúng ta không chịu tới, tuy chỉ vài bước thôi. Lý do là vì chúng ta ích kỷ, trong tư thế chỉ muốn phát triển nội bộ, cố tình quên đi những liên đới với dân chúng xung quanh, nhất là với những người nghèo khổ kề bên.

5.
Vượt qua được khoảng cách chỉ vài bước nhiều khi cũng là một thách đố quan trọng. Cũng may là thách đố quan trọng đó đang được nhiều người công giáo tại Việt Nam giải quyết tốt đẹp.

Với đức tin dạt dào yêu thương, họ vượt qua khoảng cách vài bước rất khó khăn, để xây dựng những liên đới tốt với những người trong gia đình, với hàng xóm, với những người cùng cơ quan.

Khoảng cách chỉ vài bước. Bước tâm lý, chứ không phải bước thân xác. Những bước tâm lý ấy cực kỳ là khó. Nhưng họ đã bước được khoảng cách vài bước cực kỳ khó khăn ấy. Nhờ ơn Chúa.

Họ không phải là những nhà phú hộ. Nhưng là những người thường. Họ siêng năng cầu nguyện và sống phần nào chiêm niệm. Họ âm thầm, khiêm tốn, gắn bó với Hội Thánh, qua các vị hướng dẫn có ơn phân định.

Chỉ vài bước thôi, họ thích sống bé nhỏ, và làm những việc bé nhỏ. Nhưng mỗi bước âm thầm của họ đều mang lửa và hy vọng.

6.
Tuy nhiên, kinh nghiệm đạo đức cho thấy: Bất cứ điều gì tốt đều bị ác thần cản phá, cũng như bất cứ điều gì xấu đều được nó khuyến khích.

Dụ ngôn người Samari tốt lành cho thấy sự thực đó.

Chúa Giêsu nói: “Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvai tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia đường mà đi” (Lc 10,30-32).

Dụ ngôn cho thấy: Cũng chỉ vài bước thôi, thầy tư tế và thầy Lêvi đã tránh sang bên kia đường, để khỏi cứu nạn nhân. Lý do họ vịn vào để tránh cứu nạn nhân, có thể là vì quá bận với những công tác tôn giáo ở nhà, hoặc vì không rõ lý lịch nạn nhân. Và họ an tâm. Nhưng Chúa Giêsu coi đó là một an tâm xấu, có thể là một tội đáng phải phạt.

7.
Với những gì về “chỉ vài bước” trên đây đang đặt ra cho tôi một vấn đề lương tâm:
Nếu chỉ với vài bước thôi, tôi đã có thể cứu được một người cả xác cả hồn, thế mà tôi không làm, thì liệu tôi có thể tránh được án phạt nặng nề Chúa nói trong Phúc Âm không?

Nếu chỉ với vài bước thôi, một số cá nhân và tổ chức công giáo có thể giúp Hội Thánh Việt Nam trở thành một Hội Thánh sống nghèo, lo cho người nghèo, nhưng họ đã không chịu bước, thì trách nhiệm của họ trước Chúa sẽ ra sao?

Họ không giúp Hội Thánh trở thành một Hội Thánh sống nghèo và lo cho người nghèo, là vì chính họ sống như một giai cấp giàu sang quyền lực một cách tự hào và khiêu khích, ngay giữa đám đông dân nghèo, lầm than, thiếu thốn. Tự hào và khiêu khích với não trạng thắng thế lại được cho là để làm sáng danh đạo Chúa. Đó là một vấn đề có thực rất cần được cảnh giác.

Lạy Chúa, xin thương giúp con luôn biết mau lẹ thực hiện những bước cứu con người. Con xác tín đó chính là dấu chỉ tốt làm chứng cho đức tin tại Việt Nam hôm nay. Con cũng rất xác tín những bước thực sự cứu con người theo ý Chúa sẽ chỉ được thực hiện đúng là nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa.

Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con trông cậy ở Chúa.

ĐGM. GB Bùi Tuần