30 thg 4, 2014

Thiên Chúa yêu thế gian – Thứ tư Tuần 2 Phục sinh

LỜI CHÚA:  Ga 3, 16-21
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”’
SUY NIỆM
Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,
hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,  
chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,
không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.
Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,
hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.
Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.
Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).
Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động :
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).
Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.
Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,
Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,
và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.
Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).
Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.
Nơi máng cỏ Belem hay nơi đồi Sọ,
ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.
Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.
Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy
qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.
 Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,
là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.
Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).
Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.
Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,
bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.
LỜI NGUYỆN
 Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm
để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 4, 2014

Ai tin được sống muôn đời – Thứ ba Tuần 2 Phục Sinh


LỜI CHÚA:  Ga 3, 7b-15
7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? “10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? “13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
SUY NIỆM
Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết,
vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.
Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái.
Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng.
Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo.
Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu.
Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không ?
Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không ?
Người kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này,
nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó.
Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này,
nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố, 
trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau.
Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu
là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người kitô hữu sau cái chết.
Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu.
Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định 
chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định :
“Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15).
Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.
Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi,

Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu.
Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao.
Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá,
được giương cao khi được Cha phục sinh, 
và được giương cao khi được Cha đưa về trời.
Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời 
nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, 
được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.
Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật.
Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13),
và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32).
Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất ?
Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên ?
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 4, 2014

MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC

Trong tâm tình tri ân và cảm tạ, vào lúc 17g30 hôm nay 28/04/2014. Cha chánh xứ Giuse Lê Hoàng, các cha Phụ tá và cộng đoàn phụng vụ Gx. Thiên Ân đã long trọng tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn " Mừng Kỷ Niệm 49 Năm Hồng Ân Linh Mục" của Cha Cố Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc (27.04.1965 - 27.04.2014).

Đến tham dự Thánh lễ hôm nay gồm có các cha trong Hạt TSN, đại diện HĐMV giáo hạt, các Ban ngành đoàn thể, và đặc biệt có một số đại diện giáo dân từ Chu Lai, Đồng Tâm (nơi Giáo xứ cha đã gầy dựng từ trước 1975) cũng về đây tham dự.

Cha Hạt trưởng TSN, Phanxico Assisi Lê Quang Đăng chủ sự Thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng, cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, chánh xứ Phú Trung, Tổng thư ký UBCLHB trực thuộc HĐGMVN đã chia sẻ" 49 năm Hồng ân Linh Mục" của cha Cố Gioan Baotixita. Xin mời cộng đoàn cùng nghe lại bài giảng trong Thánh lễ Tạ Ơn và cầu nguyện cho cha Cố hôm nay.

ĐƯỢC SINH RA TỪ TRỜI – Thứ hai Tuần 2 Phục sinh


LỜI CHÚA: Ga 3, 1-8
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”3 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? “5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
SUY NIỆM
Mùa Phục sinh là thời gian những người dự tòng lãnh bí tích Thanh Tẩy.
Tuy họ là những người đã lớn khôn trưởng thành,
nhưng bí tích Thanh Tẩy đưa họ vào một cuộc sống mới,
cuộc sống như trẻ thơ được sinh lại nhờ Thánh Thần.
Để bước vào cuộc đời này, cần có một người cha sinh ra mình.
Để vào Nước Thiên Chúa, con người cần được Cha trên trời sinh ra.
Con người có sự sống đời này khi Chúa còn ban hơi thở tự nhiên.
Con người có sự sống vĩnh cửu khi được Chúa ban Thần Khí.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên.
Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng,
đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi.
Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa, 
và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ.
Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen).
Trong tiếng Hy-lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.
Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại.
Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc :
“Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.”
Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai.
Nhưng kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí.
Tương tự như gió ở chung quanh ta.
Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió.
Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy.
Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy,
nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người.
Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống.
Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa.
Hãy để cho sự  sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày.
Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao,
để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên.
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


27 thg 4, 2014

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm A


Tin Mừng Ga 20,19-31

         
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
 
Sunday II of Easter - Year A


Chúng tôi đã thấy Chúa – Chúa nhật 2 Phục Sinh, Năm A – Kính Lòng thương xót của Chúa


Lời Chúa: (Ga 20,19-31)

19 Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
30 Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

 Suy Niệm

Sau khi được phục sinh, Ðức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa,
nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa.
Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ.
Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.
Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp,
khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.
Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26),
thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.
Ðức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương.
Thân xác chiến thắng của Ngài
sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa,
vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma.
Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5).
Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Ðức Giêsu phục sinh.
Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.
Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách.
Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn,
khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn:
“Chúng tôi đã thấy Chúa.”
Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan.
“Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ ngón tay…
nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.”
Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.
Ðức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai.

Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến.
Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em,
nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi.
Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.

Ðức tin của chúng ta hôm nay
dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin,
đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma.
Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực tại vô hình,
như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.
Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”,
thì đòi hỏi trên thật là chính đáng.
Ðức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.
Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác
thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.

Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa,
cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao,
cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác
như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.
Truyền giáo là làm cho người ta tin,
làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.
Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng:
“Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng:
“Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

**Kênh TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP Lễ Tuyên Thánh 2 vị Giáo Hoàng bằng tiếng Việt

QUÝ VỊ CÓ THỂ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM VIDEO TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP THÁNH LỄ TUYÊN THÁNH
(HIỆN TẠI ĐỒNG HỒ YOUTUBE ĐANG ĐẾM NGƯỢC THỜI GIAN VỀ GIỜ LỄ)

26 thg 4, 2014

VẪN KHÔNG TIN – Thứ bảy trong Tuần Bát nhật Phục sinh.


Lời Chúa: Mc 16, 9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Suy niệm:  

Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8,
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ.
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng.


Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng,
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác.
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ,
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên;
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).


Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra,
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20),
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ.
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.

Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala.
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc,
nhưng họ không tin (cc. 9-11).


Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê.
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13).
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).


Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ,
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy,
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi.
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.


Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động.
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình.
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa.
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao.
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15). 


Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay.
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác.
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn…
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã,
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu,
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.


Cầu nguyện: 

Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ. 


Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.


Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.


Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.


Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.


Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 4, 2014

CHÚA ĐÓ – Thứ sáu trong Tuần Bát nhật Phục sinh


Lời Chúa: Ga 21,1-14

Khi ấy, Ðức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Ðức Giêsu bảo các ông: “Ðem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Ðức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. 


Suy Niệm

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
“Tôi đi đánh cá đây.”
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
“Chúng tôi cùng đi với anh.”
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.


Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.


Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.

Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.


Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.

Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.


Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.


Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.

Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12).

Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời  thường,
giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng.
Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ.
Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?”
Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng:
“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.”


Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa.
Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá.
Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly
bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.

Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ.
Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa.
Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh.
Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy.
Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh.


Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ. 


Lúc chúng con chản nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau. 


Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ. 


Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi. 


Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không đươc gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.


Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.


                                                           Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 4, 2014

Anh em là chứng nhân – Thứ năm trong Tuần Bát nhật Phục sinh

Lời Chúa: Lc 24, 35-48

Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

Suy niệm:

Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.

Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.


Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.


Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.

Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.

Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.

Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.

Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.

Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.

Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.


Cầu nguyện:

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.


Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.


Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”


Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


23 thg 4, 2014

Mời ông ở lại với chúng tôi – Thứ tư trong Tuần Bát nhật Phục sinh

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Chiều ngày phục sinh, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.


Suy niệm:

Dưới dáng dấp một người khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc,
quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,
khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.
Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn,
Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt:
“Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”
Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?”
Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.
Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.
“Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…”
Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cả niềm tin cũng trở nên chai lì,
họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.


Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề,
những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.
Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

 
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua
để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.
Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro,
nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

 
Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào,
khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.
Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ
thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.


Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.
Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.
Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.
Nhưng chính lúc Ngài biến mất,
ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.


Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay
qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.
Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân,
tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.


Cầu nguyện:

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.


Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.


Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

21 thg 4, 2014

“Chào chị em!” – Thứ hai trong Tuần Bát nhật Phục sinh)


Lời Chúa: Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do thái cho đến ngày nay.

Suy niệm:

Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28, 7),
các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,
vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu


Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ
Ngôi mộ trống thực sự đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,
các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.


Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,
các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.
Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại
cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.


Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
Như vậy các bà có thể thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.
Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy…” (c. 10).
Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.

Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.

Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,
mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.


Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.
Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.


Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.


 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

20 thg 4, 2014

Rước Kiệu TÔN VINH CHÚA PHỤC SINH


NIỀM VUI PHỤC SINH

Các bạn trẻ thân mến,
Những ngày u ám đã qua. Những đòn roi, tiếng hò hét đòi đóng đinh, những tranh luận gay gắt, tiếng chửi rủa, sỉ vả, tiếng búa chan chát, những giọt máu, vòng gai… chỉ qua một đêm là đã trở thành dĩ vãng. Người thỏa mãn với quyền lực của mình thì vui tươi vì đã loại trừ được một cái gai trong mắt. Người sợ hãi thì giam mình trong những gian phòng tối. Những cao trào hay ồn ào của sự kiện một người nổi tiếng bị đóng đinh cũng qua đi. Mọi người lại trở về với cuộc sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy đến. Lịch sử của cuộc đời Giêsu tưởng là đã chấm hết với những khăn liệm và ngôi mộ lạnh lẽo thê lương. Ai ngờ, chính từ nơi cõi chết ấy, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng của Người. Từ lòng đất âm u, Người đã cho bừng dậy muôn nơi những phúc ân rạng rỡ.
Sáng sớm hôm ấy, có một số người phụ nữ yêu mến Giêsu lặn lội chạy ra mồ khi trời còn chưa tỏ. Trên đường đi, các bà còn lo lắng không biết phải đẩy tảng đá lấp mồ như thế nào, để có thể vào trong xức dầu thơm cho xác Chúa. Trong nhãn quan của các bà, rõ ràng là Giêsu đã chết. Nhưng vừa ra đến mồ, các bà kinh hãi vì tảng đá đã được dịch sang chỗ khác. Lại còn có các Thiên Sứ sáng chói ánh hào quang cho biết là Đức Giêsu đã sống lại rồi. Các bà vội chạy về báo cho các môn đệ. Hai ông Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy ra và chứng thực những gì mà các bà kể lại. Bà Maria Madalena chưa kịp hoàn hồn, cứ ngỡ ai đánh cắp xác của Thầy mang đi. Bà đứng đó mà khóc. Sau khi được tiếng gọi của Đức Giêsu lay động, bà vui mừng hớn hở, chạy về loan tin khắp nơi. Một niềm vui khác hẳn chợt bừng lên trong bà và những ai chứng kiến, một niềm vui có âm vị chưa từng có trong đời. Niềm vui ấy là niềm vui do cảm nghiệm được sự sống thần linh, niềm vui được cảm nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng, nếm được một sự sống thật, sự sống của chính Thiên Chúa.
Các bạn trẻ thân mến,
Sự kiện Chúa chết và sống lại đã xảy ra cách đây khá lâu xét về mặt lịch sử. Nhưng ơn phục sinh của Ngài vẫn luôn có đó và tuôn tràn khắp nơi, trong con tim và khối óc của mỗi người. Có một hạt giống bị chôn vùi vào lòng đất, nay trổ sinh thành một chồi non mơn mởn, chứa đựng bên trong bao sức sống khác. Mùa đông đã qua đi, mùa xuân đến kéo theo muôn chim vui ca hót tưng bừng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc. Xã hội có thể có những lúc khủng hoảng, nhưng rồi mọi chuyện cũng tốt lên. Cuộc sống của chúng ta có thể có những khoảng thời gian u ám, tưởng như không sao vượt qua được, nhưng rồi một tia hy vọng chợt đến, giúp ta lấy lại thế quân bình, và tiếp tục sống những ngày tháng vui và hạnh phúc. Thánh Thần chưa bao giờ thôi hoạt động. Những sự sống mới lúc nào cũng nảy sinh. Nơi góc đá khô cằn bên sườn núi, ta vẫn thấy có những cành hoa dại cố gắng vươn ra. Nơi những triền dốc chơ vơ giữa trời, thấp thoáng vẫn có nhành cây nhỏ uốn mình theo gió. Nơi sa mạc khô cháy và hoang vu, vẫn có những ốc đảo xanh rì rợp bóng mát. Những dấu hiệu tự nhiên như thế cũng tỏ lộ phần nào quyền năng mãnh liệt của Thiên Chúa vượt lên trên sự chết rợn người.
Sự phục sinh của Giêsu cho chúng ta thấy những gì mà trước kia Ngài nói với chúng ta không sai chút nào. Rằng nếu con người chịu chết đi cho những lụy tục của mình, con người sẽ được sống. Rằng muốn đi đến vinh quang, con người phải đi qua thập giá. Rằng niềm tin và tình yêu sẽ chiến thắng tất cả. Rằng quyền năng của Thiên Chúa là vô đối vô song. Rằng chỉ cần ta một lòng tín thác vào Chúa và vâng nghe Lời Người thì Người sẽ cho ta thấy Người tuyệt diệu biết bao khi dẫn ta qua những màn đêm của chết chóc. Dẫu có khi đứng trước những hy sinh, ta có phần sợ hãi, buồn phiền, thậm chí là chùn chân, nhưng nếu ta tiếp tục tín thác và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp trong tay Chúa, ta sẽ được Người thưởng công bội hậu.
Để có thể trở thành một con bướm xinh, con sâu phải chịu đau đớn chui ra khỏi cái kén. Để có thể trở thành một con chim sải cánh giữa trời bao la, những mệt mỏi khi cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ là điều không thể tránh đối với nó. Thành công nào cũng đòi phải có hy sinh. Phục sinh nào cũng đòi phải bước qua thập giá. Ước gì Chúa Phục Sinh ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta dám vượt thắng con người ù lì và nhát đảm của mình, dám hy sinh vì công lý, vì đạo nghĩa, vì Đức Kitô ngõ hầu chúng ta có thể được cùng Người sống lại trong vinh quang.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ