30 thg 9, 2014

Nhất quyết lên Giêrusalem (30.9.2014 – Thứ ba Tuần 26 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 51-56
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? “55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Suy niệm:
Sống là lên đường.
Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến
cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi,
và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44).
Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết, 
là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.
Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.
“Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51).
Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc,
cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu,
bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát.
Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, 
những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.
Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,
chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê.
Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ
là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.
Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến :
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, 
vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).
Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,
nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51).
Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).
Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari.
Giữa người Do-thái và người Samari có sự xung khắc.
Người Do-thái khinh người Samari, người Samari thù người Do-thái.
Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,
người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón.
Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),
đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.
Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),
“khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).
Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.
Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).
Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt,
cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này.
Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực.
Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay.
Chúng ta không chấp nhận một kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.
Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Xin dạy con luôn tươi tắn, dịu dàng
Trước mọi biến cố của cuộc sống,
Khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
Hay gặp sự bất trung, bất tín
Nơi những người con tin tưởng cậy dựa,
Xin giúp con gạt mình sang một bên
Để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
Giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
Để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
Để đau khổ làm con thêm mềm mại,
Chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
Làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
Làm con rộng lòng tha thứ,
Chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
Vì chịu ảnh hưởng của con,
Không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
Lòng cao thượng, tử tế,
Chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
Trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
Xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
Tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
Và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen
(dịch theo learning Christ) 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 9, 2014

Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần


“Các thiên thần của Thiên Chúa
lên lên xuống xuống trên Con Người”

(Ga 1, 47-51)
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gabrien và Raphaen. Như Lời Chúa trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay mặc khải, xin cho chúng ta nhận ra cách sâu xa sự hiện diện và hoạt động mạnh mẽ của các ngài trong thế giới, trong Giáo Hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô. Chúng ta cũng cùng cầu nguyện cho tất cả những anh chị em mang Thánh Hiệu là các Tổng Lãnh Thiên Thần.
Trong tên của ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gabrien, Raphaen, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đều có âm cuối là “en”; trong tiếng Do Thái, là El và có nghĩa là Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta còn gọi tên của vị thứ nhất là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng nên sửa lại là “Micaen”, theo cách gọi của sách Lễ Roma. Lý do, đơn giản là vì vần “en”, trong tên gọi Micaen có nghĩa là Thiên Chúa.
* * *
Tổng lãnh thiên thần Micaen. Tên gọi “Micaen”, trong tiếng Do Thái có nghĩa “Ai giống như Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi giục con người chúng ta cũng ham muốn thiên tính như nó (x. St 3); và vì thế Satan tranh dành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa trên loài người chúng ta.
Sách Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống lại Satan (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu Satan, hay con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.
Tổng lãnh thiên thần Gabrien. Tên gọi “Gabrien” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, truyền đạt sứ điệp trọng đại của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ.
Giống như vị đại sứ thay mặt cho vị Quốc Trường, Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien thay mặt Thiên Chúa để truyền đạt sứ điệp thần linh cho loài người và cho mỗi người chúng ta với tất cả uy quyền của Thiên Chúa.
Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen. Tên gọi “Raphaen”, trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Ngài được biết đến ít nhất, vì chỉ được nêu đích danh trong sách Tobia 12, 15, bản dịch Hi-lạp. Và bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa, chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta, nên truyền thống của Giáo Hội, khi đọc đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4), thì nhận biết, đó là Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen.
* * *
Tìm hiều một chút ý nghĩa của tên gọi, và nhất là sứ vụ của các vị Tổng Lãnh Thiên Thần, sẽ giúp chúng ta hiểu ra được và hiều sâu xa hình ảnh bí ẩn mà Đức Giê-su nói với tông đồ Nathanael, trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay:
Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.
Các Tin Mừng đã không thuật lại biến cố này, bởi vì rốt cuộc chẳng ai nhìn thấy được, nhưng tất cả các Tin Mừng đều kể về hoa trái của biến cố kì lạ: “trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Đó là tất cả những gì các Tông lãnh Thiên Thần làm, giờ đây được chuyển giao cho Đức Giê-su:
  • Như Tổng lãnh Thiên Thần Micaen, Đức Giê-su là sức mạnh của Thiên Chúa, nhưng Ngài là Sức Mạnh tuyệt đối, vì ngài chiến thắng cách tuyệt đối Satan và mọi thứ ma quỉ và thần ô uế. Chẳng hạn, Đức Giê-su đã chữa bà Maria Magdala khỏi bảy quỉ; bảy quỉ, nghĩa là hết mọi thứ quỉ!
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien, Đức Giê-su là vị Sứ Giả của Thiên Chúa, nhưng Ngài là vị Sứ Giả tuyệt vời, đến để nói Lời Thiên Chúa cho loài người chúng ta và cho từng người chúng ta. Bởi vì, ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, nghĩa là Ngài và Lời Thiên Chúa là một.
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen, Đức Giê-su là Đấng chữa lành, nhưng Ngài là Đấng Chữa Lành tuyệt hảo nhất. Bởi vì ngài không chỉ chữa lành thân xác, nhưng còn chữa lành tâm hồn, bằng cách tha tội và giải thoát chúng ta khỏi mọi dấu vết của tội. Và cách chữa lành của Ngài thật lạ lùng và đánh động chúng ta: Ngài mang vào thân mình, mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta.
Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giê-su trừ quỉ, nói lời Thiên Chúa và chữa lành. Nhưng Ngài trừ quỉ, nói Lời Thiên Chúa và chữa lành một cách trọn vẹn và một cách tuyệt đối, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh trên Thập Giá. Bởi vì với Thập Giá, Đức Ki-tô chiến thắng hoàn toàn Ma Quỉ và nọc độc của nó, là Sự Chết; bởi vì Thánh Giá Đức Ki-tô nói với chúng ta cách rõ ràng nhất Lời Thiên Chúa, đó là Lời yêu thương và tha thứ; và Thánh Giá Đức Ki-tô chữa lành hoàn toàn mọi bệnh hoạn tật nguyền liên quan đến tội và sự dữ trong tâm hồn chúng ta.
Giống như khi Ngài chiến thắng Satan trong sa mạc, các thiên thần đến hầu hạ ngài (x. Mt 4, 11), khi mọi sự được hoàn tất trên Thập Giá, các tổng lãnh Thiên Thần và toàn thể các Thiên Thần “lên lên xuống xuống” trên Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Xin Chúa cho chúng ta nhận ra và cảm nếm điều kì diệu này, khi nhìn lến “Đấng họ đâm thâu”.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

28 thg 9, 2014

Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Năm A


Tin Mừng Mt 21,28-32
           
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”


Sunday XXVI in Ordinary Time - Year A

27 thg 9, 2014

Không hiểu lời đó – Thứ bảy Tuần 25 Thường niên


 LỜI CHÚA:  Lc 9, 43b-45

44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Suy nim:

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.



26 thg 9, 2014

Mấy người phụ nữ cùng đi – Thứ Sáu Tuần 24 Thường niên


Lời Chúa: Lc 8, 1-3
1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Suy niệm:
Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc, 
để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1). 
Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy 
là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái. 
Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ. 
Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê. 
Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ. 
Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc. 
Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng, 
thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu. 
Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.
Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.
Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ. 

Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49). 
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55). 
Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3). 
Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18), 
chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh 
Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh, 
nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22). 
Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai, 
để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14). 
Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu, 
từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai. 
Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.
Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài. 
Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại. 
Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn, 
trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý. 
Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá. 
Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3). 
Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém, 
vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43). 
Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27). 
Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng. 
Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ, 
và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.
Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ, 
chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó. 
Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình. 
Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung. 
Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái, 
dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận. 
Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
 Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
 Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
 Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
 Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
 Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
 Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 9, 2014

Ông này là ai?

Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.
Suy nim:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

24 thg 9, 2014

Đừng mang gì (24.9.2014 – Thứ tư Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 1-6
1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu, 
thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng, 
giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp 
để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm. 
Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2). 
Nhưng trước khi được chia sẻ công việc, 
họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1). 
Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt. 
Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang. 
Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả. 
“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3). 
Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ, 
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin. 
Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa, 
và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người. 
Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an. 
Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường, 
các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa. 
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ. 
Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho. 
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4). 
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn. 
Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ, 
và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn. 
Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5). 
Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân. 
Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt, 
không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp. 
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật, 
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác. 
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận: 
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất. 
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người, 
với những lo âu rất đời thường trong một gia đình, 
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất. 
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần 
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người. 
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì? 
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21? 
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 9, 2014

Mẹ tôi và anh em tôi – Thứ ba Tuần 25 Thường niên


Lời Chúa: Lc 8, 19-21
19 Khi ấy, Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu, 
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài. 
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại? 
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm, 
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ. 
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ. 
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy, 
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19). 
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu: 
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết 
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không. 
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng. 
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài: 
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa 
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ ! 
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia. 
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét, 
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài. 
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột. 
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà. 
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà. 
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu. 
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành, 
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài. 
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới. 
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều, 
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó. 
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em. 
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài, 
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ, 
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân. 
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha. 
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa, 
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu. 
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa. 
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa. 
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình. 
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria, 
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 9, 2014

TÌM HẠNH PHÚC NƠI ĐÂU

Hạnh phúc là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng khao khát có được. Mọi nỗ lực của ta trên hành trình dương thế này đều nhắm đến mục tiêu làm sao để có được hạnh phúc cho mình. Người ta cố gắng làm ra nhiều tiền cũng chỉ vì nghĩ rằng tiền có thể mang đến hạnh phúc. Người ta cũng tìm kiếm hạnh phúc của họ nơi việc đọc sách, nơi các thú tiêu dao, nơi âm nhạc, nơi việc theo đuổi các sở thích. Người ta muốn có người yêu là bởi vì khi yêu, ta cảm thấy hạnh phúc. Người ta thích sống trong những tiện nghi đầy đủ là bởi vì những điều ấy mang đến cho họ một sự thoải mái và an nhàn, một cảm giác êm đềm và khoan khoái. Hạnh phúc hay sự viên mãn của bản thân là cái luôn thu hút người ta hướng về, dù người ta có ý thức về nó hay không.

Cứ sự thường, ta tìm kiếm hạnh phúc nhờ cố gắng khỏa lấp những chỗ trống trong con người mình, ta tìm cách thỏa đáp những nhu cầu của bản thân, từ vật chất, tâm lý, tinh thần đến tâm linh. Đồng thời với việc bồi đắp cho mình, ta cũng tập bỏ đi những gì cản vướng, những thứ phù hoa, hay những điều không thuộc về mình để hành trang mang theo được nhẹ nhàng và thanh thoát. Ta chẳng biết hạnh phúc là gì, vì nó không phải là một thực thể vật chất nào đó để ta có thể nhìn thấy và nắm bắt bằng đôi tay. Hạnh phúc chỉ đơn thuần là một sự thăng hoa của cả con người, cho ta một cảm giác như thể mình được trở nên trọn vẹn là mình. Khi có được hạnh phúc, ta chẳng còn tha thiết gì nữa, chẳng còn mong chờ gì nữa. Hành trình ta đi là hành trình đi tìm hạnh phúc. Nhưng, phải đi tìm hạnh phúc nơi đâu?

Có những người mong chờ hạnh phúc ở một tương lai xa xôi nào đấy. Cuộc sống hiện tại đối với họ chỉ là những màn đen âm u, mệt mỏi. Họ phải lao đầu vào công việc để kiếm kế sinh nhai. Những khó khăn cứ từ đâu ập đến. Đời sống họ là một chuỗi ngày dài thê lương nặng nề. Họ muốn gạt đi nhưng không thể nào gạt nỗi. Họ cảm thấy chẳng thể yêu nỗi cuộc sống này. Họ kéo lê tình trạng thảm thương của mình từng ngày từng một, rồi chỉ biết mong chờ vào tương lai mà không bao giờ khởi sự đắp xây vận mệnh đời mình cho khởi sắc. Hạnh phúc mãi mãi chỉ là mong chờ và sẽ chẳng bao giờ đến với họ. Hạnh phúc ấy chỉ tồn tại trong những giấc mơ. Họ chờ hạnh phúc ở tương lai, nhưng tương lai chỉ là khái niệm người ta dành để nói về những gì chưa đến, những cái không nằm trong bàn tay ta.

Có những người đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xăm nào đấy. Họ chẳng có một mối dây gắn kết nào với những người chung quanh trong khi lại nỗ lực lấy lòng những người không quen biết ở những phương trời Đông Tây nào đấy. Bố mẹ, anh chị em trong nhà, họ chẳng mang chi đến, chẳng biết ngày sinh nhật bổn mạng, chẳng đoái hoài gì đến chuyện buồn vui. Còn đối với những người xa lạ ngoài đường, họ tận tình chăm lo, tặng quà, đi chơi vui vẻ. Cơ bản là bởi vì những người sống chung quanh không đánh giá cao họ, không dành cho họ những lời khen, không trân trọng họ cho bằng những người ngoài. Được lòng những người ở ngoài, họ tưởng mình là thánh, nhưng họ đâu biết rằng đâu có vị thánh nào đi tìm kiếm thứ hạnh phúc ảo như thế. Họ thèm khát những địa điểm đẹp, danh lam thắng cảnh ở chỗ này chỗ nọ, còn tại nơi mà họ đang sống, họ thấy nhàm chán và chẳng thiết tha chi.

Kỳ thực, chính lúc này đây và chính nơi đây mới là cuộc sống. Ngay khoảnh khắc hiện tại mà ta đang trải qua đây mới là điều quan trọng nhất trong cuộc hiện hữu của ta. Muốn có hạnh phúc, chúng ta phải tập yêu những gì đang xảy đến với ta, tập đón nhận thực tại hiện có như là một phần làm nên chính ta. Những khó khăn đang có đó, ta hãy đối diện và từ từ tìm cách giải quyết. Những tương quan đang rạn nứt đó, ta hãy tìm cách hàn gắn bằng đối thoại, thông cảm và tình thương. Ngay khi chúng ta yêu cuộc sống hiện tại của mình thì chính cuộc sống cũng sẽ yêu chúng ta. Mỉm cười với những gì đang ở bên ta đây, trong giờ phút này, là cách thức làm cho chúng ta thấy mình được đong đầy hồng ân nhất.

Một ông thương gia kia nhìn thấy một ngư dân nằm nghỉ ngơi, hóng gió trên chiếc thuyền. Ông ngạc nhiên và hỏi:

  • Tại sao ông không thả câu để bắt cá?

  • Tôi đã có đủ cá để dùng cho hôm nay rồi – bác ngư phủ trả lời.

  • Tại sao ông không thả câu để có thêm nhiều cá nữa? – Ông thương gia hỏi lại.

  • Tại sao?

  • Nếu có thêm cá, ông có thể bán và có nhiều tiền.

  • Có nhiều tiền thì sao?

  • Lúc đó ông có thể xây nhà lớn, mua xe hơi và cuộc sống của ông sẽ sung túc.

  • Sung túc rồi thì sao?

  • Lúc đó ông có thể nghỉ dưỡng, an hưởng cuộc sống.

Bác ngư phủ cười nhẹ và ôn tồn trả lời:

  • Chứ ông không thấy là nãy giờ tôi đang an hưởng cuộc sống của tôi sao?

Sống trong thời đại chạy đua này, chúng ta vẫn phải luôn làm việc để có được những tích trữ khi cần thiết, chứ không thể nhởn nhơ như ông ngư phủ kia được. Nhưng giá như ta có thể sống được một cuộc sống thong dong và tự tại như thế thì hay biết mấy. Đời ta sẽ nhẹ nhàng và thoải mái biết mấy.Câu chuyện trên có thể không làm những người kinh doanh thích thú, nhưng lại gửi gắm đến chúng ta một sứ điệp rất đơn giản mà lại rất thâm sâu về bí quyết kiếm tìm hạnh phúc.

Hạnh phúc hiện diện ngay lúc này, khi ta biết để cho lòng mình lắng xuống, nhẹ nhàng và đón nhận hết mọi điều đang hiện diện trước mắt ta, với những con người đang ở cận kề bên ta. Hạnh phúc hiện diện ngay tại nơi đây, nơi mà ta đang đặt đôi bàn chân và toàn bộ thân xác này, bởi vì, đây mới chính là nơi mà lúc này ta đang sống. Ở đây và bây giờ, chính là “nơi” ta tìm thấy hạnh phúc cho mình, chứ không phải ở nơi khác hay vào lúc khác. Nơi khác và lúc khác có thể là hạnh phúc, nhưng là của người ta, chứ không phải của chính bản thân mình.

Chúng ta vẫn thường tò mò là không biết có một cuộc sống sau cái chết hay không, nhưng chúng ta lại quên mất rằng chắc chắn có một cuộc sống trước cái chết. Đừng chờ đến sau khi chết mới được hạnh phúc nhưng hãy tập cảm nếm hạnh phúc ngay chính nơi cuộc sống này.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Cách thức anh em nghe – Thứ hai Tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”

Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn dấu.

“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Ðó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.

Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.