31 thg 1, 2014

Gx Thiên Ân: MỪNG ĐÓN GIAO THỪA 2014


Hoàng mai rực nở hoa Ân Phúc
     Tuyên lời kính chúc đón Xuân sang
   Tiến bước vui  an mừng Năm Mới
           Cộng đoàn chung hưởng: Tết Thiên Ân.

MỒNG MỘT TẾT: NGÀY ĐẦU NĂM, SỐNG TÂM TÌNH PHÓ THÁC

Ước nguyện đầu năm, ai ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng. Thế nhưng, mơ thì vẫn cứ mơ, thực tế thì không biết đến bao giờ mơ mới thành thật. Đâu đâu cũng là khó khăn, đâu đâu cũng tăm tối triền miên. Cuộc đời con người xem ra cứ mãi lo toan về nhiều thứ : lo chuyện cái ăn cái mặc thôi chưa đủ người ta còn lo cả chuyện trong nhà ngoài phố. Người ta lo làm sao sống được, lo làm sao thành công, thành đạt. Đời người cứ mãi loanh quanh hết lo này đến lo khác. Sự lo lắng xem ra được thổi phồng lên. Nói cách ví von chỉ buôn thúng bán mẹt thôi nhưng lo lắng tất bật như một đại gia buôn hàng tỷ. Chỉ có một điều phải quan tâm lo lắng đó là tìm kiếm Nước Chúa và Đức Công Chính của Người.
1. Ưu tư về một Năm Mới trên nền năm cũ : Trong những ngày cuối năm, tin tức về sự bất ổn của nền kinh tế giá cả leo thang, thu nhập ngày càng xuống, chỉ số GDP quốc gia tăng nhưng mức sống người dân lại đi xuống, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm báo động đỏ, rồi buồn hơn tin tức về nạn ngược đãi, bạo hành trẻ em và phụ nữ xem ra ngày càng nhiều, trên thế giới thì khủng bố, chiến tranh, những người chiến sĩ chiến đấu vì tự do, hòa bình, công lý bị ám sát, ngay cả trong đời sống tôn giáo cũng rất nhiều những điều đáng lo, đáng buồn như xung đột tôn giáo, nhiều nhà thờ Công giáo bị phá hủy, lối sống tha hóa ngày càng có chiều hướng gia tăng nơi giới trẻ… Toàn là những tin buồn làm người đọc không khỏi lo âu, đặt ra nhiều ưu tư cho một Năm Mới đang đến. Tất nhiên, nhìn cách tổng thể một năm qua xã hội có nhiều tiêu cực, có nhiều việc chưa làm được, thậm thí có nhiều thất bại trên mọi lãnh vực, tuy nhiên, vẫn có những sự việc, những điều tốt đẹp giúp cho người ta có quyền hy vọng một Năm Mới tốt đẹp hơn sẽ đến.
2. Để rồi tất cả xin phó thác : Có thời gian ngồi “ôn cố tri tân” nhân dịp đầu năm, nhìn lại một năm qua, nhìn về một quá khứ xa hơn nữa nhiều năm đã qua thì đúng như Chúa nói : “Ngày nào có sự khổ của ngày ấy”. Chúa Giêsu nhận xét thật tinh tế và thực tế, Theo Người đời sống không hoàn toàn là màu hồng mà còn có rất nhiều gian truân, khó khăn thử thách và đau khổ. Nhận thức như thế để rồi đừng quá bi quan, thổi phồng gian lao, khốn khổ cách vô ích thành ra quá lo lắng cho ngày mai. “Đừng lo lắng về ngày mai : Ngày mai cứ để ngày mai lo”. Dĩ nhiên, Chúa không dạy sự ỷ lại, không dạy sống buông trôi muốn ra sao thì ra. Cũng không phải muốn con người không phấn đấu, không làm gì hết hay cổ võ lối sống nhàn cư rảnh rỗi vô tâm. Ở đây Chúa dạy một bài học về lòng tín thác vào sự quan phòng đầy tình yêu của Thiên Chúa. Phải làm việc, phải sống cho hôm nay, phải biết tiên liệu cho ngày mai, nhưng điều cốt yếu là trong mọi sự phải biết qui hướng về Thiên Chúa. Hướng về Chúa, phó thác tất cả trong Chúa, sống theo đường lối của Ngài thì mọi nhu cầu cần thiết của cuộc sống Ngài sẽ ban cho. “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho”.
Vậy lo gì, rồi mãi mãi sẽ lo. Cha trên trời biết chúng ta cần gì, Ngài sẽ ban cho dư đầy, hãy tin tưởng phó thác trong tay Ngài. Một Năm Mới bình an, hạnh phúc sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
3. Cho tâm hồn biết vô tư sống theo Chúa : Trong bản văn Tin Mừng tuyên đọc ngày Mùng Một Tết này, có đến 5 lần, Chúa Giêsu kêu gọi “Đừng lo lắng”, để nói lên lời mời gọi khẩn cấp từ bỏ mọi âu lo thái quá vì cả cuộc sống của mỗi người đã được Chúa yêu thương chăm lo rồi. Lo lắng mà làm gì, có kéo dài thêm cuộc sống của mình dù chỉ một gang tay không ? Mạng sống con người do Chúa dựng nên và Ngài đã yêu thương đến độ hiến tế chính Con Một là Chúa Giêsu để cứu chuộc thì chắc chắn trước mặt Chúa thật là quý giá, vì thế, Ngài không bao giờ để bị hư mất cả. Do đó, cuộc đời này vốn dĩ là bể khổ, mọi sự trước mắt xem ra là bấp bênh nhưng cuộc đời có Chúa thì cứ vô tư mà sống. “Sống có đức mặc sức mà ăn”. Đức ở đây là nhân đức Tin - Cậy - Mến. Lời Chúa Giêsu dạy không bảo chúng ta dửng dưng với các vấn đề của cuộc sống hiện nay : kinh tế khó khăn, nghèo đói, giáo dục gặp khủng hoảng, tệ nạn xã hội lan tràn, thế giới nhiều chiến tranh, hận thù và bạo lực, ô nhiễm môi trường… Chúa cũng không bảo chúng ta chểnh mảng trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, nhưng Người đòi chúng ta giải quyết các vấn đề ấy trong đường lối của Thiên Chúa.
Không phải của cải, tiện nghi, các biện pháp khoa học kỹ thuật giải thoát con người khỏi khổ cực gian khó mà chính Thiên Chúa. Chỉ có tâm hồn biết hướng về Chúa, tín thác vào sự quan phòng của Chúa mới biết vô tư vui sống và cho dẫu rất khó khăn nhưng vẫn một lòng hy vọng tin tưởng vào tương lai tốt đẹp đang chờ đón.
Đời sống con người chủ yếu là qui hướng về Nước Trời và đức công chính của Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào đó. Vậy trong Năm Mới này mỗi người hãy ăn ở sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Kitô hữu phải để cho Chúa ngự trị trong tâm hồn, trong cuộc đời, để cuộc đời cho dù lắm gian nan, ngàn vạn thử thách vẫn cứ vô tư vui sống. Vì có Chúa ở luôn bên ta.°
 Mai Quốc Trung

LỄ GIAO THỪA

Tin Mừng Mt 5,1-10  
        Một hôm, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

29 thg 1, 2014

VÓ NGỰA VÀO XUÂN




Có nhiều ca khúc đủ loại, nhưng có thể nói rằng ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” là loại hiếm. Ca khúc này được NS Lê Yên (*) sáng tác năm 1945, lúc đầu ca khúc này có tên “Kỵ Binh Việt Nam”. Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi. 

Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ. 

 Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa… Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần: “Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”.

 Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.

 Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng.

 Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”. Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương! 

Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

 Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi. Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh. Việt Nam cũng luôn như ngựa chiến đã và đang phi nhanh vào tương lai, có lúc phi nước kiệu, có lúc phi nước đại, không ngừng vươn xa... 

Đường đời đã vậy, đường tâm linh cũng thế. Thánh Giacôbê lấy ngựa là ví dụ để nói về con người trần gian: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.

 Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3:3-6). Cái lưỡi thật tốt mà cũng thật xâu! Người ta cũng đã ví von: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chỉ một lời nói thôi mà bốn con ngựa cũng không đuổi kịp. Kinh khủng thật! Vì thế mà luôn phải cẩn trọng.

 Cuộc sống như chiến trường, chúng ta không chỉ chiến đấu cho đời thường mà còn phải chiến đấu cho Đức Tin. Đó mới là cuộc chiến quan trọng. Chúa Giêsu đã xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). 

Chúng ta là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng phải chiến đấu và phải chiến thắng mọi cái ác. Cuộc chiến nào cũng luôn có những cái đối lập, vì cái xấu đối kháng với cái tốt, vì người ta chống đối nhau nên mới xảy ra chiến tranh. Vì thế, Thánh Phaolô nhắn nhủ mỗi chúng ta can đảm và cẩn trọng: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1:28). 

Cuộc chiến tâm linh không đổ máu, không mất mạng, nhưng có thể mất linh hồn. Nguy hiểm lắm! Đây là điều chúng ta phải tự trang bị: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:11-12) Chúa Giêsu vừa dạy dỗ, vừa khuyên bảo, vừa cảnh báo: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13:24).

 Cuộc chiến nào cũng cam go, có những lúc là “giờ chiến đấu quyết liệt” nên Chúa Giêsu căn dặn những điều phải làm (x. Lc 22:35-38). Năm Giáp Ngọ, chúng ta hãy học những tính tốt của loài ngựa, và cố gắng loại bỏ các tính xấu của nó, nhất là trên đường đua lữ hành trần gian, sao cho phi càng nhanh càng tốt trên đường nhân đức, để đạt tới đích mà Thiên Chúa đã vạch sẵn: Nên Thánh Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài làm nài ngựa để cầm cương điều khiển chúng con phi thẳng tới Nước Trời. Amen.

 TRẦM THIÊN THU

 (*) NS Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917-1998), sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên (Quốc Oai, Sơn Tây – nay thuộc Hà Nội). 

Ông là nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Ông viết ca khúc đầu tay khi ông 18 tuổi (năm 1935). Ngoài lĩnh vực ca khúc, Lê Yên sáng tác nhạc cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho hàng chục vở tuồng, chèo, cải lương, và đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm tòi, nghiên cứu những sự thể hiện cũng như hình thành các mô hình âm nhạc cho sân khấu dân tộc.

 Ngoài ra ông còn viết nhạc cho một số bộ phim như “Câu Chuyện Làng Vũ Đại”, “Bài Ca Trên Vách Đá”,... Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội.
 Ngoài công việc sáng tác và giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống, viết các sách “Kinh Nghiệm Phổ Thơ”, “Đô Rê Mi Tự Học” (viết chung với NS La Thăng ). Ông qua đời ngày 15-11-1998 tại Hà Nội. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 Ông có một số ca khúc khác như: Một Ngày Vui, Mỵ Nương, Tiếng Sáo Trưa Hè, Trận Đoan Hùng, Vườn Xuân, Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc, Bẽ bàng,...

28 thg 1, 2014

CARITAS ẤM ÁP TÌNH XUÂN 2014

Sau nhiều tuần chuẩn bị, lúc 8g00 sáng nay, 27/01/2014. Cha Chánh xứ Giuse và ban Caritas Gx. Thiên Ân đã chia sẻ hơn 300 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài giáo xứ không phân biệt Tôn giáo.
Xin tri ân tấm lòng hảo tâm của quý ân nhân và tất cả cộng đoàn đã đáp lời mời gọi của cha Chánh xứ cùng chung tay mang đến niềm vui hạnh phúc cho những cảnh đời kém may mắn hơn. Chắc rằng Thiên Chúa Mùa Xuân sẽ không kém lòng quảng đại đối với mỗi người chúng ta...

Xin mời cộng đoàn xem Video Clip:

26 thg 1, 2014

ĐỀ TÀI tháng 01/2014: Gia đình cầu nguyện

GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN

Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).
Ý cầu nguyện: Xin cho các thành viên trong gia đình ơn đạo đức, siêng năng cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.
Bài ca ý lực: Đâu có tình yêu thương.

1. Đền thờ tại gia của Hội Thánh

- Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không là gì khác hơn là “gia đình của Thiên Chúa”. Nhưng gia đình kitô hữu bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì thế cũng được gọi là một “Hội Thánh tại gia”[1], trong đó người cha, người mẹ, con cái, mọi phần tử trong gia đình, thực thi chức tư tế do phép Rửa.

- Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn phối, gia đình kitô hữu không ngừng được tác sinh nhờ Chúa Giêsu trong Thánh Thần của Người, được Người mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua hiến lễ đời mình và cầu nguyện. “Đó là chức vụ tư tế mà gia đình có thể và phải chu toàn trong sự hiệp thông mật thiết với toàn thể Hội Thánh, qua những thực tại hàng ngày của đời hôn nhân và gia đình; bằng cách ấy, gia đình kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa và thánh hóa cộng đoàn Hội Thánh và thế giới”.[2]

2. Kinh nguyện gia đình

- Chức tư tế bởi phép Rửa mà các tín hữu sống trong hôn nhân-bí tích là nền tảng của một ơn gọi và một sứ mạng tư tế, nhờ đó cuộc sống hàng ngày của đôi vợ chồng và gia đình được biến thành “hi lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5). Điều đó phát xuất không những do việc cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, cũng như do việc tự hiến mình cho vinh quang Thiên Chúa, mà còn do đời sống cầu nguyện, do việc đối thoại nguyện cầu với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.

- Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung của cả nhà: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông do bí tích Rửa tội và Hôn phối. Chúa Giêsu đã hứa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).

- Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống gia đình được xem như là một ơn gọi từ Thiên Chúa và được thực hiện như là lời đáp trả hiếu thảo cho tiếng gọi ấy. Những niềm vui và nỗi cực nhọc, những hi vọng và sầu buồn, những ngày sinh nhật và kỉ niệm hôn phối của cha mẹ, những lần đi xa và ngày trở về đoàn tụ, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, lúc một người thân yêu qua đời, ... đều ghi dấu sự hiện diện quan phòng của tình yêu Thiên Chúa trong lịch sử gia đình. Những biến cố ấy là thời điểm thuận lợi để gia đình biết tạ ơn, hay khấn nguyện, phó thác trong tin cậy vào Cha chung trên trời.[3]

3. Kinh nguyện phụng vụ và kinh nguyện riêng

- Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Được xây dựng trên nền tảng bí tích Hôn phối, gia đình là “Hội Thánh tại gia” dạy cho các con cái Chúa học cầu nguyện “với tính cách là Hội Thánh” và kiên trì trong viêc cầu nguyện.[4]

- Trong Hội Thánh tại gia mục đích quan trọng của kinh nguyện là bước khai tâm cho con cái đi vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội Thánh. Gia đình cần phải dần dần đưa mọi thành viên tham dự vào bí tích Thánh Thể, nhất là ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích khác. Kinh nguyện của Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và việc cử hành phụng vụ. “Hội Thánh tại gia”, ngoài kinh nguyện sáng tối, cũng được tha thiết khuyên nên đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị cho các bí tích, tôn sùng và tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria với những hình thức khác nhau, cầu nguyện khi ăn cơm và thực hành các việc đạo đức bình dân.[5]

- Kinh nguyện Kitô giáo ưu tiên chăm chú vào việc suy niệm “các mầu nhiệm của Đức Kitô”, như trong lectio divina (đọc và suy gẫm Lời Chúa) và kinh Mân Côi. Đức Giáo hoàng Phaolô VI khuyên nhủ: “hãy lần chuỗi trong gia đình... Chắc chắn tràng chuỗi kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi như một trong những ‘kinh nguyện chung’ tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Hội Thánh mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau”[6].

- Việc cầu nguyện còn phải tiến xa hơn nữa: nhằm hiểu biết tình yêu của Chúa Giêsu, nhằm kết hợp với Người. Muốn thế, gia đình cũng cần tập hướng tới hình thức cầu nguyện chiêm niệm : lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng để tham dự vào tiếng “Amen” của Người Con đã hạ mình làm Tôi Tớ và tiếng “Fiat” của người nữ tì khiêm tốn của Chúa.[7]

4. Kinh nguyện và đời sống

- Cầu nguyện không phải là biểu hiện của sự chạy trốn trách nhiệm thường ngày, trái lại đó chính là sức đẩy mãnh liệt đưa gia đình đến chỗ đảm nhận và chu toàn toàn bộ trách nhiệm làm tế bào đầu tiên và căn bản của xã hội nhân loại. Kết hợp với cây nho sai trái là Chúa Kitô, nhất là trong cầu nguyện trung thành và sâu sắc như thế, gia đình tham dự cách hữu hiệu vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới, góp phần vào sự biến đổi thế giới[8].

- Lời của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II: “Cuối cùng, các cặp vợ chồng kitô hữu thân mến, nếu các con ước muốn trở thành ‘Tin mừng cho thiên niên kỉ thứ ba’, thì đừng quên rằng cầu nguyện trong gia đình là con đường vững chắc để luôn hiệp nhất trong một lối sống hòa hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giờ đây, khi ban phép lành Tòa thánh cho tất cả các con, Cha để lại cho các con một nhiệm vụ cuối cùng: nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các con hãy đặt Tin mừng làm nguyên lí hướng dẫn gia đình mình, và hãy làm cho gia đình các con trở thành một trang Tin mừng được viết ra cho thời đại chúng ta !” (Đại Hội Gia Đình Thế Giới Manila 2003).

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
  1. Gia đình tôi có đọc kinh chung hoặc một hình thức cầu nguyện chung nào đó hàng ngày, hoặc hàng tuần không?
  2. Cách thức gia đình tôi sống và diễn tả niềm tin trong các sinh hoạt hàng ngày như: tại bàn thờ, giờ cơm, kinh nguyện sáng tối, cách sống ngày Chúa Nhật và các ngày lễ có làm cho các thành viên trong gia đình được gần gũi với Chúa và với nhau không? Tại sao? Có điều gì cần thay đổi.
  3. Gia đình tôi có thỉnh thoảng hay thường xuyên tham dự phụng vụ hay cầu nguyện chung với cộng đoàn trong giáo khu, giáo xứ không?
UBMVGĐ

[1] X. LG 11; FS 21; GLHTCG 2204..
[2] FC 55.
[3] FC 59.
[4] X. GLHTCG 2685.
[5] X. FC 61.
[6] Tông huấn Marialis Cultus, 52.54.
[7] X. GLHTCG 2716; 2717.
[8] X. FC 62.

Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin

Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin

Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình

Tân-Phúc-Âm-hóa trước hết là đổi mới nhiệt huyết Loan báo Tin mừng trong sự kết hợp cá vị nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu ngày một hơn, và để từ đó mà xuất hiện những cách thế mới, sáng kiến mới, phương pháp mới trong các chương trình mục vụ của Hội Thánh. 

Qua Thư Chung của HĐGMVN ngày 10.10.2013, các Đức Giám mục kêu gọi Cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam  tích cực tham gia vào công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa trong kế hoạch ba năm 2014-2016. Đặc biệt, “trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ Loan báo Tin mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” (5).

“Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin mừng” (6). Như thế, các gia đình Kitô hữu, noi gương và bước theo Gia đình Thánh: Giêsu-Maria-Giuse luôn xin vâng theo chương trình cứu độ của Chúa Cha (số 1), nguyện để cho gia đình mình được Phúc Âm hóa, nghĩa là được thánh hóa nhờ làm cho Đấng Thánh Con Thiên Chúa hiện diện sâu đậm hơn trong gia đình (số 2-7), để rồi đồng thời mình cũng tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hóa của Hội Thánh trong Thánh Thần đổi mới (số 8-12).

Để các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ, cùng nhau suy tư, cử hành và sống lời kêu gọi trên của các vị mục tử, chúng tôi xin giới thiệu các đề tài về tình yêu-hôn nhân-gia đình sau đây như một gợi ý mục vụ cho 12 tháng của năm tới.

Tháng
Chủ đề
Lời Chúa
GLHTCG
Tài liệu Huấn Quyền khác
Bài ca ý lực
12/
2013
1.Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse: Gia đình của Thiên Chúa “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Mt 1, 23) 2201-2205.  1601-1642 LG 11 / GS 48 / FC  21 / RC 7.8.21
CẦU XIN THÁNH GIA
01/
2014
2. Gia đình, Hội Thánh tại gia, cùng lắng nghe và cầu nguyện với nhau “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20) 1655-1658. 2204-2205. 2664-2679 LG 11 / AA 11 / GE 3 / EN 71 /FC 55.59. 61. 62
ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG
02 3. Gia đình sống và cử hành bí tích Thánh Thể, bí tích của Tình Yêu “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22, 19) 1324-1405 SC 47 / FC 57 / EE 57
Tuyển tập Ca Lên Đi (485) HÃY ĐẾN VỚI TA
03 4. Gia đình sống và cử hành bí tích của Lòng Thương Xót
“Anh em  hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37) 1422-1484. 2838-2845 LG 8. 11 / GS 16. 17. 28 / UR 3 / FC 58
Ca Vang Tin Mừng (tr.75) TÌNH YÊU THA THỨ
04 5. Gia đình là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 27) 764-766 LG 7. 23. 26 / GS  32 / UR 3 / AG 5 / AA 3
Ca Vang Tin Mừng (tr.3) GIA ĐÌNH CủA CHÚA
05 6. Gia đình là một cộng đoàn đối thoại “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29) 2185-2186/ 2201-2203 GS  3.19.40.43. 92 / UR 4 / DH 3
Lời cho cuộc sống  (tr 100) TÔI THEO MỘT NGƯỜI (Ý Vũ)
06 7. Vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu phối ngẫu, thân mật, thủy chung và khiết tịnh  “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6) 2360-2365 GS 47-50 / FC 11
Ca Vang Tin Mừng (tr.72) CẢ NHÀ THƯƠNG NHAU
07 8. Gia đình - ‘Đền thánh Sự Sống’- tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa qua việc truyền sinh có trách nhiệm “Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19, 14) 1652-1654. 2366-2379 GS 50.51 / HV 7.12-14 / FC 28-32 / EV 3.26. 58-63. 64-67. 92
Ca Vang Tin Mừng (tr.33) THÁNH HÓA GIA ĐÌNH
08 9. Gia đình – ‘Trường học đầu tiên’ – tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa qua việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4) 1653.1657.2206. 2221-2226. 2372 GE 2-3 / GS 35. 52 / FC 28.36-40. 60
Ca Vang Tin Mừng (tr.96) LOAN TIN MỪNG
09 10. Gia đình – ‘Chủng viện đầu tiên’ – tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa qua việc ươm mầm và vun trồng ơn gọi “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). 373. 1998. 2226. 2232. 2233. 863 /1603.1604.2331. 2369 / 914-933 / 1581-1589. LG 11 / PC 24 / OT 2 / AA  2-4 / HV 12 CHÚA CẤT TIẾNG GỌI CON (Việt Khôi)
10 11. Gia đình – ‘Tiền đồn của truyền giáo’ – tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa bằng cách ra đi đến với anh em lương dân “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20) 849-856.905. 2225 LG 11.35 / AA 6 / AG 1.2 / EN 71 / FC 39.51-54
Bài Ca Thông Truyền Đức Tin (tr. 34) GIÊSU ÁNH SÁNG
11 12. Gia đình tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa qua việc xây dựng và phát triển xã hội [Hãy dâng lời cầu nguyện cho những người cầm quyền,] “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2,1-2) 1603. 2207-2213 / 2234-2246 GS 47.52 / FC 42-48
BA NGỌN NẾN LUNG LINH (Ngọc Lễ)
Ghi chú: Các bài ca ý lực do gợi ý của UB Thánh Nhạc.
  • Logo do anh Gioan Trần Thế Vinh, giáo phận Phan Thiết
  • Tạo Gif: Ánhminh, Gx Thiên Ân, Hạt TSN, SaiGon.
Chữ viết tắt các văn kiện:
CĐ Vat. II: AA: Apostolicam Actuositatem; AG: Ad Gentes;; GE: Gravissimum Educationis; GS: Gaudium et Spes; LG: Lumen Gentium; OT: Optatam Totius; PC: Perfectae Caritatis; SC: Sacrosanctum Concilium; UR: Unitatis Redintegratio; DH: Dignitatis Humanae
Các văn kiện khác: FC: Familiaris Consortio; EN: Evangelii Nuntiandi; HV: Humanae Vitae; EV: Evangelium Vitae; EE: Ecclesia de Eucharistia; RC: Redemptoris Custos.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Thư ký Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình

25 thg 1, 2014

Chúa Nhật III Thường Niên - Năm A


Tin Mừng Mt 4,12-23

Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Sunday III in Ordinary Time - Year A

NĂM GIÁP NGỌ - NGHĨ VỀ CÚ NGÃ NGỰA LỊCH SỬ

Ngựa là loài vật có thân hình to lớn, dũng mãnh, bốn chân mạnh mẽ với móng cứng bằng sừng, trên đầu có bờm và cuối thân là đuôi dài gần chấm đất. Ngựa nổi tiếng chạy nhanh, dẻo dai nên được loài người nuôi như thú vật nhà để cỡi, kéo xe, kéo cày. Ngựa có lỗ tai rất thính và đôi vành tai có thể cử động được để dựng đứng lên và xoay về hướng phát ra tiếng động như giàn rađa.Đặc tính nổi bật của ngựa là dẻo dai và chạy nhanh nhất trong các loài vật. Ngựa là con vật tinh khôn và rất trung thành với chủ.
 Năm Quý Tỵ đã qua, Năm Giáp Ngọ đang đến. Con Rắn bò chậm chạp. Con Ngựa phi nước kiệu
Thánh Vịnh 147 viết : Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (câu 10-11).
  
Lời Kinh Thánh muốn dạy rằng: con ngựa dùng trong giao tranh thì Chúa không thích, người cậy vào sức mình thì Chúa không ưa. Chúa yêu thích những ai biết khiêm nhường trông cậy nơi Ngài.

Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại là một chứng nhân sống động của Lời Thánh Vịnh 147.
 Saolô kiêu căng đã “ngã ngựa” trên đường Đamat rồi trở thành Phaolô khiêm tốn tín thác vào Thiên Chúa trong hành trình truyền giáo và trở nên cột trụ Giáo Hội.

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Ngã ngựa là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời thánh nhân ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa.
 
1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.
 - Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là "Phaolô" đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi".
- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.
- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".
Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).
 
2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.
Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô...” ( Pl 3, 7-9).
 

Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" ( Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:" anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12). Vì Đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9).


Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài " tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"(Gal 2, 20).
 
3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.

 Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.
 


Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo.... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39).

Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

 Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.
Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

 4. Năm Giáp Ngọ với nhiều hy vọng
 Con Rắn nham hiểm đã từng cám dỗ Evà bất tuân lệnh Thiên Chúa (x.St 3,4) và còn rình cắn gót chân người đàn bà (x.St 3,15). Nhưng chính dòng giống người nữ đã đạp nát đầu con rắn.Một người trong dòng giống người nữ, đó là Đấng Cứu Thế (Gl 4,4). Người nữ ấy chính là Đức Maria (Lc 1,30-33). Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan viết: “Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người” (Kh 19, 19). Sự can thiệp của Đức Kitô (x. Kh 19,11-21; 20, 1-10), với lối văn đặc biệt trang trọng, tác giả giới thiệu nhân vật chính, đó là Đức Kitô – Con Chiên, bằng nhiều cách: lời của Người, bằng hoạt động mục tử như cách diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa; Người chế ngự các lực lượng thù nghịch là các vua chúa trần gian rồi con quái vật, tên ngôn sứ của nó; còn lại con mãng xà, nó sẽ bị đánh bại trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến vĩ đại (x. Tìm hiểu sách Khải Huyền, trang 245-284, Lm FX Vũ Phan Long, ofm).
 

Năm 2014 cầm tinh Con Ngựa đang chạy đến gần. 
Ngựa là loài vật có thân hình to lớn, dũng mãnh, bốn chân mạnh mẽ với móng cứng bằng sừng, trên đầu có bờm và cuối thân là đuôi dài gần chấm đất. Ngựa nổi tiếng chạy nhanh, dẻo dai nên được loài người nuôi như thú vật nhà để cỡi, kéo xe, kéo cày. Ngựa có lỗ tai rất thính và đôi vành tai có thể cử động được để dựng đứng lên và xoay về hướng phát ra tiếng động như giàn rađa.Đặc tính nổi bật của ngựa là dẻo dai và chạy nhanh nhất trong các loài vật. Ngựa là con vật tinh khôn và rất trung thành với chủ.

Hy vọng năm Giáp Ngọ, rộng rãi hào phóng nhanh nhẹn, sẽ mang đến nhiều điều may mắn, phúc lành cho mọi người.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

22 thg 1, 2014

Cầu Nguyện Cho Các Nhà Lãnh Đạo

Lạy Chúa,
 
Như một quy luật tự nhiên mà Chúa đã đặt ra nơi cuộc sống này, là bất cứ một tổ chức nào cũng cần người lãnh đạo. Người lãnh đạo như cái đầu điều khiển tất cả các bộ phận khác trên cơ thể để nhằm phục vụ lợi ích chung. Ngay cả nơi những sinh vật nhỏ bé như đàn kiến, đàn ong, nếu muốn duy trì một sự đoàn kết và có được sức mạnh tập thể, chúng cũng cần phải quy phục một hay một số con trong đàn. Một dàn nhạc, để có thể chơi hài hòa và ăn khớp với nhau thì cần một nhạc trưởng. Ở bất cứ nơi đâu, người lãnh đạo cũng là một yếu tố cần thiết giúp tạo nên sự hiệp nhất, thịnh vượng và một cuộc sống an vui.

Chúng con chân nhận rằng Chúa chính là vị lãnh đạo tối cao của chúng con. Khi mọi sự quy phục Chúa thì đều nằm trong trật tự và triển nở không ngừng. Nhưng Chúa cũng cắt cử một số người thay mặt Chúa để lãnh đạo chúng con cách hữu hình, giúp cho đời sống của chúng con được hạnh phúc. Ngay từ trong Cựu Ước, Chúa đã sai Môsê lãnh đạo dân Chúa đi ra khỏi vùng đất Ai Cập và hành trình trong đất hứa. Rồi Ngài cũng xức dầu tấn phong các vị vua để quán xuyến mọi việc trong quốc gia. Họ có nhiệm vụ phải đặt lợi ích của thần dân lên hàng đầu, tìm kiếm những giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực và phát huy những tích cực để đời sống con người được thăng tiến. Họ lãnh nhận quyền lực từ Chúa để có thể thực thi nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp nhất. Làm lãnh đạo, đó là một sứ mạng Chúa trao, là một ơn ban từ trời, chứ không đơn thuần là do tài khéo của cá nhân.

Lịch sử nhân loại đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm lớn nhỏ. Chúa đã cho xuất hiện biết bao vị minh quân để giúp đỡ con người. Trong thời chiến, họ dũng cảm xông pha trận mạc, chẳng ngại chi cái chết rình chờ. Có khi không thể chợp mắt vì phải suy nghĩ tìm cách giúp cứu vãn hòa bình, làm sao để những thiệt hại nằm ở mức độ thấp nhất. Họ đã hy sinh đã tuổi xuân, một lòng đem hết tài sức để cống hiến cho quốc gia, để mưu cầu an vui cho thần dân yêu dấu. Trong thời bình, họ tìm đủ mọi cách để quốc thái dân an, người người được cơm ngon áo ấm, loại trừ những tệ nạn ra khỏi cuộc sống con người, thưởng phạt phân mình, thiết lập một nền công lý cho xã hội, cho đất nước. Họ cố gắng phát triển kinh tế, giúp người dân có công ăn việc làm, có nơi cư ngụ ấm cúng. Trong tương quan với các nước láng giềng, họ đối thoại, lắng nghe, giao hảo, trợ giúp nhau, để người dân có điều kiện giao thương, làm phong phú nền văn hóa và đời sống của nhau. Những vị minh quân ấy quả thực là những món qua quý báu Chúa dành cho nhân loại chúng con. Họ đã hy sinh một đời vì người khác. Họ ra đi, nhưng tiếng thơm của họ vẫn còn sống mãi qua muôn thế hệ về sau.

Chúng con biết, thật không dễ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt. Có quyền trong tay, nhưng phải sử dụng sao cho hướng đến thiện ích. Người lãnh đạo là bộ mặt của đất nước, là sự tín nhiệm của tất cả người dân. Họ là nơi mà người dân đặt trọn niềm hy vọng. Người dân mong chờ nơi họ những tiếng nói, những quyết định giúp cho đời sống của mình được triển nở trong sự hài hòa với nhau. Họ không được quyền sử dụng quyền lực mà người dân trao cho để phục vụ cho lợi ích của riêng mình, để thỏa mãn cho những ích kỷ của mình, để vun vén, thu góp cho mình. Người dân đưa họ lên vị trí cao là để họ phục vụ người khác, chứ không phải để chà đạp công lý, bao che tội lỗi, bất chấp lương tri. Họ được tạo cho những điều kiện tốt nhất để có thể chăm lo cho thần dân, vì một quyết định của họ có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người, có thể làm tổn hại hay mang lại lợi ích ở một cấp độ vĩ mô. Làm sao để có thể dung hòa giữa một quyền lực lớn lao và một đời sống khiêm nhu phục vụ, ấy là một điều chẳng dễ dàng tí nào.

Ai trong chúng con cũng mong ước được sống trong một đất nước thái bình, nơi mà mọi người được tôn trọng phẩm giá, được tạo điều kiện tối đa để phát triển, nơi không còn tiếng súng đạn, tiếng khóc than ai oán. Chúng con mong muốn xã hội của chúng con được bình an, người già được chăm sóc đầy đủ, trẻ em được cắp sách đến trường, mọi người có công ăn việc làm ổn định. Một đất nước thanh bình, nơi mà người ta đối xử với nhau bằng tình thương chứ không phải hận thù ghen ghét, nơi mà công bằng được thực thi, luôn là một mơ ước cháy bỏng trong con tim của chúng con.

Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả các nhà lãnh đạo đất nước của chúng con. Xin Chúa trả công cho những hy sinh của họ, và xin Chúa cũng hãy giúp cho họ luôn ý thức về vai trò và vị trí của mình. Xin cho họ luôn lấy sự phục vụ làm đầu để có thể đưa đời sống của xã hội và đất nước mình hướng về nguồn chân thiện mỹ là chính Chúa.

Amen.
Lm. Nguyễn Tầm Thường
Cầu Nguyện Cho Các Nhà Lãnh Đạo



Lạy Chúa,

Như một quy luật tự nhiên mà Chúa đã đặt ra nơi cuộc sống này, là bất cứ một tổ chức nào cũng cần người lãnh đạo. Người lãnh đạo như cái đầu điều khiển tất cả các bộ phận khác trên cơ thể để nhằm phục vụ lợi ích chung. Ngay cả nơi những sinh vật nhỏ bé như đàn kiến, đàn ong, nếu muốn duy trì một sự đoàn kết và có được sức mạnh tập thể, chúng cũng cần phải quy phục một hay một số con trong đàn. Một dàn nhạc, để có thể chơi hài hòa và ăn khớp với nhau thì cần một nhạc trưởng. Ở bất cứ nơi đâu, người lãnh đạo cũng là một yếu tố cần thiết giúp tạo nên sự hiệp nhất, thịnh vượng và một cuộc sống an vui.

Chúng con chân nhận rằng Chúa chính là vị lãnh đạo tối cao của chúng con. Khi mọi sự quy phục Chúa thì đều nằm trong trật tự và triển nở không ngừng. Nhưng Chúa cũng cắt cử một số người thay mặt Chúa để lãnh đạo chúng con cách hữu hình, giúp cho đời sống của chúng con được hạnh phúc. Ngay từ trong Cựu Ước, Chúa đã sai Môsê lãnh đạo dân Chúa đi ra khỏi vùng đất Ai Cập và hành trình trong đất hứa. Rồi Ngài cũng xức dầu tấn phong các vị vua để quán xuyến mọi việc trong quốc gia. Họ có nhiệm vụ phải đặt lợi ích của thần dân lên hàng đầu, tìm kiếm những giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực và phát huy những tích cực để đời sống con người được thăng tiến. Họ lãnh nhận quyền lực từ Chúa để có thể thực thi nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp nhất. Làm lãnh đạo, đó là một sứ mạng Chúa trao, là một ơn ban từ trời, chứ không đơn thuần là do tài khéo của cá nhân.

Lịch sử nhân loại đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm lớn nhỏ. Chúa đã cho xuất hiện biết bao vị minh quân để giúp đỡ con người. Trong thời chiến, họ dũng cảm xông pha trận mạc, chẳng ngại chi cái chết rình chờ. Có khi không thể chợp mắt vì phải suy nghĩ tìm cách giúp cứu vãn hòa bình, làm sao để những thiệt hại nằm ở mức độ thấp nhất. Họ đã hy sinh đã tuổi xuân, một lòng đem hết tài sức để cống hiến cho quốc gia, để mưu cầu an vui cho thần dân yêu dấu. Trong thời bình, họ tìm đủ mọi cách để quốc thái dân an, người người được cơm ngon áo ấm, loại trừ những tệ nạn ra khỏi cuộc sống con người, thưởng phạt phân mình, thiết lập một nền công lý cho xã hội, cho đất nước. Họ cố gắng phát triển kinh tế, giúp người dân có công ăn việc làm, có nơi cư ngụ ấm cúng. Trong tương quan với các nước láng giềng, họ đối thoại, lắng nghe, giao hảo, trợ giúp nhau, để người dân có điều kiện giao thương, làm phong phú nền văn hóa và đời sống của nhau. Những vị minh quân ấy quả thực là những món qua quý báu Chúa dành cho nhân loại chúng con. Họ đã hy sinh một đời vì người khác. Họ ra đi, nhưng tiếng thơm của họ vẫn còn sống mãi qua muôn thế hệ về sau.

Chúng con biết, thật không dễ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt. Có quyền trong tay, nhưng phải sử dụng sao cho hướng đến thiện ích. Người lãnh đạo là bộ mặt của đất nước, là sự tín nhiệm của tất cả người dân. Họ là nơi mà người dân đặt trọn niềm hy vọng. Người dân mong chờ nơi họ những tiếng nói, những quyết định giúp cho đời sống của mình được triển nở trong sự hài hòa với nhau. Họ không được quyền sử dụng quyền lực mà người dân trao cho để phục vụ cho lợi ích của riêng mình, để thỏa mãn cho những ích kỷ của mình, để vun vén, thu góp cho mình. Người dân đưa họ lên vị trí cao là để họ phục vụ người khác, chứ không phải để chà đạp công lý, bao che tội lỗi, bất chấp lương tri. Họ được tạo cho những điều kiện tốt nhất để có thể chăm lo cho thần dân, vì một quyết định của họ có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người, có thể làm tổn hại hay mang lại lợi ích ở một cấp độ vĩ mô. Làm sao để có thể dung hòa giữa một quyền lực lớn lao và một đời sống khiêm nhu phục vụ, ấy là một điều chẳng dễ dàng tí nào.

Ai trong chúng con cũng mong ước được sống trong một đất nước thái bình, nơi mà mọi người được tôn trọng phẩm giá, được tạo điều kiện tối đa để phát triển, nơi không còn tiếng súng đạn, tiếng khóc than ai oán. Chúng con mong muốn xã hội của chúng con được bình an, người già được chăm sóc đầy đủ, trẻ em được cắp sách đến trường, mọi người có công ăn việc làm ổn định. Một đất nước thanh bình, nơi mà người ta đối xử với nhau bằng tình thương chứ không phải hận thù ghen ghét, nơi mà công bằng được thực thi, luôn là một mơ ước cháy bỏng trong con tim của chúng con.

Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả các nhà lãnh đạo đất nước của chúng con. Xin Chúa trả công cho những hy sinh của họ, và xin Chúa cũng hãy giúp cho họ luôn ý thức về vai trò và vị trí của mình. Xin cho họ luôn lấy sự phục vụ làm đầu để có thể đưa đời sống của xã hội và đất nước mình hướng về nguồn chân thiện mỹ là chính Chúa.

Amen.

19 thg 1, 2014

KHÁM CHỮA BỆNH TỪ THIỆN

Đoàn Y Bác Sỹ thiện nguyện phối hợp với ban Caritas Gx.Thiên Ân khám chữa bệnh từ thiện định kỳ 02 tháng/lần.
Buổi khám lúc 14g00 chiều thứ Bảy 18.01.2014, đoàn đã tiếp nhận khám và phát thuốc cho 150 bệnh nhân, bà con trong Giáo xứ không phân biệt lương giáo.


Nhận phiếu - Ghi tên - Lấy số thứ tự.

Gọi số thứ tự

Đo huyết áp

Khám bệnh

Khám mắt