31 thg 7, 2014

Đức Giêsu về quê – Thứ sáu Tuần 17 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 54-58
54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? “57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy niệm
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế ? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ ?
Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được ?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu… ?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 7, 2014

NHÀ THỜ


Phúc âm thánh Mátthêu thuật lại Chúa vào đền thờ như sau: "Ðức kitô vào đền thờ, Ngài xua đuổi kẻ buôn bán, và những kẻ mua.  Ngài lật nhào bàn ghế của người đổi bạc, và của kẻ bán bồ câu. Ngài nói với họ: Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" (Mt 21,12-13). Phúc âm thánh Gioan thêm chi tiết nữa là Chúa "lấy giây thừng làm roi mà xua đuổi họ." Và nói với họ là đừng biến nhà Cha Ta "thành cái chợ" (c. Ga 2, 13-17).

Phúc âm muốn nói gì về hành động của Chúa ở đây? Lời văn mô tả rất ngắn nhưng mỗi chữ mang một ý nghĩa thật sâu. Những gì đã thực sự xẩy ra ở Giêrusalem vào ngày hôm ấy? Theo lời mô tả của Phúc âm, điều làm tôi chú ý là trong suốt cuộc đời của Chúa, không khi nào Chúa đối lập rắn rỏi với dân chúng như lúc này. Chúa lật nhào bàn ghế. Chúa lấy giây thừng làm roi, xua đuổi các tín hữu. Chúa đã dùng những danh từ rất nặng. Ðây là bảng so sánh:

Ðền thờ - - - - - - - - -       Hang trộm cướp.
Nhà cầu nguyện - - - - -   cái chợ.
Người trong đền thờ - - -    kẻ buôn bán.
Của lễ - - - - - - - - - - - -   tiền bạc và súc vật.
Hành động của Chúa - -    lật nhào bàn ghế, lấy giây thừng quấn roi, xua đuổi dân chúng.
Kết luận của Chúa - - -    Nhà Ta là nhà cầu nguyện.

Có buôn bán thì khó mà tránh được gian dối.  Có tiền bạc thì làm sao tránh được rình mò. Ở đâu có súc vật, ở đó có mùi ô uế. Ðã là chợ thì có người trả giá, có người đôi co, có ồn ào.  Có trộm thì có mất cắp. Gian dối sinh cãi nhau. Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện! Chúa thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy.
Hôm nay, nếu Chúa vào nhà thờ, Chúa có còn phải lập lại lời nói 2.000 năm xưa: Nhà Ta là nhà cầu nguyện?

***
Hôm nay, có nhà thờ đã bỏ hoang. Có nhà thờ đã được bán lại để làm khách sạn, làm tiệm buôn. Thánh giá ngày nào trên tháp cao đã bị hạ xuống.  Những cửa sổ kính mầu rực rỡ mầu nhiệm cứu rỗi không còn nữa.  Bây giờ là hình vẽ quảng cáo.  Chúa mất nhà thờ.
Bù lại, nhiều nơi lại xây nhà thờ. Muốn xây nhà thờ thì phải có tiền. Không có tiền thì tìm cách kiếm tiền. Tiền có thể làm mất sự trong sáng của tâm hồn, làm của lễ vương khói trần gian. Lịch sử Giáo hội đã trải qua những đoạn đường tăm tối vì nhà thờ. Không thời kỳ nào Giáo hội xây nhiều nhà thờ, xây huy hoàng như thời trung cổ. Cần tiền xây nhà thờ, nhiều nơi trong Giáo hội đã bán ân xá lấy tiền. Ai càng mua nhiều thì càng được bảo đảm phần rỗi linh hồn. Luther nhận thấy đường lối sai lầm ấy, đã chống lại, đã tranh luận, đã chia rẽ. Có nhiều lý do để Luther ly khai khỏi Giáo hội, nhưng một trong những lý do lớn đó cũng chỉ vì cần tiền để xây nhà thờ.

***
Có rất nhiều loại nhà thờ. Nhà thờ của những nước giàu thì nguy nga. Nhà thờ của những dân tộc nghèo thì lợp lá, vách đất, mưa dột. Có nhà thờ Công giáo, có nhà thờ Tin lành. Thế giới hôm nay vẫn ngưỡng mộ Ganhdhi vì tinh thần bất bạo động của ông. Tinh thần hòa bình này chẳng xa gì tinh thần của Chúa Kitô. Gandhi đã suy tư rất nhiều về Kitô giáo. Tiểu sử viết về đời ông kể lại là có một lần kia Gandhi đến nhà thờ. Khi ông đến cửa thì người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông rằng, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen. Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì nhà thờ.

***
Nếu nhà thờ là nơi đông người tụ họp nhất thì cũng là nơi nhiều ma quỷ nhất. Ở chợ búa thì ma quỷ thường chỉ cám dỗ người ta gian dối thôi. Nhưng nhà thờ là nơi ma quỷ có thể cám dỗ đủ mọi thứ. Có thể đến nhà thờ để làm đẹp lòng người khác. Có thể đến nhà thờ vì sợ bị chê là thiếu đạo đức. Nhà thờ là nhà cầu nguyện. Nhưng cũng có thể xây nhà thờ để nổi danh. Có thể xây nhà thờ vì tự ái, giáo xứ bên cạnh xây được thì mình cũng phải xây cho xong.
Nhà thờ là nơi nghe Lời Chúa: "Các ngươi đừng xét đoán nhau" (Gc 4,11-12). Nhưng chính nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán. Nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ. Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội. Ngày lễ là lúc nhà thờ nhộn nhịp đàn ca, quần áo.  Nhưng có mấy ai nghe thấy nỗi vắng, nhìn thấy cái nghèo của Chúa trên thập giá.
Cái nghèo của Chúa có khi vẫn dễ thấy. Nghe nỗi vắng, thấy cái nghèo nơi con người mới khó. Không ai mặc áo rách đến nhà thờ. Vì thế, để thấy cái nỗi khổ, cái nghèo nơi con người, phải ra khỏi nhà thờ, đi vào nhà thờ trong cuộc sống lầm than của họ. Lúc đó, phải xây nhà thờ là cuộc đời.

***
Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện. Nhưng nhà thờ cũng là những vết thương đau đớn nơi thân thể Chúa Kitô. Nhà thờ là nơi mọi người chung một bữa tiệc, ăn cùng một bánh, chia sẻ cùng một chén thánh. Nhà thờ là nơi nối kết mọi phần tử trong một thân thể. Nhưng nhà thờ đã trở thành chia rẽ.
Bên bờ giếng, người đàn bà Samari hỏi Chúa: "Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là tiên tri... cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Giêrusalem mới là nơi thờ phượng" (Ga 4, 19). Ðức Kitô nói với bà ấy: "Này bà, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay tại Giêrusalem mà các ngươi thờ phượng Cha" (Ga 4, 21). Người đàn bà băn khoăn không biết phải thờ Chúa ở đâu. Chúa nói với bà: "Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Cha chỉ muốn gặp những kẻ thờ phượng Ngài như thế" (Ga 4, 23). Người Do thái có đền thờ trên đồi Giêrusalem. Người Samari có đền thờ ở núi Gerizim. Họ không được phép vào nhà thờ của nhau. Hai bên đã thành thù địch cũng vì nhà thờ.

Chúa không cần nhà thờ. Chỉ có con người cần nhà thờ. Con người cũng không cần nhà thờ nếu sống riêng lẻ. Ðiều ấy hàm ý, nhà thờ chỉ là nhà thờ khi nhà thờ là trung tâm điểm để Dân Chúa hiệp thông. Ðánh mất sự hiệp thông, nhà thờ không còn ý nghĩa. Lịch sử hôm qua là thế, hôm nay cũng vậy, nhiều nhà thờ đã làm mất bình an trong gia đình. Nhà thờ gây đổ vỡ trong Giáo hội. Nhà thờ đem đến phân ly. Chúa Kitô vẫn giang tay trên thập giá. Mỗi phe cầm một tay để kéo Chúa về phe mình thì Chúa sẽ bị rách đôi. Ðau đớn, nhưng Chúa biết làm sao, Chúa phải thương cả hai, vì tất cả đều là con của mình.

***
Lạy Chúa, không có nhà thờ nào đẹp bằng đền thờ của tổ phụ chúng con xây cho Chúa ở Giêrusalem. Ôi Giêrusalem đền thánh thành vàng. Công trình ròng rã xây cất trong bốn mươi sáu năm (x. Ga 2,20). Chúa đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, sao Chúa lại nói: "Nhìn ngắm công trình ấy ư? Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên đá nào, tất cả sẽ bị phá tan tành" (Mt 24,1-2).

Chúa bị các đạo sĩ kết án vì Chúa bảo phá đền thờ ấy đi, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày. Sợ chúng con không hiểu, nên thánh Gioan đã phải viết rõ: "Còn Ngài, Ngài nói về đền thờ Thân Mình Ngài" (Ga 2, 21). Lạy Chúa, nếu vậy thì con phải hết sức cẩn thận. Vì chỉ lo xây nhà thờ cho Chúa mà quên đi rằng Chúa là nhà thờ của con. Khi xây nhà thờ thì ma quỷ cũng có thể vào trú ngụ và gây nên biết bao gương xấu. Nhưng nếu lấy Thân Thể Chúa làm nhà thờ thì không ma quỷ nào vào được. Và, trong nhà thờ ấy con sẽ sống bình an.

Nếu hôm nay Chúa hỏi: "Shopping center ở đâu?" Con có thể chỉ lối cho Chúa. Nếu Chúa hỏi: "Làm sao đến hý viện?" Con cũng có thể biết đường. Nếu Chúa hỏi: "Ðường nào đến nhà thờ?" Thì con bắt đầu phân vân, vì có quá nhiều nhà thờ, nhà thờ Tin lành, nhà thờ Công giáo, nhà thờ da đen, nhà thờ da trắng, nhà thờ Do thái, nhà thờ của nhóm này, nhóm kia, con không biết Chúa chọn nhà thờ nào. Tuy nhiên, con vẫn có thể chỉ liều cho Chúa một ngôi. Nhưng nếu Chúa hỏi: "Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?" Thì con thực sự phân vân. Chính trong trái tim mình, con cũng không biết chắc đã sẵn sàng cho Chúa ở chưa. Trái tim mình là nơi gần mình nhất mà còn không biết thì làm sao biết những gì ở xa mình.

Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?

Câu hỏi của Chúa ngắn ngủi, mà câu trả lời thì nghe xa xôi, hiu hắt quá.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J- trích trong "Nước Mắt và Hạnh Phúc"

Vui mừng bán tất cả – Thứ tư Tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 44-46
Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.  Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
Suy nim:
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ
tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,
có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:
ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua…
Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc
hay ngần ngại giằng co.
Tất cả diễn ra thật nhanh
và tràn ngập niềm vui thanh thản.
Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào
khi chiếm được kho báu và viên ngọc.
Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.
Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.
Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,
có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.
Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,
nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,
chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này
là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.
Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,
Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,
chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,
xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.
Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,
dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.
Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,
và Nước Trời là kho báu không?
Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình
và ngây ngất trước giá trị của chúng,
người ấy mới hồn nhiên và vui tươi
đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này
để lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6,20).
Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,
qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,
tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,
hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:
tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình
để mua lấy tình bạn với Ngài không?
Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả
thì chỉ vì ta chưa thấy.
Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,
ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 7, 2014

Đón Người vào nhà – Thứ ba - lễ Thánh Mácta

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Trong khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường, Ngài vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.
Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.
Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị.
Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu.
Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.

Còn chị Mácta thì ngược lại.
Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn.
Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.
Làm sao để đãi một số vị khách như thế?
Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta.
Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn.
Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.
Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu,
và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay !”
Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường.

Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria,
và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39).
Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.
Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.

Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.
Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta.
và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.
Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta.
Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.
“Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).

Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt.
Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.
Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.
Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.
Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.
Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.

Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.
Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,
không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.

Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.
Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.

Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria.
Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;
nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

28 thg 7, 2014

Tất cả bột dậy men – Thứ hai Tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 31-35
31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
Suy niệm
Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.
Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ ?
Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?
Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát,
vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội ?
Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610),
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này.
Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa,
cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp.
Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm,
và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.
Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ,
Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa.
Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo,
quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.
Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.
Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.
Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.
Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.
Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.
Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.
Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột
ui trình lên men đòi hỏi thời gian.
Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra.
Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột.
Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi.
Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.
Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.
Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé,
nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.
Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ.
Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc,
tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào,
chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo
trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.
Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột.
Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu.
Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon,
nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ,
chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn…
thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.
Lời nguyện
Lạy Chúa GiêSu, vị tử đạo tuyệt vời
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng on ra khỏi trần gian
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó
Thế gian này vàng thau lẫn lộn
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa GiêSu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy nềim vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 7, 2014

Vui mừng bán tất cả – Chúa nhật 17 Thường niền năm A

Lời Chúa: (Mt 13,44-52) 
 
Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: 44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45 Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
47 Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Ðến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” 

 Suy Niệm 
 
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ
tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,
có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:
ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua…
Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc
hay ngần ngại giằng co.
Tất cả diễn ra thật nhanh
và tràn ngập niềm vui thanh thản.
Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào
khi chiếm được kho báu và viên ngọc.
Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.


Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.
Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,
có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.
Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,
nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,
chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này
là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.


Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,
Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,
chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,
xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.
Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,
dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.

Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,
và Nước Trời là kho báu không?
Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình
và ngây ngất trước giá trị của chúng,
người ấy mới hồn nhiên và vui tươi
đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này
để lấy kho báu bất diệt trên trời (x.Mt 6,20).


Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,
qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,
tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,
hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:
tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình
để mua lấy tình bạn với Ngài không?

Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả
thì chỉ vì ta chưa thấy.
Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,
ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.

 
Cầu Nguyện 
 
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

 
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm A


Tin Mừng Mt 13,44-52
           
Hôm ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”


Sunday XVII in Ordinary Time - Year A

26 thg 7, 2014

Đừng nhổ cỏ lùng – Thứ bảy Tuần 16 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 24-30
 
24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Suy nim:

Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.
Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt.
Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông.
cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.


Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu?
Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần
lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục?
Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa?
Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?

Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?
 
Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không?
Ngài có muốn chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích,
một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không?
Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê,
đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.

Ðừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, lại làm hư rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

 
Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa.
Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được.
Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt.


Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.
Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người.
Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ.
Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi.
Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.


Trong thế giới và Giáo Hội không có hai hạng người:
hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người.
Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt,
giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.
Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi,
tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.


Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.
Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần,
để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.

Kitô hữu không dung túng sự dữ,
họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương.
Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.
Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù,
vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu,
tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng
nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.


Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.


Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con. 


Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.


Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 7, 2014

Không được như vậy – Lễ thánh Giacôbê, tông đồ


LỜI CHÚA: Mt 20, 20-28
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người".
SUY NIỆM
Xem ra chức quyền vẫn là nỗi thèm thuồng của con người.
Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy,
đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã
và cảnh chạy chức chạy quyền thời bây giờ.
Ngay các môn đệ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai
cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực.
Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1).
Bây giờ, ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn,
họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền.
Hai con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn.
Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng
chiếm được chỗ hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy (x. Mt 19, 28).
Họ khéo léo nhờ mẹ của mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (cc. 20-21).
Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục,
“Các người không biết các người xin gì !” (c. 22).
Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi,
dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy,
con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20, 18-19).
Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian
thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình.
Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng:
“Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22).
“Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê,
Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (x. Cv 12, 2).
Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết Cha mới có quyền sắp chỗ ngồi (c. 23).
Sự bực tức của mười môn đệ kia khi câu chuyện vỡ lở
cho thấy họ cũng thích được ngồi hai bên tả hữu, tuy không tiện nói ra (c. 24).
Thầy Giêsu cho thấy cách sử dụng quyền lực của các nhà lãnh đạo ngoài đời.
Quyền lực là để thống trị người dân, tìm cách bành trướng cái tôi của mình.
Thầy Giêsu khẳng định dứt khoát không có chuyện đó trong Giáo hội của Thầy.
“Giữa anh em thì không được làm như vậy” (c. 26).
Quyền lực và phẩm trật trong Giáo hội là để phục vụ dân Thiên Chúa.
Những người làm lớn, làm đầu trong Giáo hội
lại là người hầu bàn, người tôi tớ, noi gương Đức Giêsu, Người Tôi Trung.
Chính Ngài đã đưa việc phục vụ đến mức cao nhất là hy sinh tính mạng (c. 28).
Cơn cám dỗ về quyền uy, chức tước là cám dỗ muôn thuở cho mọi người.
Các cộng đoàn Kitô hữu cứ phải xét mình mãi
để khỏi rơi vào thói đời mà Đức Giêsu đã long trọng cảnh báo.
CẦU NGUYỆN:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
 Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 7, 2014

Anh em thật có phúc – Thứ năm Tuần 16 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 10-17

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? “11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Suy niệm

Tiền định là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thần học.
Có người nhấn mạnh quá đến tác động của ơn Chúa cần để được cứu độ,
đến nỗi coi nhẹ tự do và trách nhiệm của con người.
Có người còn dám cho rằng Chúa đã định sẵn từ vĩnh cửu
những ai phải vào hỏa ngục hay được lên thiên đàng.


Thật ra Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4; 4, 10).
Kế hoạch của Ngài là cứu độ toàn thế giới, chẳng trừ một ai.
Muốn được cứu thoát, con người phải dùng tự do mình mà đón lấy ơn Chúa.
Ơn Chúa có tác động trên tự do con người,
nhưng lại không áp đặt hay cưỡng ép nó, vì nếu thế sẽ chẳng còn tự do.
Chính Thiên Chúa ban tự do cho con người, và chính Ngài tôn trọng tự do ấy.
Thiên Chúa không thể tiền định lời đáp của con người trước lời mời của ân sủng.


Trong bài Tin Mừng hôm nay, có những câu cần được soi sáng.
“Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các màu nhiệm Nước Trời,
còn họ thì không” (c. 11).
Câu này có thể bị hiểu lầm là Thiên Chúa có sự phân biệt đối xử.
Các môn đệ thì được ơn hiểu biết, còn đám đông thì không.
Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn nói lên sự kiện này,
các môn đệ là những người đã đáp lại tiếng gọi của Ngài,
nên họ được ơn hiểu biết, ơn nắm bắt được mầu nhiệm Nước Trời.


Còn đám đông những người từ chối thì khó lòng hiểu được.
Một câu khác cũng cần được hiểu đúng : “Người đã có lại được cho thêm,
còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (c. 12).
Ở đây Đức Giêsu chỉ muốn nói rằng những ai đã mở lòng đón nhận
thì càng được Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết đức tin sâu xa hơn.
Còn những người đã khép lòng trí lại, thì về mặt thiêng liêng sẽ bị nghèo đi.


Vào buổi ban đầu, các môn đệ tin theo Đức Giêsu chỉ là nhóm nhỏ.
Còn một đám đông lớn người Do-thái không tin nhận Ngài.
Đức Giêsu giảng cho họ bằng những dụ ngôn đơn sơ gần gũi.
Ngôn ngữ của dụ ngôn vừa dễ hiểu đối với người mở lòng đón nhận,
vừa khó hiểu đối với những ai từ chối và khép kín (c. 13).
Đức Giêsu không chơi khăm con người khi giảng bằng dụ ngôn,
để khiến họ trố mắt nhìn mà không thấy, lắng tai nghe mà không hiểu.
Nếu họ không hiểu được dụ ngôn, thì không phải lỗi tại Ngài,
mà do quả tim họ đã ra chai đá, do họ nhắm mắt, bịt tai .
Họ không hiểu vì không muốn hoán cải và được chữa lành (c. 15).


Như các môn đệ xưa, các kitô hữu ngày nay cũng là người có phúc.
Chúng ta được thấy, được nghe nhiều điều mà người khác không được.
Ước gì chúng ta tìm được thứ ngôn ngữ thích hợp
để ai cũng có thể nghe được và hiểu được sứ điệp cứu độ của Chúa.

 
Lời nguyện:
 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.


Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

 
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 7, 2014

Có tai thì nghe – Thứ Tư Tuần 16 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 1-9
 
Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” 

Suy nim:

Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.

 
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.

 
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.

Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?

 
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.

 
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.

 
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.

 
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.


Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.

 
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.


Cầu nguyn

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.


Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 7, 2014

Họ để Người ở đâu? – Thứ ba Tuần 16 Thường niên

Lời Chúa: Ga 20,1-2.11-18

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu!”
Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Ðức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Ðức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘lạy Thầy’). Ðức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Suy nim:

Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện.


Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.


Theo các sách Tin Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay là cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).


Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy, chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.

Ngôi mộ tự nó là nơi buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt của chị làm ai cũng phải mủi lòng.


Thiên thần và Đấng phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy mình mất đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời tương tự như thế (cc. 2.13.15).

 
Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau của chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát vọng của chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.


Đức Giêsu đã lau khô những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).


Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp được điều quý hơn cái mình đã mất.


Cầu nguyn:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.


Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,

không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.


(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J