29 thg 4, 2015

Thật phúc cho anh em (30.4.2015 – Thứ năm Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 13, 16-20  
16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”      
SUY NIỆM
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo, 
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông, 
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này, 
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Không tự mình nói (29.4.2015 – Thứ Tư Tuần 4 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 12, 44-50
Khi ấy, Ðức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”.
Suy nim:
Tự do là điều con người trân trọng.
Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.
Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.
Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm, 
muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.
Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?
Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:
“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, 
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49) ?
“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).
Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết
Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.
Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).
Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,
nhưng chi phối sâu xa từ bên trong 
toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.
Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.
Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.
Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.
“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).
Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.
Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,
Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.
Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.
Người được sai là một với người sai mình.
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).
Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).
Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).
Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật
và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. 
Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 4, 2015

Không ai cướp được chúng (28.4.2015 – Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh)


LỜI CHÚA: Ga 10, 22-30
22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một.”
SUY NIỆM
Có những kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.
Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,
nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.
Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.
Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.
Cuộc sống của người kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn
mà những người không kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.
Hơn nữa, người kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là kitô hữu.
Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu 
không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.
Được ở trong ràn chiên của Chúa,
không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).
Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).
Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.
“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).
Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,
nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.
Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:
“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).
Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.
Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.
Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,
đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,
thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.
Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.
Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.
Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).
Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,
không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).
Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).
Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.
Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ ? 
Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.
Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.
Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).
LỜI NGUYỆN  
Lạy Chúa GiêSu, vị tử đạo tuyệt vời
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng on ra khỏi trần gian
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó
Thế gian này vàng thau lẫn lộn
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài


Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.


Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.


Lạy Chúa GiêSu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy nềim vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 4, 2015

Tôi là cửa cho chiên (27.4.2015 – Thứ hai Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 10, 1-10
1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
SUY NIỆM
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.
Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên.
Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy,
Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực.
Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa,
đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2).
Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh.
Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh.
Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra 
và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh (c. 3). 
nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8).
Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình. 
Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, 
chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn,
vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu.
Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên.
Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói : 
“Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa.
Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn.
Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ.
Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9).
Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật.
Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên,
biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc.
Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa nhận mình là Tấm Bánh,
vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.
Chúa nhận mình là Cây Nho,
vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.
Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành,
vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.
Chúa nhận mình là Cửa,
vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.
Chúa nhận mình là Con Đường,
vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.
Chúa nhận mình là Ánh sáng,
vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.
Chúa nhận mình là Sự Thật,
vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.
Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại,
vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.
Lạy Chúa Giêsu,
tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình
đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con,
và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa.
Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga,
là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 4, 2015

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - B



Tin Mừng   Ga 10,11-18

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.


Sunday IV of Easter

Gospel 

Jn 10:11-18

Jesus said:
"I am the good shepherd.
A good shepherd lays down his life for the sheep.
A hired man, who is not a shepherd
and whose sheep are not his own,
sees a wolf coming and leaves the sheep and runs away,
and the wolf catches and scatters them.
This is because he works for pay and has no concern for the sheep.
I am the good shepherd,
and I know mine and mine know me,
just as the Father knows me and I know the Father;
and I will lay down my life for the sheep.
I have other sheep that do not belong to this fold.
These also I must lead, and they will hear my voice,
and there will be one flock, one shepherd.
This is why the Father loves me,
because I lay down my life in order to take it up again.
No one takes it from me, but I lay it down on my own.
I have power to lay it down, and power to take it up again.
This command I have received from my Father."


24 thg 4, 2015

Loan báo Tin Mừng (25.4.2015 – Thứ Bảy – Thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng)


Lời Chúa: Mc 16, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy nim:
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng.
Ngài thường được coi là người viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên.
Ngài đã thu tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện.
Marcô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu.
Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại giỏi,
nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài.
Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và rất người.
Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên như người khác.
Marcô đã cầm bút viết tác phẩm của mình về Thầy Giêsu
trong một giai đoạn đen tối của Giáo hội sơ khai.
Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt thành Rôma và đổ tội cho các kitô hữu.
Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma.
Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Marcô viết sách Tin Mừng 
dành cho những kitô hữu không phải là người Do Thái.
“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1):
Marcô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế. 
Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo bởi bách hại. 
Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung tín bước theo Ngài. 
Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh.
Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh Marcô soạn thảo,
nhưng lại hợp với ngày lễ mừng thánh nhân.
Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng.
Đó là Tin Mừng về Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh, 
được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c. 19).
Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi.
Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa.
Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ tiếng mới.
Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc (cc.17-18).
Giáo Hội hôm nay cần nhiều Kitô hữu say mê rao giảng Tin Mừng.
Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng.
Marcô đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói.
Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu.
Làm sao để Giêsu đến gặp con người qua internet, sách báo, phim ảnh…?
Làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng 
để ai đọc cũng gặp được Giêsu?
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 4, 2015

Nhờ tôi mà được sống (24.4.2015 – Thứ sáu Tuần 3 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 6, 52-59
Khi ấy, người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.
Suy niệm:
Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,
nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy
đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu 51 là một bước chuyển quan trọng
trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.
Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.
Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).
Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.
Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.
Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.
Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,
nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.
Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).
Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.
Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,
khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao
mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.
Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài
qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.
Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.
Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.
Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.
Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,
mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).
Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,
chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.
Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.
Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.
Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,
thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,
Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.
Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.
Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.
Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.
Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.
Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.
(Ruy Broeck)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chúa Cha lôi kéo (23.4.2015 – Thứ năm Tuần 3 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 6, 44-51
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Ðấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Ðấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Suy nim:
Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo.
Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo.
Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá,
khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần.
Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,
khiến chúng ta mê mải chạy theo và rượt đuổi không ngừng.
Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,
khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.
Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.
Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.
“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha, 
Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).
Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.
Cha lôi kéo chúng ta về phía Con của Ngài là Đức Giêsu,
bất chấp những lôi kéo ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.
Nếu chúng ta để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại,
thế nào ta cũng đến được với Giêsu.
Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt vời dẫn ta đến với Cha. 
“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).
Như thế Cha đưa ta đến với Con: 
“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).
Và Con đưa ta lại cho Cha 
để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết.
Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,
giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.
Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.
Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.
Lời dạy dỗ của Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng.
Lời ấy đưa ta đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).
Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).
Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).
“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,
tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).
Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 4, 2015

Đến với Tôi, tin vào Tôi (22.4.2015 – Thứ Tư tuần 3 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 6, 35-40
(35) Ðức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (36) Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. (37) Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, (38) vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi. (39) Mà ý của Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (40) Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
Suy niệm
Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng.
Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống.
Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.
Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu.
Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó
và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới.
Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo.
Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình.
Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi.
Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.
Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt.
Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn.
Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc,
để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất,
người kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta.
với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá.
Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta 
trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy.
Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta.
“Ai đến với tôi, sẽ không hề đói.
Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35).
Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu.
“Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai,
nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).
Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa.
Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh,
bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn.
Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi,
khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng :
“Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).
Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho của Con Ngài là Đức Giêsu.
Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.
Lời nguyện
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

20 thg 4, 2015

Bánh ban sự sống cho thế giới (6.5.2014 – Thứ Ba Tuần 3 Phục sinh)


Lời Chúa:  Ga 6, 30-35
30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”
32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
Suy Niệm
Man-hu ? Cái gì vậy ? Đó là câu con cái Ítraen hỏi nhau
khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.
Môsê trả lời : “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”
Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,
trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.
Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.
Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống. 
Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu
làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),
nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).
Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.
Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.
Chính Chúa Cha đã ban cho dân Ítraen bánh bởi trời, trong sa mạc.
Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.
Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :
“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).
Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).
Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,
nhưng không chỉ dành cho dân Ítraen như manna cũ.
Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.
“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).
Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari
khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).
Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu
không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,
nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.
“Chính tôi là bánh trường sinh,
Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).
Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.
Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,
nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.
Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.
Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Ítraen xưa.
Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Lương thực thường tồn (20.4.2015 – Thứ hai Tuần 3 Mùa Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 6, 22-29

22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? “26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

SUY NIỆM

Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,
nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,
đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,
vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.
Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,
đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.

Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.
Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.
Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.
Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,
và đây là cái đói của thân xác.
Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,
vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.
Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.
Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.
Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,
mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,
chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.
Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,
đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa dành độc lập.
Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.

Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói
chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).
Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.
Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).
Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.

Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,
nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,
vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…


Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

19 thg 4, 2015

MẪU XÉT MÌNH TRƯỚC KHI XƯNG TỘI


1. Tôi có đi xưng tội với một lòng ao ước chân thành để được thanh luyện, để trở về, canh tân đời sống và nên bạn nghĩa thiết hơn với Thiên Chúa, không? hay tôi coi đó như là một gánh nặng, mà vì thế họa hoằn tôi mới sẵn sàng thực hiện việc này?

2. Tôi đã quên, hoặc, cố tình che giấu các tội trọng trong dịp xưng tội lần trước hoặc trong những lần xưng tội trước đây?

3. Tôi đã làm việc đền tội mà Cha giải tội đã ra cho tôi, chưa? Tôi đã đền bù các lỗi lầm mà tôi đã gây ra chưa? Tôi có cố gắng đem ra thực hiện các quyết định được đề ra để sửa trị đời sống của tôi theo Phúc Âm?

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, mỗi người xét mình.

I. Chúa nói : "Con hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng con".

1. Con tim của tôi có thực sự hướng về Thiên Chúa không; tôi có thể nói là tôi yêu mến Thiên Chúa thực sự, trên hết mọi sự và với tình yêu của một người con, trong việc trung thành giữ các giới răn của Ngài không? Tôi có để cho mình bị nhào lộn với các sự vật trần thế chóng qua không? Và ý hướng hành động của tôi có luôn ngay thẳng không?

2. Đức tin của tôi vào Thiên Chúa có vững vàng không? Chúa là Đấng, mà trong Con của Ngài, đã ngỏ lời của Ngài với chúng ta? Tôi có chấp nhận hoàn toàn vào giáo huấn của Giáo Hội không? Tôi có lưu tâm tới việc huấn luyện Kitô của tôi, qua việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa, tham dự vào các buổi học giáo lý, tránh xa tất cả những điều có thể lừa dối đức tin của tôi? Tôi có luôn luôn tuyên xưng đức tin của tôi vào Thiên Chúa và nơi Giáo Hội với sự can đảm và không sợ hãi không? Tôi có lo biểu lộ tôi là người Kitô trong đời sống riêng tư và công cộng của tôi không?

3. Tôi có cầu nguyện ban sáng và ban chiều không? Và lời cầu nguyện của tôi có thực sự là cuộc nói chuyện với Thiên Chúa, như con tim với con tim, hoặc đó chỉ là việc thực hành đạo đức trống rỗng bên ngoài? Tôi có biết dâng lên Thiên Chúa các mối lo nghĩ bận tâm của tôi, các niềm vui và các đau khổ của tôi không? Tôi có tin tưởng nhớ đến Ngài cả trong những con cám dỗ không?

4. Tôi có tôn kính và yêu mến danh thánh của Thiên Chúa, hoặc tôi đã xúc phạm tới danh thánh đó với những lời chửi rủa, thề gian thề dối, với việc kêu tên Ngài vô cớ? Tôi có bất kính với Đức Mẹ và các Thánh không?

5. Tôi có thánh hóa Ngày của Chúa và các Lễ của Giáo Hội không, với việc tham dự cách tích cực, chú ý và đạo đức, vào các buổi cử hành phụng vụ, và nhất là Thánh Lễ không? Tôi có tránh làm việc không cần thiết trong các Ngày Lễ không? Tôi có giữ luật buộc xưng tội một năm ít là một lần không và có rước lễ trong Mùa Phục Sinh không?

6. Tôi có tôn thờ những "loại thần thánh khác" không? Nghĩa là các cách biểu lộ hoặc các sự vật mà tôi lưu tâm tới hoặc những vật mà tôi đặt tín thác vào chúng hơn là vào Thiên Chúa, thí dụ, của cải giầu sang, mê tín dị đoan, lên đồng bóng và các hình thức khác tương tự?

II. Chúa nói : "Các con hãy yêu mến nhau, như Cha đã yêu các con"

1. Tôi có thực sự yêu mến tha nhân không, hoặc tôi lại lợi dụng anh chị em của tôi, dùng họ vào các mối lợi của tôi và đối xử với họ theo cách mà chính tôi cũng không muốn bị đối xử như thế ? Tôi có gây nên gương mù gương xấu bằng lời nói và các hành động của tôi không?

2. Trong gia đình của tôi, tôi có kiên nhẫn và với tình yêu chân thực đóng góp vào việc ích lợi chung và vào cuộc sống thanh thản của người khác không?

Với từng thành phần trong gia đình :


Với con cái. Tôi có vâng lời cha mẹ tôi không, tôi có kính trọng và làm vinh danh họ không? Tôi có trợ giúp họ trong các nhu cầu cần thiết về đàng thiêng liêng và vật chất không? Tôi có dấn thân tại trường học không? Tôi có kính trọng quyền bính không? Tôi có nêu gương tốt trong mọi hoàn cảnh không?

Với cha mẹ. Tôi có lo lắng giáo dục con cái theo tinh thần Kitô không? Tôi đã làm gương tốt cho chúng không? Tôi có nâng đỡ chúng và hướng dẫn chúng với quyền hành của tôi không?

- Với vợ chồng. Tôi có luôn trung thành trong tình cảm và hành động của tôi không? Tôi có biết thông cảm trong những giờ phút lo âu không?

3. Tôi có biết cho đi từ chính tôi, mà không sống cô lập ích kỷ với những ai nghèo túng hơn tôi không? Hoặc tôi có đối xử với tốt với người thân cận, đặc biệt với những người nghèo, yếu đuối, những người bị loại ra ngoài, những người di dân không?

4. Tôi có chú ý tới sứ mệnh được trao phó cho tôi không? Tôi có tham gia vào các công việc tông đồ và bác ái của Giáo Hội, vào các sáng kiến và vào đời sống của giáo xứ không? Tôi có cầu nguyện và đóng góp vào cho các nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới không, thí dụ : cho việc nhất của Giáo Hội, cho việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, cho việc thiết lập hòa bình và công lý, không?

5. Tôi có lưu tâm tới thiện ích và sự thịnh vượng của cộng đoàn nhân loại, trong đó tôi đang sống hay tôi chỉ lưu tâm tới ích lợi riêng của tôi? Theo sức có thể, tôi có tham gia vào các sáng kiến hầu cổ võ công lý, nền luân lý công cộng, sự hài hòa, các việc gây phúc thiện, không? Tôi có thực hiện các bổn phận người công dân không? Tôi có trả thuế má đều đặn không?

6. Tôi có sống công bằng, dấn thân, lương thiện trong việc làm, có sẵn sàng muốn đóng góp việc phục vụ của tôi vào công ích không? Tôi có trả lương theo lẽ công bằng cho các công nhân và tất cả những người dưới quyền của tôi, không? Tôi có chu toàn các thỏa thuận và giữ trung thành với các lời hứa không?

7. Tôi có thể hiện với nhà cầm quyền chân chính, sự vâng lời và sự kính trọng đúng hợp không?

8. Nếu tôi có giữ nhiệm vụ nào hoặc thi hành công việc lãnh đạo nào, tôi có lo chỉ tìm đem lại ích lợi cho tôi hay tôi dấn thân lo cho ích lợi của người khác, với tinh thần phục vụ?

9. Tôi có sống sự thật và sự trung tín, hay tôi đã đem lại điều xấu cho người khác bằng các lời nói dối, các lời thóa mạ, xuyên tạc, các phán đoán quá chủ quan của tôi, và vi phạm các điều bí mật?
10. Tôi có xúc phạm tới sự sống và sự an toàn thế lý của người thân cận không? Tôi có làm tổn thương đến danh dự của họ, có làm thiệt hại của cải họ có, không? Tôi có gây ra hoặc khuyên thực hiện việc phá thai không? Tôi có nín thinh trong những hoàn cảnh mà trong đó tôi có thể khích lệ thực hiện điều lành không? Trong cuộc sống hôn nhân tôi có kính trọng giáo huấn của Giáo Hội với việc mở ra đón nhận sự sống và kính trọng sự sống không? Tôi có hành động chống lại sự toàn vẹn thể xác (thí dụ : làm mất khả năng sinh sản) không? Tôi có luôn luôn trung thành cả trong tâm trí của tôi không? Tôi có giữ lại trong tôi sự thù oán một ai không? Tôi có hay cãi lẫy sinh sự không? Tôi có nói những lời xỉ nhục và những lời nói xúc phạm, khi gây ra những cuộc xô xát và hận thù không? Tôi có cố tình phạm lỗi và bỏ qua cách ích kỷ làm chứng về sự vô tội của người thân cận không? Khi lái xe, hoặc khi xử dụng các phương tiện giao thông khác tôi có để tôi và người khác rơi vào tình trạng nguy hiểm không?

11. Tôi có trộm cắp không? Tôi có ham muốn một cách bất chính của cải của người khác không? Tôi có làm thiệt hại về tiền của cuẩ tha nhân không? Tôi có đền bù những gì tôi đã lấy đi và tôi có đền bù lại các thiệt hại đã gây ra không?

12. Tôi đã có nhận các điều thiệt hại, sai lỗi, vậy tôi có sẵn sàng làm hòa và tha thứ vì tình yêu của Đức Kitô, hoặc giữ lại trong con tim của tôi sự ghét ghen và ước muốn trả thù?

III. Đức Kitô, Chúa nói : "Các con hãy nên trọn lành như Cha"

1. Đâu là hướng định nền tảng của đời sống của tôi? Tôi có lo lắng với niềm cậy trông về cuộc sống đời đời không? Tôi có tìm cách làm cho đời sống thiêng liêng của tôi được sống động bằng việc cầu nguyện, đọc và suy niệm lời của Thiên Chúa, bằng việc tham dự vào các bí tích, không? Tôi có thực hành việc hãm mình không? Tôi có sẵn sàng và nhất quyết dứt khoát với các tính xấu, làm cho lệ thuộc các tham muốn dục vọng và các hướng chiều về điều xấu không? Tôi có phản ứng vì các lý do ghen tị, tôi có làm chủ thói mê ăn uống của tôi không? Tôi có tự phụ và kiêu ngạo không; tôi có huênh hoang để nói quá về mình đến nỗi đi tới việc khinh thường người khác và coi mình hơn họ, không? Tôi có áp đặt nơi người khác ý muốn của tôi, làm chìm đi tự do của họ và coi thường các quyền lợi của họ, không?

2. Tôi đã dùng thời giờ, sức lực, và các ơn huệ mà tôi đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa như là "những nén bạc trong Phúc Âm" thế nào? Tôi có dùng tất cả các các phương tiện này để hằng ngày làm tăng trưởng thêm trong sự hoàn thiện của đời sống thiêng liêng của tôi và trong việc phục vụ người thân cận không? Tôi có sống thụ động hay lười biếng, không? Tôi đã dùng internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác, thế nào?

3. Tôi có kiên nhẫn chấp nhận các đau khổ của đời sống trong tinh thần đức tin không? Tôi có tìm cách thực hành sự hãm mình, để làm hoàn tất điều còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô không? Tôi có giữ luật ăn chay và kiêng thịt không?

4. Tôi đã giữ thân xác của tôi trong trắng và thanh sạch theo bậc sống của tôi thế nào, khi nghĩ rằng đó là đền thờ của Chúa Thánh Thần, được hướng tới cuộc sống lại và vinh quang sau này. Tôi có giữ gìn các giác quan của tôi và có tránh làm cho mình ra nhơ bẩn trong tinh thần và thân xác, với tư tưởng và các ước muốn xấu, bằng lời nói và các hành động bất xứng, không? Tôi có để mình đọc các bài sách báo, các bản văn, kịch trường, các cuộc giải trí ngược lại với sự lương thiện nhân bản và Kitô, không? Tôi có là gương xấu cho người khác với cách sống của tôi, không?

5. Tôi có hành động chống lại lương tâm của tôi không, vì sợ hãi hay vì giả hình?

6. Tôi có luôn tìm cách xử sự trong hết mọi tình huống theo sự tự do đích thực của con cái của Thiên Chúa và theo luật của Chúa Thánh Thần, hoặc tôi đã để tôi làm nô lệ các tham vọng của tôi?

7. Tôi có bỏ việc lành mà tôi có thể thực hiện không?

(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng đặc trách các Buổi cử hành do Đức Thánh Cha chủ sự, ngày 11-03-2015.)
Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 12-03-2015