31 thg 5, 2015

LỄ CHÚA BA NGÔI

Tin Mừng   Mt 28,16-20

Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

The Most Holy Trinity

Gospel 

Mt 28:16-20

The eleven disciples went to Galilee,
to the mountain to which Jesus had ordered them.
When they all saw him, they worshiped, but they doubted.
Then Jesus approached and said to them,
"All power in heaven and on earth has been given to me.
Go, therefore, and make disciples of all nations,
baptizing them in the name of the Father,
and of the Son, and of the Holy Spirit,
teaching them to observe all that I have commanded you.
And behold, I am with you always, until the end of the age."

30 thg 5, 2015

Chúng tôi không biết (30.5.2015 – Thứ bảy Tuần 8 Thường niên)



Lời Chúa: Mc 11, 27-33
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ lại vào Giêrusalem. Người đang đi trong Ðền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? hay ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Ðức Giêsu liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Suy nim:
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy 
hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28). 
Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo 
đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại 
trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.
Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây? 
Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền, 
và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15). 
Tất cả những người làm chuyện buôn bán 
đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ. 
Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng? 
Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không? 
Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp ?
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18). 
Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ. 
Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó. 
Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi, 
trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác. 
“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. 
Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết 
tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29). 
Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan: 
“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30). 
Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt. 
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa 
thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan. 
Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu, 
Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng. 
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người 
thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng, 
vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực. 
Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan. 
Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời: 
“Chúng tôi không biết.” (c. 33).
Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật? 
Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa. 
Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết. 
Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng. 
Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình 
để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?” 
Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa. 
Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi 
để có được sự tự do khi trao đổi với nhau? 
Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật, 
dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá? 
Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 5, 2015

Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc (29.5.2015 – Thứ sáu Tuần 8 Thường niên)



Lời Chúa: Mc 11, 11-26
Khi ấy, Ðức Giêsu vào Giêrusalem và đi vào Ðền Thờ. Người rảo mắt, nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai.  Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Ðức Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Ðời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
Thầy trò đến Giêrusalem. Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Ðền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Ðền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Ðức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.
Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Ðức Giêsu: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” Ðức Giêsu nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Suy nim:
Khi thánh sử Máccô viết đoạn Tin Mừng này,
thì có thể Đền thờ ở Giêrusalem đã bị phá hủy bởi quân Rôma.
Ngôi đền thờ nguy nga này được vua Hêrôđê Cả trùng tu và nới rộng,
mất 84 năm mới hoàn thành, để rồi chỉ tồn tại được vỏn vẹn 6 năm.
Đức Giêsu đã lên Đền thờ này nhiều lần, vào các dịp lễ lớn.
Đây là lần cuối Ngài lên đây giữa tiếng tung hô của đám đông. 
Khi chiều tà, Ngài và các môn đệ qua đêm ở làng Bêtania gần đó.
Hôm sau, trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ, Ngài thấy đói.
Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn.
Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả.
Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận,
và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”
Buổi sáng hôm sau, Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả.
Mọi người thấy nó chết rồi, “chết khô tận rễ” (c. 20).
Phêrô cho rằng cây vả chết vì bị Thầy rủa (c. 21).
Chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết.
Nó có tội tình gì đâu, chỉ tại chưa đến mùa đó thôi!
Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ
vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả.
Điều đó khiến chúng ta không hiểu chuyện cây vả theo nghĩa đen.
Đúng là cây vả chẳng mắc tội gì khi chưa đến mùa có trái.
Nhưng khi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cố ý từ khước Đức Giêsu,
thì họ mắc tội, như cây vả không trái.
Rốt cuộc cả họ và Đền thờ phải chịu số phận như cây vả héo khô.
Khi vào khu vực Đền thờ, Đức Giêsu giận dữ với chuyện buôn bán,
dù đây là chuyện buôn bán được phép,
ở một khu vực được phép, để phục vụ cho việc thờ tự.
Đức Giêsu đã làm một hành động rất khác thường,
đó là đuổi người buôn bán, lật bàn, xô ghế của họ (c. 15).
Thậm chí Ngài còn cấm người ta mang đồ đi qua Đền thờ (c. 16).
Chắc đã xảy ra một cuộc xô xát nhỏ, trong một thời gian ngắn.
Ngài hành động như người có quyền ở nơi thờ tự này.
Điều đó khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, ngôi Đền thờ tráng lệ ở Giêrusalem 
không còn là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc nữa (Is 56,7).
Vì giới lãnh đạo, nó đã không đạt mục tiêu Thiên Chúa muốn. 
Như cây vả xanh lá, nhưng không trái, nó sẽ bị héo khô.
Ngày nay, dấu tích còn lại của ngôi Đền thờ xưa chỉ là một bức tường,
nơi người Do Thái đến than khóc.
Bài Tin Mừng hôm nay không gây sự thù ghét đối với người Do Thái. 
Đúng hơn đây là một nhắc nhở nghiêm chỉnh của Đức Giêsu
đối với mọi đền thờ, nhà thờ của các Kitô hữu.
Phải làm sao để nơi thờ tự không trở thành nơi buôn bán kinh doanh.
Phải làm sao để nhà thờ thực sự là nơi cầu nguyện cho mọi người,
không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quê mùa hay trí thức.
Phải làm sao để các ngôi thánh đường ngày nay của chúng ta
khỏi rơi vào số phận của Đền thờ Giêrusalem ngày xưa,
xanh lá nhưng không trái, nên bị chết khô.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 5, 2015

Xin cho tôi nhìn thấy (28.5.2015 – Thứ Năm Tuần 8 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 10, 46-52
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây! ” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! “50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Suy nim:
Bị mù mắt, thật là khổ. 
Cả thế giới như khép lại trong toàn một màu đen. 
Nhiều người thà chọn bị câm điếc còn hơn là mù. 
Tuy vậy thế giới người mù cũng không bị hoàn toàn đóng kín. 
Người mù còn có tai mở ra để nghe, miệng mở ra để nói. 
Nếu biết tận dụng những gì mình có, 
người mù cũng “thấy” được nhiều điều.
Có một người mù ngồi bên vệ đường, sống bằng nghề ăn xin. 
Tai anh nghe thấy b3ước chân rộn rã 
của một đoàn người khá đông, đang đi ra khỏi thành Giêricô. 
Khi biết trong đoàn người này có Đức Giêsu Nadaret, 
Đấng nổi tiếng về chữa bệnh và trừ quỷ, 
anh mù thấy ngay cơ hội mình chờ đợi bấy lâu, nay đã đến. 
Anh quyết sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này. 
Tuy bị mù, nhưng anh còn có tiếng nói. 
Anh sẽ tận dụng tiếng kêu của mình để ông Giêsu chú ý đến anh: 
“Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!” 
Tiếc thay tiếng kêu của anh lại bị át đi bởi những tiếng nạt nộ. 
Nhiều người bắt anh im đi để khỏi gây trở ngại cho cuộc hành trình.
Chẳng những không im, anh mù càng kêu lớn tiếng, 
vì anh biết rằng chỉ cần làm cho Giêsu nghe được tiếng kêu của mình, 
dù chỉ một lần, thì đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi. 
Anh mù cứ nhắc đi nhắc lại cùng một điệp khúc xin xót thương. 
Giữa đám đông ồn ào náo động, 
Đức Giêsu có nghe được tiếng anh mù gọi tên mình không? 
Có, dù rất nhỏ, dù chỉ một lần. 
Tiếng kêu ấy vừa thống thiết, quyết liệt, vừa đầy tin tưởng, cậy trông. 
Tiếng kêu ấy báo hiệu về một sự hiện diện mà Ngài chưa rõ. 
Tiếng kêu làm cho Ngài dừng lại (c. 49). 
“Gọi anh ta lại đây.”
Lúc nãy anh gọi Giêsu, bây giờ Giêsu nhờ người ta gọi anh (c. 49). 
Khi biết mình được gọi, anh mù nhảy cẫng lên, 
vất cả áo choàng lại mà bước tới. 
Nhưng anh vẫn cần có ai dắt anh đến gần Giêsu. 
Ngài đã nghe anh xin Ngài thương xót, nhưng cụ thể anh muốn xin gì: 
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51). 
Đức Giêsu muốn anh nói lên ước muốn của mình. 
“Thưa Thầy, Rabbouni, xin cho tôi thấy lại được.” 
Anh mù đã được thấy lại, anh lại thấy mặt trời và người xung quanh. 
Anh thấy Giêsu, người anh tin nhưng chưa một lần gặp mặt. 
Giêsu cho anh ánh sáng để anh khỏi phải ngồi ăn xin ở vệ đường. 
Giêsu giải phóng anh khỏi bóng tối và trả cho anh phẩm giá anh vốn có. 
Giêsu đã dừng lại, đã bắt cả đám đông phải dừng lại, chỉ vì anh. 
Bây giờ anh muốn hòa mình với đám đông để theo Ngài trên đường (c. 52).
Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người mù. 
Có khi ta biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh mù tối như Bác Timê. 
Nhưng có khi ta mù mà không biết, nên vẫn vô tư ở lại trong cảnh mù. 
Tệ hơn nữa, có khi ta sáng mắt, nhưng lại cố ý không muốn thấy. 
Cố ý không muốn thấy một sự thật rành rành chỉ vì cố chấp hay tư lợi. 
Không thấy xà trong mắt mình, nhưng lại thấy rác trong mắt anh em. 
Chúng ta vẫn cần người khác để được sáng mắt, 
cần có ai đó dẫn ta mù lòa đến với Giêsu.
Điều gì có thể khiến ta bị mù? 
Một định kiến có thể khiến ta khép lại trước một sự thật lớn hơn nhiều. 
Điều ta biết, dù đúng, cũng chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ sự thật. 
Một đam mê, dục vọng cũng có thể làm chúng ta bị mù (1 Ga 2, 16), 
không muốn sáng mắt vì sợ phải từ bỏ điều mình gắn bó. 
“Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc 
để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được” (Kh 3, 18). 
Mong Giêsu chữa lành mắt ta mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Không được như vậy (27.5.2015 – Thứ tư Tuần 8 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 10, 32-45
32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:33 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? “37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”38 Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? “39 Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy nim:
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu 
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài. 
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác, 
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ. 
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem, 
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba 
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32). 
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan, 
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình. 
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm: 
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.” 
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ: 
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36). 
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy. 
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó, 
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống 
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan, 
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội. 
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời, 
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi. 
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43). 
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa. 
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu. 
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng. 
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10). 
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng. 
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ. 
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất. 
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình. 
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 – 53,12) 
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).
Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục. 
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ. 
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi. 
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ? 
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ, 
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực? 
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ, 
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 5, 2015

Bỏ mọi sự vì Thầy (26.5.2015 – Thứ Ba Tuần 8 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 10, 28-31
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Suy nim:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings) 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 5, 2015

ĐÔI CÁNH CON TUẤN MÃ


Hai người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: "Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây".
Người bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói: "Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi rồi".
Hai người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của mình.
Sau một năm, họ lại gặp nhau... người thứ nhất kể chuyện: "Trong một năm qua, hầu như nơi nào tôi cũng đã đặt chân đến.Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người.Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền... Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch... Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?".
Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: "Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời".
Nghe thế, người kia thắc mắc: "Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?". Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời: "Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên...
Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh không thể nghe được".
Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có, họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều mà người khác không cảm nhận được.Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin có thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy.
Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
(Radio Veritas Asia)

Lời chứng xác thực (23.5.2015 – Thứ bảy Tuần 7 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 21, 20-25
Khi ấy, ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Ðức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Ðức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy”. Do đó mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Ðức Giêsu đã không nói với Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Suy nim:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. 
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.
Dù sao Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai của người môn đệ kia?
Phêrô đi theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày Ngài quang lâm (c. 23). 
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết xong vào cuối thế kỷ thứ nhất, 
thì người môn đệ kia đã qua đời, nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).
Những gì anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh đã trải qua với Thầy Giêsu, 
và những suy niệm lâu dài dưới ánh sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ “chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết chương cuối này (c. 25: “tôi”).
Ai là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan, nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và là người đã hết lòng yêu Thầy.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.
Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.
Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.
Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.
Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con.
Karl Rahner, S.J.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 5, 2015

Hãy theo Thầy (22.5.2015 – Thứ sáu Tuần 7 Phục sinh)



Lời Chúa: Ga 21, 15-19
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
Suy niệm:
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ,
một cái hồ mang nhiều tên gọi : hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát.
Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò.
Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên : Hãy theo Thầy.
Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước 
để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nadarét.
Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này.
Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng.
Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn, 
nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình.
Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo.
Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.
Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế,
nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25).
Bây giờ, cũng bên đống than hồng,
Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình.
“Anh có yêu mến Thầy không ?” : ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế.
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” : ba lần Phêrô trả lời như thế.
Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu.
Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ.
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy” : ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế.
Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng.
Phải  yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy.
Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử.
Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu,
nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19),
chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19).
“Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ.
“Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.
“Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ.
“Hãy theo Thầy”, sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu.
“Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32).
Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu:
Con có mến Thầy không?
Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng,
vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó.
Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư.
Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy.
Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;

lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

20 thg 5, 2015

Để họ được nên một (21.5.2015 – Thứ năm Tuần 7 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 17, 20-26
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly. 
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, 
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, 
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, 
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự. 
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người. 
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ, 
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác. 
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài 
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b). 
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một. 
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con 
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. 
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). 
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất. 
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con. 
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào 
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: 
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21). 
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất 
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều 
giữa Cha, Con và các môn đệ. 
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con… 
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23). 
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26). 
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự 
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta. 
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế 
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian. 
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng 
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21), 
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23). 
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới. 
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, 
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn

để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,

hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình 

nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Xin Cha gìn giữ họ (20.5.2015 – Thứ Tư tuần bảy Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 17, 11b-19
Phần con, con đến cùng Cha. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Suy niệm:
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,|
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ…Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17), 
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Lời nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.