29 thg 12, 2016

Trốn sang Ai cập (30.12.2016 – Lễ Thánh Gia Thất, năm A)


Lời Chúa (Mt 2,13-15.19-23)
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập.
19 Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai cập, 20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” 21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.  22Nhưng vì nghe biết Ackhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó.  Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét.
Suy Niệm
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại một biến cố không vui.
Con Thiên Chúa bị Hêrôđê đe dọa tính mạng.
Ðược mộng báo, đang đêm Giuse phải đem gia đình đi trốn.
Ðất Ai cập vẫn được coi là chỗ trú ẩn an toàn�
Nhưng ngay cả khi vua Hêrôđê lìa đời,
mối đe dọa vẫn còn tồn tại.
A�ckhêlao kế nghiệp vua cha, là người tàn ác không kém,
khiến Thánh gia chẳng dám về ở vùng Giuđê,
mà phải trở về quê nhà ở Nadarét.
Như thế cuộc sống của Thánh gia chẳng phải là êm ả.
Ðâu phải có Chúa là tránh được căng thẳng, long đong.
Chỉ có một điều Thánh gia đã không để mất,
đó là niềm tín thác vững vàng vào Thiên Chúa,
ngay giữa những hiểm nguy từ phía bạo quyền,
đó là tình yêu thương gắn bó với nhau,
giữa những lúc khó khăn chồng chất.
Rồi mọi sự sẽ qua, rồi bình an sẽ trở lại.
Nhìn lại cuộc sống Thánh gia, ta thấy có nhiều sóng gió.
Có lúc tưởng như tan vỡ, khi thánh Giuse định rút lui�
Có lúc bối rối khi ở Bêlem không tìm ra chỗ trọ.
Có những ngày đôn đáo tìm con trong nước mắt.
Có lúc họ hàng tưởng Ðức Giêsu mất trí, nên đi bắt về.
Và nhất là có lúc Mẹ phải đứng bên xác con�
Thánh gia chẳng được hưởng một chút ưu đãi nào.
Một gia đình vô cùng thánh thiện và gương mẫu
cũng phải chịu bao khổ đau và nghịch cảnh,
nhờ đó mọi gia đình Kitô hữu khác
có thể yên tâm đứng vững giữa những lúc mây mù.
Các gia đình hôm nay cũng bị đe dọa.
Có những gia đình quá nghèo túng và nợ nần.
Có những trẻ thơ bị thất học, bị bỏ rơi, bị lạm dụng
Mối đe dọa lớn nhất là thiếu vắng tình yêu.
Có những xung đột giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.
Kết quả là nạn phá thai, ngoại tình, ly dị.
Gia đình chẳng còn là dòng suối ngọt ngào,
nơi mọi người lớn lên nhờ yêu và được yêu,
nhờ kiên nhẫn lắng nghe, nhờ dịu dàng đối thoại,
nhờ bầu khí cảm thông khiến người ta dám chấp nhận nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, mẹ Têrêsa phát biểu:
“Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức
về tầm quan trọng của gia đình.
Nếu chúng ta đưa tình yêu trở lại gia đình,
thế giới này sẽ đổi khác.”
Thế giới băng hoại vì gia đình thiếu tình yêu.
Giới trẻ nghiện ngập và hư hỏng vì bơ vơ, buồn chán.
Ước gì mỗi gia đình Kitô hữu đều là một mái ấm,
đầy ắp tình yêu, đầy ắp Thiên Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ơn cứu độ cho muôn dân (29.12.2016 – Ngày 5 trong Tuần Bát nhật Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 2, 22-35
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Suy nim 
Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. 
Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê. 
Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21). 
Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), 
nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế 
để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). 
Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), 
phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. 
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy. 
Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, 
và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. 
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, 
dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận. 
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. 
Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi. 
Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. 
Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24). 
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. 
Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). 
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. 
Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không? 
Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon. 
Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25), 
và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26). 
Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27). 
Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, 
nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. 
Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp. 
Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ, 
còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng. 
Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc. 
Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi. 
Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31). 
Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân, 
là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày, 
cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon. 
Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong. 
Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. 
Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, 
chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. 
Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 12, 2016

Khóc thương con mình (28.12.2016 – Tuần Bát nhật Giáng sinh – Các thánh Anh hài tử đạo)


Lời Chúa: Mt 2, 13-18
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
Suy niệm:  
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui, 
chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài. 
Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả. 
Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người, 
trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông. 
Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu. 
Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài. 
Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó. 
Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập. 
Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường. 
Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả. 
Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà. 
Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu. 
Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ, 
vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ. 
Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem.
Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than. 
Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần?  
Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt, 
cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do. 
Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu. 
Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo. 
Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày. 
Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng. 
Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ. 
Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết. 
Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ, 
chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật. 
Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân. 
Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất. 
Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, 
và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ. 
Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. 
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập. 
Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu? 
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng? 
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình. 
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ. 
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai. 
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.
Cầu nguyện:  
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đếnnhững gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữtừng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ông đã thấy và đã tin (27.12.2016 – Ngày III trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Gioan tông đồ, tác giả sách Tin Mừng)


Lời Chúa: Ga 20, 2-8

2
Khi ấy, bà Maria Macđala liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
Suy nim:
Gioan, ông là ai ?Tôi là một ngư phủ ở hồ Galilê, con ông Dêbêđê, người vùng Bếtsaiđa.
Tôi được Thầy Giêsu gọi khi đang vá lưới với cha trong thuyền (Mc 1, 20).
Tôi là người khá nóng tính, nên có lần đã bực bội và phản ứng mạnh mẽ
khi có người ngoài nhóm trừ quỷ nhân danh Thầy Giêsu (Mc 9, 38).
Cũng có lần tôi định xin lửa bởi trời xuống đốt cháy một làng Samaria
chỉ vì họ không đón tiếp Thầy trò chúng tôi (Lc 9, 54).
Thầy Giêsu gọi hai anh em tôi là con của thiên lôi cũng đúng (Mc 3, 17).
Ngoài ra chúng tôi cũng có nhiều tham vọng khi theo Thầy Giêsu.
Có lần chúng tôi xin Thầy cho hai anh em ngồi hai bên tả hữu (Mc 10, 37).
Tôi biết mình nhiều lần làm cho Thầy buồn, 
nhưng Thầy vẫn chịu đựng và yêu mến tôi cách đặc biệt.
Thầy cho tôi được vào số các môn đệ thân tín (Mc 5, 37; 9, 2; 14, 33).
Gioan, ông là ai ?Nếu bạn muốn thì tôi xin tự nhận 
tôi là người môn đệ được Thầy Giêsu mến thương.Dĩ nhiên Thầy thương mọi môn đệ, 
nhưng tôi vẫn cảm được tình thương đặc biệt Thầy dành cho tôi.
Trong bữa ăn tối, khi Thầy rửa chân cho môn đệ, tôi dám tự hào,
có ai được diễm phúc nằm gần ngực Thầy như tôi (Ga 13, 23. 25; 21, 20).
Tôi đã sống trọn vẹn với Thầy trong những giờ phút vượt qua.
Tôi đã cùng Phêrô vào dinh thượng tế (Ga 18, 15),
và đứng gần bên thập giá của Thầy để đón lời trăng trối (19, 26-27).
Tôi đã nhìn thấy tận mắt mũi giáo đâm cạnh sườn Thầy
khiến máu và nước chảy ra (19, 35).
Tôi cũng là người hốt hoảng chạy đến mộ lúc sáng sớm
khi nghe Maria Mácđala báo tin mất xác Thầy (20, 2).
Nhưng khi đi vào trong mộ, thấy các băng vải quấn xác Thầy còn để đó,
và khăn che đầu được cuốn lại và xếp gọn một bên (20, 7),
tôi được ơn soi sáng để hiểu ngay Thầy đã sống lại (20, 8), 
bởi vì tôi chợt nhớ lúc Ladarô được hoàn sinh ra khỏi mồ,
anh còn bị lúng túng trong mớ khăn và băng vải (Ga 11, 44).
Tôi đã thấy và đã tin Thầy của tôi được Thiên Chúa phục sinh, 
giải thoát Thầy khỏi phiến đá che mộ và đồ liệm xác vướng víu.
Tôi đã tin dù lần ấy tôi chưa gặp Thầy.
Sau này có lần tôi gặp lại thầy ở Biển Hồ quen thuộc (Ga 21, 2. 7).
Qua một đêm trắng tay, chúng tôi đánh được một mẻ cá lớn bất ngờ,
tôi cũng được ơn nhận ra Thầy trước tiên, và nói với Phêrô: Chúa đó!
Thật ra, tôi cũng chẳng hơn gì anh Phêrô,
nhưng vì Chúa thương tôi, nên đôi khi tôi bén nhậy hơn anh ấy.
Gioan, ông là ai ?Tôi là một ngư phủ vùng Galilê, ít học, ít suy nghĩ chuyện cao siêu.
Nhưng tôi biết mình được một ơn mà nhiều người thèm muốn.
Đó là ơn được sống cận kề với Thầy Giêsu.
Thầy là một mầu nhiệm mà tôi nào có hiểu ngay từ đầu khi ở bên Thầy.
Nhờ được sống lâu, nhờ suy niệm dưới ánh sáng của Thánh Thần,
tôi thấy mình dần dần được đưa vào mầu nhiệm sâu hun hút và lôi cuốn.
Từ từ tôi nhận ra Thầy là ai: Thầy quá lớn lao nhưng lại rất gần gũi.
Tôi tin Thầy là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời, mang thần tính như Cha,
nhưng Ngôi Lời ấy đã mang xác thịt yếu đuối như tôi (Ga 1, 14).
Ngài đã ở bên chúng tôi như một người thầy, một người bạn.
Không ai đã thấy Thiên Chúa vinh quang bao giờ,
nhưng chúng tôi đã có thể thấy tận mắt và chiêm ngưỡng (1 Ga 1,1), 
và tay chúng tôi có thể chạm đến một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt.
Hạnh phúc khôn tả này, tôi không thể giữ riêng cho mình.
Tôi muốn loan báo cho anh em để hiệp thông và chung vui (1 Ga 1, 3-4).
Tôi muốn làm chứng về mầu nhiệm và muốn viết ra thành sách (Ga 21, 24).
Xin mọi người biết cho rằng mọi điều được viết là xác thực.
Tôi đã không làm chứng bằng cái chết như anh Phêrô,
nhưng tôi làm chứng bằng lời tôi viết.
Dù ai có nói gì về tôi, có ca ngợi về sự biến đổi kỳ diệu nơi tôi,
từ một kẻ nóng tính, háo danh, thô thiển,
đến một người đắm chìm trong chiêm niệm về một tình yêu quá lớn,
tôi cũng chỉ xin mình được mãi mãi nhìn nhận 
như người được Thầy Giêsu mến thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 12, 2016

Xin nhận lấy hồn con (26.12.2016 – Ngày II trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi)


Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60

Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.
Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.
Suy nim:
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh. 
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu. 
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo. 
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5), 
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8). 
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9). 
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông. 
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12). 
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7). 
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, 
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15). 
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa. 
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu. 
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56). 
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy. 
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người, 
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân. 
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. 
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành. 
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58). 
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại 
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu. 
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung. 
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện. 
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha: 
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). 
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy: 
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59). 
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài, 
như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha. 
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết, 
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông. 
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình. 
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi. 
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần. 
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới. 
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng. 
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình. 
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết, 
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 12, 2016

NIỆM KHÚC GIÁNG SINH



 Khi chúng ta kính mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh năm 2016 cũng là lúc chuẩn bị bước qua năm mới: năm Đinh Dậu, với nhiều cái khởi đầu mới – cả đời thường và tâm linh.

Năm 2017 là năm đặc biệt: Kỷ niệm bách chu niên sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fátima, chúng ta hãy nhắc nhở nhau về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần Chuỗi Mai Côi. Chính Đức Mẹ đã cho biết rằng mỗi lần đọc MỘT KINH KÍNH MỪNG là dâng cho Mẹ MỘT ĐÓA HỒNG tươi đẹp, và đọc xong MỘT CHUỖI MAI CÔI là dâng cho Mẹ MỘT TRIỀU THIÊN hoa hồng.

Năm nay có điều đặc biệt: chúng ta đang sống trong Năm Thánh Fátima (Jubilee of Fátima) – bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng (27-11-2016) cho đến Lễ Chúa Kitô Vua (26-11-2017).

Năm nay còn thêm điều đặc biệt nữa là Giáo Hội tại Việt Nam đang sống trong chu kỳ Năm Mục Vụ Gia Đình: Năm 2017 có chủ đề “Chuẩn Bị Cho Người Trẻ Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân”, Năm 2018 có chủ đề “Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ”, Năm 2019 có chủ đề “Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó Khăn”.

SỰ NGHÈO HÈN CAO TRỌNG

Giáo Hội hướng chúng ta tới Mầu Nhiệm Giáng Sinh qua ngắm thứ ba của Chuỗi Mai Côi Mùa Vui: “Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi Hang Đá” (Lc 2:1-14; Mt 2:1-12; Gl 4:1-7).

Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh khó khăn mọi bề, từ vật chất tới tinh thần. Qua mầu nhiệm này, chúng ta cầu xin được “lòng khó khăn”. Ở đây, danh từ “khó khăn” không có nghĩa là “khó tính”, “khó nết”, “khó chịu”, “khó ưa”,… mà là sống nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, có tinh thần khó nghèo sẽ dẫn tới hành động, tức là thể hiện sự khó nghèo. Thật vậy, nghèo khó hoặc thanh bần là nhân đức cao quý, là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ, những người sống theo lời khuyên Phúc Âm trong đời sống thánh hiến.

Giữa đêm khuya thanh vắng, lạnh lẽo, khi Con Thiên Chúa giáng sinh ra nơi hang đá tại miền Belem, thiên thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Trẻ sơ sinh được bọc tã là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là “nằm trong máng cỏ”. Khi chào đời, người ta không được sinh ra trong nệm ấm, chăn êm, thì cũng được sinh ra ở một nơi tương đối đàng hoàng, có giường chiếu hẳn hoi. Chỉ những ai “đẻ rơi” mới ở ngoài đường hoặc ngoài đồng. Vậy mà Con Thiên Chúa lại sinh trong cảnh nghèo khó hơn bất cứ ai trong chúng ta.

Ngay sau khi được báo tin, các mục đồng đã liền hối hả ra đi theo hướng ánh sao. Kinh Thánh cho biết rạch ròi: “Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đúng y như lời báo của các thiên thần. Quá đỗi bất ngờ, hoàn cảnh của Thánh Gia khó khăn ngoài sức tưởng tượng, theo kiểu người Việt ví von: “Nghèo rớt mồng tơi”.

Chúa Giêsu đã chọn cách sống nghèo không giống ai, đó là Ngài làm gương để dạy chúng ta phải sống nhân đức nghèo khó. Các mục đồng là những người nghèo khó, hèn hạ, vất vả mưu sinh, thậm chí có thể là không biết chữ, nhưng họ lạ là nhân chứng thứ nhất về Tin Mừng Giáng Sinh. Chúa Giêsu muốn chúng ta chia sẻ vật chất với người khác, quan tâm tha nhân, giúp đỡ người khác, và Ngài đặt động thái sống nghèo khó là Mối Phúc thứ nhất trong Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Bài học giáng sinh là bài học về nhân đức nghèo khó. Lối sống hưởng thụ, tìm an nhàn là đối nghịch với nhân đức nghèo khó, tất nhiên cũng “đối lập” với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử huyền thoại, độc nhất vô nhị. Sử gia H.G. Wells, người Anh, công nhận: “Tôi là một sử gia, tôi không có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi phải thú thật với tư cách một sử gia rằng nhà thuyết pháp nghèo kiết xác này (penniless preacher) đến từ Nadarét lại chính là trung tâm của lịch sử. Ông Giêsu Kitô là nhân vật nổi bật nhất trong toàn lịch sử nhân loại”. Quả thật, dù không tin ra mặt nhưng người ta vẫn ngầm tin Chúa Giêsu là “siêu nhân” đích thực.
Kinh Thánh đã nói về Đức Kitô: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).

THIÊN VƯƠNG TỐI CAO

Theo truyền thống, Giáo Hội Công giáo dành Tháng Mười Hai để tôn kính Chúa Hài Đồng và dành Tháng Giêng để tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Qua lòng tôn sùng này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Thánh Danh Đức Kitô, đồng thời khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhân Danh Ngài. Trong các lời nguyện trong phụng vụ, chúng ta thấy Giáo Hội luôn kết lời nguyện bằng câu: Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng con. Giữ Thánh Danh Ngài trên đôi môi của chúng ta là cách tốt để bảo đảm rằng chúng ta luôn tiến đến gần Ngài, đặc biệt trong tháng này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng lạm dụng Thánh Danh Chúa Giêsu, vì Mười Điều Răn dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”.

Ngay từ rất sớm, các Kitô hữu đã hiểu rằng chính Thánh Danh Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, và gọi tên Ngài cũng là một cách cầu nguyện. Lời cầu nguyện ngắn gọn này là sự kết hợp của việc hành đạo và lời cầu nguyện của người thu thuế trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14). Có thể đó là cách cầu nguyện phổ biến nhất trong Kitô giáo Đông phương, cả Chính Thống giáo và Công giáo, họ dùng “dây cầu nguyện” (sợi dây có thắt nhiều nút) tương tự như tràng hạt của Tây phương.

Ngày nay, chúng ta thường xuyên nghe tiếng kêu Thánh Danh Chúa Giêsu và thấy Tên Ngài có ở nhiều nơi, nhất là khi gặp nguy hiểm và bị hàm oan. Hàng ngày, chúng ta rất nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, đặc biệt lúc 3 giờ chiều, tại nhiều nhà thờ trên thế giới, điệp khúc Thánh Danh Chúa Giêsu được vang lên râm ran: “Vì cuộc Khổ nạn Đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới” và “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Khi lần Chuỗi Mai Côi, chúng ta cũng nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con…”. Đặc biệt là khi chúng ta đau bệnh, hoặc chăm sóc bệnh nhân, Thánh Danh Chúa Giêsu không ngừng được kêu cầu: “Giêsu…” để khẩn cầu ơn cứu thoát.

Lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu là dạng cầu nguyện ngắn gọn thể hiện lòng khao khát, đôi khi được thốt ra như một phản xạ có điều kiện. Nghĩa là Thánh Danh Chúa Giêsu được chúng ta kêu cầu nhiều lần trong ngày.

Thật vậy, xin hãy nghe chính Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật: anh chị em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh chị em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh chị em sẽ được, để niềm vui của anh chị em nên trọn vẹn” (Ga 16:23). Chúa Giêsu nói như vậy vừa khuyến khích vừa khuyến cáo mỗi chúng ta.

Tình trạng bách hại xưa nay đã xảy ra nhiều, đã rõ ràng, đã và đang xảy ra tại Việt Nam chứ chẳng đâu xa. Nhưng ngày nay, nhiều nơi người ta bách hại bằng những cách tinh vi, người ta cấm không cho công khai thể hiện bất cứ dấu hiệu gì liên quan Chúa Giêsu. Cụ thể như tại Pháp, một quốc gia từng được ca tụng là “trưởng nữ của Giáo Hội”, người ta không cho đặt Thánh Giá ở các trường học. Một kiểu “phủ đầu” rất tinh vi. Mà kể cũng lạ, tại sao không cấm những thứ gì liên quan đến các vị lập các đạo khác mà lại chỉ “dị ứng” với Đức Giêsu Kitô? Đây cũng là một “điểm son” để các Kitô hữu chúng ta hãnh diện về Đạo của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta đang là thành viên, và cũng để thêm lòng can đảm mà làm chứng về Ngài.

Được biết rằng kinh cầu Thánh Danh Chúa Giêsu đã được các Thánh Bernardine Siena và Gioan Capistrano biên soạn từ đầu thế kỷ XV. Sau khi diễn tả Chúa Giêsu bằng nhiều Danh Hiệu và kêu cầu Ngài thương xót chúng ta, kinh cầu này có lời kêu xin Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và các mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày.

Đã từ lâu, có một bài thánh ca quen thuộc thường được sử dụng trong Chúa nhật XXXIV thường niên hàng năm (lễ Chúa Kitô Vua) của cố Lm Ns Vinh Hạnh, trong đó có câu: “Khi nghe Tên Thánh Chúa Giêsu, các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run”. Thật vậy, ngay cả những người ngoại giáo cũng cảm thấy “có gì đó khác lạ” khi nghe hoặc nhắc đến Thánh Danh Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu được tôn xưng bằng nhiều danh hiệu: Con Thiên Chúa, Con Đấng Tối Cao, Ngôi Lời, Con Một, Con Người, Emmanuel (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta), Con Abraham, Con Vua Đavít, Con Đức Maria, Con Thánh Giuse, Con Bác Thợ Mộc, Con Yêu Dấu, Thánh Tử, Thiên Tử, Trưởng Tử, Linh Mục Thượng Phẩm, Tiên Tri Vĩ Đại, Người Tôi Tớ Đau Khổ, Tội Nhân, Vua các Vua, Chúa các Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu, Chiên Thiên Chúa, Đấng Gánh Tội Trần Gian, Đấng Chăn Chiên Lành, Người Cha Nhân Hậu, Cửa Chuồng Chiên, Gốc Gie-sê, Cây Nho, Bánh Hằng Sống, Ánh Sáng Thế Gian, Sức Mạnh của Người Nghèo, Giao Ước Mới, Thành Lũy, Núi Đá, Nơi Trú Ẩn, Mạch Suối, Tảng Đá Góc Tường, Đấng Bào Chữa, Người Được Tuyển Chọn, Vua Công Chính, Hoàng Tử Bình An, Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Thủ Lãnh Hoà Bình, Con Đường, Sự Thật, Sự Sống, Ánh Sáng, Đầu và Cuối, Anpha và Ômêga, Khởi Nguyên và Tận Cùng,… Người ta tính có đến hơn 200 danh xưng dành để tôn xưng Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thực hành bài học nghèo khó, luôn tin cậy và yêu mến Thánh Danh Ngài trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi, để chúng con nhờ chính Thánh Danh Ngài mà được cứu độ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

23 thg 12, 2016

Tin Mừng trọng đại (24.12.2016 – Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm)


Lời Chúa: Lc 2, 1-14
1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. 3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11 Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. 13Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
14 Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Suy niệm:
Thiên Chúa vẫn cứ làm con người ngỡ ngàng. 
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sai Con Ngài sinh bởi một phụ nữ, 
làm người Do Thái, sống dưới thời đế quốc Rôma đô hộ (cc. 1-2). 
Như thế Đấng Tuyệt Đối đã từ trời xuống, 
chấp nhận thân phận hữu hạn của con người. 
Ngài không khoác lớp áo người, nhưng là người trọn vẹn. 
Ngài được cưu mang trong dạ mẹ, được sinh ra như mọi trẻ thơ. 
Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng. 
Ngài không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nadarét. 
Ngài cũng không được chào đời 
nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem. 
Đơn giản là vì không có chỗ (c. 7). 
Nhưng tại sao lại không có, thì ta không rõ câu trả lời. 
Ngài đã phải sinh ra nơi máng cỏ, nơi để đồ ăn cho súc vật. 
Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm? 
Hãy hình dung khung cảnh âm thầm của máng cỏ ngày xưa. 
Có một ngọn đèn nào để chiếu sáng không? 
Có ngọn lửa nào để xua đi giá lạnh không? 
Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ. 
Họ đang phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ. 
Điều cần nhất là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. 
Khi tiếng khóc đầu tiên của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya, 
ơn cứu độ đã mỉm cười với nhân loại. 
Lạ lùng thay cách thức Con Thiên Chúa làm người!
Nhóm người chăn chiên, những kẻ sống bên lề xã hội, 
chứ không phải là những nhà lãnh đạo tôn giáo hay trần thế, 
mới là những người đầu tiên được sứ thần loan báo Tin Mừng. 
Họ sống ngoài đồng, chia phiên nhau thức đêm để canh giữ đoàn vật. 
Bất ngờ họ bị bao trùm bởi vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa (c. 9). 
“Hôm nay, Đấng Cứu độ, Đấng Kitô, Đức Chúa được sinh ra cho anh em.” 
Đấng dân tộc anh em chờ mong từ lâu, nay đã đến. 
Đây là Tin Mừng! Đây là Niềm Vui cho mọi người! 
Nhưng dấu hiệu để nhận ra vị Tân Vương thuộc nhà Đavít 
thì vừa bình thường: “một trẻ sơ sinh được quấn tã”, 
vừa lạ thường: “nằm trong máng cỏ” (c. 12). 
Đấng Mêsia mới được sinh ra không ngự nơi cung vua. 
Dấu hiệu sứ thần cho ông Dacaria là bị câm. 
Dấu hiệu sứ thần cho Maria là bà chị Êlisabét mang thai lúc đã già. 
Dấu hiệu sứ thần cho các anh chăn chiên là trẻ thơ quấn tã nơi máng cỏ. 
Các anh chăn chiên cần có đức tin để dám tin vào dấu hiệu ấy. 
Thiên Chúa vẫn đến với con người bằng những nẻo đường bất ngờ.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, 
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (c. 14). 
Hoàng đế Augustô được ca ngợi là đấng cứu độ. 
Ông được coi là người đem lại hòa bình,vì ông đã chấm dứt chiến tranh.
Hôm nay, Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta bình an thật qua Đức Kitô. 
Ngài muốn ban cho chúng ta Đấng Cứu Độ thật là Đức Giêsu. 
Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người. 
Ước gì chúng ta biết được rằng mình là những người được Chúa thương.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thiên Chúa viếng thăm (ngày 24.12.2016 – Trước Lễ Giáng Sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 67-79

67
 Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.
Suy nim:
Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày,
lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.
Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel
vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng
được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm.
Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).
Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).
Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.
Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.
Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).
Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,
Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).
Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết
và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79).
Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),
là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).
Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị,
vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.
Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua.
Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).
Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain,
đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).
Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận
 (Ga 1, 11).

Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,
và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).
Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,
vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).
Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch.
Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người,
và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.
Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,
là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.
Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:
một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;
một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự.
Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
Cầu nguyn:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 12, 2016

Tên cháu là Gioan (Ngày 23.12 Trước lễ Giáng Sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 57-66
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”. 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.
Suy niệm:
Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu,
Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.
Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả.
Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25),
bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58).
Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm.
Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng.
Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước.
Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.
Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60),
nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này,
vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha.
Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria.
Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông.
Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con.
“Tên cháu là Gioan” (c. 63).
Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị.
Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan,
thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64).
Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm.
Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ.
Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé.
Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.
“Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66).
Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi.
Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra:
ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi,
ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước,
người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66).
Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban,
bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại.
Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường.
Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).
Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng.
Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa.
Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng.
Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên,
nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa.
Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan.
Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa.
Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình,
và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó.
Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 12, 2016

Nữ tỳ hèn mọn (22.12.2016 – trước Lễ Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 46-56
46 Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
50 Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim:
Bài ca ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Maria
sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ.
Êlisabét ca ngợi Maria là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ
vì Mẹ đang cưu mang trong dạ Đấng Cứu Tinh.
Bà còn ca ngợi Maria có phúc vì đã dám tin vào lời Chúa phán,
và dám liều để cho lời ấy dẫn dắt đời mình.
Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét mới biết được Tin Vui
mà Maria tưởng rằng đó là bí mật chỉ riêng mình biết.
Khi đứng trước bà chị cao niên đang mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần nói,
và vào mầu nhiệm đang âm thầm lớn lên nơi cung lòng mình.
Khi bà chị Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa.
Maria nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của Mẹ (c. 47.)
Nếu Mẹ được đầy ân sủng, được Chúa ở cùng và được đẹp lòng Ngài,
nếu Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao nhờ Thánh Thần (Lc 1, 28-35),
thì đó không phải là do công của Mẹ, nhưng là ơn của Chúa.
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49).
Maria không có một sự khiêm nhường giả tạo về mình.
Khiêm nhường thực sự là nhìn nhận sự thật.
Mẹ nhìn nhận những điều độc nhất vô nhị Chúa làm cho đời mình.
Ngài đã nhìn xuống đời Mẹ, cuộc đời thấp hèn của một tỳ nữ.
Và cái nhìn cúi xuống của Ngài đã nâng Mẹ lên cao,
khiến cho muôn thế hệ phải ngợi khen, tôn kính (c. 48).
Nhưng Maria không phải là người duy nhất được Thiên Chúa thi ân.
Ngài thương xót những ai hèn mọn, đói nghèo, biết kính sợ Chúa.
Ngược lại, Ngài giơ cánh tay biểu dương sức mạnh (cc. 50-53),
để dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi đi kẻ giàu sang.
Thiên Chúa đầy thương xót, nên cũng mạnh tay để tạo lại sự công bằng,
để đem lại sự no đủ cho người nghèo và sự tự do cho người bị áp bức.
Thiên Chúa ấy cũng trung tín giữ lời hứa với Dân Ítraen (cc. 54-55).
Maria đã ở lại với bà chị họ độ ba tháng mới trở về nhà.
Ba tháng mang thai đầu tiên của một người mẹ trẻ đâu có dễ.
Maria đã ở lại để phục vụ cho bà Êlisabét gần ngày sinh.
Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác.
Êlisabét hẳn là vui vì được hầu hạ bởi Thân Mẫu Chúa.
Gioan trong bụng mẹ sung sướng vì được gần Đấng Thiên Sai.
Ít khi ta suy niệm chuyện Đức Maria mang thai hơn chín tháng.
Thai Nhi Giêsu lớn dần lên từng ngày trong dạ mẹ, chờ ngày chào đời.
Tình Mẹ-Con cũng lớn lên, thân thiết, gần gũi.
Mang thai và sinh con là niềm vui, nhưng đòi bao hy sinh nhọc nhằn,
nhất là vào thời xưa, khi vệ sinh và tiện nghi không có.
Để sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, vẫn cần có những Maria
chấp nhận cưu mang, chấp nhận vượt cạn,
chấp nhận kiên nhẫn chờ đợi để sinh những Giêsu cứng cáp cho thế giới.
Cầu nguyn:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.