31 thg 1, 2017

Quê quán của Người (1.2.2017 – Thứ tư Tuần 4 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 6, 1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi. 
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát. 
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo… 
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy. 
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
Bởi đâu ông này được như thế? 
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?”
 (c. 2). 

Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận 
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm 
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ. 
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, 
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài? 
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu. 
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. 
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, 
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. 
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. 
Chính cái biết này đã ngăn cản 
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. 
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ 
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: 
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. 
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, 
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. 
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? 
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. 
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Đụng đến áo (31.1.2017 – Thứ Ba Tuần 4 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 5, 21-43
 21 Đức Giê-su xuống thuyền, trở  lại sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi? “31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi? “32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? “36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! “40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! “42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Suy nim:
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, 
có những người đụng vào áo Ngài. 
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, 
đụng lén như sợ bị bắt quả tang. 
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, 
mười hai năm mắc bệnh băng huyết, 
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, 
mười hai năm bị coi là ô nhơ: 
không được đụng đến người khác, 
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu 
bằng tay và bằng lòng tin, 
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ. 
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.” 
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu, 
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. 
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài. 
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim. 
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen, 
không để lại một âm vang nào, 
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. 
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ, 
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi. 
Hay nói đúng hơn, 
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài. 
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày 
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến. 
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình. 
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết. 
Như con gái của ông trưởng hội đường, 
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy.” 
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết. 
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường. 
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. 
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: 
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34). 
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giarô: 
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36). 
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. 
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài. 
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, 
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, 
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài. 
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, 
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố. 
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, 
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 1, 2017

Tôi tớ tốt lành và trung tín (30.1.2017 – Thứ Hai, Mồng Ba Tết Nguyên đán – Thánh hóa công việc)


Lời Chúa: Mt 25, 14-30
Bấy giờ, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi tôi tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!” Ông chủ đáp: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho các chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy nim:
Lao động đúng là vinh quang của con người,
Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác cho công cuộc sáng tạo còn dang dở…
Ngài vẫn muốn nhờ con người mà làm cho thế giới này đẹp hơn, dễ sống hơn,
làm cho trái đất này trở thành một ngôi làng ấm áp, xinh xắn, gần gũi
cho hơn sáu tỷ người sống như anh chị em.
Từng ngày bao người vẫn cộng tác với Thánh Thần để biến đổi bộ mặt trái đất.
Có một lời nguyện rất hay của Phụng vụ Giờ Kinh tóm kết về giá trị của lao động:
“Ước gì những công việc chúng con phải làm, vừa nuôi dưỡng chúng con,
vừa mưu ích cho những người chúng con chịu trách nhiệm,
lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.”
Như thế lao động là một bổn phận của người Kitô hữu.
Lao động không phải là một hình phạt của tội nguyên tổ.
Thống trị mặt đất và làm bá chủ mọi loài (St 1, 28).
là sứ mạng Thiên Chúa trao cho con người ngay sau khi nó được tạo dựng.
Trước khi phạm tội, con người đã được Đức Chúa “đặt vào vườn Êđen,
để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15).
Làm việc với đất, với vườn, với đủ thứ cây trái là một vinh hạnh lớn.
Thánh Phaolô cũng thấy cái thú trong việc “làm lụng vất vả”
để nuôi thân và để “giúp đỡ những người đau yếu” (Cv 20, 35).
Có pha một chút tự hào, vị tông đồ lừng danh này khoe:
“Những gì cần thiết cho tôi, và cho những người sống với tôi,
đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34).
Chẳng biết từ đâu Phaolô nghe được câu này mà ông bảo là của chính Chúa Giêsu:
“Cho thì có phúc hơn là nhận”
Làm việc chính là “cho”, và “cho” thật là một hồng phúc.
Đầu tư là vấn đề nóng bỏng của mọi nền kinh tế.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dám ví đời sống Kitô hữu với chuyện làm ăn.
Ông chủ Giêsu đi vắng thời gian lâu (c.19), giao của cải cho tôi tớ đầu tư sinh lợi.
Chẳng phải ai cũng được số nén bạc như nhau,
nhưng mỗi người phải cố gắng tối đa với những gì mình đã lãnh nhận.
Hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi tương xứng,
được ông chủ coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín.” (cc. 21.23).
Người thứ ba lại đào lỗ đưới đất và chôn dấu nén bạc duy nhất của mình.
Nén bạc của anh thứ ba còn nguyên, không sinh lợi,
vì thế anh bị coi là “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng” (cc. 26.30).
Trong khi chờ Chúa trở lại, chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng Chúa ban.
Làm sao sinh lợi được nhiều nhất và hiệu quả nhất từ số vốn mình nhận?
Làm sao để Thiên Chúa được vinh danh hơn trên mặt đất này?
Đầu tư đòi sáng tạo của khối óc và đam mê của trái tim.
Đầu tư đòi chấp nhận liều lĩnh, nỗ lực và căng thẳng.
Nhưng chúng ta dám chấp nhận sự dấn thân này chỉ vì yêu Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 1, 2017

Thờ cha kính mẹ – (29.1.2017 – Chúa nhật – Mồng Hai Tết Nguyên đán – Kính nhớ ông bà tổ tiên)


Lời Chúa: Mt 15, 1-6
Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. 
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên, 
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu. 
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ. 
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng 
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ. 
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó. 
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn, 
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về, 
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.” 
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất. 
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên 
Chỉ có hai điều không được phép, 
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.
Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố 
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm, 
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày. 
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa, 
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng, 
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình, 
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ. 
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa. 
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ. 
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh. 
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu, 
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ 
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm 
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6). 
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người 
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).
Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái, 
chúng ta cần tự hỏi: 
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ? 
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ? 
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 1, 2017

Đừng lo lắng gì cả (28.1.2017 – Thứ Bảy – Mồng Một Tết Nguyên Đán, cầu bình an cho năm mới)


Lời Chúa: Mt 6, 25-34
Khi ấy Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng:“Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Suy niệm:
Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.
Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa
để thấy tất cả là hồng ân,
kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.
Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.
Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.
Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.
Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.
Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.
Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.
Con Thiên Chúa làm người đã đằm mình trong dòng thời gian như ta.
Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.
Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…
Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).
Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê
để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.
Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”
Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…
Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Ítraen (c. 27).
Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.
Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.
Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.
Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.
Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.
Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”
Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu
thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.
Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.
Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.
Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha,
họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết,
và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.
Cầu nguyện:
 Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.
 Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,
vì Cha vẫn cho chúng con sống,
và sống trong tình yêu.
 Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha
để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.
 Tạ ơn Cha
vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.
 Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc
trong tinh thần vui tươi, hòa nhã,
và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.
 Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau
là những lời chúc lành
xuất phát từ trái tim yêu thương.
 Và lạy Cha, năm mới đã đến,
trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,
chúng con cũng muốn
ở lại trong quỹ đạo của Cha,
nhận Cha là trung tâm cuộc sống,
và nhận mọi người là anh em. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 1, 2017

Bông lúa trĩu hạt (27.1.2017 – Thứ sáu Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 4, 26-34
26 Một hôm, Ðức Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” 30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” 33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. 
Suy nim 
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh 
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh. 
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người, 
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa. 
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ 
trong tổng số dân trên thế giới. 
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ. 
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa. 
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không? 
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng, 
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh. 
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi 
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô. 
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không 
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan. 
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, 
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống. 
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất 
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên, 
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi. 
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng 
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt. 
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ. 
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày, 
chẳng cần con người can thiệp. 
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này 
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi. 
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng, 
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản. 
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu, 
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây, 
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác. 
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất. 
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu 
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới. 
Sau hai mươi thế kỷ, 
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc. 
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi. 
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất, 
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây. 
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái. 
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng. 
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin: 
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, 
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người. 
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, 
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 1, 2017

Đặc sủng của Thiên Chúa (26.01.2017 – Lễ thánh Timôthê và thánh Titô, Giám mục


Lời Chúa: 2 Tm 1, 1-8
1Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày.4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui.5 Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
Suy niệm:  
Khi xa nhau, nhớ nhau, người ta thường viết thư cho nhau. 
Ngày xưa phải mất nhiều thời gian một lá thư mới đến tay người nhận. 
Nhưng nhận được lá thư từ xa thì thật là hạnh phúc. 
Có lẽ thánh Phaolô đã viết thư này cho anh Timôthê 
khi ngài đang ngồi tù tại Rôma, vào những năm cuối đời. 
Ngài viết trong thư như sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, 
đã đến giờ tôi phải ra đi” (2 Tm 4, 6). 
Ngài còn viết: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, 
tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2 Tm 2, 9). 
Nếu đúng thế, thì lá thư này là một thứ di chúc để lại cho Timôthê, 
người môn đệ, bạn đồng hành mà ngài gọi là người con yêu dấu (c. 2).
Đọc những câu đầu của lá thư, 
chúng ta thấy tình cảm gắn bó của Phaolô đối với Timôthê, 
người mà ngày đêm ngài luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện (c. 3). 
Phaolô cũng nhớ những giọt nước mắt lúc chia tay của Timôthê (c. 4), 
lúc anh vâng lời ở lại Êphêsô, còn Phaolô tiếp tục hành trình (1 Tm 1, 3). 
Phaolô vẫn không quên truyền thống đức tin nơi gia đình của anh. 
Đức tin được thông chuyển đến Timôthê qua mẹ và bà ngoại. 
Tên của hai phụ nữ này Phaolô còn giữ trong ký ức (c. 5). 
Xem ra chưa phai mờ bao kỷ niệm thời Timôthê đi chung với Phaolô 
trong những cuộc hành trình truyền giáo (Cv 16, 1-4; 19, 22). 
Chia sẻ bao buồn vui, nhọc nhằn và nguy hiểm, trên đất liền và biển cả, 
Phaolô và Timôthê trở thành những người bạn thân thiết cho sứ mạng.
Khi viết thư cho Timôthê trong vai trò một người giám quản, 
phụ trách cộng đoàn Kitô hữu ở Êphêsô, 
Phaolô muốn nâng đỡ Timôthê trong lúc anh đang gặp khó khăn. 
Có vẻ anh muốn chùn bước trước những người dạy giáo lý sai lạc. 
Phaolô đụng ngay vào tính nhút nhát của anh khi nhắc nhở: 
“Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát, 
nhưng một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương và tự chủ” (c. 7). 
Timôthê cần vượt lên trên sự xấu hổ để làm chứng cho Chúa, 
dám chia sẻ sự gian khó để loan báo Tin Mừng (c. 8).
Có một ngọn lửa nào cần khơi dậy nơi Timôthê. 
Đối với Phaolô ngọn lửa ấy chính là đặc sủng của Thiên Chúa, 
đặc sủng mà Timôthê nhận được khi Phaolô đặt tay trên anh (c. 6), 
khi hàng kỳ mục ở Êphêsô đặt tay trên anh (1 Tm 4,14). 
Timôthê đã được thụ phong rồi, ngọn lửa đã bừng sáng. 
Không thể để khó khăn, nguy hiểm nào làm nó tắt được.
Mừng lễ hai thánh Timôthê và Titô, hai phụ tá của thánh Phaolô, 
chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới. 
Khi “dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (c. 8), 
chúng ta sẽ ra khỏi sự nhút nhát và xấu hổ, sợ hãi và lo âu của mình, 
để làm chứng cho Chúa trong một thế giới đầy rối ren và phức tạp.
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡmỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồngcủa những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thànhđể hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Con phải làm gì? (25.1.2017 – Thứ Tư- Thánh Phaolô Tông đồ, trở lại)


Lời Chúa: Cv 22, 3-16
3 “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay.4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.
6 “Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi.7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?8 Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi.10 Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.
12 “Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt.13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: “Anh Sa-un, anh thấy lại đi! Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông.14 Ông nói: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra.15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe.16 Vậy bây giờ anh còn chần
Suy nim:
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng
giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.
Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.
Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,
để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.
Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),
Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,
bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).
Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.
Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.
Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,
thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).
Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,
thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).
Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,
thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).
Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.
Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:
“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?
Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).
Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.
Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.
“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).
Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.
Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,
anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.
Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.
Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.
Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết
anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.
Đa-mát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,
là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,
và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.
Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.
Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.
Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.
“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).
Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.
“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,
để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).
Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:
ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.
Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,
và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.
Cầu nguyn:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 1, 2017

Đây là mẹ tôi (24.1.2017, Thứ ba tuần 3 mùa Thường Niên)


 Lời Chúa Mc 3, 31-35
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài, sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.( Mc 3, 31-35)
 Suy niệm:
Các thân nhân của Đức Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí,
Vì họ nghe tin Ngài và các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.
Các kinh sư từ Giêrusalem xuống
Thì kết luận rằng Ngài đã thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.
Còn đám đông dân chúng lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.
Hơn ai hết, họ biết Đức Giêsu là ai.
Chính lúc ấy mẹ và anh em của Ngài đến và đứng ngoài.
Họ không vào được, có thể vì đám đông ngồi chật cứng.
Nhưng họ đã nhờ người nhắn với Đức Giêsu.
“Mẹ Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”
Rốt cuộc chắc ai cũng biết là Thầy có người thân đến thăm.
Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để ra ngay gặp họ.
Nhưng Đức Giêsu lại muốn dùng cơ hội này
để nói với đám đông đang ngồi nghe một điều quan trọng.
Ngài đặt cho họ một câu hỏi tưởng như vô nghĩa:
“Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?”
Dĩ nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.
Nhưng không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,
và nói với họ : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.”
Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.
Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.
Có một gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.
Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,
một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,
nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,
đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.
Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,
Gioan và Giacôbê để lại người cha.
Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.
Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:
“Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa
người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.”
Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,
có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,
có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,
và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới. 
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa. 
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. 
Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Vào nhà một người mạnh (23.01.2017 – Thứ Hai Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 3, 22-30
Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Bêendêbun ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Xatan lại trừ Xatan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Xatan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.
Suy nim:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám. 
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bê-en-dê-bun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện 
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương, 
đó là Xatan hay Bê-en-dê-bun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
 Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước :
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo, 
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan. 
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bê-en-dê-bun, 
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế. 
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 1, 2017

Galilê, vùng dân ngoại (22.1.2017 – Chúa nhật 3 Thường niên, năm A)


Lời Chúa (Mt 4,12-23)
12 Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. 13 Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphanaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc hạt Dơvulun và Naptali, 14để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: 15 Này đất Dơvulum, và đất Naptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! 16 Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
17 Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến.”  18 Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
21 Ði một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan.  Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền.  Người gọi các ông. 22 Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. 23 Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.
Suy Niệm
Khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu đã lánh qua Galilê.
Galilê là vùng ven, ít nguy hiểm cho Ngài.
Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại.
Người Do thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa.
Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người,
và là nơi Ðức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.
Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).
Ðức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum.
Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích.
Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).
Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46),
nhưng Ðức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).
Hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu trên những nẻo đường.
Ngài rút về Galilê, Ngài đến Caphácnaum, đi dọc theo bờ biển.
Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23),
Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến.
Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường.
Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ.
Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38).
Ðức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.
Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết.
Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị,
nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết
để trở nên những người cộng sự của Ngài.
Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi.
Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung.
Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh.
Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới
sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.
“Các anh hãy theo Tôi”: một lời mời gọi lên đường.
Hãy gắn bó với Tôi và chia sẻ thao thức của Tôi.
Ðể lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép,
êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô,
êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi
hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ,
bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc.
Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp,
là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người,
và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.
Ðức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần bên.
Ðể đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán cải.
Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động,
là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu,
để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.
Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh.
Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi�
Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.
Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay.
Có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.