31 thg 3, 2015

Chẳng lẽ con sao? (01.4.2015 – Thứ tư Tuần Thánh)


Lời Chúa: Mt 26,14-25
14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su. 17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. 20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? “23Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! “25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? ” Người trả lời: “Chính anh nói đó! “ 
Suy niệm:
 Các thượng tế muốn giết Đức Giêsu, nhưng không tìm được cơ hội. 
Nay cơ hội đã đến với sự tiếp tay của chính người môn đệ Đức Giêsu.
Anh Giuđa đã đến gặp các thượng tế và đề nghị nộp Ngài cho họ.
Chúng ta mãi mãi không biết hết và biết rõ những động cơ nào 
đã thúc đẩy Giuđa làm chuyện kinh khủng ấy.
 Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa, 
sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12).
Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo.
Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại…
Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế.
Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6).
Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận, 
Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất,
được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu.
Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó.
 Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa ?
Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn ? 
Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền không lớn.
Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột 
khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng,
chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma ?
Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế,
anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình ?
Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được.
Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu.
Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa 
vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ.
Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói :
“khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24).
Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ.
Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành.
 “Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23).
Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội.
Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu : “Có phải con không?”
Có phải con là người đang phản bội Thầy không ?
Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.
Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ,
chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.
 LỜI NGUYỆN
 Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.


Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.


Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Trời đã tối (31.3.2015 – Thứ ba Tuần Thánh)


LỜI CHÚA:   Ga 13, 21-33, 36-38
21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai? “25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy? “26Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi! “28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế.29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo.30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. 31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. 33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? ” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.”37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy! “38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.
SUY NIỆM
Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.
Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến
trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1. 27).
Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).
Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).
Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến 
khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).
Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, 
mà là đừng để nó làm chủ mình.
 Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.
Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.
Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).
Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, 
nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, 
để nhờ anh hỏi xem là ai.
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.
Thầy chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.
Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.
Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.
Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, 
như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.
Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.
Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không ?
Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.
“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).
Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.
Thầy đã rửa chân cho anh, 
và còn cho anh tham dự Bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).
Khi biết lòng anh chai đá, 
Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Giuđa ra đi lúc trời đã tối.
 Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.
Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình. 
Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.
 “Thầy đi đâu ?”, tiếng Latin là “Quo vadis ?” (c. 36).
Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.
Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, 
anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy : “Thầy đi đâu vậy ?”
Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.
Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.
 LỜI NGUYỆN
 Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
 Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
 Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 3, 2015

Ngày mai táng Thầy (30.3.2015 – Thứ hai Tuần Thánh)


LỜI CHÚA  Ga 12, 1-11
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết.2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói:5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? “6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.7 Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” 9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết.10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa,11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
SUY NIỆM
Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ.
Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu.
Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy.
Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania,
Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa.
Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn
của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu.
Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3),
Đấng trả lại cho anh sự sống.
Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này, 
cô em Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ.
Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng,
khiến cả nhà sực nức mùi hương.
Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu.
Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống,
nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời 
để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.
Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy,
như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51).
Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng 
cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô
với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).
Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính.
Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy,
hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô.
Cô xức dầu mà không so đo tính toán.
Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.
Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy.
Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền,
có giá bằng lương gần một năm của một công nhân.
“Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?”, anh tự hỏi.
Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô.
Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo.
Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.
Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu.
Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6).
Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu.
Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).
Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.
LỜI NGUYỆN
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, s.J.

28 thg 3, 2015

KIỆU LÁ



Tin Mừng: Mk 11:1-10           
Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây.3 Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay."4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra.5 Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? "6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông.7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! "

The Procession With Palms


Gospel Mk 11:1-10

When Jesus and his disciples drew near to Jerusalem,
to Bethphage and Bethany at the Mount of Olives,
he sent two of his disciples and said to them,
“Go into the village opposite you,
and immediately on entering it,
you will find a colt tethered on which no one has ever sat.
Untie it and bring it here.
If anyone should say to you,
‘Why are you doing this?’ reply,
‘The Master has need of it
and will send it back here at once.’”
So they went off
and found a colt tethered at a gate outside on the street,
and they untied it.
Some of the bystanders said to them,
“What are you doing, untying the colt?”
They answered them just as Jesus had told them to,
and they permitted them to do it.
So they brought the colt to Jesus
and put their cloaks over it.
And he sat on it.
Many people spread their cloaks on the road,
and others spread leafy branches
that they had cut from the fields.
Those preceding him as well as those following kept crying out:
“Hosanna!
Blessed is he who comes in the name of the Lord!
Blessed is the kingdom of our father David that is to come!
Hosanna in the highest!”

Xin đừng theo ý Con (29.3.2015 – Chúa nhật Lễ Lá, Năm B)


Lời Chúa: (Mc 11, 1-10)
1 Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêrusalem, gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ôliu, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và đem nó về đây. 3 Và nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?”, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay.” 4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. 5 Mấy người đứng đó nói với các ông: “Các anh tháo con lừa ra làm gì vậy?” 6 Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông. 7 Hai ông đem con lừa về cho Ðức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. 8 Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô ! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ðavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”
Suy Niệm
Chúa Nhật Lễ Lá là một lễ vui,
nhưng cũng là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa.
Chúng ta chứng kiến hai đám rước trái ngược nhau.
Trong ngày Lễ Lá, Ðức Giêsu được đón rước vào thành,
giữa tiếng hò reo vang dậy.
Ngài như vị Vua Mêsia lẫm liệt trên lưng lừa.
đi trên con đường của những nhành cây xanh mới chặt.
Sau đó ít ngày là đám rước lên núi Sọ.
Không có tiếng tung hô, chỉ có lời kết án.
Không có những nhành cây, chỉ có cây thập giá.
Ngày xưa, có ai tham dự cả hai đám rước đó không?
Chúng ta thường mệt mỏi khi nghe bài Thương Khó,
và thấy mình dửng dưng, xa lạ, bàng quan.
Thật ra nỗi khổ đau và cái chết của Chúa
là vì tôi, vì yêu mến tôi (x. Gl 2,20).
Cần nghe đọc bài Thương Khó một cách chậm rãi,
và bước theo Chúa qua từng chặng đường.
Hãy ở lại với Chúa trong lúc khó khăn này.
Cần cảm nghiệm được nỗi cô đơn của Chúa.
Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Ngài.
Họ ngủ say để mặc Ngài một mình khắc khoải.
Giuđa chỉ điểm bắt Ngài bằng một nụ hôn.
Các môn đệ sợ hãi bỏ Ngài mà chạy trốn.
Phêrô thề là không hề quen biết Ngài.
Ðức Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ.
Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài.
Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn.
Không rõ đám đông Ngài đã nuôi ăn, nay ở đâu?
Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn
khi Ngài cảm thấy chính Cha cũng vắng bóng:
Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?
Cần cảm nghiệm nỗi đau trên thân xác Chúa.
Khuôn mặt ngời sáng của Con Thiên Chúa làm người
nay bị khạc nhổ, bị tát, bị đánh túi bụi.
Ðôi mắt với cái nhìn bao dung ấy
nay bị bịt lại để làm một trò chơi trẻ con.
Tấm thân đã gánh lấy nỗi đau của bao người
giờ đây được phơi ra cho những trận roi cầy nát.
Ðôi bàn tay đã chữa bệnh và chúc lành,
nay co quắp và bầm tím vì những mũi đinh.
Ðôi bàn chân từng rong ruổi khắp nẻo đường truyền giáo,
nay không đủ sức nâng cả thân mình đang trĩu nặng.
Cần cảm nghiệm nỗi ô nhục của Chúa.
Danh dự và phẩm giá vẫn là điều đáng trọng.
Ðức Giêsu bị bắt làm hề, đóng vai Vua dân Do Thái,
được mặc cẩm bào, được đội triều thiên, được cầm vương trượng.
Có vị vua nào được bái lạy như vị vua này không?
Ðức Giêsu bị lột áo trước khi bị đóng đinh.
Con Thiên Chúa đỏ mặt trước cái nhìn của thế giới!
Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế.
Thập giá của Chúa, của tôi, của anh em tôi, là một.
Chúa mời tôi vác thập giá của mình theo Chúa hàng ngày,
và giúp tha nhân vác thập giá của họ.
Ước gì thế giới có thật nhiều Simon Kyrênê.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hoà thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui oà vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chết thay cho dân (28.3.2015 – Thứ bảy Tuần 5 Mùa Chay)


LỜI CHÚA: Ga 11, 45-57
45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.”49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”51Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ. 55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? “57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
SUY NIỆM
Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.
Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu 
và Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó 
là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).
Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,
mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).
Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,
đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa :
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát như thế, 
nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.
Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,
nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.
Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do-thái khỏi bị tiêu diệt, 
Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.
Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.
Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do-thái) mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu
về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).
Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).
Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.
Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.
Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem
và sự tan hoang của cả đất nước Do-thái vào năm 70. 
Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.
Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.
Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).
Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.
Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,
và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,
chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.


Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?


Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 3, 2015

Tôi là Con Thiên Chúa (27.3.2015 – Thứ sáu Tuần 5 Mùa Chay)


Lời Chúa: Ga 10, 32-42
32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? “33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh””?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.”42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói : “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói : “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, 
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói : “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). 
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài :
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, 
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa : “Thế là đã hoàn tất”.
Lời nguyện:
 Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 3, 2015

Tôi hằng hữu (26.3.2015 – Thứ năm Tuần 5 Mùa Chay)


Lời Chúa: Ga 8, 51-59

51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? “54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! “58 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. 

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do-thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, 
nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa ?

Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ 
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56). 
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.

Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.

Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).

Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu :
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.

Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện

Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.


Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.


Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.


Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.


Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J.

25 thg 3, 2015

LỄ TRUYỀN TIN

 

Tin Mừng Lk 1,26-38

           Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Annunciation of the Lord

Gospel  Lk 1,26-38

The angel Gabriel was sent from God
to a town of Galilee called Nazareth,
to a virgin betrothed to a man named Joseph,
of the house of David,
and the virgin’s name was Mary.
And coming to her, he said,
“Hail, full of grace! The Lord is with you.”
But she was greatly troubled at what was said
and pondered what sort of greeting this might be.
Then the angel said to her,
“Do not be afraid, Mary,
for you have found favor with God.
Behold, you will conceive in your womb and bear a son,
and you shall name him Jesus.
He will be great and will be called Son of the Most High,
and the Lord God will give him the throne of David his father,
and he will rule over the house of Jacob forever,
and of his Kingdom there will be no end.”
But Mary said to the angel,
“How can this be,
since I have no relations with a man?”
And the angel said to her in reply,
“The Holy Spirit will come upon you,
and the power of the Most High will overshadow you.
Therefore the child to be born
will be called holy, the Son of God.
And behold, Elizabeth, your relative,
has also conceived a son in her old age,
and this is the sixth month for her who was called barren;
for nothing will be impossible for God.”
Mary said, “Behold, I am the handmaid of the Lord.
May it be done to me according to your word.”
Then the angel departed from her.

 

24 thg 3, 2015

Tôi là nữ tỳ của Chúa (25.3.2015 – Thứ Tư – Lễ Truyền Tin)



LỜI CHÚA: Lc 1, 26-38 
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. 
SUY NIỆM 
Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây. 
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.
Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do-thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không ?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.
Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.
Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần. 
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai, 
Chị đã hỏi lại : “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ ? Giuse sẽ nghĩ sao ?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?
Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.
Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai, 
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang ngài trong đời tôi, để cho ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra ngài cho môi trường tôi đang sống không ?
LỜI NGUYỆN
Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen. 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Giương cao Con Người lên (24.3.2015 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Chay)


Lời Chúa: Ga 8, 21-30
21 Khi ấy, Đức Giê-su lại nói với họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.”22 Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: “Nơi tôi đi, các ông không thể đến được”? “23 Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”25 Họ liền hỏi Người: “Ông là ai? ” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.28Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
 Suy niệm:
“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28). 
Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. 
Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn. 
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. 
Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái. 
Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do. 
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người. 
Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công. 
Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác 
của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.
Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. 
Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu. 
Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại. 
Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình. 
Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá. 
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”
 (Ga 3, 14). 

Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài. 
Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống, 
ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ. 
Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân. 
Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường. 
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”
 (Ga 12, 32).
Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ. 
Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình. 
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá. 
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”
 (Ga 10, 18). 

Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn. 
“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người”
 (cc. 28-29).
Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai. 
Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29). 
Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình. 
Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu, 
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.
 Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi.
(Karl Rahner)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J