30 thg 9, 2015

Trở lại và trở nên như trẻ thơ (1.10.2015 – Thứ Năm, Lễ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu)


Lời Chúa: Mt 18, 1-5
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy

Suy niệm:
“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ, 
anh em sẽ chẳng bao giờ được vào Nước Trời” (c. 3). 
Đây là một câu nói long trọng của Đức Giêsu. 
Như thế điều kiện để được vào Nước Trời là phải quay trở lại, 
và trở nên như trẻ thơ, sống theo tinh thần của trẻ thơ. 
Trở nên như trẻ thơ không phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo, 
nhưng là khiêm hạ, tin cậy, phó thác cho Thiên Chúa. 
Vì thế thiên đàng có chỗ cho người lớn, người trưởng thành, 
những người đã sống tinh thần của trẻ thơ. 
Để trở lại và trở thành như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ. 
|Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của các môn đệ: 
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” (c. 1). 
Người lớn nhất chính là người đã hạ mình xuống 
như em nhỏ đang đứng ở giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh, 
mà Chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. 
Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hy vọng được nhận vào Nước Trời. 
Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị. 
Và Chị đã nên thánh, đã thu hút bao người đi con đường này. 
Con đường này thật ra cũng chẳng phải là đường của Chị 
cho bằng là con đường của bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ. 
“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức Giêsu, 
Vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn lành. 
Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài. 
Con không cần phải lớn lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.” 
Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình kinh khủng, 
nhưng bằng những hy sinh nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng. 
“Ai không có gan đóng đanh mình bằng những chiếc đanh lớn… 
thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ.” 
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được làm vì yêu. 
“Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến, 
cũng có thể cải hóa một linh hồn.” 
Mối quan tâm duy nhất của Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự. 
“Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ, 
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.” 
Têrêsa phó thác cho Chúa trong giây phút hiện tại. 
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng. 
Tôi chịu đựng từng giây phút một. 
Chúa trao cho tôi từng lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta về cách cầu nguyện của Chị. 
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa biết đọc. 
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói với Người, 
và Người luôn nghe tôi.” 
Tuy sống tinh thần trẻ thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn. 
Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội. 
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp, 
để hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội. 
Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những điều lớn lao. 
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn Chị làm Tiến Sĩ Giáo Hội, 
dù Chị chưa học xong trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi. 
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu thích, 
đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh:
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Trước đã (30.9.2015 – Thứ Tư Tuần 26 Thường niên)



Lời Chúa: Lc 9, 57-62
Đang khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.

Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.

Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.

Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.

Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. 
Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 9, 2015

Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2015 – Thứ Ba: Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabrien, Raphaen)


Lời Chúa: Ga 1, 47-51
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy niệm:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, 
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình. 
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần. 
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô, 
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm. 
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria 
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26). 
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần 
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13). 
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11), 
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa. 
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến, 
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43). 
Ngài đã không tránh né cái chết 
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53). 
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6). 
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài 
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27). 
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời, 
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay 
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần. 
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông 
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở, 
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51). 
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy 
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, 
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12). 
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian 
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại. 
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người. 
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi, 
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực, 
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần. 
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại. 
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời. 
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa, 
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời. 
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa. 
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành. 
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité) 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 9, 2015

Người nhỏ nhất (28.9.2015 – Thứ Hai Tuần 26 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 46-50
46 Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”49 Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.”50 Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! “
Suy niệm:
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên. 
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới? 
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó. 
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây, 
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét, 
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ. 
Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục. 
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó. 
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu. 
Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ. 
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu: 
“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?” (c. 46). 
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình, 
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47) 
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy: 
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy. 
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48). 
Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu, 
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt. 
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời, 
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội. 
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn 
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ, 
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa. 
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm, 
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.  
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.” 
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ? 
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con. 
Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng 
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái. 
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài. 
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ. 
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia. 
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín, 
để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình, 
nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40). 
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới. 
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ. 
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu, 
sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 9, 2015

Làm cớ sa ngã (27.9.2015 – Chúa nhật 26 Thường niên, Năm B)


Lời Chúa: (Mc 9, 38-43.45.47-48)
38 Hôm ấy, Ông Gioan nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. 39 Ðức Giêsu bảo: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. 41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Suy Niệm
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn.”
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!).
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Năm B



Tin Mừng Mc 9,38-43.45.47-48  

Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.”
Sunday XXVI in Ordinary Time - Year B

Gospel Mk 9,38-43.45.47-48  
 

At that time, John said to Jesus,
"Teacher, we saw someone driving out demons in your name,
and we tried to prevent him because he does not follow us."
Jesus replied, "Do not prevent him.
There is no one who performs a mighty deed in my name
who can at the same time speak ill of me.
For whoever is not against us is for us.
Anyone who gives you a cup of water to drink
because you belong to Christ,
amen, I say to you, will surely not lose his reward.

"Whoever causes one of these little ones who believe in me to sin,
it would be better for him if a great millstone
were put around his neck
and he were thrown into the sea.
If your hand causes you to sin, cut it off.
It is better for you to enter into life maimed
than with two hands to go into Gehenna,
into the unquenchable fire.
And if your foot causes you to sin, cut if off.
It is better for you to enter into life crippled
than with two feet to be thrown into Gehenna.
And if your eye causes you to sin, pluck it out.
Better for you to enter into the kingdom of God with one eye
than with two eyes to be thrown into Gehenna,
where 'their worm does not die, and the fire is not quenched.'"

26 thg 9, 2015

Không hiểu lời đó (26.9.2015 – Thứ bảy Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo 
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, 
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được 
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 9, 2015

Anh em bảo Thầy là ai? (25.9.2015 – Thứ sáu tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 18-22
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18). 
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn, 
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô 
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông, 
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình 
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyn:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 9, 2015

Ông này là ai? (24.9.2015 – Thứ năm Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 7-9
7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.”8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! ” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”9Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? ” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
 Suy niệm:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 9, 2015

Đừng mang gì (23.9.2015 – Thứ tư Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 1-6
1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu, 
thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng, 
giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp 
để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm. 
Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2). 
Nhưng trước khi được chia sẻ công việc, 
họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1). 
Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt. 
Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang. 
Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả. 
“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3). 
Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ, 
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin. 
Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa, 
và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người. 
Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an. 
Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường, 
các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa. 
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ. 
Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho. 
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4). 
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn. 
Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ, 
và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn. 
Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5). 
Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân. 
Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt, 
không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp. 
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật, 
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác. 
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận: 
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất. 
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người, 
với những lo âu rất đời thường trong một gia đình, 
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất. 
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần 
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người. 
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì? 
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21? 
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 9, 2015

Mẹ tôi và anh em tôi (22.9.2015 – Thứ ba Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 8, 19-21
19 Khi ấy, Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.