31 thg 10, 2016

Nước trời là của họ (01.11.2016 – Lễ Các thánh nam nữ)


Lời Chúa: Mt 5, 1-12a
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.
Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.
2 Người mở miệng dạy họ rằng:
3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả,
bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Suy nim:
Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.
Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,
mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.
Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình…
Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.
Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.
Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.
Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.
Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.
Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.
Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 10, 2016

Đáp lễ (31.10.2016 – Thứ hai Tuần 31 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 14, 12-14
Khi ấy Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Suy nim:
“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, 
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này,
vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu, 
Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt cho ai 
ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết,
không kết thân với những người giàu có và thế lực, 
để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó chẳng ở đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý, 
chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn.
 Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).
Cầu nguyn:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 10, 2016

Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Năm C


Tin Mừng Lc 19: 1-10

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”


Sunday XXXI in Ordinary Time - YearC
Gospel Lk 19: 1-10

At that time, Jesus came to Jericho and intended to pass through the town.
Now a man there named Zacchaeus,
who was a chief tax collector and also a wealthy man,
was seeking to see who Jesus was;
but he could not see him because of the crowd,
for he was short in stature.
So he ran ahead and climbed a sycamore tree in order to see Jesus,
who was about to pass that way.
When he reached the place, Jesus looked up and said,
"Zacchaeus, come down quickly,
for today I must stay at your house."
And he came down quickly and received him with joy.
When they all saw this, they began to grumble, saying,
"He has gone to stay at the house of a sinner."
But Zacchaeus stood there and said to the Lord,
"Behold, half of my possessions, Lord, I shall give to the poor,
and if I have extorted anything from anyone
I shall repay it four times over."
And Jesus said to him,
"Today salvation has come to this house
because this man too is a descendant of Abraham.
For the Son of Man has come to seek
and to save what was lost."

28 thg 10, 2016

Ngồi chỗ cuối (29.10.2016 – Thứ bảy Tuần 30 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Suy nim:
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất, 
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10). 
Mới nghe những lời khuyên này, 
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo. 
Nên chọn ngồi chỗ cuối, 
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc, 
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên. 
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống. 
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ, 
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên. 
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục, 
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10). 
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không? 
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7), 
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều. 
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra: 
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang, 
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53). 
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này. 
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than. 
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26). 
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31). 
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay, 
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến. 
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. 
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11). 
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục. 
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều. 
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn, 
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau: 
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời. 
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái, 
đối xử với nhau trong sự kính trọng, 
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang. 
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn. 
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo 
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.” 
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy. 
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra. 
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác. 
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội. 
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu 
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 10, 2016

Gọi và chọn (28.10.2016 – Lễ thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ)


Lời Chúa: Lc 6, 12-19
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Suy niệm:
 Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện 
vào những thời điểm quan trọng. 
Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (3, 21). 
Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (9, 18). 
Khi đang cầu nguyện trên núi, Ngài được hiển dung (9, 29). 
Khi đứng trước cái chết gần kề, Ngài cầu nguyện trong xao xuyến (22, 41). 
Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (23, 34). 
Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện. 
Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha. 
Ngài thích gặp Cha vì Ngài là người con thảo hiếu. 
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là người được Cha sai, để làm việc Cha giao.
 Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Ngài. 
Đức Giêsu vẫn thích cầu nguyện trên núi. 
Núi cao làm Ngài thấy nhẹ nhàng và gần Cha trên trời hơn. 
Tối hôm nay, Ngài muốn dành nhiều giờ để gặp Cha 
trước khi đi đến một quyết định quan trọng, 
quyết định chọn những môn đệ thân tín nhất mà Ngài gọi là tông đồ, 
để đi sát với Ngài hơn và cộng tác với Ngài trong sứ vụ. 
Đức Giêsu không chọn theo ý mình. 
Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý (c. 12). 
Tìm ý Cha, ngay cả đối với Đức Giêsu, cũng không phải là quá dễ dàng. 
Ngài đã thức suốt một đêm để cầu nguyện, 
để tìm xem Cha muốn Ngài chọn ai trong số những môn đệ ở đây. 
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con… 
Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6). 
Đức Giêsu coi các tông đồ là một quà tặng của Cha. 
Bởi đó, thật ra Ngài chỉ chọn những người Cha đã chọn, 
Ngài chỉ muốn những người Ngài biết Cha muốn (Mc 3, 13). 
Khi làm người ở đời, chúng ta cũng phải chọn như Đức Giêsu. 
Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa. 
Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời. 
Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình. 
Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa. 
Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm. 
Thánh Inhaxiô mời người làm linh thao 
“không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, 
danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu, 
và tương tự như thế đối với mọi sự khác.” 
Khi có thái độ siêu thoát như trên, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
 Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. 
Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha. 
Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ. 
Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ. 
Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.
 Cầu nguyện:
 Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
 Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
 Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.j.


26 thg 10, 2016

Hôm nay, ngày mai (27.10.2016 – Thứ Năm Tuần 30 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 13, 31-35
Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được. Giêrusalem, Giêrusalem! Người giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu. Thì này, nhà các người sẽ bị bỏ mặc cho các người. Mà Ta nói cho các người hay: các người sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các người nói: ‘Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!’”
Suy niệm:
Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu. 
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế. 
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu. 
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác. 
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu 
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31). 
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê, 
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.
Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì. 
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32). 
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước. 
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh. 
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế. 
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33). 
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu. 
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê, 
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa. 
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại. 
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa. 
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác. 
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.
Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương. 
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!” 
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh. 
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34). 
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than. 
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại. 
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người, 
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt. 
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35). 
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi, 
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy. 
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. 
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu. 
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi. 
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình, 
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển. 
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao, 
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết. 
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu. 
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu. 
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 10, 2016

Cửa hẹp (26.10.2016 – Thứ tư Tuần 30 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Suy nim:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. 
Cửa hẹp khi thi vào đại học. 
Cửa hẹp khi đi xin việc làm. 
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới. 
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. 
Cửa hẹp mà vào được mới quý. 
Nếu thiên đàng có cửa, 
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi. 
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), 
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, 
với cái tôi cồng kềnh của mình, 
nặng nề vì những vun vén cá nhân, 
phình to vì tự hào và tham vọng. 
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp 
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. 
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, 
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em. 
Cần có một cái tôi như trẻ thơ 
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). 
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng 
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. 
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, 
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại. 
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ, 
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4). 
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình. 
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. 
Họ gõ cửa và đòi vào. 
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, 
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu, 
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. 
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt 
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: 
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, 
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… 
Chúa vẫn không quen biết chúng ta 
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. 
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. 
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. 
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại. 
Cứu độ là một ơn Chúa ban, 
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận. 
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, 
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: 
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 10, 2016

Khánh Nhật Truyền Giáo - Mt 28, 16-20




Tin Mừng Mt 28, 16-20
      
15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. 17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe".
19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo
World Mission Sunsday - Mt 28, 16-20
Gospel Mt 28, 16-20
16 Now the eleven disciples went to Galilee, to the mountain to which Jesus had directed them. 17When they saw him, they worshipped him; but some doubted. 18And Jesus came and said to them, ‘All authority in heaven and on earth has been given to me. 19Go therefore and make disciples of all nations, baptizing them in the name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit, 20and teaching them to obey everything that I have commanded you. And remember, I am with you always, to the end of the age.’

Đứng thẳng được (24.10.2016 – Thứ hai Tuần 30 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 13, 10-17
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! “13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! “15Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? “17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm:
Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người, 
có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét. 
Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn. 
Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn. 
Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp. 
Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người.
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu. 
Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11). 
Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn. 
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao. 
Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn. 
Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng. 
Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà. 
Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).
 Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng. 
“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.” 
Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ. 
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương. 
Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được. 
Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực. 
Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13). 
Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16). 
Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15), 
mà là trói buộc bằng xiềng xích. 
Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà, 
để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường. 
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật. 
Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do. 
Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng, 
nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua. 
Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài, 
|nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình. 
Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn… 
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được, 
không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình. 
Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc. 
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục. 
Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng, 
với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet, 
với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ? 
Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt, 
nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 10, 2016

Anh em là chứng nhân (23.10.2016 – Chúa nhật truyền giáo)


Lời Chúa: (Lc 24,44-53)
Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông.44 Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.
49 “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Suy Niệm
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng nhân.
Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc
trên những con người có kinh nghiệm cá nhân
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon,
cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ.
Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh
để họ đừng nghi Ngài là ma.
Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ
để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài.
Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo
để làm chứng cho điều mình xác tín.
Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật
để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình,
bổn phận truyền giáo cho thế giới.
“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”
Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ,
vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.
Ðể truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu,
có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng,
sống cái chết của Ngài mỗi ngày
và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.
Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu:
tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người.
Chính vì mến yêu Ngài
mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết.
Chính vì mến yêu mọi người
mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.
Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ,
nhưng vẫn là một thế giới buồn.
Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử;
buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu.
Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập,
vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Như thế truyền giáo là loan báo tin vui
cho một thế giới buồn.
Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ:
“Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên
cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Ðức Kitô…
Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát.
Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.”
Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui,
sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh.
Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng
những đòi hỏi gay gắt của thế giới
đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 10, 2016

Tìm trái mà không thấy (22.10.2016 – Thứ bảy Tuần 29 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 13, 1-9
(1) Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. (2) Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? (3) Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. (4) Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? (5) Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.  (6) Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” (8) Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.
Suy nim:
 Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo hai lần (cc. 3, 5).
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
Đức Giêsu đi từ những chuyện đau thương chết choc
của một số người ở Galilê và Giêrusalem,
để nhắc nhở người nghe ra khỏi sự tự mãn của mình mà sám hối.
Dụ ngôn cây vả sẽ cho thấy thế nào là sám hối theo cái nhìn của Ngài.
Đơn giản sám hối là sinh trái.
Trái là điều ông chủ có ý nhắm đến khi trồng cây vả giữa vườn nho.
Ông không trồng vả để lấy củi hay bóng mát.
Cây vả có chỗ trong khu vườn và cũng có chỗ trong tâm trí ông.
Ông có một người làm vườn.
Hẳn người này đã hết sức chăm bón cho cây vả để nó sinh trái.
Ba năm trôi qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến, tìm trái và không thấy.
Những hành vi này được lặp lại như một điệp khúc mỗi năm (cc. 6-7).
Ông chủ đi từ hy vọng đến thất vọng.
Cái háo hức khi lần đầu đến cây tìm trái chẳng còn.
Ông đã kiên nhẫn, đã chờ, không phải một năm, mà ba năm.
“Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (c. 7).
Rõ ràng quyết định này không do sự tàn ác hay nóng nảy.
Chặt đi khi chẳng còn gì để hy vọng, khi chờ đợi đã mỏi mòn.
Cây vả đã lấy màu mỡ của đất trồng nho, mà không sinh trái.
Nó không đáp ứng ước mơ tự nhiên của ông chủ,
người đã cho nó hiện hữu ở trong khu vườn này.
“Xin cứ để cho nó lại năm nay nữa” (c. 8).
Lời xin của người làm vườn, người đã chăm sóc cây vả từ nhiều năm.
Người ấy xin cho cây vả một cơ hội,
cơ hội duy nhất và cuối cùng để tránh cái chết chắc chắn.
“Tôi sẽ vun xới, bón phân. May ra sang năm nó có trái…”
Cây vả cằn cỗi vẫn còn được hy vọng, còn được chăm sóc.
Không thấy ông chủ phản đối, chắc ông đồng ý chờ thêm một năm.
Cả ông chủ cũng nuôi lại niềm hy vọng.
Cuối cùng cây vả cằn cỗi này có ra trái không, có bị chặt không?
Dụ ngôn không cho ta câu trả lời.
Vì câu trả lời nằm ở chính tôi.
Tôi chính là cây vả ấy.
Tôi đã được trồng, được yêu, được hy vọng, được chờ, được chăm bón.
Bao điều lớn nhỏ Chúa làm cho đời tôi từ trước đến nay.
Hoa trái của cây vả đời tôi có tương xứng với những gì Chúa ban không?
Tôi suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa và cả sự thất vọng của Ngài nữa.
Chúa vẫn muốn cho tôi tiếp tục sống trên đời.
Mỗi ngày sống là quà tặng của lòng thương xót.
Còn sống là còn cơ hội để sinh trái, để bày tỏ lòng sám hối ăn năn.
Dù sao câu kết của người làm vườn tốt bụng vẫn là một đe dọa.
“Nếu không ông cứ chặt nó đi!” (c. 9).
Cầu nguyn:
 Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
 Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
 Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lýđể Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

20 thg 10, 2016

Nhận xét thời đại này (21.10.2016 – Thứ sáu Tuần 29 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 12, 54-59
54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy.55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy.56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục.59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:
Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết. 
Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra. 
Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão. 
“Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”
Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự. 
“Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải. 
Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54). 
Khi thấy gió từ phương nam thổi đến, 
luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập, 
người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55). 
“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần. 
Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai. 
Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất.
Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy 
để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ 
đang diễn ra trước mắt họ. 
Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài 
không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống. 
Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm. 
Chính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng. 
“Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56). 
Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia?
Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.
Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ. 
Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó. 
Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất. 
Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài. 
Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao, 
một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước. 
Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên. 
Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở. 
Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân, 
và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước. 
Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ. 
Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn, 
để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.
Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu, 
vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài. 
Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa. 
Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng. 
Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó, 
cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn. 
Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.