28 thg 2, 2017

Cha hiện diện nơi kín ẩn (1.3.2017 – Thứ tư Lễ Tro)


Lời Chúa: Mt 6, 1-6.16-18
1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Suy niệm:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này. 
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái: 
cầu nguyện, bố thí, ăn chay. 
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó. 
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa, 
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm. 
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn, 
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ. 
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng, 
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ. 
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau. 
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa, 
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài. 
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội. 
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất, 
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần. 
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa. 
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa 
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện. 
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân. 
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, 
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại, 
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình 
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay. 
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi. 
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói. 
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay. 
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay. 
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống. 
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác, 
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, 
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, 
dễ thấy Chúa hiện diện 
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, 
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, 
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu 
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. 
Xin dạy con sự khiêm nhu 
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, 
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, 
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

27 thg 2, 2017

Bỏ mọi sự vì Thầy (28.2.2017- Thứ Ba Tuần 8 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 10, 28-31
Follow28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Suy nim:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings) 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Tôi phải làm gì? (27.2.2017 – Thứ hai Tuần 8 Thường niên)



Lời Chúa: Mc 10, 17-27
17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? “18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! “24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? “27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Suy nim:
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” 
Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu 
và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường. 
Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức 
tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này, 
để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi. 
Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này, 
và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân. 
Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa, 
anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20). 
Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh. 
Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21). 
Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân. 
Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là: 
Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại. 

Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều, 
vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó. 
Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình, 
sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa. 
Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời, 
khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh, 
và đã chỉ cho anh điều phải làm. 
Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22). 
Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt. 
Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế. 
Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu, 
nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này. 
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do. 
Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải, 
nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên, 
vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ. 
Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn? 
Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh. 
Anh vẫn suốt đời thiếu một điều. 
Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật, 
có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi : 
Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời? 
Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo? 
Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

25 thg 2, 2017

Đừng lo lắng (26.2.2017 – Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A)


Lời Chúa: Mt 6, 24-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Suy nim:
Dường như sự tiến bộ về nhiều lãnh vực
không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn.
Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới,
khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng.
Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng, 
với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa.
Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ; 
giới trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức.
Con người phải sống trong một thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt,
nên thiên nhiên tốt lành lại trở nên kẻ thù đe dọa con người.
Các nước lớn phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự.
Nói chung người giàu, kẻ nghèo, nước giàu, nước nghèo
đều không sao thoát được nỗi lo âu trước tương lai
với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp. 
Cách nay hai ngàn năm, Đức Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo.
Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi.
Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25).
Đức Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời (c. 26).
Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ.
Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi.
Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng (c. 28),
ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng, 
đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon.
Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái,
vì Cha quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và tầm thường.
Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều,
chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất. 
Thật ra kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo.
Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động.
Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa.
Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an thanh thản,
vì đó là cái lo của một người con biết Cha trên trời đã lo cho mình,
biết Cha thấu rõ nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp đủ (cc. 32-33).
Đó không phải là cái lo âu, lo lắng xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn
của người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32).
Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh thần trách nhiệm.
Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay.
Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng,
đơn giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa. 
Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay
nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an.
Hãy để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa.
Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24).
Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 2, 2017

Ngài ôm các trẻ em (25.2.2017 – Thứ Bảy Tuần 7 Thường Niên)


Lời Chúa: Mc 10, 13-16
Jesus and childKhi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em. 
Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài. 
Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc. 
Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu. 
Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa. 
Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo. 
Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13). 
Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa. 
Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ. 
Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ. 
Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy. 
Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn. 
Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy. 
Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu. 
Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37). 
Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự. 
Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế, 
sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14). 
 Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi. 
Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu. 
Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ. 
Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức vì bị quấy rầy. 
Chúng ta chẳng những không được ngăn cản, 
mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em, 
nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em. 
“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14). 
Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu. 
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, 
thì sẽ chẳng được vào” (c. 15). 
Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ, 
nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng, 
đón lấy với sự ngỡ ngàng, tri ân, ca ngợi.
Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36). 
Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy. 
Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em. 
Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em. 
Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em. 
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa. 
Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ, 
bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm. 
Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ. 
Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình. 
Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ 
và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự. 
Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em. 
Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu 
và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).
Cầu nguyện:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đếnnhững gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữtừng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

23 thg 2, 2017

Một xương một thịt (24.2.2017 – Thứ Sáu Tuần 7 Thường Niên)


Lời ChúaMc 10,1-12

1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? “4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Suy nim:

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.
Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).

Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Trong xã hội, văn hóa và Do-thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.

Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.

Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê,  thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu S.J.

22 thg 2, 2017

Làm cớ cho anh sa ngã (23.2.2017 – Thứ Năm Tuần 7 Thường Niên)


Lời Chúa: Mc 9, 41-50
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.
Suy nim:
Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường, 
chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy. 
Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống 
thì còn hơn là giữ lại mà phải chết. 
Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày. 
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại, 
để mong giữ lại được cả mạng sống. 
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời, 
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống. 
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui. 
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc. 
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…” 
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ? 
Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không? 
Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn. 
Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng, 
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải. 
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng 
đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47). 
Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác. 
Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh 
những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi. 
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. 
Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. 
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã. 
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời, 
nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn. 
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá, 
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa, 
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp, 
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên. 
Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. 
Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong. 
Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, 
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta. 
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm, 
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người, 
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay. 
Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay 
nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt. 
Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày, 
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J,

21 thg 2, 2017

Trên tảng đá này (22.2.2017 – Thứ Tư – Lập Tông tòa thánh Phêrô)


Lời Chúa: Mt 16, 13-19
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16 Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy nim:
Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.
Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,
và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.
Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.
Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),
và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.
Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.
Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,
Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,
và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.
Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,
tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.
Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.
Phêrô được tuyên bố là người có phúc,
vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.
Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.
“Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.
Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,
ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:
“Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,
Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,
sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.
Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,
đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.
Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.
Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.
dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.
Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),
nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.
Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),
nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,
quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,
thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.
Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,
mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,
những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.
Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,
khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,
khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,
khi Ðức Thánh Cha bị công kích?
Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,
cải tổ và canh tân Hội Thánh
bằng việc canh tân chính bản thân mình.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

20 thg 2, 2017

Cãi nhau (21.2.2017 – Thứ ba Tuần 7 Thường niên)


Lời ChúaMc 9, 30-37
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? “34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Suy nim:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu, 
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay, 
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai 
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện :
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ?”Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35), 
gọi Nhóm Mười Hai lại – nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội –
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn :
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người 
(c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như ngài đã sống :
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không ?
 Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
 Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.

Michel Quoist
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

19 thg 2, 2017

Nếu Thầy có thể (20.02.2017 – Thứ hai Tuần 7 Thường niên)


Lời ChúaMc 9, 14-29
14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? “17 Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.”19 Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.”20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”23 Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! “25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! “26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! “27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “29 Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Suy nim:
Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.
Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường
khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).
Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại 
khi bà xin ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha
có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.
Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.
Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).
Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.
Tiếc thay họ không làm được (c. 18).
Bây giờ gặp được ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.
Mỗi lần quỷ nhập – hay mỗi lần lên cơn động kinh –
con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).
Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).
Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,
nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.
Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.
“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”
Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.
 “Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.
Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.
Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).
Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).
Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.
Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.
Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.
Đức tin là lời đáp trả của con người,
nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.
Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với :
“Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” (c. 24).
Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.
Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.
Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).
“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).
Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.