31 thg 5, 2017

Để họ được nên một (1.6.2017 – Thứ năm Tuần 7 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 17, 20-26
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly. 
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, 
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, 
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, 
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự. 
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người. 
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ, 
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác. 
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài 
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b). 
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một. 
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con 
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. 
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). 
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất. 
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con. 
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào 
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: 
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21). 
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất 
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều 
giữa Cha, Con và các môn đệ. 
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con… 
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23). 
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26). 
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự 
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta. 
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế 
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian. 
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng 
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21), 
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23). 
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới. 
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, 
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình 

nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 5, 2017

Xin Cha gìn giữ họ (31.5.2017 – Thứ Tư tuần bảy Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 17, 11b-19
Phần con, con đến cùng Cha. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Suy niệm:
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,|
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ…Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17), 
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Lời nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 5, 2017

Con cầu nguyện cho họ (30.5.2017- Thứ ba tuần bảy Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 17, 1-11a
1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.3Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian.
Suy niệm:
Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi bị bắt,
Đức Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu.
Còn trong Tin Mừng Gioan, Ngài đã cầu nguyện trước khi đến đó.
Hôm nay Giáo hội bắt đầu cho ta nghe lời nguyện long trọng này
mà Ngài dâng lên Chúa Cha, trước mặt các môn đệ trong bữa Tiệc ly.
Đức Giêsu không một chút xao xuyến trước cái chết gần kề.
Cả các môn đệ cũng như được nâng lên một tầm cao mới.
Đức Giêsu vẫn bắt đầu lời nguyện bằng tiếng Abba quen thuộc.
Ngài như muốn tóm kết công việc Cha giao phó,
đó là việc tôn vinh Cha qua cuộc sống trên trần gian này (c. 4).
Bây giờ đã đến giờ Ngài về với Cha, nên Ngài nài xin:
“Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1).
Cái chết tự hạ trên thập giá là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Con,
là cử chỉ cao nhất của Con nhằm tôn vinh Cha. 
Nhưng tất cả không ngừng lại với thập giá, 
vì Cha sẽ tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển.
Đức Giêsu được trao quyền năng trên mọi người (c. 2).
Ngài có thể ban sự sống đời đời 
cho những ai nhận biết Cha và Con là người được Cha sai (c. 3).
Lời nguyện của Đức Giêsu đặc biệt hướng về các môn đệ
mà Ngài coi là quà tặng quý giá của Cha cho đời mình.
Nhiều lần Ngài nhấn mạnh họ là quà tặng (cc. 2. 6. 7. 9).
Đức Giêsu đã từng coi các môn đệ là những kẻ thuộc về Ngài (Ga 13, 1).
Nhưng Ngài lại không phủ nhận việc họ là người thuộc về Cha (cc. 6. 9).
Môn đệ thật là của chung giữa Cha và Con (c. 10).
Họ là những người được Cha chọn từ thế gian (c.6).
tuy họ vẫn ở trong thế gian (c.11).
Trong giây phút sắp đến cùng Cha, sắp được hưởng vinh quang bên Cha,
Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện cho họ (c. 9),
những người còn phải chịu nhiều gian nan thử thách ở đời.
Khi còn sống với họ, Ngài đã cho họ biết Danh Cha (c. 6),
Ngài còn ban cho họ lời mà Ngài đã nhận từ Cha. 
Khi đón nhận những lời ấy, họ biết Ngài từ Cha mà đến 
và tin Ngài là người Cha sai (c. 8).
Hãy đi vào tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu đối với các môn đệ.
Hãy nghe lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục lời cầu nguyện tha thiết ấy.
Lời nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 5, 2017

Thầy không một mình (29.5.2017 – Thứ hai Tuần 7 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 16, 29-33
29 Các môn đệ Người thưa: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa.30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”31 Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à?32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”
Suy niệm:
Cô đơn trên đời là điều ai cũng sợ.
Phải chăng vì người ta không được dựng nên để sống một mình ?
Chẳng phải chỉ người trẻ mới sợ cô đơn và tìm cách tránh né.
Người già cũng sợ không kém .
Người ta sợ đi về thế giới bên kia một mình.
Trong thân phận làm người, Đức Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn.
Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ.
Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nadarét.
Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50).
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.
Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài.
Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha.
Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi.
Đức Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín.
Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người. 
Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc. 
Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ,
cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.
 Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người
vẫn là điều khó đối với Đức Giêsu,
bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao.
Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người.
Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình,
Đức Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy.
“Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16).
Chính vì Đức Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha,
nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn .
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Vào giây phút chia ly này, khi Đức Giêsu biết điều sắp xảy đến:
“anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình.Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32).
Đức Giêsu không cô đơn trong cuộc sống, 
mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá : 
“Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34),
lúc đó lại là lúc Đức Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả.
Đức Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối,
vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài,
và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.
Chúng ta xin được ơn dám chịu cô đơn trước thế gian tội lỗi,
để được một mình với Chúa.
Lời nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông,
Giữa những sôi nổi của thành công
Và ê chề của thất bại,
Xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
Giữa những khát khao thèm muốn
Và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
Xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
Giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
Chẳng có ai để cậy dựa,
Xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
Để một mình ở đó,
Trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 5, 2017

Chúa Cha yêu mến anh em (27.5.2017 – Thứ Bảy Tuần 6 Phục sinh)


Lời Chúa:  Ga 16, 23-28
23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. 25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”
Suy niệm:
 Allah là tên của Thiên Chúa trong Hồi giáo.
Ngài được tôn kính bằng 99 danh hiệu khác nhau:
Đấng Tối cao, Đấng Nhân hậu, Đấng Toàn năng, Đấng Vĩnh cửu…
Danh hiệu thứ 100 sẽ được mặc khải ở đời sau.
Nhưng Allah không bao giờ được gọi là Cha,
vì Ngài không sinh con.
Kitô giáo yêu mến Đức Giêsu và tin Ngài là Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa chính là Cha của Đức Giêsu.
Đức Giêsu vẫn gọi Thiên Chúa bằng tiếng Abba thân thương.
Cuộc đời Đức Giêsu nơi trần gian giống như một cuộc ra đi và trở về.
Ngài từ Thiên Chúa Cha mà đến thế gian (cc. 27-28),
rồi Ngài lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha, sau khi hoàn thành sứ vụ.
Sứ vụ của Ngài là vén mở cho môn đệ về Chúa Cha (c. 25),
và đưa họ đi vào chỗ thân tình gần gũi với Người Cha ấy.
Chúa Cha ở trong thế giới thần linh,
nhưng thế giới ấy lại có những cửa sổ mở ra với thế giới con người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu kêu mời các môn đệ  
hãy mạnh dạn đến với Cha và nài xin.
Đây là điều trước đây họ chưa từng làm (c. 24a).
Đã đến lúc mạnh dạn đưa ra những thỉnh nguyện nhân danh Thầy Giêsu.
Nhân danh Thầy Giêsu mà xin cùng Chúa Cha
là điều vẫn nằm ở phần cuối của mỗi lời nguyện trong Giáo Hội.
Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Thầy,
nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận. 
Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu (c. 23).
Hơn thế nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến chúng ta (c. 27),
và muốn cho chúng ta ơn lớn nhất 
là đi vào tương quan với Ba Ngôi ngay từ khi còn sống ở trần gian.
 “Cứ xin đi, anh em sẽ được, 
để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 24).
Khi sắp được về hưởng niềm vui bên Chúa Cha (Ga 14, 28), 
thấy các môn đệ buồn phiền, Thầy Giêsu đã nói nhiều về niềm vui.
Thầy muốn chia sẻ cho họ niềm vui của mình,
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Ngài còn hứa cho họ niềm vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22).
Chuẩn bị mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta xin được niềm vui đó,
niềm vui của những người đã chạm đến trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi
Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin
Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng
nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng
chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại
nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng
chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng
dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng
dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 5, 2017

Lòng anh em sẽ vui (26.5.2017- Thứ Sáu Tuần 6 Phục sinh)


Lời ChúaGa 16, 20-23a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.”
Suy Niệm:
Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn 
mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy. 
Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn, 
Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ. 
Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20). 
Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời. 
Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).
Không có một Kitô giáo buồn. 
Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo, 
bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia : 
Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu. 
Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức, 
qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ, 
qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối, 
qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật. 
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi. 
Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong. 
Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập. 
Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường. 
Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui. 
Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.
Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui. 
Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền. 
Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui. 
Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán. 
Thế giới hôm nay là một thế giới buồn. 
Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm. 
Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể. 
Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa, 
người ta lại không biết mình sống để làm gì. 
Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới, 
không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm, 
nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con, 
nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21). 
Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ, 
nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu. 
Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời, 
người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 5, 2017

Nỗi buồn trở thành niềm vui (25.5.2017 – Thứ Năm Tuần 6 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 16, 16-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “ ‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Suy Niệm:
Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly, 
Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu: 
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, 
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16). 
Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta 
vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu. 
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, 
cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa. 
Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau, 
Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.
Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ. 
Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này. 
Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định 
để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng. 
Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại, 
tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu. 
Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai? 
Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân. 
Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần 
vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng. 
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20). 
Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, 
khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng, 
liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không ?
“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16) 
và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20). 
Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh, 
lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em, 
và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc. 
Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống, 
thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay. 
Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng 
Thầy mới là người chiến thắng.
Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn. 
Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán. 
Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày. 
Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi. 
Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào. 
Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 5, 2017

Dẫn đến toàn bộ sự thật (24.5.2017 – Thứ Tư Tuần 6 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy niệm:
Làm người ở đời, một trong những điều rất khó 
là sống bình an hạnh phúc với người khác. 
Trong gia đình, nơi Giáo hội, ngoài xã hội, trên thế  giới, 
đâu đâu cũng thấy những xung đột và khổ đau do con người gây cho nhau. 
Từ cái chết của Aben đến cái chết của một thai nhi bị người mẹ chối từ. 
Một triết gia người Pháp viết: “Hỏa ngục chính là những người khác.” 
Mục tiêu của giáo dục không phải chỉ là đào tạo những người giỏi giang, 
mà còn là huấn luyện nên những người biết sống với và sống cho người khác. 
Để được vậy, cần giúp người ta ra khỏi sự ích kỷ, khép kín của lòng mình. 
Đời sống của Ba Ngôi giúp chúng ta biết cách sống với người khác.
Ba Ngôi sống tùy thuộc lẫn nhau.Cha đã sai Đức Giêsu đến với thế gian (Ga 3, 17). 
Khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến (Ga 15, 26; 16, 7). 
Chấp nhận được sai phái là chấp nhận tùy thuộc. 
Nếu Đức Giêsu đã không tự mình nói điều gì, 
và chỉ nói đúng những điều mà Ngài đã nghe được từ Cha (Ga 8, 26; 12, 50), 
thì Thánh Thần cũng không tự mình nói điều gì (c. 13). 
Thánh Thần chỉ loan báo điều mình đã nghe từ Đức Giêsu (c. 14), 
và làm các môn đệ nhớ lại những gì Thầy Giêsu đã nói (Ga 14, 26). 
Không tự mình nói, không tự mình làm: đó là dấu hiệu của sự tùy thuộc.
Ba Ngôi sống cho nhau
Nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Cha bằng cách vuông tròn việc Cha giao (Ga 17,  4), 
thì Thánh Thần cũng tôn vinh Đức Giêsu 
bằng việc loan báo, soi sáng, nhắc nhớ những lời Ngài dạy (c. 14). 
Chính Chúa Cha cũng tôn vinh Đức Giêsu qua phục sinh vinh hiển (Ga 17,1). 
Ba Ngôi không tìm vinh quang cho mình, nhưng mở ra để chia sẻ. 
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (c. 15). 
“Tất cả những gì của Cha đều là của Con…” (Ga 17, 10). 
Cha là nguồn mạch trao cho Con tình yêu, sự sống, quyền năng, vinh quang. 
Và Con cũng chẳng giữ gì cho mình, Con chia sẻ cho cả các môn đệ.
Đến giờ phút chia tay, nhưng Thầy Giêsu phải khiêm tốn nhìn nhận rằng 
mình còn nhiều điều chưa nói hết (c. 12). 
Khiêm tốn là chấp nhận ra đi khi phần việc của mình đã xong, 
tuy công việc vẫn còn dang dở. 
Khiêm tốn là chấp nhận giới hạn của các môn đệ, họ cần thời gian để chín. 
Khiêm tốn là chấp nhận mình cần được bổ sung bởi người khác, 
mình không làm được hết mọi sự. 
Đức Giêsu là Sự Thật đã được chính Ngài vén mở cho ta, 
nhưng Thánh Thần mới là Đấng đưa chúng ta vào mầu nhiệm Giêsu, 
vào Sự Thật trọn vẹn (c. 13).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 5, 2017

Có lợi cho anh em (23.5.2017 – Thứ ba Tuần 6 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 16, 5-11
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử; về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”
Suy Niệm:
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút. 
Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền. 
Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy, 
các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6). 
Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm. 
“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5). 
Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ. 
Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3). 
Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng, 
vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).
Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ. 
“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; 
nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7). 
Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời, 
sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa, 
thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng. 
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy. 
“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại 
mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). 
Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu. 
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu. 
Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa, 
để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).
“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7). 
Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19, 30), 
Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ. 
Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh, 
dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24). 
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18). 
Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần. 
Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt. 
Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình. 
Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện. 
Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không, 
tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta, 
và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Làm chứng về Thầy (22.5.2017 – Thứ hai Tuần 6 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 15,26 – 16,4a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”
Suy nim:
Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần 
trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.
Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.
Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,
nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.
Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).
Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).
Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?
Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng phục sinh?
Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.
Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,
đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.
Thánh Thần là Đấng ở với anh em,
ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).
Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.
Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.
Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,
đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.
Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).
Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,
Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).
Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh,
Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).
Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.
Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.
Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,
“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),
đến nỗi “không phải chính anh em nói,
mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ
giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.
“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng
vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này, 
hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.
Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.
Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,
khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.
Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,
xin ban cho con
một thời để yêu và một thời để sống;
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý
và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng,
xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
(NNS)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 5, 2017

Anh Còn Nợ Em - CN VI Phục Sinh.A - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Ước gì các đôi vợ chồng cũng đừng để cuộc tình đã lỡ mới nói nợ nhau. Xin hãy vì tình yêu mà quan tâm nâng đỡ nhau và vì ân nghĩa mà chung thủy với nhau trọn đời.
ANH CÒN NỢ EM
Có một bài hát rất nổi tiếng về tình yêu. Đó là bài “Anh còn nợ em”. Bài hát với cung nhạc thật ray rứt như diễn tả tâm hồn ai đó đang vướng bận nợ nần với người mình thương.
“Anh còn nợ em, công viên ghế đá,”
“Công viên ghế đá, lá đổ chiều êm.

Và còn nợ em dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ, con sông êm đềm.”


Ghế đá công viên hay dòng xưa bến cũ chỉ là nơi chốn, thế mà lại là món nợ của tình yêu. Tâm trạng chàng trai dường như đang ray rứt vì đã để lỡ những cuộc hẹn và có khi những hình ảnh thân thương ấy đã vào dĩ vãng khiến chàng trai bần thần, nhớ nhung.

Nhưng theo Kinh Thánh, nợ tình yêu là lẽ thường tình. Ai cũng cần có nhu cầu yêu. Ai cũng có một trái tim để yêu. Nhưng tình yêu thì chẳng bao giờ cùng khiến con người luôn mắc nợ tình yêu vì yêu chưa trọn.

Vì yêu chưa trọn nên vẫn ray rứt về những lần mình chưa làm tròn bổn phận tình yêu. Con tim vẫn bồi hồi về những việc đáng lý phải làm mà mình vẫn chưa làm :

 “Anh còn nợ em, chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng
nụ hôn vội vàng nắng chói qua song.”
Xem ra anh chàng rất si tình. Không trả được nợ thì lòng hối hận, mặc cảm tội lỗi vì mình vẫn thiếu một cuộc tình. Anh đã xem tình yêu là bổn phận đến nỗi không chu toàn thì được xem là tội, là nợ của nhau.

 “Anh còn nợ em Con tim bối rối
            Con tim bối rối Anh còn nợ em
            Và còn nợ em Cuộc tình đã lỡ..
          Cuộc tình đã lỡ Anh còn nợ em…”


Cái nợ đã trở thành tội khi để lỡ một cuộc tình. Chàng trai sẽ ray rứt mãi vì đã để ai đó đang sầu muộn vì trông mong, thương nhớ người thương. Cái nợ đã trở thành tội khi cuộc tình đã lỡ khiến gặp nhau mà con tim bối rối thẹn thùng, vì phụ bạc lẫn nhau.

Xem ra cuộc tình nào cũng nợ nhau thôi. Càng yêu càng nợ nhau. Nhiều người lầm tưởng rằng kết hôn là hết nợ nhau, là đã làm xong nhiệm vụ rồi có quyền xao nhãng, bỏ rơi nhau. Nhưng đúng ra, kết hôn là ký kết nợ tình của nhau. Họ phải trả nợ nhau suốt đời. Họ phải dành tình yêu cho nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Họ phải nợ ân nghĩa vợ chồng cho đến khi tóc bạc răng long.

Thiên Chúa luôn yêu thế gian. Vì yêu mà Ngài đã dám dốc cạn cuộc đời qua hiến tế trên thập giá. Ngài còn gánh nợ cho thế gian khi chịu chết để đền tội cho thế gian. Ngài đã hy sinh cả tính mạng mình để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài không ray rứt vì cuộc tình đã lỡ mà luôn canh cánh bên lòng sự quan tâm, lo lắng, xót thương con người. Ngài tự nguyện nợ tình yêu con người đến nỗi đã yêu là yêu cho đến cùng.

Hôm nay Ngài còn ký một giao ước nợ ân tình với con người qua Đấng bảo trợ mà Ngài sẽ ban để ở cùng chúng ta luôn mãi. Đấng bảo trở ấy sẽ ủi an, nâng đỡ, che chở con người trước mọi khó khăn thử thách. Đấng ấy sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi chúng ta gặp bước gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa rằng: “Ơn Ta đủ cho con và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con”.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta được bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa. Ước gì các đôi vợ chồng cũng đừng để cuộc tình đã lỡ mới nói nợ nhau. Xin hãy vì tình yêu mà quan tâm nâng đỡ nhau và vì ân nghĩa mà chung thủy với nhau trọn đời. Đó là cách mà chúng ta không nợ nhau trong tâm trạng ray rứt, mà là niềm vui vì tự nguyện gánh nợ cho nhau khi dâng hiến cuộc đời mang lại hạnh phúc cho nhau. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Anh em cũng sẽ sống (21.5.2017 – Chúa nhật 6 Phục sinh năm A)


Lời Chúa : (Ga 14,15-21)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 15 “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người; còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
Suy Niệm
Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso.
Từ năm 73-75, bà phải chịu nhiều cái tang lớn:
ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời.
Ðây thật là những mất mát không sao bù đắp,
dù bà năm trong tay một gia sản khổng lồ.
Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi,
và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học.
Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm:
“Nhờ giúp đỡ con em của nước này
mà tôi đã tìm lại được chính mình.
Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại,
và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”
Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina,
kinh nghiệm thấy mình được sống lại
nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình
để cúi xuống trên nỗi đau của người khác.
Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an,
khi không còn bận tâm lo cho mình nữa,
kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội
khi được đem chia sẻ tận tình.
Kitô giáo là tôn giáo của Ðấng đã sống lại,
Ðấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần,
Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế.
Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ:
“Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20)
Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào:
“Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).
Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh,
nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sư sống nơi mình.
Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương.
Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình,
thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.
Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn,
tiện nghi hơn và kéo dài hơn.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm.
Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo…
Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa.
Thế giới đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Ðức Kitô,
chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó
qua việc phục vụ trong yêu thương.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J