31 thg 8, 2019

Tháo cởi chữ VIP trên người và mặc lấy thân “nô lệ”


Cuộc sống là những bước đi trải dài. Có bước nhẹ nhàng thanh thoát, có bước nặng nề uể oải. Có bước khiêm nhu thanh bần, có bước kiêu hãnh với cái đầu luôn ngẩng cao của những người tự cho mình là rất quan trọng – VIP.

Những bước đi kiêu hãnh đó có làm “cái đầu vươn được tới trời”?
Những cái đầu luôn ngẩng cao kia có làm cho giá trị cuộc sống “cao hơn” được không?
Luôn bước đi với đầu kiêu hãnh ngẩng cao trước cuộc đời. Có nên chăng?
Luôn sống với khát kháo trở thành người rất quan trọng – VIP. Có nên chăng?

VIP. Chữ viết tắt thú vị và hấp dẫn trong cuộc đời hôm nay. Ai ai cũng mong muốn trở thành những người rất quan trọng – Very Important Person, để được bước vào “không gian riêng dành cho VIP”. Khắp mọi nơi từ phi trường đến nhà hàng, từ rạp hát đến chỗ ngồi trên xe bus, chữ VIP và không gian dành cho VIP đều hiện diện. Cả trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, chữ VIP và chỗ ngồi cho VIP cũng tồn tại, dù rằng Chúa Giê-su đã tự mình tháo cởi chữ VIP ra khỏi cuộc đời Ngài.

Ngày xưa, chữ VIP chưa có, nhưng thực chất cuộc sống thích thú chỗ nhất đã có trong lòng người. Một ngày nọ, Chúa Giê-su quan sát một bữa tiệc và thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi. Ngài nhận ra được lòng người luôn để tâm đến chỗ VIP,  thích đi tìm nơi nào quan trọng để ngồi. Ngài biết con người luôn muốn nổi danh và luôn muốn được mọi người chú ý tới. Thật vậy, ngày xưa và ngày nay đều vậy cả. Ai cũng muốn mình hơn người khác, ngồi chỗ ngon hơn và cao hơn người khác, được người khác chú ý chào hỏi chứ không muốn trở thành kẻ vô danh không ai màng tới.

Sau khi nhận ra khuynh hướng sống của con người luôn thích đi tìm cỗ nhất, Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn để giáo huấn việc liên quan đến các chỗ ngồi. “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời” (Lc 14,7). Tiệc cưới là khung cảnh của dụ ngôn. Ngược với khuynh hướng của đời người, Chúa Giê-su nhắc nhớ, khi được mời dùng tiệc cưới, đừng tự nhiên đi vào ngồi chỗ hạng nhất. Vì có nguy cơ là, chỗ nhất đó đã được dành cho người khác quan trọng hơn. Sách Châm Ngôn đã dạy tương tự: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng”(Cn 25,6-7).

Ngày hôm nay, đương nhiên chúng ta tránh điều đó. Đi dự tiệc cưới chúng ta cũng sẽ chờ đợi chủ nhà xếp chỗ chúng ta ngồi ở đâu. Đó cũng là điều tế nhị và lịch sự cần thiết. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giê-su không chỉ “gói gọn” trong bữa tiệc, mà sứ điệp Chúa muốn nói là hãy tránh đừng đi tìm chỗ nhất, đừng tự động đi tìm danh vọng, vì nếu ngay từ đầu đã “cắm đầu cắm cổ” đi tìm những điều viễn vông đó, thì chúng ta sẽ nhận được một đoạn kết “xấu hổ” và thất bại. ”Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Trong một đoạn khác, Luca kể về dụ ngôn người thu thuế ăn năn và hạ mình đối diện với người Pha-ri-sêu tự cao tự đại. Câu cuối của dụ ngôn Chúa Giê-su nói cũng giống như câu trên: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Tự cho mình là VIP trước Chúa, sẽ “được Chúa” mời xuống hàng chót.
Tự ý thức phận mình và khiêm tốn trước Chúa, sẽ được Chúa quan tâm và khen ngợi. Đó là sự khôn ngoan của con cái Chúa.

Sách Huấn Ca có đoạn nhắc nhớ những người làm lớn, nên khôn ngoan không tự cho mình là VIP và cũng không để người khác đưa mình vào cám dỗ trở nên người luôn kiêu hãnh ngẩng cao đầu, kể cả ngẩng cao đầu trước Chúa:
“Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
Đừng tìm những điều khó quá đối với con,
những điều vượt sức con, con đừng xét tới” (Hc 3,18.20-21).

“Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,
vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,28).

Vì thế, điều nên chú ý khi đi dự tiệc là “khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. Ở đây, Chúa Giê-su không chỉ nói về cách ứng xử khéo léo, mà Ngài nhắc nhớ bài học cần phải khiêm tốn, nhẹ nhàng, tránh đi tìm hư danh và chỗ nhất. Vinh dự của cuộc sống không hệ tại ở chỗ ngồi hạng nhất, mà ở tại chính tâm hồn của con người.

Nếu tập sống được tinh thần của Chúa dạy, sẽ tránh được cám dỗ đi tìm chỗ nhất, tránh được cám dỗ đi tìm danh vọng và quyền lực, tránh được thói kiêu căng tự mãn. Chúng ta là con người không thể tự đánh bóng cuộc đời mình trước Thiên Chúa, không thể tự làm cho mình được nổi danh trước Đấng Quyền Năng. Lời Chúa Giê-su dạy thật thấm thía biết bao: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Mẫu gương sống của Chúa luôn sống động đối với mỗi người chúng ta: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Sau đó Chúa đã nói lời dạy dỗ có giá trị ngàn đời: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14).

Trước tấm gương quá tuyệt vời của Chúa Giê-su, thánh Phao-lô đã bắt chước và ngài cũng khuyên nhủ:
“Giữa anh em với nhau,
anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”
 (Pl 2,5-8).

Lời của thánh Phao-lô đã cho chúng ta nhận ra một nét thật đặc biệt của Chúa Ki-tô: Ngài đã tự tháo cởi chữ VIP trên người và mặc lấy thân “nô lệ”, để đến với con người trong thân phận của con người, tất cả để phục vụ con người, chứ không phải để con người phục vụ Ngài; để nhận lấy chính cái nghèo nàn, bần cùng của con người và làm cho con người được trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa.

Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường đi xuống của ĐẤNG QUAN TRỌNG NHẤT.
Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường xây dựng sự nghiệp đi lên qua hiến dâng bản thân mình, để đi xuống phục vụ anh chị em bất hạnh và nghèo nàn.

Anh em Giê-su hữu chúng tôi thường nói với nhau: “Trách nhiệm của một tu sĩ Dòng Tên là phải ý thức xây dựng sự nghiệp, qua học vấn và tri thức với cả những bằng cấp cần thiết trong cuộc đời, qua việc trau dồi các khả năng Chúa ban được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, qua việc không dừng bước nhưng luôn ý thức tiếp tục học hỏi và vươn lên hơn nữa (magis). Nhưng người tu sĩ Dòng Tên xây dựng sự nghiệp không phải để ‘ngẩng cao đầu’ bước lên bục cao với danh vọng và quyền lực, mà họ theo gương Chúa Giê-su, xây dựng sự nghiệp để cùng Chúa Giê-su đi xuống trong khiêm tốn và cùng Chúa phục vụ mọi người, đặc biệt những người nghèo hèn bất hạnh và những người thấp cổ bé miệng”.

Trong Linh Thao, thánh I-nhã chú ý đến ba bậc khiêm nhường. Bậc thứ ba là bước đi “trở nên khiêm nhường” theo gương Chúa Giê-su: “Nên giống Đức Ki-tô Chúa chúng ta cách hiện thực hơn, tôi muốn chọn sự nghèo khó với Đức Ki-tô nghèo khó hơn là sự giầu có, những sự nhục nhã với Đức Ki-tô chịu nhục nhã hơn là danh giá, và tôi ước ao bị coi như vô giá trị và điên dại vì Đức Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước nhất, hơn được coi là thông thái và khôn ngoan ở trong thế gian này” (Sách Linh Thao số 167).

Thật vậy, các bậc thánh hiền luôn coi khiêm nhường là mẹ của các nhân đức. Thánh Tôma Aquino cũng nói: “Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”.

Thánh Tê-rê-sa Avila thì khuyên nhủ các chị em trong tập sách Đường Hoàn Thiện: “Không có ‘bà hoàng’ nào có sức thắng vượt cho bằng đức khiêm nhường”. Thú vị hơn, khi thánh nữ nói trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm: “Vì linh hồn thấy rõ nếu mình có điều chi tốt, thì cũng là một hồng ân Chúa ban, chứ mình chẳng có gì cả”, và “Nền tảng của cả lâu đài này là tâm tình khiêm nhường”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII luôn chú ý đến nhân đức khiêm nhường, ngài đã viết trong Nhật Ký Tâm Hồn: “Tài năng trí nhớ là của Chúa ban. Tại sao lại buồn khi thấy mình kém hơn anh em. Chúa có thể cho ít hơn nữa kia. Thi cử, dĩ nhiên muốn thành công, đỗ cao. Nhưng khi đã làm xong phận vụ theo ý Chúa rồi, sự việc ra sao cũng vẫn được. Trong việc đạo đức, nhiều lúc cố gắng cầm trí để hầu chuyện với Chúa sao cho sốt sáng êm đềm, thế mà không được. Lòng cứng như đá, chia trí liên miên. Chúa như ẩn mặt. Đừng buồn đừng tức, chớ mất bình tĩnh trước cảnh yếu hèn đó. Hãy vui vẻ ôn hòa trong hoàn cảnh kể trên. Hãy tự an ủi rằng Chúa muốn như vậy. Trời mưa, trời nắng, trời lạnh, trời nóng, bề trên lớn, bề trên nhỏ quyết định thế này hay thế kia, tôi vẫn phải vui. Không nói lời chỉ trích kêu ca, công khai hay trong lòng. Trên môi bao giờ cũng nở nụ cười hồn nhiên và chân thành. Thành công không làm tôi mất tự chủ, thất bại không làm suy suyển tinh thần của tôi”. (Nkth. 1939).

Vị cha chung của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô, mục tử khiêm nhường và hy sinh cho đàn chiên, trong bài giảng ngày 02.7.2019 ở nhà nguyện Mác-ta đã diễn tả về hình ảnh người tông đồ của Chúa như sau: “Nếu người tông đồ, người sứ giả, hay một ai đó trong số chúng ta – ở đây có rất nhiều người được sai đi – hếch mũi lên, tin rằng mình trổi vượt hơn người hay tìm kiếm những lợi ích mang tính con người, thì sẽ chẳng thể giúp người khác mở lòng, vì lời của người ấy không có thẩm quyền. Người môn đệ sẽ chỉ có thẩm quyền nếu bước theo Chúa Kitô. Vậy nẻo đường của Chúa Kitô là gì? Nghèo khó. Một Thiên Chúa trở nên xác phàm! Bị giết hại! Bị lột áo! Nghèo khó đưa tới sự hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu khiêm nhường đi ra những nẻo đường để chữa lành. Và vì vậy, với thái độ nghèo khó, khiêm nhường, hiền lành này, người môn đệ có thể có thẩm quyền để nói: ‘Hãy ăn năn hoán cải’, để mở lòng…
Tất cả chúng ta cần phải được chữa lành, bởi vì tất cả chúng ta đều có những căn bệnh tâm linh. Nhưng tất cả chúng ta cũng có khả năng chữa lành cho người khác.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng chữa lành như Người đã thực hiện: với sự hiền lành, khiêm nhường, với sức mạnh chống lại tội lỗi, chống lại ma quỷ và tiến bước trong “công việc” chữa lành cho người khác: ‘Tôi chữa lành vết thương cho người khác và để chính mình được người khác chữa lành’. Đó chính là cộng đồng Kitô giáo”.

Kết thúc những tâm tình đơn sơ này, xin mời bạn cùng tôi hướng về Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Chúng ta nhìn kìa:

Ngài đã tự tháo cởi chữ VIP trên người và mặc lấy thân “nô lệ”.
Đấng tự hủy mình đi trong khiêm nhường thẳm sâu đã đi đến chỗ bần cùng nhất, là đồng ý đón nhận cái chết trên thập tự.
Con đường của Đức Ki-tô là vậy đấy!
Một con đường đi xuống của ĐẤNG QUAN TRỌNG NHẤT.

Đứng trước Ngài chúng ta cùng tâm tình với Ngài:

“Ôi Đấng khôn ngoan, tự huỷ và khiêm nhường,
Đấng đã nói với chúng con lời thật đặc biệt:
‘Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên’.
Xin cho chúng con luôn ý thức theo gương Chúa,
Luôn ý thức tập sống bắt chước Chúa và tinh thần của Chúa:
‘cúi xuống rửa chân cho anh em’
‘mặc lấy thân nô lệ’ và
‘mặc lấy chiếc áo hiền lành và khiêm nhường’ của Chúa,
chứ không đui mù đi tìm ‘chữ VIP’ của cuộc đời và
‘không gian VIP cho bản thân’. Amen”.

Chỗ cuối (01.9.2019 – Chúa nhật 22 Thường niên C)


Lời Chúa: (Lc 14,1.7-14)

1 Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
12 Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Suy Niệm

Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời
thường xoay quanh những chiếc ghế.
Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.
Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.
Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.
Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu.
Philatô cho đóng đinh Ðức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.


Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc
cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng.
Ngày nay vẫn có những bạn trẻ
cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao
để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.


Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được,
nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần
với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình,
họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ.
Nhưng một người quét đường có lương tâm
còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.

Ðức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn.
Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền,
hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có.
Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi,
để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá,
có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần.
Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi,
vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.

Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình,
để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên.
Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán
vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.

Cầu Nguyện

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.


Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.


Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”


Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 8, 2019

Vào mà hưởng niềm vui (31.8.2019 – Thứ Bảy Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 25, 14-30

Khi ấy, Đức Giêu nói với các môn đệ rằng: 14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy nim:

Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi, 
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 8, 2019

Vừa mang đèn, vừa mang dầu (30.8.2019 – Thứ Sáu Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 25, 1-13
1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! “7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! “9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! “12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! “13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Suy niệm
Nếu nhìn bề ngoài mười cô trinh nữ,
chúng ta khó lòng phân biệt được ai khôn ai dại.
Mười cô có thể là những cô phù dâu đang ở bên nhà gái,
Các cô đều mang theo đèn, hay đúng ra là những ngọn đuốc nhỏ,
vì chỉ đuốc mới không tắt khi gặp cơn gió ngoài đường.
Xúng xính trong những bộ áo đẹp,
các cô ngóng chờ chàng rể đến, để ra đón với đuốc sáng trên tay,
và để sau đó tất cả tiến vào nhà gái dự tiệc.
Nhưng vì chàng rể và nhà trai đến chậm, nên mười cô đều ngủ cả.
Đến bây giờ vẫn không thể phân biệt được năm cô khôn và năm cô dại.
Chẳng rõ các cô đã chợp mắt được bao lâu,
nhưng đến nửa đêm có tiếng la lên, báo tin chàng rể đến.
Cả mười cô đều hối hả thức dậy và lo sửa soạn đèn,
vì đèn là điều quan trọng và cần thiết để ra nghênh đón chàng rể.
Bây giờ người ta mới nhận ra trong mười cô, ai dại, ai khôn.
Vì chàng rể đến muộn quá, nên mọi ngọn đuốc của các cô đã hầu tàn.
Phải châm thêm dầu thì mới có đuốc sáng ra đón chàng rể.
Năm cô khôn dễ dàng làm cho đuốc sáng lên, vì họ đem theo dầu dự trữ.
Còn năm cô dại thì lúng túng không biết phải làm sao.
“Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đuốc chúng em sắp tắt rồi” (c. 8).
Các cô khôn cũng cần có đủ dầu cho cuộc đón rước sắp tới, nên đã từ chối.
Không phải vì độc ác, nhưng vì số dầu đem theo chỉ đủ cho riêng họ.
Cách giải quyết tốt nhất là đề nghị các cô dại đi mua nơi cửa hàng.
Chuyện này không khó vì các cửa hàng vẫn thường mở đến khuya.
Tiếc thay, đang lúc các cô đi mua, thì chàng rể tới.
Chỉ có năm cô mang đuốc sáng ra đón chàng rể.
Chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng, theo chàng vào dự tiệc cưới.
Cửa được đóng lại, ngăn cách giữa người được dự tiệc và người không.
Năm cô dại cuối cùng đã có dầu, đuốc đã sáng, trở về, gõ cửa.
“Thưa Ngài, thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi với !” (c. 11).
Nhưng các cô bị từ chối thẳng : “Tôi không biết các cô là ai” (c. 12).
Dụ ngôn này có một kết thúc không vui trọn vẹn.
Tiệc cưới rất vui ở bên trong, năm cô đứng ngoài không được vào.
Chúng ta thấy tiếc cho năm cô dại.
Dại ở đây không phải vì không có thiện chí hay làm điều gian ác.
Khôn hay dại chỉ khác nhau ở chỗ sẵn sàng hay không sẵn sàng,
đuốc có sáng khi chàng rể đến hay không.
Các cô khôn đã phải tính đến chuyện lỡ chàng rể đến muộn,
làm sao có đủ dầu để thắp cho cây đuốc sáng mà ra đón.
Ai mà có đủ dầu dự trữ rồi thì ngủ cũng yên tâm.
Chúng ta cần nếm nỗi đau của năm cô đứng ngoài, khi cửa đã đóng lại.
Muộn mất rồi, mọi chuẩn bị háo hức trở nên vô ích.
Đức Giêsu chính là Chàng Rể đến bất chợt giữa đêm khuya.
Chỉ mong ta không phải năn nỉ xin dầu và vội vã đi mua dầu trong đêm.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.