Hồn Xuân
Ngày xưa khi còn là học sinh thời trung học, tôi có chép vào sổ tay một bài thơ Xuân như sau:
Ai đón xuân trong chiếc áo hồng
Với đôi môi mọng, mắt tròn mơ
Còn tôi xuân đến vu vơ
Ôm vần thơ dại mà ngờ mùa xuân
Với đôi môi mọng, mắt tròn mơ
Còn tôi xuân đến vu vơ
Ôm vần thơ dại mà ngờ mùa xuân
Ai đón xuân trên xác pháo hồng
Chúc mừng ước vọng, rượu nồng say
Còn tôi xuân đến nào hay
Giật mừng nhặt lại một vài hoa rơi
Chúc mừng ước vọng, rượu nồng say
Còn tôi xuân đến nào hay
Giật mừng nhặt lại một vài hoa rơi
Ai đón xuân trong nắng xuân về
Với đàn én liệng với ngàn mai
Còn tôi xuân vẫn u hoài
Hồn xuân đã chết, trời xuân lạnh lùng.
Với đàn én liệng với ngàn mai
Còn tôi xuân vẫn u hoài
Hồn xuân đã chết, trời xuân lạnh lùng.
Điều mà chúng ta cùng suy tư hôm nay, đó là hai tiếng : “Hồn Xuân”.
“Hồn” là biểu tượng của sự sống. Là nguồn sự sống. Là chính sự sống.
Trước khi có sự sống, con người chỉ là pho tượng đất. Thiên Chúa đã “thổi” vào cho con người “sự sống”, Ngài ban cho con người “sự sống” từ “nguồn sống” là Ngài. Bị cắt đứt khỏi nguồn sống là Thiên Chúa, con người sẽ trở về thân phận một pho tượng đất, con người chỉ là cát bụi.
Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St.2,7).
Không có “hồn”, là sự chết, là sự vô nghĩa.
Một tác phẩm nghệ thuật hay, ta vẫn thường nói: “Một tác phẩm thật có hồn”. Tác phẩm ấy trông sống động, có sức sống kỳ diệu, nó có “hồn”, dù nó chỉ là vật chất.
Khi ai đó làm nên một tác phẩm sống động, người ta bảo người nghệ sĩ tài năng ấy đã “thổi hồn” vào tác phẩm ấy. Thí dụ một nhà điêu khắc tạc những bức tượng đá tuyệt đẹp, người ta nói: “Anh ấy đã ‘thổi hồn’ vào Đá !”.
Một con người đau khổ, buồn chán, bơ phờ, người ta bảo: “trông anh ta như một cái xác không hồn !”.
Như thế, khi không có hồn, thì mất đi sức sống. Mất đi sức sống, thì không còn “màu xanh”, không còn “hy vọng”, không còn “vui tươi”, không còn “mùa xuân”.
Nhưng khi nói về “hồn xuân”, ta nghĩ ngay đến “tâm trạng” của con người. Cảnh vật vẫn thế, và Xuân vẫn thế, nhưng “cảnh vật” không còn vui nữa, “mùa Xuân” không còn “sức sống” nữa, vì lòng người đã mất niềm hy vọng, vì cuộc đời đã mất đi ý nghĩa sống.
“Hồn Xuân đã chết, trời xuân lạnh lùng !”
Hồn Xuân đến từ đâu ?
Có một câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền ở phương Tây, nội dung như sau:
Một tượng đất đứng bên vệ đường chịu đủ gió dập mưa vùi. Nó muốn tìm một nơi tránh mưa gió biết bao, nhưng nó không thể cử động được, cũng không thể kêu cứu được, nó ngưỡng mộ loài người biết bao, nó thấy làm người thì chẳng còn phải lo nghĩ điều gì nữa. Nó quyết nắm bắt mọi cơ hội để làm người.
- “Thưa ngài, xin ngài biến con thành người !”
Thánh Gio-an nhìn thấy tượng đất, khẽ mỉm cười rối phất tay áo, lập tức tượng đất biến thành một chàng thanh niên.
- “Con có thể biến thành người, nhưng con phải đi qua đường đời, nếu con không chịu đựng được những nỗi đau của đời người thì ta lập tức biến con trả lại nguyên hình”. Thánh Gio-an nói.
Thế là chàng thanh niên theo Thánh Gio-an đến một vách đá.
- “Bây giờ thì con hãy đi từ vách đá này sang vách đá kia !”. Thánh Gio-an phát tay một cái, chàng thanh niên đã được đẩy lên một cái cầu treo.
Chàng thanh niên sợ hãi đi dọc theo những vòng sắt lớn nhỏ khác nhau. Vì không cẩn thận, chàng thanh niên đã ngã ngay vào một cái vòng, ngay lập tức, hai chân cậu bị treo lơ lửng trên không, vòng sắt bóp chặt lấy lưng cậu gần như thở không ra hơi nữa.
- “Ôi, đau quá ! Cứu tôi với !” Chàng thành niên huơ huơ hai cánh tay kêu cứu.
- “Con phải tự cứu mình thôi. Trên con đường này chỉ có con mới cứu được con”. Thánh Gio-an đứng ở phía trước mỉm cười.
Chàng thanh niên xoay người cố sức thoát ra, khó khăn lắm mới thoát khỏi được chiếc vòng đau đớn đó.
- “Ngươi là vòng gì siết ta đau đến thế ?”. Chàng thanh niên tức giận hỏi.
- “Ta là vòng danh lợi”. Chiếc vòng dưới chân đáp.
Chàng thanh niên tiếp tục tiến về phía trước. Đột nhiên, thoát chốc hiện ra một tuyệt thế giai nhân nở nụ cười kiều diễm với chàng thanh niên rồi biến mất.
Hơi lơ đãng một tí, chàng thanh niên lại trượt chân té vào một cái vòng khác và bị vòng đó siết chặt.
Chàng kêu cứu, nhưng bốn bề im ắng, chẳng ai trả lời chàng, cũng chẳng ai đến cứu chàng.
Lúc này Thánh Gio-an lại xuất hiện trước mặt chàng, khẽ mỉm cười và nói :
- “Trên con đường này, chỉ có con mới cứu được con”
Chàng thanh niên cố sức, cuối cùng cũng thoát ra được cái vòng kia, nhưng anh ta đã mệt bở hơi tai, bèn ngồi xuống hai chiếc vòng để nghỉ mệt một tí.
- “Lúc nãy là vòng đau khổ gì vậy ?”. Chàng thanh niên hỏi.
- “Ta là "vòng mỹ nhân”. Chiếc vòng ở dưới chân đáp.
Sau một hồi nghỉ ngơi, chàng thanh niên thấy tinh thần sảng khoái, trong lòng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, cậu thấy may mắn vì cuối cùng đã thoát ra được chiếc vòng đó.
Chàng thanh niên tiếp tục bước đi, ngờ đâu lại rơi vào vòng dục vọng, vòng ghen tị…
Đến lúc chàng thoát ra được từ vòng này đến vòng khác thì chàng thanh niên đã mệt mỏi không thể chịu được nữa. Ngẩng đầu lên thì phía trước vẫn còn con đường rất dài, chàng thanh niên chẳng còn can đảm bước tiếp.
Thánh Gio-an lại xuất hiện, phất tay một cái, chàng thanh niên đã đứng bên vệ đường.
- “Đời người tuy quá nhiều đau khổ, nhưng sau khi chiến thắng đau khổ thì theo sau là niềm vui và hạnh phúc, chẳng lẽ con từ bỏ làm người sao ?”
- “Đời người có quá nhiều đau khổ, niềm vui và hạnh phúc quá ít ỏi và ngắn ngủi, con quyết từ bỏ làm người, và trở về làm một bức tượng đất”. Không chút do dự, chàng thanh niên nói ngay.
Thánh Gio-an phất tay một cái, chàng thanh niên lại hiện nguyên hình là một bức tượng đất.
“Từ nay ta không còn chịu sự giày vò của đời người nữa rồi”. Tượng đất nghĩ.
Nhưng không lâu sau, sau một trận mưa lớn, tượng đất biến thành một đống bùn đất.
“Chiến thắng đau khổ, thì theo sau là niềm vui và hạnh phúc”.
Hạnh phúc không tự nhiên mà có, nó đến từ sự phấn đấu, từ sự làm việc chuyên cần.
“Nhàn cư vi bất Thiện”. Ở không là chính là Địa ngục.
Nhiều người không chịu làm việc, sống như pho tượng đất, sợ làm việc, sợ đương đầu với những gian khổ, bằng lòng nép mình ở xó kẹt nào đó, chờ ngày tan rã thành cát bụi ! Và như thế, họ đã từ bỏ làm người !
Làm việc giúp con người vui sống, và vui sống giúp con người hăng hái làm việc.
Chính khi làm việc, con người nhận ra giá trị nhân vị của mình, và nhận ra Thánh Ý Chúa trong cuộc đời.
Nhận ra Thánh Ý Chúa, con người không còn khắc khoải lo âu, biết thế nào là “Tận nhân lực tri thiên mệnh”, con người vững bước tiến lên, tiếp tục cuộc hành trình của kiếp người, để tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa.
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngay mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy. (Mt.6,25-31).
“Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Nhưng chính cái khổ mà con người biết tận dụng tâm lực của mình để phấn đấu vượt qua, làm cho con người là người đích thực, biết “sống và làm việc”, biết “sống lương thiện”, biết “chọn lựa những giá trị cao quí”, đó là con người “bất tử” trong Thiên Chúa, chứ không phải là tượng đất sẽ trở về bùn đất.
Khi cuộc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” đã đến đích điểm, con người đạt đến hạnh phúc viên mãn. Đó là Mùa Xuân vĩnh cửu của con người, của vạn vật, Mùa Xuân hoàn hảo trong Thiên Chúa.
Thế nên, Mùa Xuân luôn luôn đẹp, khi lòng người chìm ngập trong niềm hy vọng vào Tình Yêu Thiên Chúa.
“Hồn xuân đã chết, trời xuân lạnh lùng !”. Quả thế, vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !”.
Nhưng, khi con người ra sức làm việc cho cuộc đời đẹp hơn trong ánh sáng Tin Mừng - đẹp thay một thế giới nhuộm hồng Tình Yêu Thiên Chúa - mọi con tim đều hoan lạc, thì không còn ngỏ ngách nào không có mùa Xuân, không có tâm hồn nào buông tiếng thở dài “Hồn Xuân đã chết”.
Đó chính là lúc, ta thật sự có mùa Xuân trong ta, vì có Chúa trong mọi tâm hồn.
Khi nghiệm ra điều ấy, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản:
Lo gì ? Có Chúa trong ta. Chúa chính là mùa Xuân đời ta.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn văn Tiếng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét