BÀI CA CẦN ÐÚNG VỊ TRÍ
Tục ngữ La tinh có câu :"Bên này dẫy Pi-rê-nê thì đúng, nhưng bên kia dẫy Pi-rê-nê lại sai". Câu nói chủ yếu nêu lên sự khác biệt về phong tục tập quán giữa các dân tộc; thậm chí giữa các miền trong một nước, mà người lịch thiệp cần phải biết để ứng xử cho đúng.
Ví dụ : Ở Âu Châu, những người phụ nữ dù già đi nữa mà ở vậy, không lập gia đình, người ta vẫn gọi là "cô"; nhưng, ở Việt nam trường hợp như vậy phải gọi là "bà". Gọi là "cô" có khi đương sự lại buồn, cho rằng người ta không kính trọng mình.
Trong lãnh vực thánh nhạc cũng vậy, vị trí của bài ca cần được đặc biệt lưu ý, chỉ cần đặt không đúng vị trí, buổi cử hành phụng vụ mất đi ý nghĩa của nó. Trường hợp điển hình là dịp di quan Ðức Tổng Giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình từ Tòa Tổng Giám mục ra nhà thờ Chánh tòa vào hồi 15 giờ ngày 3.7.1995, sau đó có Thánh lễ đồng tế. Buổi lễ hôm đó, ca đoàn đã hát bài "Ơn cha" của tác giả Y Vân vào lúc rước lễ.
Phải nói đây là bài hát ý nghĩa, nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với những người cha. Bài cũng gây xúc động nơi tâm hồn thính giả như bài "Lòng mẹ" của cùng một tác giả. Nhưng, đối chiếu với quy luật thánh nhạc thì điều đó không đúng.
Sở dĩ chúng tôi phải lên tiếng công khai là vì có nhiều nơi lầm lẫn cho như thế là đúng, là hay, vì nhà thờ Chánh tòa là mẹ các nhà thờ, thì mọi sinh hoạt ít nhiều mang tính mẫu mực, tiêu chuẩn. Hơn nữa, buổi lễ lại quá long trọng - trong tang lễ của Ðức Tổng Giám mục có đông đảo giáo hữu cả giáo phận bạn tham dự nữa - chứ không phải vì một ác ý nào cả.
Chúng ta sẽ phân tích từng điểm như sau :
Bài "Ơn cha" là một bài "đời", không phải là bài hát "đạo", càng không phải là Thánh ca, hay Phụng ca. Hát một bài "đời" trong một lễ nghi đạo là không đúng.
Hội Thánh đã có những chỉ thị rõ ràng.
- a. Thông cáo số 41/87 của Ðức Tổng Giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình nói như sau :
Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia, số 4a định nghĩa "Thánh nhạc là loại ca nhạc được sáng tác để cử hành phụng vụ, nên phải thánh thiện và có nghệ thuật", và đi tới kết luận thực hành như sau: "Những bài ca tác giả đã sáng tác cho những sinh hoạt ngoài đời thì tuyệt đối không được sử dụng trong phụng vụ, dù đã bỏ lời "đời" đi, đặt lời đạo vào, ví dụ bài "Ơn nghĩa sinh thành - Ngày tân hôn - Chuông vang vang ... và nhiều bài khác tương tự." (Tài liệu Thánh nhạc của Ban Thánh nhạc Gp.TpHCM, trang 142-143).
Bài "Ơn cha" tác giả Y Vân không sáng tác cho việc cử hành phụng vụ, cho nên hát lúc rước lễ là không đúng chỗ. (Y Vân không phải là người sáng tác Thánh ca Công giáo)
- b. Trong Thông điệp Kỷ luật Thánh nhạc của Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XII ban hành ngày 25.12.1955, số 24, 25 và 26 nói về các tác giả như sau: "Do đó, nghệ sĩ nào không sống theo những chân lý Ðức Tin hoặc sống xa cách Thiên Chúa trong tâm trí và trong hành động thì không được liên hệ xa gần với nghệ thuật tôn giáo. Quả thật, nghệ sĩ đó thiếu con mắt nội tâm để nhìn thấy những điều kiện mà vẻ uy nghi của Thiên Chúa và việc tế tự của Người đòi hỏi. Nghệ sĩ đó nên biết rằng các tác phẩm của mình thiếu ý nghĩa tôn giáo, dù cho tác phẩm đó biểu lộ một con người có đủ khả năng nghệ thuật và được phú bẩm một sự khéo léo về kỹ thuật, nhưng sẽ chẳng bao giờ khơi động được lòng sốt sắng và đức tin xứng hợp với đền thờ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người, và do đó, không được chấp nhận trong những ngôi đền được Hội Thánh thánh hiến, vì Hội Thánh là người bảo vệ và là thầy dạy đời sống tôn giáo.
Còn nghệ sĩ nào có đức tin vững chắc và đời sống xứng với danh Ki-tô hữu, được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và sử dụng theo lòng mộ đạo của mình, những năng khiếu do Ðấng tạo hóa ban cho, thì sẽ hết sức cố gắng để biểu lộ và diễn tả, thật khéo léo, thật thanh thoát và tài tình, nhờ những màu sắc, đường nét, âm thanh và sự hài hòa, những chân lý mình tuyên xưng, lòng sùng kính mình hâm mộ, khiến cho việc sử dụng ngành nghệ thuật cao quý này, trở nên cho bản thân như một hành vi tế tự và tôn giáo, và nghệ sĩ ấy sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và linh động cho đức tin và lòng sùng kính của các tín hữu.
Những nghệ sĩ như thế, Hội Thánh đã và sẽ không ngừng tuyên dương. Hội Thánh mở rộng cửa các nhà thờ cho họ, sung sướng nhìn nhận sự hỗ trợ lớn lao mà nghệ thuật và những hoạt động của họ mang đến, để giúp cho công việc tông đồ của Hội Thánh được hữu hiệu".
- c. Thông điệp MEDIATOR DEI của ÐGH Pi-ô XII ban hành ngày 20.11.1947, số 40 viết : "Thánh nhạc phải thánh thiện, tất cả những gì có liên quan tới ca nhạc đời đều không được chấp nhận trong nội dung cũng như không được để cho nó len lỏi vào cách trình bày".
- d. Hiến chế về Phụng vụ số 124 viết : "Phải loại trừ khỏi Phụng vụ những tác phẩm nào làm tổn thương đến tinh thần tôn giáo". Hát một bài đời trong Phụng vụ là một sự tổn thương lớn.
Lm. Giu-se Nguyễn Hữu Triết
Ban Kiểm duyệt Thánh ca
Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh
(Trích trong Hát Lên Mừng Chúa)
* Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét