29 thg 10, 2012

MỘT LỜI HỨA

                 
                      15 Lời Hứa Đức Mẹ Hứa Ban Cho Những Ai Lần Chuỗi Mân Côi :

1 -  Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2 - Mẹ hứa sẽ ban những ơn lớn lao và sự che chở đặc biệt cho những ai lần Chuỗi Mân Côi .

3 - Kinh Mân Côi sẽ là vũ khí cực mạnh chống lại hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm tẩy tội lỗi và chiến thắng ma quỷ .

4 - Kinh Mân Côi sẽ khiến nhân đức và các việc lành phát triển; sẽ đem lại nhiều lòng thương xót của Chúa xuống trên các linh hồn; sẽ rút lòng họ khỏi sự yêu mến thế tục và sự hư ảo của nó, và sẽ dẫn đưa họ đến ước ao những sự vĩnh cửu. Ôi, những linh hồn ấy sẽ được thánh hóa biết bao bởi những ý nghĩa này!

5 - Linh hồn đến với Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ không phải hư mất.

6 - Những ai lần Chuỗi Mân Côi sốt sắng và áp dụng các Mầu Nhiệm Mân Côi vào đời sống mình sẽ không bao giờ bị rủi ro. Chúa sẽ không trừng phạt họ trong cơn thịnh nộ của Ngài; họ sẽ không phải chết bất tử; nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn nghĩa của Chúa và trở nên xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.

7 - Những ai thực lòng tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.

8 - Những ai trung thành lần Chuỗi Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết sẽ được Ánh Sáng Chúa soi dẫn với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Và khi lâm tử, họ sẽ được tham dự vào những công nghiệp của các Thánh trên Thiên Đàng.

9 - Mẹ sẽ đưa ra khỏi Lửa luyện tội những ai đã trung thành lần Chuỗi Mân Côi.

10 - Những con cái trung thành lần Chuỗi Mân Côi sẽ được thưởng vinh quanh cao cả trên Thiên Đàng.

11 - Các con sẽ được hết những điều các con xin Mẹ nhờ sự lần Chuỗi Mân Côi.

12 - Những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ khi cần thiết.

13 - Mẹ đã xin cùng Con Chí Thánh Mẹ cho những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được nguyên cả Triều Đình Thiên Quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.

14 --Những ai lần Chuỗi Mân Côi đều là con Mẹ và là anh em với Con Duy Nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.

15 - Tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ chắc chắn sẽ được về Thiên Đàng .
 

                            ( Lê Nghĩa )

                                

26 thg 10, 2012

VIP


Ngày nay, chúng ta thấy trong xã hội đi đâu cũng thấy biểu tượng VIP. Nào là xe của VIP, nhà hàng dành cho VIP, hotel dành cho VIP .v.v..., hay nói cách khác xã hội đang có trào lưu làm VIP.

Vậy VIP là gì? Khi đặt câu hỏi này, tiểu đệ thiết nghĩ không cần thiết, vì ai ai cũng biết VIP là gì. Tuy vậy, kính mong quý vị cho tiểu đệ mạn phép trở lại nguyên ngữ của nó. VIP là viết tắt của very  important  person: nhân vật quan trọng, yếu nhân. Là nhân vật quan trọng, do đó họ cần được mọi người chú ý, cần được mọi người phục vụ chu đáo và quan tâm cách đặc biệt. Nói rõ hơn VIP là đối tượng muốn người ta phục vụ mình. Một khi không được phục vụ hoặc phục vụ không chú đáo, không đúng địa vị, họ sẽ khó chịu và có thể nói là họ bị sỉ nhục vì không được coi trọng. Và hệ quả là gì, chúng ta đều có thể hiểu điều gì sẽ xảy ra trong cách cư xử của VIP và nhũng người xung quanh.

Vậy người tu sĩ chúng ta có phải là VIP không? Có lẽ chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời là "KHÔNG". Thế nhưng trong đời sống hằng ngày, không biết bao lần chúng ta đã cử xử như chúng ta là VIP vậy. Khi chúng ta đến một nơi nào đó, nhưng không được tiếp đón trọng vọng, hay khi chúng ta muốn người ta làm điều gì đó, nhưng người giáo dân không đáp ứng hay làm cho chiếu lệ. Thử tưởng tượng, chúng ta sẽ có những phản ứng gì? Sẽ có biểu hiện như thế nào đối với người dưới quyền mình. Nói chung, không ai trong chúng ta tự nhận mình là VIP, nhưng không ít lần chúng ta hành động như là VIP. Chúng ta khó chịu khi một người làm trái ý ta; chúng ta sẽ phản ứng lại khi có người phê phán hay góp ý về ta. Những hành vi, những biểu hiện ấy có phải là của VIP chăng?

Trong Tin Mừng, Thầy Giêsu nhắc nhớ rằng: "Ta đến phục vụ, chứ không phải để được phục vụ", nghĩa là Ngài là người phục vụ, là đầy tớ. Chúng ta là những người muốn đi theo Đức Giêsu, muốn học cùng Ngài và ngày càng nên giống Ngài hơn. Thế mà, không ít lần chúng ta không muốn làm người phục vụ.

Là người phục vụ, tiểu đệ xin lấy hình ảnh con VÍT. Ở đây không phải là con Vít thuộc họ rùa hay ba ba, mà là con đinh VÍT nhỏ, người thợ mộc hay dùng.

Ngoài xã hội thường có câu: "Chẳng là cái đinh gì cả!", nghĩa là chẳng có giá trị gì, dù là cái đinh. Khi dùng hình ảnh con đinh Vít, tiểu đệ muốn nói lên giá trị của nó. Có lẽ con vít chẳng có giá trị gì khi nó nằm trơ troi một mình. Con vít chẳng bao giờ tự hào mình là con Vít, mình làm được việc này việc nọ. Con Vít chỉ có giá trị khi ở trong tay người thợ mộc và nếu ở trong tay người thợ giỏi, nó sẽ càng có giá trị hơn. Con vít người thợ dùng để kết những tấm ván riêng lẻ thành một vật dụng có ích như: tủ, bàn, giường, ghế .v.v... Nó còn được dùng để gắn lên tường để treo những vật dụng khác, hoặc có thể đính chặt những vật đụng khác nhau lại thành một khối .v.v... Hay nói rõ hơn, con vít trong tay người thợ đã trở nên hữu dụng, mà nếu tự mình con Vít chẳng làm được gì.

Có chăng là một tu sĩ, tôi cũng giống như con vít trong tay thợ mộc Giêsu. Ngài đã dùng tôi để gắn kết những cuộc đời riêng lẻ lại với nhau; Ngài cũng dùng tôi để kết hiệp những cá nhân riêng lẻ nên một. Tóm lại, tôi chẳng có giá trị gì, nếu không được Đức Giêsu dùng như một dụng cụ của Ngài.

Vậy, tôi có thể tự hào sao được, khi tôi chỉ là dụng cụ của Thợ mộc Giêsu. Tôi chỉ là một con Vít nhỏ được thợ mộc Giêsu dùng để gắn kết "những tấm ván" rời rạc nên một "vật dụng" hữu ích cho đời và cho người.

Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ biến mình thành VIP, nhưng mãi là con VÍT nhỏ được bàn tay Chúa sử dụng.

 Cỏ May

XIN CHO TÔI ĐƯỢC NHÌN THẤY

   Chúa Nhật XXX Thường Niên - B

" Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh" (Mc 10,52)

24 thg 10, 2012

23 thg 10, 2012

Gx.ThiênÂn: KHAI MẠC NĂM ĐỨC TIN

Chúa Nhật Truyền Giáo 21.10.2012 :Cùng hiệp thông với Giáo hội Hoàn vũ nói chung và TGP Saigon nói riêng.Giáo xứ Thiên Ân, Hạt TSN Saigon hân hoan khai mạc "Năm Đức Tin".

Nhân dịp này Gx.cũng khánh thành và làm phép tầng 2 Nhà Sinh Hoạt.
Cha Chánh xứ Giuse chủ tế - Cha PT. Phaolo - Quý cha thân hữu và đông
đảo cộng đoàn phụng vụ tham dự....


18 thg 10, 2012

LUCA THÁNH SỬ

THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG, ngày 18/10
Lc 10, 1-9
 MỘT VỊ THÁNH Y SĨ, VĂN SĨ TUYỆT VỜI

 Thực tế người ta rất ít sử liệu để viết về cuộc đời của thánh Luca, thánh sử, tông đồ. Tuy nhiên, người ta có thể dựa vào câu nói :” Văn tức là người “ để tìm hiểu về thánh Luca. Không có một sử liệu nào ghi rõ thánh Luca sinh ra ở đâu và vào năm nào. Nhưng qua nhiều tài liệu thu thập được, người ta biết được thánh Luca là một y sĩ thời danh và là một nhà văn giỏi, nổi tiếng. Dựa vào Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ của thánh Luca, chúng ta có thể nhận định về con người của thánh Luca như sau:
Thánh Luca đã viết Tin Mừng để diễn tả tình thương xót bao la của Chúa qua nhiều dụ ngôn rất ấn tượng và đầy chất người của Ngài:” dụ ngôn người Samaria nhân hậu, người con hoang đàng, những kẻ thu thuế, những kẻ bị những chứng bệnh nan y vv”…Thánh nhân nói về ơn cứu rỗi phổ quát và đại đồng trong Tin Mừng của Ngài. Ngài không đóng khung trong những người nhà, nghĩa là người Do Thái, người có đạo, nhưng Tin Mừng của Ngài trải dài tới mọi dân tộc và những người ngoại đạo cũng được Ngài tiếp đón ân cần. Đọc Tin Mừng của Ngài, vai trò của người nghèo được đề cao vì Chúa đã đồng hóa với những kẻ nghèo, những kẻ đơn sơ, nhỏ bé. Tin Mừng của Ngài cũng là Tin Mừng của cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần. Thánh Luca cũng thường cho chúng ta thấy niềm vui trong Tin Mừng của Ngài ; “ niềm vui của Hội Thánh tiên khởi, hân hoan vì  Chúa phục sinh, Chúa Thánh Thần hiện diện và cộng đoàn được tràn đầy ơn cứu rỗi “.
Thánh Luca là một người ngoại giáo, khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng ở thành Troa, Ngài xin tòng giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội, xin làm môn đệ thánh Phaolô và theo Ngài đi loan báo Tin Mừng trong nhiều năm liền. Khi thánh Phaolô bị bắt, chúng ta không còn biết gì về quảng đời cuối cùng của Ngài nữa. Theo nhiều tài liệu, và chứng cớ tìm được ở Constantinople, thánh Luca đã rao giảng Tin Mừng cứu độ ở Achaie, Béoti và sau này được đặt làm giám mục Thébes. Theo một sử liệu đáng tin cậy, thánh Gaudence de Brescia quả quyết rằng thánh Luca đã cùng đượcphúc chịu tử vì đạo với thánh Anrê tại Patras thành Achaie.
Thánh Luca đã để lại cuốn Tin Mừng rất giá trị nói lên tình thương vô biên của Thiên Chúa với cách hành văn thật trong sáng, cảm động và với một lối viết văn thật rõ ràng, gợi cảm. Ngài cũng trình bầy cho nhân loại hiểu về sinh hoạt đầy niềm vui của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và luôn hành động, luôn hướng dẫn và soi sáng cho Giáo Hội.
Mừng lễ thánh Luca tông đồ, thánh sử, chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội một vị thánh lừng danh đã để lại cho nhân loại  cuốn Tin Mừng và cuốn công vụ tông đồ tuyệt hảo.
Lạy thánh Luca, thánh sử xin giúp chúng con luôn sốt sắng và nhiệt thành tìm hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

7 thg 10, 2012

KHÁT VỌNG CON TIM

             
TRÁI TIM YÊU THƯƠNG

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin giữ gìn nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
...
Một quả tim hào hiệp dám dấn thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim chân thành và quãng đại,
không quên ơn, không báo oán.


Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.


Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen


( cha Léon de Grandmaison, SJ)

SAO EM KHÔNG LẦN CHUỖI

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi.

Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Chuỗi hạt Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria.

Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.

Chuỗi hạt Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho con người.

Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng viết bài thơ "Sao không" rất tâm tình và cũng rất dễ thương.
Lời thơ như một lời nhắc nhở, hãy siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi một cách tâm tình như nói chuyện với Mẹ vậy. Nhạc sĩ Thông Vi Vu dệt thành ca khúc “Sao không”. Tam Ca Áo Trắng hát với cả tâm hồn mến yêu.
Tháng Mân Côi nghe ca khúc “Sao không”, thấy lòng lâng lâng, nghe ơn thánh trải qua từng lời kinh.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

6 thg 10, 2012

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI



HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ

"Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào".

5 thg 10, 2012

VỊ THÁNH KHÓ NGHÈO

Thánh Phanxicô Assisi (04.10)

Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma. Cha là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức, hiếm có.

Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên cậu mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gôthiê đơ Briênnơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.

Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “ Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !” Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại ba ngôi nguyện đường cạnh Assisi. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24.2.1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, từ nay quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Tự (Mt 19,21 ; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô vừa đi rao giảng Tin Mừng vừa khất thực.

Với tình yêu sự khó nghèo, đòi buộc Phanxicô phải yêu những người nghèo, những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Năm 1220, vì những khó khăn nội bộ của Hội Dòng do một số anh em cấp tiến muốn sửa đổi lý tưởng nghèo khó thuở ban đầu, Phanxicô phải bỏ cuộc truyền giáo cho người Hồi giáo để trở lại nước Ý. Một cuộc tử đạo đặc biệt sắp bắt đầu. Năm 1224, Phanxicô xin rút lui về ẩn mình tại núi Laverna.

Nơi đây, ngài được Chúa in năm dấu thánh của Người trên chân tay và cạnh sườn. Phanxicô đã sống một cuộc tử đạo này trong hai năm trời; các vết thương luôn rỉ máu, cộng với nỗi đau khổ do một số anh em sống xa lý tưởng ban đầu gây ra. Trong nỗi cô đơn và đau khổ do bệnh hoạn, ngài chỉ muốn hoàn tất ý định của Thiên Chúa cho đến khi “Bạn Chết” của ngài đến kết thúc cuộc đời vào ngày 3.10.1226.

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16.7.1228.


* Quyết tâm
Nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng ta.
* Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phanxicô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo để trở nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà thiết tha gắn bó cùng Chúa, và hăm hở bước theo Đức Kitô, lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

2 thg 10, 2012

NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT

      THIÊN THẦN BẢN MỆNH - NGƯỜI Ở BÊN TA




Kinh Thánh đã cho thấy sự hiện diện của các thiên thần bản mệnh là điều rõ ràng không thể chối cãi. Ngay từ trang đầu của sách Sáng Thế, ta thấy các ngài xuất hiện như những vị thừa hành mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Bài đọc I chúng ta vừa nghe là một trong những đoạn văn rõ nhất nói về điều đó. Thiên Chúa đặc biệt loan báo cho con người sự có mặt của một đạo binh mà Người gửi xuống để gìn giữ loài người chúng ta : "Này Ta sẽ sai Thiên thần Ta đi trước mặt ngươi và gìn giữ ngươi khi đi đàng, dẫn đưa ngươi đến nơi Ta dọn sẵn cho ngươi" (Xh 23,20). Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã được các thiên thần phục vụ, sau khi Ngài chịu ma quỉ cám dỗ trong hoang địa, khi đã hoàn toàn chiến thắng Satan. Ngài còn khẳng định với Nathanael : “Ngươi sẽ thấy trời mở ra và các Thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1, 51).
 
Vậy thì Thiên thần Bản mệnh là ai ? Phải nói ngay rằng thiên thần bản mệnh là người bạn thân thiết của mỗi người chúng ta, được Chúa sai phái đến với hai mục đích :


- Mục đích thứ nhất là để săn sóc và giữ gìn con người trước những mưu mô và cạm bẩy của ma quỷ và sự dữ. Thánh Grêgôriô thành Nyss nói rằng : “Chúa biết ác tâm của các thần dữ đang tìm cách ngăn trở không cho ai vào chỗ mà chúng đã mất trên trời, nên Ngài ban cho mỗi người chúng ta một thiên thần bản mệnh, để chống lại các kẻ thù phần rỗi chúng ta”.

Quả thế, mỗi người từ giây phút đầu tiên được thụ thai đều được Thiên Chúa cắt cử một vị Thiên thần để che chở hộ phù, nói nôm na là bảo trợ, bằng một cách thế chúng ta không tưởng tượng được. Như vậy con số các Thiên Thần Bản Mệnh phải đông lắm. Thế giới có bao nhiêu tỉ người thì có lẽ có bấy nhiêu tỉ thiên thần bản mệnh. Các ngài luôn sát cánh nhắc nhở và hướng dẫn chúng ta mọi lúc mọi nơi. Các ngài không rời bỏ chúng ta, cả khi chúng ta phạm tội làm các ngài phải run sợ, hay khi chúng ta chống lại những điều các ngài chỉ dẫn.

- Mục đích thứ hai là để chuyển lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa và cầu bầu cho chúng ta trước tôn nhan Người. Những việc lành, việc thiện, dù âm thầm nhỏ bé đến đâu cũng được các ngài chuyển cầu lên ngai toà Chúa.
 
Đặc biệt là trong giờ phút lâm chung, các ngài hướng dẫn chúng ta vào Nước Hằng sống, như lời nguyện Nghi thức An Táng vẫn thường nghe đọc.
Tắt một lời, các ngài có sứ mệnh lo lắng cho lợi ích của chúng ta, như người mẹ thương con, như người anh dẫn đường, như bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, như mục tử dẫn dắt đoàn chiên...

Hãy nhớ lại câu chuyện Agar trong sa mạc, Lot ở Sôđôma, Isaac trên núi Moria, các trẻ em trong lò lửa ở Babylon, Đaniel trong hang sư tử, thánh Phêrô trong ngục tù,… để thấy các ngài là bạn thân thiết như thế nào của con người.

Xác tín trên đây nói lên điều gì ? Trước hết là nói lên tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với con người. Sau nữa là nói lên sự quan phòng đầy khôn ngoan của Ngài. Đây là chân lý mà hôm nay Giáo hội muốn nhắc nhở và mời gọi chúng ta suy ngắm. Qua đó, mời gọi chúng ta đi vào tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được thể hiện qua sứ mạng của các Thiên thần Bản mệnh.

Chính vì thế mà Giáo hội dành ngày 2 tháng 10 hằng năm để đặc biệt kính nhớ các Thiên Thần Bản Mệnh, liền sau lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần.
Nhận biết bao ân phúc của các Thiên thần nói chung và các Thiên Thần Bản Mệnh nói riêng, chúng ta phải có bổn phận đối với các ngài. Cụ thể bổn phận đó là gì nếu không phải là luôn ý thức về sự hiện diện của các ngài bên cạnh chúng ta; bổn phận đó là gì nữa nếu không phải là hằng tôn kính và yêu mến các ngài; và bổn phận đó còn là gì nếu không phải là luôn biết ơn và sống theo sự hướng dẫn của các ngài. Sẽ thật là vô ơn đối với Chúa và cả đối với các Thiên thần bản mệnh, nếu chúng ta không hề ý thức về sự hiện diện của các ngài, không biết tôn kính mến yêu các ngài, và nhất là không muốn vâng phục các ngài. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.

Các Thiên thần phụng mệnh Thiên Chúa, nên các ngài cũng tôn trọng tự do của con người. Có nghĩa là nếu chúng ta không cần đến các ngài, không kêu cầu các ngài, thì các ngài không dám can thiệp vào cuộc đời của chúng ta.
Hãy luôn ý thức sự hiện diện của các Thiên Thần Bản Mệnh, tôn kính và kêu cầu các ngài. Đừng để cho các ngài phải thất nghiệp; đừng để cho các ngài phải đứng ngoài cuộc đời và các quyết định của chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

1 thg 10, 2012

NHỮNG CÁNH HOA TUYỆT VỜI


     Teresa xin Người mưa đổ,
    Vạn đoá hồng sốt mến yêu thương
     Đường thơ bé : Tin yêu - Phó thác
     Dẫn bước con tới bến Thiên Đường... (Am)


 Mừng Kính Thánh Teresa Hài Đồng Hài Đồng Giêsu : Bổn Mạng Ca đoàn TERESA, Gx. Thiên Ân.