Các thánh là những người đã tâm niệm và sống hoàn toàn giới luật “mến Chúa yêu người”. Các thánh hiểu hơn ai hết rằng: “Làm vinh danh Chúa là tìm hạnh phúc cho tha nhân”. Vì thế, chúng ta không lạ gì thấy vòm trời Giáo hội lung linh nhiều ngôi sao bác ái! Thánh Vinh Sơn mà chúng ta đọc truyện hôm nay là một trong những ngôi sao đặc biệt ấy!…
Thánh nhân chào đời ngày 24 tháng 4 năm 1581 tại làng Rouy, một làng nhỏ xinh xinh gần kề bên thành phố Dax. Thánh nhân thuộc gia đình trung nông, cha là Gioan Phaolô, và mẹ là Betran Moras. Cả hai là những công dân uy tín, những tín hữu đầy đức tin. Vì thế, dù hoàn cảnh kinh tế chật vật, ông bà cũng gây nên một gia đình hạnh phúc với sáu mặt con, hai trai bốn gái mà Vinh Sơn là con thứ ba.
Vinh Sơn lớn lên với tinh thần đơn sơ, để thông cảm với mọi người, nhất là cảnh tần tảo sớm hôm của cha mẹ. Đó phải chăng là mầm non bác ái Chúa đã sớm trồng vào tâm hồn cậu. Vì thế cậu không ngần ngại giúp đỡ cha mẹ trong những công việc vừa sức. Chưa đầy tám tuổi, cậu đã dẫn chiên đến những đồng cỏ non xanh, rạch nước suối trong. Dẫn chiên về, cậu giúp mẹ thu xếp việc nhà, như nhào bột, kín nước… Song đối lại với tinh thần trọng việc xác, Vinh Sơn còn có một trí khôn minh mẫn, nhiều sáng kiến, trổi vượt hơn anh chị em và các bạn cùng tuổi. Thấy cậu có tư chất thông minh, ông bà Phaolô không ngần ngại hy sinh công việc và tiền bạc cho con theo học. Trí đã sáng lại cần mẫn, Vinh Sơn học chưa đầy sáu tháng đã chiếm giải nhất và trổi vượt các bạn. Nhưng để bảo đảm việc học, để giúp phần nào số chi tiêu của gia đình, Vinh Sơn đã đánh bạo xin một chân làm việc trong xưởng đóng giầy…
Trí thông minh và đời sống nhân đức của Vinh Sơn mỗi ngày một sáng tỏ như ánh bình minh buổi đẹp trời. Nhờ đó, dù mới 15 tuổi, ngài đã được cha hiệu trưởng thuộc dòng thánh Phanxicô giới thiệu với đức giám mục, xin cho nhập hàng giáo sĩ và chịu phép cắt tóc. Ngày 23.9 năm 1600, vừa lúc Vinh Sơn 19 tuổi, Bề trên gọi thầy chịu chức linh mục. Sau đó, cha Vinh Sơn vẫn được tiếp tục học tại Đại học đường Saragossa và Tôlôsa. Suốt mười năm cần cù với sách vở, cha chuyên nghiên cứu khoa giáo sử, thần học, Kinh thánh và xã hội học.
Cha Vinh Sơn chịu chức linh mục vào giữa thời Giáo hội Pháp suy đồi: bản phúc trình của Đức Hồng Y đặc sứ Rêđixiđê đệ lên Đức Clêmentê VIII (1592-1605), cũng đủ cho chúng ta thấy rõ tình trạng Giáo hội Pháp bấy giờ đã đồi bại đến mức nào! Thêm vào đó, cảnh nghèo đói và tội ác mỗi ngày một lan tràn, thay thế cho tình thương và nghĩa cử. Trước thảm cảnh điêu tàn và vô luân ấy, những người có tâm hồn bác ái làm sao khỏi mủi lòng! Tinh thần bác ái của Phúc âm lúc này dâng cao trong tâm hồn cha Vinh Sơn. Thông cảm nỗi khổ cực của dân chúng, nhận thức đời sống quá tầm thường của giáo sĩ, cha Vinh Sơn buộc mình không sống xa hoa, hay chạy theo mốt của thời đại. Cha nỗ lực hoạt động xin Chúa thay đổi tình trạng đau thương…
Trước khi cha Vinh Sơn bắt tay vào việc cải cách đời sống các linh mục, người ta kể rằng Chúa Quan phòng đã dun dủi cho một góa phụ thành Tôlôsa cống hiến cho cha tất cả gia tài. Với món tiền đó, cha Vinh Sơn bắt đầu cuộc hành trình sang Phi châu truyền giáo và cứu đỡ những người bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt. Trên đường vượt trùng dương, cha phải vượt qua nhiều gian lao, bão táp và nguy hiểm. Dầu vậy vẫn không thoát, con thuyền của cha vô tình lọt vào ổ phục kích của quân cướp. Cha Vinh Sơn bị bắt bán cho một ngư ông. Nhưng vì cha không quen nghề, ngư ông lại bán cha cho một chủ hãng luyện kim khí, là một tín đồ trung thành của Hồi giáo.
Mấy tháng sau, ông chết, vợ ông lại bán cho một người Pháp tên là Gautier, một linh mục phá giới và hiện sống với ba vũ nữ. Thời gian vắn vỏi nhưng đời sống của cha Vinh Sơn đã có nhiều ảnh hưởng trong gia đình chủ nô. Khâm phục đời sống thánh thiện của cha, ông Gautier đã hối hận về cuộc đời quá khứ và quyết trở về với Thiên Chúa. Chính ông đã xuất của đem cha Vinh Sơn trở lại đất Pháp. Sau hai năm lưu lạc, sống vất vưởng nơi quê người, cha Vinh Sơn sung sướng trở về Pháp và được tháp tùng Đức Khâm sứ sang Motôriô, sang Rôma. Ngài lưu lại đấy học thêm thần học và triết lý.
Nhưng học chưa hết chương trình thì Đức Hồng Y Ossat gọi cha về Paris. Kỳ này dù bị bệnh, cha Vinh Sơn cũng không ngừng việc truyền giáo. Cha đã khuất phục được nhiều chúa trùm thệ phản trở lại đạo công giáo. Nhiều phụ nữ quí tộc, nghe lời cha cởi áo đời xin vào tu viện. Hơn thế, công chúa Magarita Valois, con vua Henri II, nhận cha làm cha linh giám. Nhờ sự dìu dắt của cha, công chúa mỗi ngày một thêm thánh thiện và bác ái. Công chúa đã giúp cha nhiều tiền bạc để thực hiện công tác xã hội như giúp đỡ người nghèo, các bệnh nhân và cô nhi quả phụ…
Thời này, cha Vinh Sơn giao tiếp thân mật với Đức Hồng Y Berulle và cha Bourdoise. Với tình tri kỷ theo tinh thần Chúa Kitô và nhờ ơn Chúa, sau những lần tĩnh tâm, ba vị quyết tâm giúp nhau truyền giáo theo ba phương diện: Đức Berulle kiên tâm lập dòng “Anh em rao giảng” (Oratores); cha Bourdoise hiến thân làm tông đồ cho chính hàng giáo sĩ Pháp, và sau cùng lập một cộng đồng ở nhà xứ Nicôla. Riêng cha Vinh Sơn, cha đã đáp lại trung thành ơn kêu gọi đi giúp những người nghèo khổ. Địa điểm hoạt động đầu tiên của cha là Clichy, một xứ đạo vừa bé nhỏ vừa rất khô khan. Nhưng nhờ sự tận tâm và gương sáng của Cha, xứ Clichy dần dần tăng tiến về cả tinh thần lẫn vật chất. Ai có thể kể được những kết quả truyền giáo cha Vinh Sơn đã gặt hái được tại đây! Địa điểm thứ nhì của cha vừa rộng rãi hơn, vừa thuận lợi hơn cho công việc hoạt động là Chantillon. Hưởng ứng lời cha kêu gọi, nhiều gia đình quí phái dâng nhà cửa để cha lập cơ sở cải huấn những người xấu nết, làm bệnh viện thâu nhận các bệnh nhân, và mở hội quán dạy giáo lý cho những người tân tòng.
Cán bộ của cha hầu hết là những thanh nữ thuộc gia đình trâm anh thế phiệt, hay những thanh niên đã đứng tuổi và có hạnh kiểm tốt. Tại Clichy cũng như tại Chantillon, họ là những đoàn viên tiên khởi và cốt cán của hội “Bác ái” là ngày 22.9.1623, Cha Vinh Sơn được Đức Tổng Giám mục Paris cho phép thành lập. Nhờ ơn Chúa, hội phát triển mau lẹ sang các miền lân cận. Hai tiểu tổ ở Clichy và Chantillon ví được như hai rạch khe nhỏ chảy trên sườn đồi mà ngày nay, nhờ ơn Chúa Quan phòng, đã thành con sông lớn toả ra nhiều nhánh, mang nước bác ái thấm nhuần mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân loại…
Theo ý muốn của cha Vinh Sơn, phận sự của hội là thương giúp người nghèo, lấy Chúa Giêsu làm bổn mạng, với khẩu hiệu căn bản: “Hãy thương yêu như Cha Ta hằng thương yêu”.
Hoạt động bác ái của cha Vinh Sơn khiến nhiều người phải thán phục. Trong số những người có cảm tình sâu xa nhất, ta phải kể ông Philippe Emmanuel Gondi, tổng giám đốc trại tù khổ sai ở Pháp. Ông giúp cha có đủ điều kiện lui tới viếng thăm đám người trong ngục tù. Cha cầm lòng sao được trong cảnh sống thiếu vệ sinh, thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu những nhu cầu cần yếu để sống xứng đáng nhân phẩm và địa vị người con của Thiên Chúa. Cha nỗ lực hoạt động, với sự cộng tác của đoàn con bác ái và sự ủng hộ nhiệt liệt của các người hảo tâm. Thiên Chúa và các đấng thay quyền Người tỏ ra rất bằng lòng với công việc truyền giáo của cha. Theo lời yêu cầu của nhiều công chức cao cấp, ngày 7.11.1619, Hoàng đế Luy ký sắc lệnh chính thức cử cha Vinh Sơn làm tổng tuyên úy các trại giam. Cha có đặc quyền lựa chọn các cha tuyên úy khác cho mỗi trại. Bằng nhẫn nại, hy sinh, và bác ái, cha Vinh Sơn đã chu toàn nhiệm vụ, đem về cho Chúa nhiều linh hồn.
Một đối tượng nữa lôi cuốn tâm hồn bác ái của cha Vinh sơn là tình trạng sa sút của Giáo hội Pháp đương thời. Theo các sử gia, tình trạng ấy xảy ra là do hàng linh mục hầu như mất tinh thần trách nhiệm. Gia nhập hàng giáo sĩ đối với các vị không có nghĩa là để chấp nhận những mệt nhọc phiền toái, mà là để được thuộc về “giai cấp thứ nhất trong vương quốc Pháp”. Các vị đó không được đào tạo kỹ lưỡng: trình độ chỉ ở mức biết đọc biết viết, thêm vào đó một vài khái niệm về các nghi thức. Các vị chỉ học những nghi thức ấy để làm những cử chỉ, chứ không để có một phong cách sống xứng chức linh mục. Thành ra, tại các thành phố, các linh mục và đan sĩ tràn ngập, sống nhàn rỗi, trở nên có thể nói là sa đoạ. Chỉ tại Paris đã có đến mười nghìn linh mục như thế! Tại các làng mạc miền quê, bao vị chủ chăn gây gương mù gương xấu, dốt nát, lười biếng. Các vị nổi tiếng vì nết xấu hơn là nhân đức: có những lần các vị được khiêng từ quán rượu về nhà xứ vì đã quá chén. Cho nên giáo hữu không được học hỏi về đức tin, không biết thế nào là bổn phận kitô hữu. Ngay trong các trường học công giáo nội trú, cũng có học sinh lên rước lễ lấy bánh thánh làm keo dán...
Trước tình trạng đó, cha Vinh sơn rất đau lòng. Sau khi bàn bạc với thánh Giám mục Phanxicô Salê, Hồng Y Désulle, linh mục Olien. Cha quyết định tụ tập một số linh mục đạo đức, có tâm huyết, có học thức tương đối về thần học, lập thành một tu hội truyền giáo (Congrégation de la mission). Tu hội thành hình vào năm 1625, và phát triển khả quan. Ngày 12.6.1633, Toà thánh gửi sắc chỉ “Salvatonin nostri” đặt nền tảng pháp lý cho tu hội. Mục đích của tu hội là huấn luyện thanh niên thành những linh mục tốt, có nhân đức và khả năng, để truyền giáo trong dân chúng. Trung tâm tu hội đặt tại giáo xứ Saint Lajare, do đó các thành viên có tên gọi là Lajaristes.
Dầu bận bịu với tu hội, cha cũng không quên giới nghèo khổ và bệnh nhân. Cha tìm cách kéo dài công việc cha đã làm cho họ. May mắn, cha gặp được cô Louise de Marilla, một phụ nữ quý phái ở Paris. Gọi là cô nhưng thật ra Lonise là một quả phụ. Cô nhận cha Vinh sơn làm linh hướng: một bà quý phái Paris làm con thiêng liêng một linh mục giai cấp quê mùa chất phác. Nhưng cả hai đã làm nên một công trình ngoại hạng. Đó là dòng tu Nữ Tử Bác Ái (Filles de la Charité). Hội dòng nhóm lên từ năm 1633 và được công nhận năm 1655. Khác với các dòng nữ đương thời phải tu trong nội vi kín, dòng Nữ Tử Bác Ái dấn thân vào đời săn sóc bệnh nhân, người nghèo khổ, trẻ em bị bỏ rơi. Đó là dòng nữ đầu tiên vào đời, không nội vi kín trong Giáo hội. Dòng thành công mỹ mãn vì hợp với nhu cầu thời đại và con người muôn thuở. Hiện nay dòng có trên 40.000 nữ tu và hoạt động tại gần 80 quốc gia trên thế giới. Trên danh nghĩa, thánh nữ Lonise de Marilla là nhà sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái, nhưng thực chất dòng lại là công trình của thánh Vinh sơn Phaolô. Cho đến nỗi, qua bốn thể kỷ, người ta vẫn gọi đó là dòng của thánh Vinh sơn Phaolô.
Ngoài hai hội dòng đó, tinh thần bác ái của cha Vinh sơn còn trải sang ba tổ chức bác ái gây tiếng vang khá rộng. Đó là tu hội Anh em thánh Vinh sơn Phaolô (Frères de Saint Vincent de Paul), tu hội Bác ái (Fils de la Charité) và hội bác ái thánh Vinh sơn Phaolô (Conférence de Saint Vincent de Paul). Hội này dành cho giáo dân thực thi bác ái trong quần chúng, cũng đã lan tràn khắp thế giới.
Nhiệm vụ truyền giáo, nêu cao ngọn đèn bác ái và hướng dẫn lớp người đau khổ về với Chúa đã khiến cha Vinh Sơn hết dẻo dai: sinh lực cha mỗi ngày một mòn yếu, thêm vào đó cha còn phải mang chứng bệnh phong thấp bất kham. Lúc đầu con bệnh còn nhẹ, cha có thể làm lễ và chủ tọa các buổi họp đoàn “con bác ái”; nhưng năm 1660, bệnh trở nên trầm trọng, cha Vinh Sơn nằm liệt trên giường, chỉ rước Mình Chúa như của ăn đàng. Thấy cha quá đau yếu vì cơn bệnh cốt khí với những ung nhọt mọng nước vàng, nhiều người đến thăm tỏ dấu thương hại, nhưng cha Vinh Sơn vẫn tươi tỉnh, điềm nhiên nói với họ: “Ôi! Chúa còn chịu đau đớn hơn tôi gấp ngàn vạn lần”. Cha chịu như thế cho đến chiều ngày 27.9.1660, thì được Chúa cất về trời cách êm ái. Cha hưởng thọ 84 tuổi. Tiếng chuông báo tử ngân vang khắp xứ, gợi lên trong lòng mọi người một nỗi buồn thấm thía. Ngày 28.9, ngày lễ an táng di hài cha Vinh Sơn, quang cảnh phố xá vô tình trở nên nhộn nhịp. Trên các nẻo đường từng đoàn người chen nhau đến viếng xác và mộ cha. Họ tin tưởng vào lời bầu cử của cha trên nơi vĩnh cửu.
Mà thực, lòng chân thành ước nguyện của họ đã được đáp lại bằng nhiều phép lạ. Ở đây chỉ xin đan cử vắn tắt vài trường hợp: Một chị dòng thánh Biển Đức là Monmiraille phải chứng nhọt kinh niên rất đau đớn và thối tha. Chị đã được khỏi cách lạ lùng nhờ lời cầu nguyện và quyền phép của cha Vinh Sơn. Ông Phanxicô Richer, một thương gia ở Paris, bị bệnh đau màng óc lâu năm. Ông chạy chữa đã nhiều nhưng vẫn không khỏi, thế mà chỉ sau một giờ cầu nguyện bên mộ cha Vinh Sơn, ông đã được khỏi hoàn toàn.
Chuẩn nhận lòng sùng kính cha Vinh Sơn mỗi ngày một phổ biến trong giáo dân, Giáo hội, năm 1727, nhằm ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII truyền ghi Á Thánh Vinh Sơn vào sổ các vị Hiển Thánh. Sau cùng Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, năm 1885, lại đặt thánh Vinh Sơn làm bổn mạng các phong trào từ thiện.
Giáo hội đã đặt cha Vinh sơn lên bàn thờ, đã tôn cha làm bổn mạng các phong trào từ thiện không những vì nhận thấy huân công xứng đáng của cha, nhưng còn muốn cho mọi người theo gương thánh nhân, thực hiện bác ái, như ngài đã noi gương chính Chúa Kitô vậy.
HẠNH CÁC THÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét