Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Stephanô, tử đạo, ngay sau Lễ Giáng Sinh? (26 tháng 12) Câu trả lời có lẽ liên kết mục đích của việc Nhập Thể với bổn phận của Kitô hữu: “Niềm vui Giáng Sinh là con người được nhìn thấy Ơn Cứu Độ; nhưng để đạt được Ơn Cứu Độ, con người phải chứng minh niềm tin của mình nơi Người Con.” Sau những vui mừng nhộn nhịp của Ngày Giáng Sinh, con người dễ có khuynh hướng trở lại cuộc sống bình thường, Giáo Hội muốn nhắc nhở cho các tín hữu bổn phận làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày.
Các Bài đọc hôm nay xoay quanh việc làm chứng cho Đức Kitô.
Trong Bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc tử đạo của Stephanô, chứng nhân đầu tiên cho Đức Kitô. Trong Vuơng Cung Thánh Đường Stephanô của các cha Đa-minh tại Đất Thánh, trong Học-viện Thánh Kinh École Biblique, có vẽ 3 tấm hình: một của Gioan Tẩy Giả đang chỉ tay vào Chúa Giêsu, Người đứng giữa và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.” Một của Phó-tế Stephanô cũng chỉ tay vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Đấng mà tôi đã đổ máu làm chứng cho Ngài.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ giá phải trả của sứ vụ làm chứng cho Ngài: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.”
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."
1.1/ Tiểu sử của Stephanô: Phó-tế Stephanô là một trong 7 Phó-tế đầu tiên được chọn để giúp các Tông-đồ. Lý do có Phó-tế là để các Tông-đồ chuyên lo việc cầu nguyện và giảng dạy (Acts 6:1-6). Điều kiện để làm Phó-tế là phải có thanh danh tốt, đầy tràn Thánh Thần và khôn ngoan. Chúng ta không biết nhiều về lịch sử của ông. Tên của ông Stephanô, tiếng Hy-Lạp có nghĩa là “triều thiên.” Trên tấm bia tìm được nơi mộ ông, có khắc chữ Kelil, một từ Aramaic cho Stephanos của Hy-Lạp. Có lẽ đây là tên nguyên thủy của ngài.
Không ai biết rõ địa điểm nơi ngài bị ném đá. Có người cho là tại Cổng Stephanô của Thành Jerusalem ngày nay; điều này không chắc chắn vì không thấy tài liệu lịch sử nào ghi lại. Hơn nữa, các Cổng Thành hiện nay cũng mới được xây lại từ thế kỷ 16. Nguồn sử liệu chắc chắn hơn và dựa trên khám phá khảo cổ mới tại Đất Thánh, xương cốt của ngài được để tại Vương Cung Thánh Đường Stephanô của các cha Đa-minh trong khuôn viên của Học-viện Kinh Thánh. Vương Cung Thánh Đường mới được xây dựng lại trên nền nhà của Vương Cung Thánh-đường Byzantine cũ, xây dựng vào năm 431 bởi Juvenal, Giám-mục của Jerusalem, với sự trợ giúp của Bà Hòang Eudocia. Thánh Cyril, Giám-quản của Alexandria, khánh thành Thánh Đường vào ngày 15 tháng 5 năm 439. Trong khi khánh thành, Thánh Cyril đã cho di chuyển xương cốt của Stephanô, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi, từ một nhà thờ trên Núi Sion đã giữ xương cốt này trong 24 năm vào Thánh Đường này. Bà Hòang Eudocia cũng được chôn cất tại đây.
Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả vắn tắt cuộc đời của Stephanô: Ông Stephanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Địch thù tranh luận với ông là những người thuộc hội đường gọi là hội đường của “nhóm nô lệ được giải phóng,” gốc Cyrene và Alexandria, cùng với một số người gốc Cilicia và Asia. Hậu quả của cuộc tranh cãi: “Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông. Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.” Vì họ không thể cãi lại ông, nên họ dùng những con người gian dối để tố cáo ông tội phạm thượng tới Thiên Chúa và Moses, để có cớ ném đá ông (Acts 6:14).
1.2/ Biến cố tử đạo của Stephanô: Trình thuật kể: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa." Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saul. Họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."”
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét