30 thg 12, 2014

Ngôi Lời đã thành người (31.12.2014 – Thứ Tư – ngày 7 trong tuần Bát nhật Giáng Sinh)


Lời Chúa: Ga 1, 1-18  
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Suy niệm:
Ông Soren Kierkegaard, một triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau. 
Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo. 
Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. 
Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu. 
Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn. 
Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng, 
trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô. 
Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu. 
Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua. 
Nhưng nhà vua vẫn dám liều, vì ông quá yêu cô thôn nữ, 
và ông muốn đây là một mối tình thực sự.
Câu chuyện cảm động trên đây đưa ta vào chuyện tình 
đã xảy ra giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và nhân loại. 
Ngôi Lời còn cao trọng hơn vị vua kia bội phần. 
Ngài là Thiên Chúa Con Một, dựng nên vạn vật (cc. 3. 18). 
Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa, 
nên chỉ Ngài mới có thể bày tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c.18). 
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14). 
Tất cả những điều ấy là quà tặng của Ngôi Lời cho con người.
Nhưng quà tặng lớn lao và bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui, 
đó là biến cố Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14). 
Con Thiên Chúa trở nên con của loài người và mang tên Giêsu (c. 17). 
Ngài mang khuôn mặt của ta, đứng chung một dòng tiến hóa với ta. 
Ngài dựng lều trên trái đất, một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời, 
vì đã được ghi dấu chân Con Thiên Chúa. 
Ông Luther viết: “Ngài đã ăn, uống, ngủ, thức; 
Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui. 
Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện, 
đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không, 
ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội.”
Khác với vị vua không muốn làm vua nữa để thành nông dân, 
Ngôi Lời khi thành người vẫn là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy. 
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. 
Nếu Ngài chỉ là một con người hay một bậc vĩ nhân, 
thì Ngài chỉ đáng ta kính trọng chứ không phụng thờ. 
Nếu Ngài chỉ là một Thiên Chúa đội lốt người, chứ không là người thật, 
thì Ngài không thể cứu độ và thần hóa con người. 
Lễ Giáng sinh là lễ hội của mọi người trên mặt đất 
vì Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ phận người của chúng ta. 
Ngài đã đến với thế giới này như nhà của Ngài (cc. 9. 11). 
Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12) 
là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. 
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ. 
Có ai mở cửa cho Ngài không? (Kh 3, 20).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 12, 2014

Ơn cứu độ cho muôn dân (29.12.2014 – Thứ hai – Ngày 5 trong Tuần Bát nhật Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 2, 22-35
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Suy nim 
Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. 
Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê. 
Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21). 
Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), 
nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế 
để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). 
Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), 
phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. 
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy. 
Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, 
và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. 
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, 
dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận. 
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. 
Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi. 
Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. 
Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24). 
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. 
Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). 
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. 
Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không? 
Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon. 
Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25), 
và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26). 
Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27). 
Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, 
nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. 
Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp. 
Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ, 
còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng. 
Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc. 
Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi. 
Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31). 
Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân, 
là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày, 
cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon. 
Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong. 
Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. 
Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, 
chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. 
Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

28 thg 12, 2014

Thánh Gia Thất - Năm B




Tin Mừng:  Lc 2,22-40
           
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài. Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người. Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng -còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Feast of the Holy Family - Year B

27 thg 12, 2014

Tiến dâng cho Chúa (28.12.2014 – Chúa nhật, Lễ Thánh Gia năm B)


Lời Chúa: (Lc 2, 22-40)
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. 27 Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
33 Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. 34 Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng 35 còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. 40 Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Suy Niệm
Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.
Ngôi Lời làm người chấp nhận có mẹ, có cha.
Tuy thánh Giuse và Ðức Maria không có tương giao vợ chồng,
nhưng tình yêu chẳng bao giờ thiếu ở Nadarét.
Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia,
nhưng chúng ta thấy Hai Ðấng luôn ở bên nhau,
đi chung với nhau trên những con đường,
chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui,
trong thời gian Ðức Giêsu còn thơ ấu.
Thánh Giuse đã đưa Ðức Maria đi Bêlem.
Ðoạn đường cam go đối với người gần ngày sinh nở.
Thánh Giuse cũng đã đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài
trốn sang Ai Cập, rồi lại đưa về làng cũ.
Có lần cả hai phải vất vả mấy ngày
tìm con trong âu lo và nước mắt.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
cả gia đình thánh lên Ðền Thờ lần đầu tiên.
Một đôi vợ chồng nghèo với đứa con còn nhỏ.
Ðây là một gia đình gắn bó với luật Chúa.
Luật dạy người mẹ phải tẩy uế sau khi sinh con.
Ðức Maria vui lòng giữ luật ấy,
dù Mẹ biết Ðấng được Mẹ sinh ra là Ðấng Thánh.
Luật dạy phải chuộc lại đứa con trai đầu lòng
vì nó thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu chẳng những đã được chuộc lại,
mà còn được cha mẹ Ngài tiến dâng cho Chúa.
Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình.
Ngài đã tập làm người.
Mái nhà là trường học đầu tiên.
Thầy cô đầu tiên là cha mẹ.
Ðức Giêsu lớn dần về mọi mặt thật hài hòa.
Bé Giêsu, anh Giêsu, chú Giêsu, Ông Giêsu…
Ngài lớn lên trong dòng thời gian.
Thời gian là ánh mặt trời làm cho trái chín.
Nhờ lao động với Cha nuôi mà Ngài trở nên vững vàng
và đủ sức khỏe để đảm nhận sứ vụ.
Nhờ chuyên cần học tập mà Ngài thêm khôn ngoan.
Dù Ngài là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa,
nhưng Ngài vẫn học hỏi nơi bạn bè, kinh sư,
nơi kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống.
Nhờ được dạy cầu nguyện mà Ngài có tình thân với Cha.
Những lời kinh đầu tiên được bập bẹ trên gối mẹ.
Nadarét đã thành trường huấn luyện Ðức Giêsu
trở nên người biết sống cho người khác,
và nên vị tông đồ tuyệt vời cho Cha và nhân loại.
Có bao bài học sống động ở dưới mái ấm này.
Bài học yêu thương, cảm thông , tha thứ,
bài học phục vụ, quên mình, khiêm hạ xin vâng…
Ước gì mọi gia đình Kitô hữu đều là một Thánh Gia,
để mỗi người con đều trở nên một Giêsu.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chính chắn và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm
đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,”
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 12, 2014

Xin nhận lấy hồn con (26.12.2014 – Thứ Sáu – Ngày II trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi)


 

Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60

Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.

Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Suy nim:

Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu.
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo.
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12).
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.

Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo,
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15).
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu.
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người,
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58).
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).

Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu.
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung.
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,
như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha.
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết,
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình.
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).

Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi.
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng.
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết,
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


25 thg 12, 2014

Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Ban Ngày)


Tin Mừng:  Ga 1:1-5, 9-14
               
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật,  ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,  cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông,  nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Christmas|Mass During the Day

Jn 1:1-5, 9-14

In the beginning was the Word,
and the Word was with God,
and the Word was God.
He was in the beginning with God.
All things came to be through him,
and without him nothing came to be.
What came to be through him was life,
and this life was the light of the human race;
the light shines in the darkness,
and the darkness has not overcome it.
The true light, which enlightens everyone, was coming into the world.
He was in the world,
and the world came to be through him,
but the world did not know him.
He came to what was his own,
but his own people did not accept him.

But to those who did accept him
he gave power to become children of God,
to those who believe in his name,
who were born not by natural generation
nor by human choice nor by a man's decision
but of God.
And the Word became flesh
and made his dwelling among us,
and we saw his glory,
the glory as of the Father's only Son,
full of grace and truth.

Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Rạng Đông)


15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." 16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
Christmas ( Mass at Dawn)

Lk 2:15-20

When the angels went away from them to heaven,
the shepherds said to one another,
"Let us go, then, to Bethlehem
to see this thing that has taken place,
which the Lord has made known to us."
So they went in haste and found Mary and Joseph,
and the infant lying in the manger.
When they saw this,
they made known the message
that had been told them about this child.
All who heard it were amazed
by what had been told them by the shepherds.
And Mary kept all these things,
reflecting on them in her heart.
Then the shepherds returned,
glorifying and praising God
for all they had heard and seen,
just as it had been told to them.

24 thg 12, 2014

Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm)


Tin Mừng:  Lc 2,1-14
                Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.
                Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bàkhông tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Christmas || Midnight Mass

Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Vọng)




Mt 1:18-25
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ :  23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

 Christmas (The Vigil Mass)

Mt 1:18-25

This is how the birth of Jesus Christ came about.
When his mother Mary was betrothed to Joseph,
but before they lived together,
she was found with child through the Holy Spirit.
Joseph her husband, since he was a righteous man,
yet unwilling to expose her to shame,
decided to divorce her quietly.
Such was his intention when, behold,
the angel of the Lord appeared to him in a dream and said,
"Joseph, son of David,
do not be afraid to take Mary your wife into your home.
For it is through the Holy Spirit
that this child has been conceived in her.
She will bear a son and you are to name him Jesus,
because he will save his people from their sins."
All this took place to fulfill
what the Lord had said through the prophet:
Behold, the virgin shall conceive and bear a son,
and they shall name him Emmanuel,

which means "God is with us."
When Joseph awoke,
he did as the angel of the Lord had commanded him
and took his wife into his home.
He had no relations with her until she bore a son,
and he named him Jesus.

23 thg 12, 2014

Tên cháu là Gioan (23.12.2014 – Thứ Ba – Trước Lễ Giáng Sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 57-66

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”. 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.

Suy nim:

Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu,
Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.

Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả.
Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25),
bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58).
Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm.
Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng.
Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước.
Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.

Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60),
nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này,
vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha.
Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria.
Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông.
Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con.
“Tên cháu là Gioan” (c. 63).
Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị.
Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan,
thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64).
Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm.
Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ.
Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé.
Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.

“Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66).
Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi.
Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra:
ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi,
ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước,
người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66).
Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban,
bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại.
Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường.
Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).

Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng.
Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa.
Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng.
Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên,
nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa.
Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan.
Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa.
Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình,
và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó.
Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.

(Myrtle Householder)

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 12, 2014

Nữ tỳ hèn mọn (22.12.2014 – Thứ hai – trước Lễ Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 46-56
46 Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
50 Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim:
Bài ca ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Maria
sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ.
Êlisabét ca ngợi Maria là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ
vì Mẹ đang cưu mang trong dạ Đấng Cứu Tinh.
Bà còn ca ngợi Maria có phúc vì đã dám tin vào lời Chúa phán,
và dám liều để cho lời ấy dẫn dắt đời mình.
Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét mới biết được Tin Vui
mà Maria tưởng rằng đó là bí mật chỉ riêng mình biết.
Khi đứng trước bà chị cao niên đang mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần nói,
và vào mầu nhiệm đang âm thầm lớn lên nơi cung lòng mình.
Khi bà chị Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa.
Maria nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của Mẹ (c. 47.)
Nếu Mẹ được đầy ân sủng, được Chúa ở cùng và được đẹp lòng Ngài,
nếu Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao nhờ Thánh Thần (Lc 1, 28-35),
thì đó không phải là do công của Mẹ, nhưng là ơn của Chúa.
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49).
Maria không có một sự khiêm nhường giả tạo về mình.
Khiêm nhường thực sự là nhìn nhận sự thật.
Mẹ nhìn nhận những điều độc nhất vô nhị Chúa làm cho đời mình.
Ngài đã nhìn xuống đời Mẹ, cuộc đời thấp hèn của một tỳ nữ.
Và cái nhìn cúi xuống của Ngài đã nâng Mẹ lên cao,
khiến cho muôn thế hệ phải ngợi khen, tôn kính (c. 48).
Nhưng Maria không phải là người duy nhất được Thiên Chúa thi ân.
Ngài thương xót những ai hèn mọn, đói nghèo, biết kính sợ Chúa.
Ngược lại, Ngài giơ cánh tay biểu dương sức mạnh (cc. 50-53),
để dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi đi kẻ giàu sang.
Thiên Chúa đầy thương xót, nên cũng mạnh tay để tạo lại sự công bằng,
để đem lại sự no đủ cho người nghèo và sự tự do cho người bị áp bức.
Thiên Chúa ấy cũng trung tín giữ lời hứa với Dân Ítraen (cc. 54-55).
Maria đã ở lại với bà chị họ độ ba tháng mới trở về nhà.
Ba tháng mang thai đầu tiên của một người mẹ trẻ đâu có dễ.
Maria đã ở lại để phục vụ cho bà Êlisabét gần ngày sinh.
Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác.
Êlisabét hẳn là vui vì được hầu hạ bởi Thân Mẫu Chúa.
Gioan trong bụng mẹ sung sướng vì được gần Đấng Thiên Sai.
Ít khi ta suy niệm chuyện Đức Maria mang thai hơn chín tháng.
Thai Nhi Giêsu lớn dần lên từng ngày trong dạ mẹ, chờ ngày chào đời.
Tình Mẹ-Con cũng lớn lên, thân thiết, gần gũi.
Mang thai và sinh con là niềm vui, nhưng đòi bao hy sinh nhọc nhằn,
nhất là vào thời xưa, khi vệ sinh và tiện nghi không có.
Để sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, vẫn cần có những Maria
chấp nhận cưu mang, chấp nhận vượt cạn,
chấp nhận kiên nhẫn chờ đợi để sinh những Giêsu cứng cáp cho thế giới.
Cầu nguyn:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 12, 2014

TÁI SINH

TÁI SINH
Nhạc: Vũ Thành An
Tiếng hát: Thanh Mai
Minh họa: Các em Thiếu nhi & Ca đoàn

Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm B


Tin Mừng Lc 1,26-38
           
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận". Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được". Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Sunday IV of Advent - Year B


Gospel Lk 1, 26-38
The angel Gabriel was sent from God
to a town of Galilee called Nazareth,
to a virgin betrothed to a man named Joseph,
of the house of David,
and the virgin’s name was Mary.
And coming to her, he said,
“Hail, full of grace! The Lord is with you.”
But she was greatly troubled at what was said
and pondered what sort of greeting this might be.
Then the angel said to her,
“Do not be afraid, Mary,
for you have found favor with God.

“Behold, you will conceive in your womb and bear a son,
and you shall name him Jesus.
He will be great and will be called Son of the Most High,
and the Lord God will give him the throne of David his father,
and he will rule over the house of Jacob forever,
and of his kingdom there will be no end.”
But Mary said to the angel,
“How can this be,
since I have no relations with a man?”
And the angel said to her in reply,
“The Holy Spirit will come upon you,
and the power of the Most High will overshadow you.
Therefore the child to be born
will be called holy, the Son of God.
And behold, Elizabeth, your relative,
has also conceived a son in her old age,
and this is the sixth month for her who was called barren;
for nothing will be impossible for God.”
Mary said, “Behold, I am the handmaid of the Lord.
May it be done to me according to your word.”
Then the angel departed from her.

Mừng vui lên (21.12.2014 – Chúa nhật 4 Mùa Vọng – B)



Lời Chúa: (Lc 1, 26-38)

26 Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gábrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, 27 gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Ba Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. 38 Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 Suy Niệm

Khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể,
chúng ta thường nghĩ tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem.
Thật ra mầu nhiệm này đã bắt đầu
từ sau tiếng Xin Vâng của Ðức Maria ở Nadarét.
Sau tiếng Xin Vâng ấy, Ngôi Lời đã thành một thai nhi,
lớn lên trong lòng mẹ như hàng tỉ con người khác,
cần chín tháng mới có thể cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi Lời không lẫm liệt từ trời bước xuống.
Ngài muốn là người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người mẹ.
Ngài đi ra từ lòng mẹ: mong manh, yếu đuối.
Ngôi Lời đã thành một người như chúng ta,
chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ phạm tội.
Ngôi Lời đã là người, và mãi mãi là người.
Ngài đã đi hết hành trình cuộc sống
với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở.
Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài.
Ngài chẳng xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống.
Hôm nay Ngôi Lời vẫn là người, ngự bên Chúa Cha.
Có một người được tôn vinh ở giữa lòng Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Nhập Thể đâu phải chỉ ở Bêlem,
vì Ngôi Lời mãi mãi là người, người Anh trưởng,
dẫn đưa chúng ta vào cung lòng Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu trái đất.
Trái đất chỉ là một trong số hàng tỉ tỉ vì sao,
nhưng nó vẫn có thế đứng ưu việt
vì là nơi Con Thiên Chúa đã đặt chân, đã sống.
Bầu trời, rừng xanh, mạch nước, biển khơi…
tất cả phải được gìn giữ cho thanh khiết.
Trái đất là nhà của con người,
nhưng cũng là ngôi nhà của Con Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu cuộc đời,
yêu mảnh đời nhỏ bé của mình.
Có lắm người dễ dàng tìm đến cái chết
vì thấy bế tắc, tuyệt vọng, vì thấy đời vô nghĩa.
Mảnh đời của Ðức Giêsu không phải chỉ màu hồng:
long đong với phận nghèo, ê chề vì thất bại,
bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá.
Nhưng Ngài đã sống mảnh đời ấy cho đến cùng,
vững tin đến cùng vào tình Cha,
ngay giữa vực sâu và tăm tối.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu mọi người.
Từ khi Con Thiên Chúa mang khuôn mặt của con người
thì mọi người đều mang khuôn mặt của Thiên Chúa.
Tất cả nhân loại đều là anh em
dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm…
Xúc phạm con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Noel đem lại cho ta sự bình an sâu thẳm.
Bình an cho trái đất đang bị tàn phá.
Bình an cho những người đang sống trong ngõ cụt.
Bình an cho chúng ta, cho mọi người.
Bình an của Giêsu.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

19 thg 12, 2014

Tôi đây là nữ tỳ của Chúa (20.12.2014 – trước Lễ Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 26-38

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy niệm:

Cách đây gần chín tháng, chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này
vào lễ sứ thần Gabrien Truyền Tin cho Đức Mẹ.
Hôm nay chúng ta nghe đọc lại bài này trong bầu khí rộn ràng
của những ngày gần đại lễ Giáng Sinh.
Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời gian Đức Mẹ mang thai.
Luca chỉ nói về chuyện Mẹ đi thăm bà chị họ hiếm muộn (Lc 1, 39-45).
Còn Mátthêu nói về chuyện thánh Giuse nằm mộng và được sứ thần mời
đón nhận Maria làm vợ và  thai nhi Giêsu làm con của mình (Mt 1, 18-24).

Nhưng thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng,
nhất là đối với người mẹ trẻ sinh con so.
Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm,
mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình.
Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi
và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận.
Thai nhi trở thành người trọn vẹn
nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ.
Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế.
Ngài không từ trời hiện xuống bất ngờ trong quyền năng,
nhưng Ngài đã là một thai nhi yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ.
“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã tạo cho con một thân thể…
Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 5-7).
Con Thiên Chúa đã cất lên tiếng Xin Vâng đối với kế hoạch của Cha.
Tiếng Xin Vâng khiến Ngài chấp nhận hủy mình ra không,
để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7).
Khi trở thành một thai nhi sống nhờ lòng mẹ,
Con Thiên Chúa như cất giấu đi vinh quang chói ngời của thần tính.
Ngài vui lòng đồng hành với mọi con người trên mặt đất
để Ngài thực sự là anh em của họ.

“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa.
Xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38).
Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống,
và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời (c. 35).
Ngài từ từ có trái tim, khuôn mặt, vân tay riêng…
Đấng Cứu Độ sung sướng trở nên một sinh linh nhỏ bé,
để nói cho nhân loại biết về sự cao quý của một thai nhi.
Đức Maria trở thành Hòm Bia Thiên Chúa, nơi Ngôi Hai hiện diện.

Chúng ta ít khi nghĩ đến thời gian Mẹ Maria mang thai.
Thời gian cưu mang chẳng bao giờ nhẹ nhàng hay dễ dàng.
Để có thể sinh ra Đức Giêsu cho môi trường ta đang sống,
cũng cần thời gian thai nghén lâu dài và vất vả.
Chúng ta phải mang Ngài trong lòng mình,
kiên nhẫn và chăm chút để Ngài lớn lên, trước khi sinh Ngài cho thế giới.
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi” (Mc 3, 35).

Cầu nguyện:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.


Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.


Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

18 thg 12, 2014

Chuẩn bị sẵn sàng (19.12.2014 Trước Lễ Giáng Sinh, thứ Sáu)

Lời Chúa: Lc 1, 5-25

Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avia, tên là Dacaria; vợ ông là bà Elisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.

Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa theo phiên của nhóm ông. Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Ðền Thờ của Ðức Chúa, còn toàn dân đông đảo thì cầu nguyện ở bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Ðức Chúa là Thiên Chúa của họ. Ðược đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” Sứ thần đáp: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” Dân chúng đợi ông Dacaria, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

Khi thời gian phục vụ ở Ðền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Suy nim:

Ở nước Do Thái, vợ chồng lấy nhau mà không con nối dõi
là một điều bất hạnh, thậm chí là một hình phạt của Thiên Chúa.
Chúng ta không rõ hai ông bà Dacaria và Êlisabét
đã sống với nhau bao lâu mà không có con.
Chỉ biết bây giờ ông đã cao niên rồi, và bà đã quá tuổi sinh sản (c. 7).
Hai vợ chồng già đã kiên nhẫn cầu xin và chờ đợi trong nhiều năm.
Có vẻ Đức Chúa ngoảnh mặt đi, không nghe lời họ,
dù cả hai đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon và rất mực đạo đức (cc. 5-6).
Bây giờ họ có còn hy vọng nữa không?

Chính khi ta thất vọng, thì Chúa đến loan báo Tin Vui (c. 19).
Tư tế Dacaria may mắn trúng thăm, nên ông được vào Nơi Thánh
để lau hương án và dâng hương mới.
Tại nơi thâm nghiêm này, khi ông lo việc tế tự,
ông được sứ thần Chúa báo tin về đứa con sắp chào đời của mình.
Gioan, nghĩa là Đức-Chúa-thi-ân, sẽ là món quà ông được tặng.
Nhưng Gioan sẽ còn là món quà cho nhiều người Ítraen,
vì Gioan có sứ mạng giải hòa dân tộc ông với nhau và với Chúa.
Một con người chưa được mang thai và chào đời,
nhưng về người ấy, Thiên Chúa đã có bao ước mơ và dự tính.
Ngài cho Gioan được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (c. 15).
“Làm cho kẻ ngỗ nghịch trở về nẻo chính đường ngay,
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (c. 17).
Đó là những việc Gioan sẽ làm sau này trong tư cách là Êlia mới.

Dacaria có vẻ không tin vào lời sứ thần,
Có vẻ ông không còn nuôi hy vọng có một đứa con (c. 18).
Ông quên mất chuyện Ápraham đã sinh con trong lúc tuổi già.
Là một tư tế hẳn ông phải biết có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn
đã sinh con làm thủ lãnh đất Ítraen (Tl 13, 2; 1Sm 1-2; St 16, 1).
Việc ông bị câm là một hình phạt, nhưng ông không bị loại trừ.
Thinh lặng chín tháng là thời gian ông chờ đợi để lời hứa nên trọn.
Từ khi bà Êlisabét có thai, bà ẩn mình một thời gian.
Bà chưa muốn cho ai hay biết chuyện này.
Niềm vui bất ngờ đến với bà, người được hưởng hạnh phúc làm mẹ.
“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Ngài đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Mỗi một trẻ thơ chào đời đều có nét của Gioan.
Chẳng người nào thấy ánh mặt trời mà lại nằm ngoài ý Thiên Chúa.
Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ,
Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi.
Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa.
Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.
Thời nào cũng cần Gioan, cần những người kêu gọi hoán cải.
Nhân loại thời nay cần những người dọn đường sáng tạo,
có khả năng mở những con đường mới đi vào lòng thế nhân.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con ?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  S.J.