29 thg 1, 2014

VÓ NGỰA VÀO XUÂN




Có nhiều ca khúc đủ loại, nhưng có thể nói rằng ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” là loại hiếm. Ca khúc này được NS Lê Yên (*) sáng tác năm 1945, lúc đầu ca khúc này có tên “Kỵ Binh Việt Nam”. Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi. 

Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ. 

 Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa… Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần: “Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”.

 Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.

 Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng.

 Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”. Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương! 

Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

 Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi. Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh. Việt Nam cũng luôn như ngựa chiến đã và đang phi nhanh vào tương lai, có lúc phi nước kiệu, có lúc phi nước đại, không ngừng vươn xa... 

Đường đời đã vậy, đường tâm linh cũng thế. Thánh Giacôbê lấy ngựa là ví dụ để nói về con người trần gian: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.

 Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3:3-6). Cái lưỡi thật tốt mà cũng thật xâu! Người ta cũng đã ví von: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chỉ một lời nói thôi mà bốn con ngựa cũng không đuổi kịp. Kinh khủng thật! Vì thế mà luôn phải cẩn trọng.

 Cuộc sống như chiến trường, chúng ta không chỉ chiến đấu cho đời thường mà còn phải chiến đấu cho Đức Tin. Đó mới là cuộc chiến quan trọng. Chúa Giêsu đã xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). 

Chúng ta là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng phải chiến đấu và phải chiến thắng mọi cái ác. Cuộc chiến nào cũng luôn có những cái đối lập, vì cái xấu đối kháng với cái tốt, vì người ta chống đối nhau nên mới xảy ra chiến tranh. Vì thế, Thánh Phaolô nhắn nhủ mỗi chúng ta can đảm và cẩn trọng: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1:28). 

Cuộc chiến tâm linh không đổ máu, không mất mạng, nhưng có thể mất linh hồn. Nguy hiểm lắm! Đây là điều chúng ta phải tự trang bị: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:11-12) Chúa Giêsu vừa dạy dỗ, vừa khuyên bảo, vừa cảnh báo: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13:24).

 Cuộc chiến nào cũng cam go, có những lúc là “giờ chiến đấu quyết liệt” nên Chúa Giêsu căn dặn những điều phải làm (x. Lc 22:35-38). Năm Giáp Ngọ, chúng ta hãy học những tính tốt của loài ngựa, và cố gắng loại bỏ các tính xấu của nó, nhất là trên đường đua lữ hành trần gian, sao cho phi càng nhanh càng tốt trên đường nhân đức, để đạt tới đích mà Thiên Chúa đã vạch sẵn: Nên Thánh Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài làm nài ngựa để cầm cương điều khiển chúng con phi thẳng tới Nước Trời. Amen.

 TRẦM THIÊN THU

 (*) NS Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917-1998), sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên (Quốc Oai, Sơn Tây – nay thuộc Hà Nội). 

Ông là nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Ông viết ca khúc đầu tay khi ông 18 tuổi (năm 1935). Ngoài lĩnh vực ca khúc, Lê Yên sáng tác nhạc cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho hàng chục vở tuồng, chèo, cải lương, và đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm tòi, nghiên cứu những sự thể hiện cũng như hình thành các mô hình âm nhạc cho sân khấu dân tộc.

 Ngoài ra ông còn viết nhạc cho một số bộ phim như “Câu Chuyện Làng Vũ Đại”, “Bài Ca Trên Vách Đá”,... Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội.
 Ngoài công việc sáng tác và giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống, viết các sách “Kinh Nghiệm Phổ Thơ”, “Đô Rê Mi Tự Học” (viết chung với NS La Thăng ). Ông qua đời ngày 15-11-1998 tại Hà Nội. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 Ông có một số ca khúc khác như: Một Ngày Vui, Mỵ Nương, Tiếng Sáo Trưa Hè, Trận Đoan Hùng, Vườn Xuân, Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc, Bẽ bàng,...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét