Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính
Thánh Tô-ma Tông Đồ, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình
đức tin của thánh nhân và mời gọi chúng ta nhận ra chính chúng ta nơi
hành trình này.
1. Đi theo Đức Ki-tô
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :
- “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
- “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
- “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
- Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Qua những lời này, chúng ta có thể nhận
ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giê-su,
không phải trong tư tưởng, nhưng bằng « chính đôi chân của mình ». Đây
đã một lời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, cứ mỗi
lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giêsu đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu
hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang
bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá
không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là cái chết của Thầy là tai họa
không đáng có, và không tránh được, thì « tôi sẽ đi chết với Thầy cho
trọn tình trọn nghĩa! » ; đường đi không phải là đường « Đồng Khởi »,
nhưng là chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì chính Đức Ki-tô là Đường,
chứ không phải là bất cứ điều gì khác.
2. Cứng lòng tin
Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưngkhông
chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục
sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã
không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15).
Thật vậy, đáng lẽ ra, với lời chứng của
các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức
Giê-su Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy
tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài
đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo
Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với
chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua
Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà
chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn,
bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi « bẻ bánh » của
chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.
Thánh Tô-ma muốn thấy và không chỉ muốn
thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng
vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ? Đó là vì Người vừa là Đức
Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến
thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời
gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ
mình ra.
3. Không thấy mà tin
Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một
tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi
tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác,
sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù
chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô “chiều” ông Tô-ma biết bao,
nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu,
yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.
Đức Giêsu phục sinh mà ông « nhìn thấy »
trước mặt ông là một « Đấng Khác », không như ông đã nghĩ. Đó là sự
hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này,
cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc
gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên
đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận
ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta
mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.
Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt
qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời
gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang ơn huệ. Điều này
đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng
mặt.
Như thánh Tô-ma, chúng ta hãy có lòng
ước ao mạnh mẽ « thấy » Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin
cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức
Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự
sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm
Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận
ra sự hiện hiện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng
nói : « Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. » Và
như thế, chúng ta sẽ hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :
Phúc thay những người không thấy mà tin
Đó là mối phúc nhận ra, ở lại, đi theo
và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời
Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là
Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và
biến cố xẩy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; như thánh Gioan
kết luận sách Tin Mừng của Ngài :
Còn những điều đã được chép ở đây là
để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh
em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét