30 thg 12, 2015

Ngôi Lời đã thành người (31.12.2015 – Thứ Năm – ngày 7 trong tuần Bát nhật Giáng Sinh)


Lời Chúa: Ga 1, 1-18  
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Suy niệm:
Ông Soren Kierkegaard, một triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau. 
Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo. 
Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. 
Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu. 
Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn. 
Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng, 
trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô. 
Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu. 
Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua. 
Nhưng nhà vua vẫn dám liều, vì ông quá yêu cô thôn nữ, 
và ông muốn đây là một mối tình thực sự.
Câu chuyện cảm động trên đây đưa ta vào chuyện tình 
đã xảy ra giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và nhân loại. 
Ngôi Lời còn cao trọng hơn vị vua kia bội phần. 
Ngài là Thiên Chúa Con Một, dựng nên vạn vật (cc. 3. 18). 
Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa, 
nên chỉ Ngài mới có thể bày tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c.18). 
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14). 
Tất cả những điều ấy là quà tặng của Ngôi Lời cho con người.
Nhưng quà tặng lớn lao và bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui, 
đó là biến cố Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14). 
Con Thiên Chúa trở nên con của loài người và mang tên Giêsu (c. 17). 
Ngài mang khuôn mặt của ta, đứng chung một dòng tiến hóa với ta. 
Ngài dựng lều trên trái đất, một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời, 
vì đã được ghi dấu chân Con Thiên Chúa. 
Ông Luther viết: “Ngài đã ăn, uống, ngủ, thức; 
Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui. 
Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện, 
đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không, 
ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội.”
Khác với vị vua không muốn làm vua nữa để thành nông dân, 
Ngôi Lời khi thành người vẫn là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy. 
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. 
Nếu Ngài chỉ là một con người hay một bậc vĩ nhân, 
thì Ngài chỉ đáng ta kính trọng chứ không phụng thờ. 
Nếu Ngài chỉ là một Thiên Chúa đội lốt người, chứ không là người thật, 
thì Ngài không thể cứu độ và thần hóa con người. 
Lễ Giáng sinh là lễ hội của mọi người trên mặt đất 
vì Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ phận người của chúng ta. 
Ngài đã đến với thế giới này như nhà của Ngài (cc. 9. 11). 
Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12) 
là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. 
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ. 
Có ai mở cửa cho Ngài không? (Kh 3, 20).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 12, 2015

Ngày càng lớn lên (30.12.2015 – ngày 6 trong tuần bát nhật Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 2, 36-40 
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Suy nim: 
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ,
vì trong xã hội Ítraen thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông.
Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ.
Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria,
thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ.
Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi,
thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ.
Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau.
Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh.
Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ.
Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục.
Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư.
Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi,
thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm.
Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng.
Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn.
Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình.
Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ.
Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ.
Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu,
sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38).
Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không?
Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ
đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo.
Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh.
Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến.
Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét.
Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.
Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt.
Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan,
và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40).
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình
để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi.
Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người.
Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương.
Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người – cũng như con –
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 12, 2015

Ơn cứu độ cho muôn dân (29.12.2015 – Thứ Ba – Ngày 5 trong Tuần Bát nhật Giáng sinh)


Lời Chúa: Lc 2, 22-35
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Suy nim 
Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. 
Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê. 
Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21). 
Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), 
nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế 
để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). 
Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), 
phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. 
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy. 
Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, 
và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. 
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, 
dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận. 
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. 
Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi. 
Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. 
Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24). 
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. 
Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). 
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. 
Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không? 
Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon. 
Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25), 
và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26). 
Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27). 
Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, 
nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. 
Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp. 
Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ, 
còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng. 
Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc. 
Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi. 
Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31). 
Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân, 
là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày, 
cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon. 
Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong. 
Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. 
Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, 
chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. 
Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

27 thg 12, 2015

Khóc thương con mình (28.12.2015 – Thứ Hai – Tuần Bát nhật Giáng sinh – Các thánh Anh hài tử đạo)


Lời Chúa: Mt 2, 13-18
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
Suy niệm:  
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui, 
chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài. 
Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả. 
Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người, 
trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông. 
Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu. 
Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài. 
Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó. 
Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập. 
Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường. 
Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả. 
Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà. 
Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu. 
Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ, 
vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ. 
Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem.
Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than. 
Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần?  
Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt, 
cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do. 
Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu. 
Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo. 
Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày. 
Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng. 
Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ. 
Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết. 
Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ, 
chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật. 
Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân. 
Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất. 
Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, 
và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ. 
Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. 
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập. 
Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu? 
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng? 
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình. 
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ. 
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai. 
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.
Cầu nguyện:  
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đếnnhững gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữtừng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

THÁNH GIA THẤT - Năm C

 
 

Tin Mừng Lc 2,41-52
           
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Feast of the Holy Family - Year C
 
 

Gospel Lk 2,41-52

Each year Jesus' parents went to Jerusalem for the feast
of Passover,
and when he was twelve years old,
they went up according to festival custom.
After they had completed its days, as they were returning,
the boy Jesus remained behind in Jerusalem,
but his parents did not know it.
Thinking that he was in the caravan,
they journeyed for a day
and looked for him among their relatives and acquaintances,
but not finding him,
they returned to Jerusalem to look for him.
After three days they found him in the temple,
sitting in the midst of the teachers,
listening to them and asking them questions,
and all who heard him were astounded
at his understanding and his answers.
When his parents saw him,
they were astonished,
and his mother said to him,
"Son, why have you done this to us?
Your father and I have been looking for you with great anxiety."
And he said to them,
"Why were you looking for me?
Did you not know that I must be in my Father's house?"
But they did not understand what he said to them.
He went down with them and came to Nazareth,
and was obedient to them;
and his mother kept all these things in her heart.
And Jesus advanced in wisdom and age and favor
before God and man.

 

 

26 thg 12, 2015

Con có bổn phận (27.12.2015 – Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất, năm C)


Lời Chúa: (Lc 2,41-52)
41 Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” 49Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Ðức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
Suy Niệm
Mầu nhiệm Nhập Thể bắt đầu từ tiếng Xin Vâng ở Nadarét.
Nadarét là nơi Ngôi Lời làm người sống phần lớn thời gian.
Mái ấm Nadarét thật khác thường, và rất đỗi bình thường.
Ðây là một gia đình có bầu khí yêu thương, đạo hạnh.
Nadarét là trường học đầu tiên huấn luyện Ðức Giêsu,
chuẩn bị Ngài gánh vác sứ mạng Cha giao sau này.
Nadarét là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động,
dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác.
Ðức Giêsu đã vâng phục kỷ luật của trường này.
Ngài đã chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ,
và Ngài đã lớn lên, chững chạc, trưởng thành,
quân bình cả về thân xác, trí tuệ lẫn tâm linh.
Con Thiên Chúa đã tập làm người ở Nadarét,
và nền giáo dục ở Nadarét đã thành công khi trao cho ta
một Giêsu khôn ngoan, đạo đức và nhân hậu, ở tuổi ngoài 30.
Nền giáo dục gia đình được coi là tốt khi giúp con cái
mở ra trước những đòi hỏi của Thiên Chúa và tha nhân.
“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà CHA con sao?”
Từ năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã ý thức mình là Con của Thiên Chúa,
Ðấng mà cậu trìu mến gọi là Cha.
Cậu đã sống mối tương quan thân tình độc đáo này
và cậu cảm thấy điều đó kéo theo những bổn phận:
ở lại trong nhà Cha hay lo việc của Cha.
Càng lúc Ðức Giêsu càng ý thức về mình,
trong tương quan với Cha và trong sự thúc bách của sứ mạng.
Con Thiên Chúa cần mẹ cha, cần một mái ấm để lớn lên,
nhưng cả mối dây thân thương tự nhiên ấy
cũng có lúc phải chịu hy sinh,
nếu nó cản trở sứ mạng Cha trao phó.
Ta không rõ tại sao cậu Giêsu rất mực khôn ngoan
đã ở lại Ðền Thờ mà không báo cho cha mẹ.
Nhưng chắc chắn sau này cậu sẽ phải chia tay với Mẹ Maria.
Ðức Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với mẹ cha,
nhưng trên hết và trước hết, Ngài là Con vâng phục CHA.
CHA trên trời là ưu tiên vượt trên mọi ưu tiên khác.
Ðức Maria không hiểu câu trả lời của Con mình.
Dù Mẹ đã nghe bao mạc khải về Con từ Gabrien, Simêon,
nhưng những biến cố đời thường vẫn làm Mẹ ngỡ ngàng.
Con vẫn là một mầu nhiệm vừa gần, vừa xa đối với Mẹ.
Mẹ không hiểu nổi, không hiểu hết hay không hiểu ngay,
nên Mẹ vẫn cung kính đứng trước mầu nhiệm
bằng thái độ vâng phục của lòng tin và nghiền ngẫm mãi.
Mẹ chẳng giữ Con lại trong vòng tay của mình.
Mẹ để Con lên đường, Mẹ dâng Con trên Núi Sọ.
Chỉ biến cố Phục Sinh mới làm Mẹ thật hiểu Con.
Cha mẹ vừa đùm bọc ấp ủ, vữa tiễn con mình vào đời.
Gia đình cung ứng những công dân tốt và tín hữu nhiệt thành.
Mỗi đứa con là một mầu nhiệm cần tôn trọng.
Giáo dục là giúp con sống cuộc đời rất riêng của nó.
Ước gì mọi bà mẹ đều như Maria, sinh các con như Giêsu.
Cầu Nguyện
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Xin nhận lấy hồn con (26.12.2015 – Ngày II trong Tuần Bát nhật Giáng sinh – Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi)


Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60
Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.
Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.
Suy nim:
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh. 
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu. 
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo. 
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5), 
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8). 
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9). 
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông. 
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12). 
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7). 
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, 
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15). 
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa. 
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu. 
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56). 
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy. 
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người, 
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân. 
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. 
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành. 
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58). 
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại 
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu. 
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung. 
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện. 
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha: 
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). 
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy: 
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59). 
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài, 
như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha. 
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết, 
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông. 
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình. 
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi. 
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần. 
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới. 
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng. 
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình. 
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết, 
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 12, 2015

« Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét » (26.12.2015 – Lễ kính thánh Tê-pha-nô, Vị Tử Đạo tiên khởi)



« Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét »
(Mt 10, 17-22)
17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19
Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
  1. Bạo lực tận căn
Khi mà niềm vui của Lễ Giáng Sinh lên đến tột đỉnh vào đêm Giáng Sinh và cả ngày hôm qua, và khi mà niềm vui này hôm nay vẫn còn âm vang mạnh mẽ trong lòng chúng ta, thì với Thánh Lễ mừng kính thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, lời của Đức Giê-su dường như nói cho chúng về một thực tế, có thể làm cho chúng ta băn khoăn, lo lắng, thậm chí buồn lòng, bởi lẽ, vì danh của Đấng mà chúng ta đang tưng bừng mừng sinh nhật và của Đấng mà chúng ta thuộc về và đi theo suốt đời, chúng ta sẽ « bị mọi người thù ghét » ! Và không chỉ bị người đời thù ghét, nhưng cả những người thân yêu nữa :
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
(c. 21-22)
Và sự thù ghét này đi rất xa : nộp cho các hội đồng, điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, đánh đập và giết đi. Sự chống đối được Đức Giê-su mô tả thật tận căn, một đàng để giúp chúng ta nhận ra năng động của bóng tối và của sự chết hiện diện ở khắp nơi và ở trong mọi người, và đàng khác để làm bật lên một tận căn khác, là ánh sáng và sự sống : “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (x. Ga 1, 4, bài Tin Mừng của Thánh Lễ Giáng Sinh ban ngày) ; bởi vì chỉ có sự tận căn này mới gây ra sự tận căn kia mà thôi. Đó là sự tận căn của chính Đức Giê-su, như Ngài nói trong bài Tin Mừng : « vì Thầy », « vì danh Thầy ».
  1. Hiền lành tận căn
Vậy, vị Thầy của chúng ta là ai, ngôi vị của Ngài tận căn như thế nào, để có thể gây ra một sự thù ghét tận căn đến như vậy, đối với chính Ngài và đối với những người đi theo Ngài, như thánh Tê-pha-nô mà chúng ta mừng kính hôm nay ? Chúng ta hãy trở lại hang đá, nhìn ngắm « Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ », để nhận ra sự tận căn của Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể:
  • Hiện diện thinh lặng ngược lại với những biểu diễn và thành thích ồn ào.
  • Nghèo khó đơn sơ ngược lại với giàu có tiện nghi.
  • Hiền lành khiêm tốn ngược lại với sức mạnh thống trị.
Sự tận căn này được tỏ hiện nơi mầu nhiệm sinh ra của Đức Giê-su và sẽ được sống đến cùng nơi biến cố Thập Giá của Người. Chính khi chúng ta cảm nếm và yêu mến sự hiền lành và khiêm nhường tận căn của Đức Giê-su (x. Mt 11, 28-30), chúng ta sẽ tìm lại được sự bình an sâu thẳm, niềm vui bền vững, và có được lòng khao khát sống như Ngài và chết như Ngài, như thánh Tê-pha-nô.
Chính lòng khao khát này sẽ làm cho chúng ta, như đã làm cho thánh Tê-pha-nô, được tự do với những hành động đủ loại của Sự Dữ, đang hoành hành ở khắp nơi và dưới mọi hình thức.
  1. Trở nên giống Đức Ki-tô
Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giê-su nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.
Khi Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể.
Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy” (c. 18). Và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thực vậy, Đức Giê-su nói: “Thần Khí của Cha anh em sẽ nói trong anh em”, và “ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát”.
* * *
Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ngày 25/12 Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Ban Ngày


Tin Mừng theo thánh Gioan 1,1-18
NgoiLoiLamNguoi(1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
(2) Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
(3) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
(4) Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
(5) Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gioan.
(7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
(8) Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
(9) Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
(10) Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
(11) Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
(12) Còn những ai đón nhận,
tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
(13) Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
(14) Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
(15) Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Ðây là Ðấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
(16) Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
(17) Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có.
(18) Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ;
nhưng Con Một là Thiên Chúa
và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
 Suy niệm 
Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan.
Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời.
Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy.
Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1).
Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con.
Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ.
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10).
Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời.
Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo…
mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời.
Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4),
và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9),
bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).
Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân
Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ.
Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu,
mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử,
và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (v. 14).
Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ,
được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành.
Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người,
để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).
Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế,
Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người,
để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa.
Chưa bao giờ và mãi mãi về sau,
chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế.
Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người.
Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời.
Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.
Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ.
Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18).
Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người.
Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong,
nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống.
Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người,
nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa.
Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta,
đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này,
nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.
Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình,
nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống,
với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.
Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương,
và đã ban cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết khi chưa mở mắt chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, hận thù ở khắp nơi.
Người ta cứ giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn có mặt trên địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
 

24 thg 12, 2015

Hướng dẫn ngắn của Đức Thánh Cha cho dịp Giáng Sinh




Rất dễ quên ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh trong những ngày này. Do đó, Đức Thánh Cha đưa ra “hướng dẫn ngắn” dành cho người hành hương và các Kitô hữu. Đối với Đức Thánh Cha, điều quan trọng nhất là có chỗ dành cho Hài Nhi Giêsu.
ĐỨC THÁNH CHA nói:
Mỗi gia đình Kitô hữu có thể chào đón Hài Nhi Giêsu giống như Mẹ Maria và Thánh Giuse đã làm. Mẹ Maria và Thánh Giuse có thể lắng nghe Giêsu, nói với Giêsu, bảo vệ Giêsu, lớn lên cùng Giêsu. Và khi làm như thế, các ngài có thể biến đổi thế giới. Hãy có chỗ trong trái tim của chúng ta và trong ngày sống của chúng ta, để đón chào Giêsu.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong dịp Giáng Sinh, các Kitô hữu nên vui mừng và chia sẻ niềm vui cho nhau, nhưng không chỉ là những bữa tiệc.
ĐỨC THÁNH CHA nói:
Một số người sẽ nói: ‘Thưa cha, chúng con tổ chức ăn tiệc và mọi người đều hạnh phúc.’ Điều đó rất tốt. Các bữa tiệc đều tốt, nhưng các bữa tiệc không phải là trọng tâm của niềm vui mang tính Kitô mà chúng ta đang loan báo.
Theo truyền thống, Giáng Sinh là dịp để trao tặng và nhận lãnh những món quà… Đức Thánh Cha cảnh báo sự tiêu thụ lãng phí.
ĐỨC THÁNH CHA nói:
Đừng làm cho Giáng Sinh trở thành dịp kỷ niệm của chủ nghĩa tiêu thụ, với những quà tặng hời hợt và vô nghĩa hoặc lãng phí dư thừa. Thay vào đó, hãy làm cho dịp này trở thành ngày lễ mừng, khi con người vui tươi chào đón Chúa trong máng cỏ của cõi lòng mình.
Giáng Sinh là gì? Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, Giáng Sinh là “bữa tiệc của khó nghèo”, và Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu ăn mừng Giáng Sinh trong cung cách này.
ĐỨC THÁNH CHA nói:
Đây là câu chuyện Giáng Sinh chân thực: Giáng Sinh là bữa tiệc của khó nghèo, của Thiên Chúa, Đấng đã “tự hủy” chính Mình , tự chấp nhận thân phận nô lệ. Giáng Sinh là bữa tiệc của Thiên Chúa, Đấng là kẻ phục vụ bàn ăn. Giáng Sinh là bữa tiệc của Thiên Chúa, Đấng đã tự làm cho chính Mình từ chỗ thông minh và khôn ngoan, trở nên nhỏ bé nhất, trở nên đơn sơ và nghèo hèn.
Với những lời khuyên ấy, Đức Thánh Cha mời mọi người tái khám phá ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh.
Chuyển ngữ: Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Nguồn tin: romereports

Thiên Chúa viếng thăm (ngày 24.12.2015 – Trước Lễ Giáng Sinh)


Lời Chúa: Lc 1, 67-79
67 Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:
68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:

71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;

73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,
75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,

77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.

78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.
Suy nim:
Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày,
lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.
Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel
vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng
được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm.
Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).
Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).
Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.
Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.
Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).
Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,
Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).
Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết
và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79).
Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),
là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).
Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị,
vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.
Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua.
Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).
Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain,
đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).
Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận
 (Ga 1, 11).

Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,
và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).
Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,
vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).
Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch.
Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người,
và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.
Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,
là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.
Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:
một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;
một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự.
Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
Cầu nguyn:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.