31 thg 1, 2015

Tại sao anh em sợ? (31.01.2015 – Thứ bảy Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 4, 35-41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! “36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? “41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “ 
Suy niệm:
Chẳng hiểu tại sao lúc chiều xuống,
Đức Giêsu lại bảo các môn đệ đưa mình qua bờ phía đông của Biển hồ, 
trên con thuyền mà Ngài ngồi giảng các dụ ngôn (Mc 4,1). 
Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt, 
tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước. 
Tối hôm ấy, thầy trò đã gặp một cơn bão như vậy.
Thầy Giêsu phó thác mọi sự cho các môn đệ vốn là ngư phủ lành nghề. 
Thầy mệt nên ngủ say ở đuôi thuyền, ngủ trên một cái gối. 
Trong khi đó các môn đệ phải vật lộn với sóng gió, nước tràn đầy thuyền. 
Họ có vẻ mất bình tĩnh khi thấy cơn giông bão không đánh thức Thầy được. 
Chính họ đánh thức Thầy bằng một lời trách móc : 
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38). 
Thầy Giêsu đã thức dậy, và đã làm cho biển lặng, gió yên.
Đời con người ai tránh được sóng gió bất chợt. 
Nếu biết trước sẽ gặp sóng gió, ai dám vượt biến ban đêm. 
Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình, 
trong đất nước, trong Giáo Hội, trên thế giới. 
Sóng gió làm ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh, 
và khiến ta sợ hãi, hoảng loạn. 
Giữa cơn sóng gió có khi người tín hữu lại thấy Chúa lạnh lùng, vô cảm. 
Như các môn đệ, chúng ta không hiểu tại sao Chúa có thể ngủ được 
khi đời ta bị đe dọa bởi cuồng phong, 
tại sao Chúa vắng mặt, thinh lặng và khoanh tay 
vào lúc chúng ta cần đến Ngài hơn cả.
“Tại sao anh em sợ ? Anh em không có lòng tin sao?” (c.40). 
Anh em không tin là Thầy đang ở trong cùng một con thuyền với anh em sao? 
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm 
khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão. 
Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ. 
Vâng lời Chúa để qua bờ bên kia, và có Chúa trong con thuyền đời mình, 
điều đó không làm chúng ta tránh được giông bão, 
có khi lại gặp bão tố nhiều hơn. 
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua được bờ bên kia 
với lòng tin được tôi luyện của người tín hữu dày dạn. 
Chúng ta dám tin Chúa có quyền trên sóng gió của đời ta không?
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái, 
đây là niềm tin của con. 
Con tin Cha là Tình yêu, 
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. 
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, 
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, 
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân, 
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. 
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, 
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất 
cũng có một đốm lửa của sự thiện, 
được vùi sâu dưới những lớp tro. 
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành 
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ. 
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích, 
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người. 
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. 
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ 
đang chuyển mình tiến về với Cha, 
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu 
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần. 
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, 
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, 
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời 
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con. 
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 1, 2015

Bông lúa trĩu hạt (30.1.2015 – Thứ sáu Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 4, 26-34
26 Một hôm, Ðức Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” 30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” 33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. 
Suy nim 
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh 
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh. 
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người, 
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa. 
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ 
trong tổng số dân trên thế giới. 
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ. 
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa. 
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không? 
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng, 
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh. 
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi 
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô. 
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không 
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan. 
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, 
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống. 
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất 
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên, 
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi. 
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng 
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt. 
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ. 
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày, 
chẳng cần con người can thiệp. 
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này 
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi. 
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng, 
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản. 
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu, 
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây, 
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác. 
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất. 
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu 
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới. 
Sau hai mươi thế kỷ, 
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc. 
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi. 
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất, 
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây. 
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái. 
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng. 
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin: 
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, 
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người. 
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, 
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Đặt trên đế (29.1.2015 – Thứ năm Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 4, 21-25
21 Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.23 Ai có tai nghe thì nghe! “
24 Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm bốn câu có vẻ rời rạc 
được Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau. 
Thánh Máccô chia bốn câu này thành hai cặp (cc. 21-22 và 24b-25). 
Trong mỗi cặp, câu thứ hai được nối với câu thứ nhất bằng chữ “vì”. 
Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của bốn câu nói trên 
qua việc Ngài nhắc nhở ta phải nghe một cách nghiêm túc (cc. 23. 24a).
Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày. 
Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà. 
Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên, 
rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường. 
Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự. 
Ngọn đèn  mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài, 
và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài. 
Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi, 
nhưng phải được quảng bá và rao giảng. 
Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn, 
nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Máccô,  
Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đức Kitô (8, 30), 
vì chữ “Kitô” khiến người ta lầm tưởng Ngài sẽ đứng lên làm cách mạng. 
Nhưng vào cuối đời, khi tay không đứng trước vị thượng tế (14, 61-62),
Đức Giêsu đã nhìn nhận tước vị này, vì nó không còn có thể bị hiểu lầm nữa. 
Như thế, những gì được tạm thời che giấu, cuối cùng đã được tỏ lộ, 
những gì bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng (c. 22). 
Đức Giêsu là Kitô, nhưng là một Kitô chịu đau khổ như Người Tôi Tớ (Is 53).
Cuộc đời người Kitô hữu, người đã lãnh nhận phép thanh tẩy, 
cũng giống như ngọn đèn đã thắp sáng đặt trên đế. 
Không được vì bất cứ lý do gì mà che giấu đi: 
vì khiêm tốn không muốn cho ai thấy ánh sáng của mình, 
hay vì không dám đương đầu với sức mạnh của bóng tối. 
Thế giới hôm nay cần những ngọn đèn Kitô hữu. 
Hai tỷ Kitô hữu làm nên hai tỷ ngọn đèn. 
Ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa. 
Ánh sáng đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ. 
Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. 
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng 
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa. 
Nhưng biết Chúa thì được cái gì? 
Chúa đến để làm gì 
nếu đời sống con cái của Chúa 
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con. 
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa 
trở nên máu thịt của chúng con, 
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó 
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại, 
và đòi buộc chúng con, 
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế, 
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con 
bình an sâu xa, 
thứ bình an khác hẳn, 
đó là Bình An của Chúa.
(Helder Câmara)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 1, 2015

Hạt giống (28.1.2015 – Thứ tư Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 4, 1-20
Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
3 “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.”9 Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe! “
10 Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn.11 Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,12 để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
13 Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?14 Người gieo giống đây là người gieo lời.15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.16 Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.20 Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”
Suy nim:
Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,
như rơi vào thửa đất màu mỡ,
đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”
Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.
Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”
Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu
mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.
Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,
nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.
Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.
Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.
Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,
vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.
Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.
Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,
mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.
Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.
Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.
Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,
không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.
Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.
Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,
đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.
Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,
thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.
Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.
Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.
Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.
Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.
Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.
Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,
họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.
Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?
Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.
Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,
ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 1, 2015

Đây là mẹ tôi (27.1.2015, thứ ba tuần 3 mùa Thường Niên)


Lời Chúa Mc 3, 31-35
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài, sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.( Mc 3, 31-35)
 Suy niệm:
Các thân nhân của Đức Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí,
Vì họ nghe tin Ngài và các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.
Các kinh sư từ Giêrusalem xuống
Thì kết luận rằng Ngài đã thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.
Còn đám đông dân chúng lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.
Hơn ai hết, họ biết Đức Giêsu là ai.
Chính lúc ấy mẹ và anh em của Ngài đến và đứng ngoài.
Họ không vào được, có thể vì đám đông ngồi chật cứng.
Nhưng họ đã nhờ người nhắn với Đức Giêsu.
“Mẹ Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”
Rốt cuộc chắc ai cũng biết là Thầy có người thân đến thăm.
Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để ra ngay gặp họ.
Nhưng Đức Giêsu lại muốn dùng cơ hội này
để nói với đám đông đang ngồi nghe một điều quan trọng.
Ngài đặt cho họ một câu hỏi tưởng như vô nghĩa:
“Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?”
Dĩ nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.
Nhưng không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,
và nói với họ : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.” 
Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.
Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.
Có một gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.
Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,
một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,
nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,
đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.
Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,
Gioan và Giacôbê để lại người cha.
Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.
Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:
“Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa
người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.”
Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,
có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,
có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,
và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới. 
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa. 
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. 
Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

26 thg 1, 2015

Vào nhà một người mạnh (26.01.2015 – Thứ Hai Tuần 3 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 3, 22-30
Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Bêendêbun ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Xatan lại trừ Xatan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Xatan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.
Suy nim:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám. 
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bê-en-dê-bun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện 
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương, 
đó là Xatan hay Bê-en-dê-bun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
 Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước :
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo, 
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan. 
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bê-en-dê-bun, 
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế. 
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 1, 2015

Chúa Nhật III Mùa Thường Niên Năm B



Tin Mừng:  Mc 1,14-20
            Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
            Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.


Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Sunday III in Ordinary Time Year B


Gospel

Mk 1:14-20

After John had been arrested,
Jesus came to Galilee proclaiming the gospel of God:
"This is the time of fulfillment.
The kingdom of God is at hand.
Repent, and believe in the gospel."

As he passed by the Sea of Galilee,
he saw Simon and his brother Andrew casting their nets into the sea;
they were fishermen.
Jesus said to them,
"Come after me, and I will make you fishers of men."
Then they abandoned their nets and followed him.
He walked along a little farther
and saw James, the son of Zebedee, and his brother John.
They too were in a boat mending their nets.
Then he called them.
So they left their father Zebedee in the boat
along with the hired men and followed him.

24 thg 1, 2015

Hãy Theo Tôi (25.01.2015 – Chúa nhật 3 Thường niên năm B)


Lời Chúa: (Mc 1, 14-20)
14 Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. 16 Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. 17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 19 Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Suy Niệm
Bốn anh thanh niên có gia đình, có nghề nghiệp
lại được Ðức Giêsu mời gọi theo Ngài, bỏ lại tất cả.
Chắc chắn họ không phải là những người nhẹ dạ.
Họ đã từng quen biết Thầy Giêsu và kính nể Ngài.
Ðến lúc nào đó, khi được Ngài hoàn toàn chinh phục,
họ đã sẵn sàng ra đi, nhẹ tênh.
Nhiều người nghĩ rằng đoạn Tin Mừng này
nói về ơn gọi đi tu của các linh mục tu sĩ.
Thật ra đây là đoạn Tin Mừng
nói về ơn gọi của từng Kitô hữu chúng ta,
Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày
như xưa Ngài đã dọc theo biển hồ Ga-li-lê.
Ngài thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ.
Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài.
Cái nhìn của Ngài không làm ta bị tê liệt
vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người của ta.
Cả những yếu đuối và tội lỗi cũng được Ngài đón nhận.
Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa.
Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy.
Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết.
Ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới.
Ta vẫn tất bật với những lo toan đời thường,
hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ.
Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định,
và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng,
thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát.
Hãy theo tôi!
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu.
Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ.
Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài,
nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.
Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới con người.
Con người là điều ta phải quan tâm,
vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Chúa Giêsu.
Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng,
là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài
trong công việc cứu độ toàn thế giới.
Chúa Giêsu mời ta dấn thân vào cuộc đổi đời,
mời ta định lại hướng đi theo những giá trị mới.
Như thế là chấp nhận đổ vỡ, đoạn tuyệt.
Bốn môn đệ đã bỏ lại biển cả và những người thân yêu.
Vợ con của Simon và cha của Giacôbê sẽ sống thế nào?
Mái nhà nay vắng bóng những người đàn ông cột trụ!
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn, vì bạn là Kitô hữu.
Ngài vẫn thấy bạn, và mời gọi bạn đáp lại mỗi ngày.
Cần trầm lắng mới nghe được tiếng thì thầm của Chúa.
Bạn có thể sống như một giáo dân bình thường.
lo xây dựng gia đình, sự nghiệp, tương lai.
Nhưng bạn phải sẵn sàng từ bỏ khi cần,
nghĩa là chọn Chúa, đặt Chúa lên trên mọi giá trị đó.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Người bị mất trí (24.01.2015 – Thứ Bảy Tuần 2 Thường niên)



Lời Chúa: Mc 3, 20-21
20Khi ấy, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay thật là ngắn, chỉ gồm có hai câu. 
Nhưng câu chuyện kể lại có thế làm chúng ta bối rối. 
Đức Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu. 
Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân, 
trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (x. Mc 3, 31).
Khi  Đức Giê su và các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum, 
đám đông lại kéo đến. 
Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách  khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn. 
Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng. 
Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Đức Giêsu. 
Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà. 
Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Đức Giêsu phải đi.
Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào chuyện Đức Giêsu không ăn 
để vội vã kết luận là Ngài mất trí. 
Các thân nhân chẳng để ý đến chuyện đám đông chạy đến với Ngài 
để được trừ quỷ, được chữa bệnh và để được nghe giảng. 
Làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế ? 
Xem ra họ không hiểu mấy về con người và sứ mạng của Đức Giêsu.
Thật ra dưới mắt của các thân nhân, 
Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào. 
Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác. 
Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây. 
Dù không phải là người học thức, 
Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá, 
đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư, 
và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài. 
Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không, 
có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không.
Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu. 
Quan hệ máu mủ có khi lại làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai. 
Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta thường nghĩ. 
Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa 
nơi sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, 
dân làng Nadarét đã không tin Chúa 
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. 
Các môn đệ đã không tin Chúa 
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. 
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa 
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa 
hiện diện dưới hình bánh mong manh, 
nơi một linh mục yếu đuối, 
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình 
nơi những gì thế gian chê bỏ, 
để chúng con tập nhận ra Ngài 
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con 
để khiêm tốn thấy Ngài 
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 1, 2015

Đến với Người, ở với Người (23.01.2015- Thứ Sáu Tuần 2 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 3, 13-19
13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy nim:
Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo. 
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò. 
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình. 
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại. 
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi. 
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy, 
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ. 
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa. 
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi. 
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng. 
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy. 
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại. 
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với  Thầy. 
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu, 
họ như được tách ra khỏi đám đông. 
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội, 
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).
Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu. 
Nhưng đó không phải là điểm dừng. 
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người. 
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông, 
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu. 
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy : 
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người. 
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai. 
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi. 
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa 
và rơi vào tình trạng nghiện việc. 
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền. 
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Cầu nguyn:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, 
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, 
xin cho con quý chuộng những lúc 
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, 
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa 
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, 
xin cho con thoát được lên cao 
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, 
ước gì tinh thần cầu nguyện 
thấm nhuần vào cả đời con. 
Nhờ cầu nguyện, 
xin cho con gặp được con người thật của con 
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chữa lành nhiều bệnh nhân (22.01.2015 – Thứ Năm Tuần 2 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 3, 7-12
7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa! “12Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược 
những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ. 
Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6), 
nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn. 
Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem 
kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5), 
giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu. 
Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8). 
Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !
Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân. 
Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm. 
Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền 
để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông. 
Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài. 
Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56). 
Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ. 
Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu. 
Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì, 
họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.
Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể, 
nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới. 
Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành 
khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần. 
Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành. 
Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo, 
đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu. 
Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài, 
và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo. 
Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu 
không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa.” 
nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin 
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, 
nơi khuôn mặt khốn khổ 
của tất cả những người bị thử thách: 
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, 
nhưng vì thiếu Lời Chúa; 
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, 
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, 
công bằng và tình thương; 
những kẻ vô gia cư, 
không chỉ tìm kiếm một mái nhà, 
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; 
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, 
không chỉ trong thân xác, 
nhưng còn trong tinh thần nữa, 
bằng cách thực thi lời hy vọng này: 
“Ðiều mà ngươi làm 
cho người bé mọn nhất trong anh em 
là làm cho chính Ta”
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.