11 thg 1, 2015

DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH


Chúa Nhật CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - Năm B

DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Có những dòng sông đã quyết định vận mạng cả dân tộc như Chương Dương, Bạch Đằng. Những dòng sông đã đưa cả vận nước tiến lên nhờ những phù sa màu mỡ chuyển mạch sống đến cho toàn dân như Hồng Hà, Cửu Long. Dòng sông đã nổi trôi theo vận nước như Bến hải, sông Gianh.

Nhưng một dòng sông chuyển đổi định mệnh cả nhân loại vì đã được diễm phúc ghi dấu hình ảnh Con Chúa và đón nhận những bước chân rộn rã của đoàn người hành hương tìm về nguồn ơn cứu độ. Dòng sông trở thành căn cứ xuất phát bước chân Đấng Cứu thế, khi thấy cảnh trời mở ra vang vọng tiếng Chúa Cha rung chuyển cả đất trời, át hẳn tiếng người đang thống hối ăn năn. Đó là dòng sông Giođan.

ĐIỂM HỘI TỤ

Ngày ấy mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa, đã khuấy đục cả một khúc sông. Thấy từng đoàn dân chúng tuốn đến, chắc chắn Gioan Tẩy giả nức lòng phấn khởi. Còn gì vui hơn cho một nhà giảng thuyết! Tất cả đều sám hối, nhưng không hề buồn bã. Sám hối để đón chờ Đấng Messia thời cánh chung. Họ sống trong niềm hi vọng một cuộc giải thoát cho toàn dân.

“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan.” (Mc 1:9) Đức Giêsu đã nhập cuộc với đoàn lũ dân chúng. Người cũng xuống nước xin Gioan làm phép rửa, không phải để tỏ lòng sám hối, cũng không phải để sống niềm hi vọng Thiên sai. Vì chính Người là Vị Thiên sai vô tội đến hoàn thành lời hứa. Người nhập đoàn để đồng hóa với nhân loại tội lỗi. “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta.” (2 Cr 5,21) Như vậy Người đã hoàn toàn sát nhập vào gia đình nhân loại.

Từ gia đình thiên giới, nơi Người sống mật thiết với Chúa Cha và Thánh Linh, Người đã giáng trần để thực hiện lời hứa xa xưa. Hôm nay xuống sông Giođan chịu phép rửa, Đức Giêsu đã cho thấy Người thuộc về hai gia đình. Cả hai đã hiệp nhất trong tình yêu, tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Đó là sứ mệnh lớn lao của Người. Người là Chàng rể đến giới thiệu nàng dâu nhân loại cho Thiên Chúa. Khi lặn ngụp xuống giòng nước Giođan, Người đem trọn tình yêu của Ba ngôi dìm xuống dòng sông định mệnh của nhân loại. Nhưng “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1:11) Chúa Cha đã xác nhận bản chất Đức Giêsu như “tình yêu Thiên Chúa đến với trần gian.” (KTTƯ 1995:183) Lời xác nhận đó vang lên như thuở mới tạo dựng đất trời, có chim bồ câu chứng kiến, một biểu tượng thật dễ thương, nhắc đến một cuộc tạo thành mới bắt đầu với Đức Giêsu (x.KTTƯ 1995:183).

Từ nay tương quan đất trời hoàn toàn thay đổi nhờ quyền lực Thánh Linh (x.Tt 3,5). Chính nhờ Thánh Linh, Đức Giêsu đã được xức dầu tấn phong làm Quân Vương cai trị muôn dân, (x. KTTƯ 1995:183) như Chúa đã hứa: “Ta cho thần khí Ta ngự trên Người.” (Is 42:1) Nhờ Thần khí, Người trở thành “Tôi Trung của Thiên Chúa có nhiệm vụ rao giảng, thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ”(KTTƯ 1995:183) cho muôn dân ngang qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Bởi đấy khi bị dìm xuống nước, Người như đi vào cõi chết. Khi “vừa lên khỏi nước”, Người như đi vào cõi vĩnh hằng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng Người không đi vào một mình. Nhờ Thánh Linh, ngang qua phép rửa là cái chết của Người, cả nhân loại sẽ cùng thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời với Chúa. Như vậy, “tất cả lời hứa cứu độ trở thành hiện thực trong phép rửa” (Faley 1994:90).

Chính vì thế, “phép rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần chỉ toàn thể công trình cứu độ do Đức Giêsu khai mạc.” (KTTƯ 1995:182) Không có sức mạnh Thánh Linh, nhân loại cũng không thể gia nhập gia đình Thiên Chúa. Nhờ đó họ trở thành anh em với nhau. Đó là ơn gọi nguyên thủy của nhân loại.

ƠN GỌI NGUYÊN THỦY

Thế giới hôm nay thu nhỏ như một ngôi làng. Con người gần gũi nhau hơn bao giờ. Nhưng liệu những phương tiện truyền thông có đủ năng lực bảo đảm hòa bình cho nhân loại hay không? Thực ra, thế giới còn nhỏ hơn một ngôi làng. Tất cả nhân loại làm thành một gia đình, trong đó mọi người đều liên đới với nhau. Nền hòa bình thế giới sẽ tùy thuộc vào ý thức này. Thật vậy, “thế giới sẽ có hòa bình hay không tùy theo toàn thể nhân loại có biết tái khám phá ơn gọi nguyên thủy của mình là trở thành một gia đình duy nhất hay không, một gia đình trong đó phẩm giá và các quyền con người – bất luận là người thuộc giai tầng, chủng tộc hoặc tôn giáo nào – được xác quyết là những điều ưu tiên và trổi vượt hơn tất cả những khác biệt và những đặc tính khác của con người” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:3).

Nếu thế, chiến tranh phát sinh từ lòng dạ hẹp hòi, ích kỷ của con người muốn tách mình ra khỏi gia đình duy nhất đó. Một khi chỉ biết tới quyền lợi riêng tư, người ta có thể chà đạp nhân phẩm kẻ khác. Thực tế, “những bất công, chênh lệch thái quá trong lãnh vực kinh tế hoặc xã hội, sự ghen tương, nghi kỵ và kiêu ngạo tác hại giữa con người và các quốc gia, không ngừng đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh.” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:6) Đó là một thế giới không ai biết đến ai. Hòa bình chính là kết quả của tinh thần liên đới trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi cho nhau. Ngày nay nhờ “tiến trình hoàn vũ hóa, người ta có được những cơ hội đặc biệt và đầy triển vọng để biến nhân loại thành một gia đình duy nhất thực sự, dựa trên những giá trị công bằng, ngay chính và liên đới” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:3).

Nếu được xây dựng và mô phỏng trên tương quan giữa Ba Ngôi, tình liên đới đó chắc chắn sẽ tìm được sức sống mới. Vì nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu vô cùng phong phú và mãnh liệt. Người muốn chia sẻ đến tận cùng tình yêu đó cho nhân loại. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,” (Ga 3:16) để con người có thể sống ơn gọi nguyên thủy bắt nguồn từ chính tình yêu Thiên Chúa. Nếu không sống tương quan với người khác như một gia đình, con người sẽ đánh mất vẻ tươi đẹp nhất, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” (Stk 1,27) Không phải chỉ giống Thiên Chúa trong bản chất, nhưng cả trong tương quan nữa. Đó chính là nền tảng ơn gọi nguyên thủy của con người. Từ đó sứ mệnh con người được hoàn thành trong nỗ lực liên đới với anh em. Liên đới với anh em chính là đi vào tương quan với Thiên Chúa.

Tương quan thật sâu xa đó đã được thiết lập khi Đức Giêsu dìm mình trong dòng sông Giođan. Dòng sông định mệnh đó đã nối kết gia đình nhân loại với gia đình Thiên Chúa nhờ thần lực của Con Thiên Chúa làm người. Dòng nước thanh tẩy cũng đã trả lại cho chúng ta mối tương quan thâm sâu và vô cùng ý nghĩa đó. Nếu thực sự đang sống trong tương quan với anh em, chúng ta có sẵn sàng cộng tác với người khác để xây dựng cộng đoàn không? Chúng ta có tôn trọng nhân phẩm và tạo điều kiện cho người khác phát triển không? Thời cánh chung đã điểm khi Đức Giêsu xuất hiện trong dòng sông định mệnh Giođan. Bạn còn đợi tới bao giờ mới thiết lập tương quan với Thiên Chúa và anh em trong tiến trình đi lên hôm nay?

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét