31 thg 8, 2016

* THIÊN SỨ của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT



Chúa Nhật 4-9-2016, Giáo hội Công giáo hân hoan kính chào một vị thánh mới: Mẹ Têrêsa Calcutta (TP Kolkata, Ấn Độ, 1910-1997).



Mẹ Teresa được mệnh danh là “Thiên Sứ của Thiên Chúa”. Cả cuộc đời Mẹ đấu tranh cho giá trị nhân phẩm của những con người nghèo khổ nhất, đã nêu gương luân lý làm cầu nối các khoảng cách về văn hóa, giai cấp và tôn giáo. Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có trái tim “cực đại” và đầy lòng nhân ái. Bà nói: “Ngay cả những người giàu cũng khao khát tình yêu, muốn được quan tâm, muốn có ai đó thuộc về mình”.

Cha mẹ của bà là người Albani. Bà sinh ngày 26-8-1910 tại Shkup (nay là Skopje), thuộc Cộng hòa Nam Tư (Macedonia), trước đó là Yugoslavia, với tên “cúng cơm” là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà là con út trong 3 người con.

Lúc bà 7 tuổi, cha của bà bị giết, nên bà quan tâm chính trị. Tuổi thiếu niên, bà là thành viên của nhóm bạn trẻ trong giáo xứ, gọi là nhóm Tương tế Tôn giáo (Sodality), dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên, bà cảm thấy quan tâm việc truyền giáo.

Lúc 17 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ tử Loreto ở Ai-len, một dòng chuyên về giáo dục, rồi bà được gởi tới Bengal năm 1929 để vào nhà tập. Bà chỉ lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn khấn lần đầu, với tên dòng là Têrêsa (chọn theo tên của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Đến năm 1950, nữ tu Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái (Dòng Thừa sai Bác ái, Missionaries of Charity). Bà nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và nhận Giải Bharat Ratna (भारत रत्न, nghĩa là “Viên Ngọc Ấn Độ”, giải thưởng cao nhất của Ấn Độ dành cho người dân) năm 1980. Trước đó, năm 1962, bà đã được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri. Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru về Hiểu biết Quốc tế năm 1972.

Trong thời kỳ Ấn Độ bị người Anh đô hộ (British Raj), trường Loreto nhận rất ít người Ấn, đa số là người Hindu Bengal, con gái các gia đình có thế lực ở Calcutta, nhưng đa số giáo viên vẫn là các nữ tu gốc Ai-len. Nữ tu Têrêsa không thuộc Dòng Nữ tử Loreto nữa nhưng thi thoảng bà vẫn về thăm. Bà dạy ở các trường nữ khác trong 3 năm trước khi (như bà nói) “theo Chúa đến với người nghèo khổ”. Theo các nữ sinh nói, sự gián đoạn đó không hoàn toàn thân thiện, ít là phần các nữ tu Dòng Loreto.
Hình ảnh nữ tu Têrêsa nhỏ bé, với tấm khăn choàng sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng, bước đi trên đường đá đỏ, trông thật giản dị và khiêm nhường. Bà luôn có một hoặc hai nữ tu choàng sari đi theo. Bà là con người kỳ lạ của thế kỷ XX. Có thể bà “khác người” vì chúng ta không thấy nữ tu nào choàng sari như vậy. Nhưng đó là thói quen của nữ tu Têrêsa vùng Calcutta, bà “quên” mình là người Albani để HÒA NHẬP và HOÀN TOÀN NÊN GIỐNG CÁC PHỤ NỮ ẤN.

Chính phủ đã “ầm ĩ” chống truyền giáo nhưng chưa bao giờ làm khó các nữ tu truyền giáo.
Đầu thập niên 1950, các học sinh không có đạo ở Nhà Loreto đã nghi ngờ ý định của Mẹ Têrêsa trong việc giúp đỡ các trẻ em đường phố hoặc trẻ mồ côi. Bà đang cứu vớt chúng để “dụ” đưa chúng vào đạo Công giáo? Cứ hai tuần một lần, Mẹ Têrêsa nói chuyện để vận động phụ nữ KHÔNG PHÁ THAI và BẢO VỆ SỰ SỐNG.

Dự định của Mẹ Têrêsa là CHĂM SÓC NHỮNG NGƯỜI BỆNH Ở THỜI KỲ CUỐI, những người đến Đền Kalighat để được chết gần “thánh địa”. Mẹ Têrêsa không mong kéo dài sự sống cho họ, nhưng buồn về tình trạng nhơ uế và cô độc của họ trong thời gian cuối đời. Mẹ Têrêsa quan ngại về tỷ lệ tử vong và ám ảnh về cách chết của họ, ngược với quan niệm của người Hindu về sự tái sinh và sự chết là được giải thoát khỏi maya.

Mẹ Têrêsa lập một trại phong (Leprosarium) ở ngoại ô Calcutta, trên khu đất do chính phủ cấp. Bà là người lý tưởng hóa hơn là người lập dị. Người phong cùi bị coi thường không chỉ ở Calcutta mà ở khắp Ấn Độ, đến vài xu lẻ cũng không ai muốn bố thí cho họ. Ai cũng sợ bị lây nhiễm. Từ đó, người ta cũng có ánh mắt không thiện cảm với Mẹ Têrêsa.

Từ năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần cũng nhờ cuốn sách và bộ phim tư liệu tựa đề “Something Beautiful for God” (Điều Tốt Đẹp Dành Cho Chúa) của Malcome Muggeridge.

Bà không chỉ là nhà truyền giáo, mà còn là một “lương y” tận tình chăm sóc người phong cùi. Cách dấn thân của bà đã thay đổi người dân Calcutta, chính các nữ tu Dòng Loreto cũng trở lại tìm bà.
Dân Calcutta rất quý mến Mẹ Têrêsa. Các chị em ở trường nữ Loreto hồi thập niên 1970 đều trở nên các bà vợ tốt, có địa vị trong xã hội và tình nguyện hoạt động xã hội theo ý định của Mẹ Têrêsa, nhất là vì trại phong. Những năm sau, Mẹ Têrêsa rất tin tưởng những phụ nữ tốt nghiệp trường Loreto.
Số phận những người vận động luân lý dễ bị tổn thương vì các thay đổi của thói đạo đức giả hoặc tùy tiện của các chiến dịch. Những kẻ gièm pha đã kết tội Mẹ Têrêsa là phóng đại cảnh nghèo khổ của dân Calcutta. Mẹ Têrêsa luôn phải phải đấu tranh, dù vẫn bị người ta chỉ trích nhưng hoạt động của bà không suy giảm. Thậm chí bà còn thành công và cảm hóa chính những người đã nghi ngờ hoặc những người ghen ghét bà. Chính Mẹ Têrêsa đã thay đổi nhiều trái tim, đó là phép lạ thực sự vĩ đại.

Mẹ Têrêsa nói: “Ở Tây phương có sự cô đơn, điều mà tôi gọi là bệnh-phong-của-Tây-phương. Bằng nhiều cách, nó còn tệ hơn người nghèo của chúng tôi tại Calcutta. Tôi không bao giờ từ chối một đứa trẻ nào, không bao giờ, dù chỉ một”.

Năm 1950, cũng là năm Mẹ Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái, ĐGH Piô XII đã phê chuẩn dòng này. Mẹ Têrêsa cũng đã từng có những lần sang thăm Việt Nam, chính Gx Thanh Đa (giáo hạt Gia Định, Saigon) đã được vinh dự đón tiếp Mẹ.

Vì tuổi cao sức yếu, Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, sau hơn nửa thế kỷ phục vụ những người cùng đinh trong xã hội trong đức ái của Chúa Giêsu. Mẹ Têrêsa được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 19-10-2003.

Mẹ Teresa là nhân chứng sống động của Lòng Chúa Thương Xót. Thật tuyệt vời và phấn khởi, nhưng cũng thực sự mắc cở, khi nhớ lại lời nhận xét của Mẹ: “Người nghèo KHÔNG CẦN chúng ta THƯƠNG HẠI, họ cần TÌNH YÊU và CẢM THÔNG. HỌ CHO CHÚNG TA NHIỀU HƠN CHÚNG TA CHO HỌ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi xin một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến, và khi họ ra về, họ có chung nhận xét là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được năm người đang hấp hối, trong đó có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với chị trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay chị. Chợt chị tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, nhưng cười và nói lời cảm ơn trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời”.

Lạy Mẹ Têrêsa, Thiên Sứ của Lòng Chúa Thương Xót, xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu như Mẹ để chúng con yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị ruồng bỏ, những người bị ngược đãi,… Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

KINH CẦU THÁNH TERESA CALCUTTA
(Trầm Thiên Thu chuyển ngữ)

Kinh cầu này làm Tuần Cửu Nhật kính nhớ và cầu xin Mẹ Teresa Calcutta – từ 27-8 tới 5-9:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con truyền bá hương thơm của Ngài tới mọi nơi con đến. Xin đổ vào linh hồn con tràn ngập tinh thần và tình yêu của Ngài. Xin làm thấm nhuần và sở hữu con hoàn toàn để cả cuộc đời con là ánh sáng của Ngài.

Xin chiếu sáng con và ở trong con để mỗi linh hồn con giao tiếp đều có thể cảm nhận sự hiện hữu của Ngài trong linh hồn con. Xin để các linh hồn nhìn lên và không còn thấy con nữa mà chỉ thấy Chúa Giêsu. Xin ở lại với con và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài tỏa sáng, tỏa sáng để thành ánh sáng cho người khác. Amen.

Từ nay anh sẽ bắt người (1.9.2016 – Thứ năm Tuần 22 Thường niên)


Lời Chúa: Lc  5, 1-11
1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. 4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. 8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! “9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Suy niệm:
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,
là những con cá quẫy đuôi trong lưới,
là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.
Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,
nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,
và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,
một đại dương bao la hơn nhiều,
một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.
Chỉ Chúa mới có thể
làm trái tim ông say mê một Ai khác,
yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.
Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.
Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,
Simon có nhiều lý do để khước từ.
Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình
để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,
hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.
Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,
Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).
Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.
Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,
và nhận ra Ðấng ở gần bên.
Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:
“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.
Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.
Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.
Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa, 
để cho Chúa tự do lôi kéo mình. 
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến. 
Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá, 
ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, 
khỏi những điều tưởng như không thể đổi. 
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 8, 2016

Phải loan báo Tin Mừng (31.8.2016 – Thứ tư Tuần 22 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 4, 38-44
38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa! ” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Suy niệm
Sáng ngày sa-bát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực. 
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sa-bát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
ức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa 
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 8, 2016

Lời có uy quyền (30.8.2016 – Thứ ba Tuần 22 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Đức Giêsu xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.  33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! “37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Suy niệm:

Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).

Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.

Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.

Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT (29.08)


Có những cái chết để lại cho đời  niềm thương nhớ khôn nguôi .Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ ,nhắc nhớ tên người chết mãi mãi không ngơi . Có những cái chết khiến người khác trề môi, phỉ nhổ .

Chết là trở về nơi cũ .Chết là ra đi .Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh . Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc,nhưng cũng không khỏi nguồn rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái ,khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người .

MỘT CÁI ĐẦU,MỘT SỰ TRẢ GIÁ VÔ BIÊN

Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi . Sự dại gái,khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại.Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng,tối tăm.Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải,đâu là trái.Oâng  đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi,chè chén trác táng. Oâng không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias,vợ loạn luân của Hêrođê . Đúng như lời Kinh Thánh nói:” Có một người được Thiên Chúa sai đến,tên là Gio-an.Ông đến để làm chứng,và làm chứng về  ánh sáng…”( Ga 1, 6-7 ) .

Gio-an không phải là ánh sáng,nhưng Gio-an tới để minh chứng về ánh sáng . Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng . Gio-an đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người,của xã hội đương thời và của nhân loại .Gio-an đã có lần nói:”Có Đấng đến sau Ông và Ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài “.Gio-an quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa cứu thế. Làm công tác dọn đường,Gio-an đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri . Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy .Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gio-an là Đức Kitô:” Người phải lớn lên,còn tôi phải nhỏ lại “. Gio-an đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias . Gio-an Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết . Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín.Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha . Cái đầu,vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.

LỜI CHỨNG ĐÁNG GIÁ NHẤT CỦA NGÔN SỨ GIO-AN TẨY GIẢ

Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gio-an Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gio-an Tẩy  Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó. Gio-an Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gio-an đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa:” Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa.Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý “.

Lạy Thánh Gio-an Tẩy Giả xin ban cho chúng con lòng can đảm để chỉ biết nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật.
Xin ban cho chúng con biết nhỏ lại với con người yếu hèn, tội lỗi của mình và luôn để Chúa lớn lên trong chúng con.
Xin ban cho chúng con tâm hồn và sức sống của các vị ngôn sứ của Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

28 thg 8, 2016

Trả lại tự do (29.8.2016 – Thứ hai Tuần 22 Thường niên)



Lời Chúa: Lc 4, 16-30
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.  
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu 
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sa-bát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…).
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu ?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xa-tan (Lc 13, 16), 
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh, 
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác, 
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ. 
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng 
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu, 
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
Khi đọc Tin Mừng Luca và cả sách Công vụ Tông đồ 
dưới ánh sáng từ bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu từ từ thực hiện những gì Ngài đã tuyên bố.
Trong bài này ta cũng thấy bóng dáng cả cuộc đời tương lai của Ngài:
được đón nhận lúc đầu, nhưng rồi bị khước từ, và cuối cùng bị giết chết.
Lời nguyện
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 8, 2016

Chỗ cuối (28.8.2016 – Chúa nhật 22 Thường niên C)


Lời Chúa: (Lc 14,1.7-14)
1 Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
12 Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Suy Niệm
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời
thường xoay quanh những chiếc ghế.
Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.
Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.
Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.
Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu.
Philatô cho đóng đinh Ðức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc
cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng.
Ngày nay vẫn có những bạn trẻ
cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao
để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.
“Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo,
sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống.
Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ,
sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”
Ðức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh, để sống khiêm tốn.
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.
Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay sợ người khác.
Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm.
Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa,
và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được,
nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần
với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình,
họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ.
Nhưng một người quét đường có lương tâm
còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.
Ðức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn.
Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền,
hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có.
Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi,
để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá,
có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần.
Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi,
vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.
Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình,
để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên.
Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán
vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Vào mà hưởng niềm vui (27.8.2016 – Thứ Bảy Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 25, 14-30
Khi ấy, Đức Giêu nói với các môn đệ rằng: 14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy nim:
Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi, 
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 8, 2016

Vừa mang đèn, vừa mang dầu (26.8.2016 – Thứ sáu Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 25, 1-13
1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! “7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! “9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! “12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! “13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Suy niệm
Nếu nhìn bề ngoài mười cô trinh nữ,
chúng ta khó lòng phân biệt được ai khôn ai dại.
Mười cô có thể là những cô phù dâu đang ở bên nhà gái,
Các cô đều mang theo đèn, hay đúng ra là những ngọn đuốc nhỏ,
vì chỉ đuốc mới không tắt khi gặp cơn gió ngoài đường.
Xúng xính trong những bộ áo đẹp,
các cô ngóng chờ chàng rể đến, để ra đón với đuốc sáng trên tay,
và để sau đó tất cả tiến vào nhà gái dự tiệc.
Nhưng vì chàng rể và nhà trai đến chậm, nên mười cô đều ngủ cả.
Đến bây giờ vẫn không thể phân biệt được năm cô khôn và năm cô dại.
Chẳng rõ các cô đã chợp mắt được bao lâu,
nhưng đến nửa đêm có tiếng la lên, báo tin chàng rể đến.
Cả mười cô đều hối hả thức dậy và lo sửa soạn đèn,
vì đèn là điều quan trọng và cần thiết để ra nghênh đón chàng rể.
Bây giờ người ta mới nhận ra trong mười cô, ai dại, ai khôn.
Vì chàng rể đến muộn quá, nên mọi ngọn đuốc của các cô đã hầu tàn.
Phải châm thêm dầu thì mới có đuốc sáng ra đón chàng rể.
Năm cô khôn dễ dàng làm cho đuốc sáng lên, vì họ đem theo dầu dự trữ.
Còn năm cô dại thì lúng túng không biết phải làm sao.
“Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đuốc chúng em sắp tắt rồi” (c. 8).
Các cô khôn cũng cần có đủ dầu cho cuộc đón rước sắp tới, nên đã từ chối.
Không phải vì độc ác, nhưng vì số dầu đem theo chỉ đủ cho riêng họ.
Cách giải quyết tốt nhất là đề nghị các cô dại đi mua nơi cửa hàng.
Chuyện này không khó vì các cửa hàng vẫn thường mở đến khuya.
Tiếc thay, đang lúc các cô đi mua, thì chàng rể tới.
Chỉ có năm cô mang đuốc sáng ra đón chàng rể.
Chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng, theo chàng vào dự tiệc cưới.
Cửa được đóng lại, ngăn cách giữa người được dự tiệc và người không.
Năm cô dại cuối cùng đã có dầu, đuốc đã sáng, trở về, gõ cửa.
“Thưa Ngài, thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi với !” (c. 11).
Nhưng các cô bị từ chối thẳng : “Tôi không biết các cô là ai” (c. 12).
Dụ ngôn này có một kết thúc không vui trọn vẹn.
Tiệc cưới rất vui ở bên trong, năm cô đứng ngoài không được vào.
Chúng ta thấy tiếc cho năm cô dại.
Dại ở đây không phải vì không có thiện chí hay làm điều gian ác.
Khôn hay dại chỉ khác nhau ở chỗ sẵn sàng hay không sẵn sàng,
đuốc có sáng khi chàng rể đến hay không.
Các cô khôn đã phải tính đến chuyện lỡ chàng rể đến muộn,
làm sao có đủ dầu để thắp cho cây đuốc sáng mà ra đón.
Ai mà có đủ dầu dự trữ rồi thì ngủ cũng yên tâm.
Chúng ta cần nếm nỗi đau của năm cô đứng ngoài, khi cửa đã đóng lại.
Muộn mất rồi, mọi chuẩn bị háo hức trở nên vô ích.
Đức Giêsu chính là Chàng Rể đến bất chợt giữa đêm khuya.
Chỉ mong ta không phải năn nỉ xin dầu và vội vã đi mua dầu trong đêm.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 8, 2016

Có vẻ công chính (Thứ Tư Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 23, 27-32
23 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ.26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.27 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!29 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.30 Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.”31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Suy niệm
Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,
để người Do-thái dễ nhận ra và tránh xa.
Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,
vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.
Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).
Đối với người Do-thái, ngôi mộ là điều nên tránh,
vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),
tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.
Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,
vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,
nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).
Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.
Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.
Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,
để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.
Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),
đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.
Họ khẳng định mình không can dự và tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.
Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,
qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,
Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu
về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,
chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.
Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?
Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.
Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,
và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.
nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.
Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,
Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những kitô hữu bị bách hại,
bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do-thái (Mt 23, 34).
Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,
lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,
những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.
Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.
Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này
vì các kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.
Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay
khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,
khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,
khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.