Thánh Gioan Maria Vianney sinh ngày 8 tháng 05 năm 1786 tại Dardilly, nước Pháp. Đức Cha Simon truyền chức linh mục cho Ngài tại Grenoble vào ngày 13 tháng 8 năm 1815. Vào ngày 13 tháng 02 năm 1818, Ngài được sai đến xứ Ars, nhưng đến năm 1821 mới được chính thức bổ nhiệm làm chánh xứ này.
Ngài qua đời vào ngày 04 tháng 8 năm 1859
Ngày 8 tháng 01 năm 1905,Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong lên bậc chân phước.
Ngày 31 tháng 05 năm 1925,Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Ngài lên bậc hiển thánh và năm 1929, cũng chính Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ trên toàn thế giới.
Qua cuộc đời của Thánh Nhân, chúng ta có thể rút ra những điểm chính yếu sau đây:
1. Một linh mục chuyên chăm cầu nguyện
Ngài thường cầu nguyện lâu giờ bên nhà tạm. Ngài cầu nguyện cho Ngài. Ngài cầu nguyện cho đoàn chiên Ngài coi sóc. Ngài cầu nguyện cho các tội nhân. Ngài cầu nguyện cho hết thảy mọi người. Ngài cầu nguyện một cách kiên trì và nhẫn nại. Khi chuẩn bị bước vào xứ Ars, Ngài đã quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa tốt lành, con là một linh mục dốt nát đáng thương, Chúa biết điều này. Dân chúng ở đây không chờ đón con, mà Chúa. Họ cần Chúa. Xin hướng dẫn lời con nói, việc con làm, để các linh hồn này được cứu độ .” Trong thời gian coi sóc xứ Ars, Ngài thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy hoán cải giáo xứ con .” Đặc biệt, Ngài thường xuyên cầu nguyện cho các tội nhân, chính Ngài đã nói: “Tôi thực sự chỉ là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi .”
2. Một linh mục luôn hy sinh, hãm mình
Đi liền với lời cầu nguyện, Ngài thường làm nhiều việc hy sinh, hãm mình. Vì Ngài hiểu rằng: muốn xua trừ ma quỷ ra khỏi các tội nhân, cần phải ăn chay và cầu nguyện. Ngài thường ăn khoai trừ bữa. Có những lúc khoai đã bốc mùi thiu, nhưng ngài vẫn ăn để hy sinh hãm mình. Vì thế, ma quỷ thường chế nhạo Ngài là “thằng ăn khoai .” Ngài thường nằm dưới sàn nhà và lấy một thanh gỗ làm gối kê đầu. Ngài không những đền tội cho mình mà còn đền thay cho tội nhân. Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay .”
3. Một linh mục chăm chỉ soạn bài giảng
Ngài thường ngồi trước Thánh giá, suy gẫm và viết bài giảng. Những bài giảng của Ngài thường có nội dung đơn sơ nhưng rất dễ hiểu, đánh động được người nghe. Nhờ các bài giảng, kết hợp với lời cầu nguyện và hy sinh của Ngài, sau một thời gian ngắn, có rất nhiều tội nhân đã biết sám hối trở về với Chúa: người thù ghét biết làm hòa với anh em; nhiều người quyết tâm chừa bỏ các tệ nạn: rượu chè, trai gái, cờ bạc …Vì thế, nhiều sàn nhảy phải đóng cửa.
4. Một linh mục có lòng sùng kính Đức Mẹ và yêu mến Bí tích Thánh Thể
Sau nhiều lần sát hạch, Ngài không đủ điểm để tiến lên chức linh mục. Cuối cùng, Bề Trên hỏi Cha xứ về Ngài như sau:
- Thầy Gioan Vianney có lòng đạo đức không?
- Thưa có.
- Thầy có kính mến Phép Thánh Thể không?
- Thưa có.
- Thầy có siêng năng lần hạt không?
- Thưa có.
- Thưa có.
- Thầy có kính mến Phép Thánh Thể không?
- Thưa có.
- Thầy có siêng năng lần hạt không?
- Thưa có.
Bề Trên quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được .” Như vậy, có thể nói, Thánh Gioan Vianey được chịu chức linh mục vì sự bền chí, đặc biệt vì lòng sùng kính Đức Mẹ và yêu mến Phép Thánh Thể.
Đối với Phép Thánh Thể, Ngài nói: “Không có gì cao trọng hơn thánh lễ .” Ngài mời gọi mọi người : “Hãy đến mà rước lễ. Hãy đến với Chúa Giêsu. Hãy đến sống với Ngài, để sống cho Ngài .” Bởi vì: “Rước lễ làm cho tâm hồn như một hơi thổi vào lửa sắp lịm tắt, mà nơi đó vẫn còn nhiều than hồng .”
Đối với Đức Maria, Ngài có lòng yêu mến Mẹ một cách đặc biệt. Ngài gọi Đức Maria là người giữ cửa Thiên Đàng. Ngài nói: “Phương thế chắc chắn nhất để biết ý muốn của Thiên Chúa là cầu nguyện với Mẹ tốt lành của chúng ta .”
5. Một linh mục siêng năng giải tội
“Tiếng lành đồn xa”, sự thánh thiện của Ngài nhanh chóng đồn đi khắp nơi. Vì vậy, khách hành hương tới xứ Ars ngày càng đông.
Từ năm 1858, số người tới xứ Ars hàng năm khoảng 120 ngàn người. Ai đến đây cũng mong muốn được xưng tội với Ngài. Chính vì vậy, lịch giải tội hằng ngày của Ngài phải bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng. Có những ngày Ngài ngồi tòa tới 17 tiếng. Có đầy đủ các thành phần đến xin xưng tội với Ngài: ngoài giáo dân, còn có các tu sĩ, linh mục và cả Giám mục nữa.
Nơi tòa giải tội, Ngài luôn thể hiện tình yêu thương, nhẫn nại, hiền hòa và kính trọng các hối nhân. Những lời khuyên răn của Ngài tuy ngắn gọn nhưng đầy tính thuyết phục, giúp cho các hối nhân sau khi xưng tội đều được bình an. Có những lúc Ngài khóc trong tòa giải tội. Có người hỏi: “Tại sao Cha khóc?” Ngài trả lời: “Tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ .” Dù số lượng người xưng tội lúc nào cũng quá tải, nhưng Ngài không bao giờ nóng nảy hay gắt gỏng với bất cứ ai. Ngài thật là một vị mục tử phản chiếu một cách trung thực về lòng
thương xót của Chúa đối với các tội nhân.
thương xót của Chúa đối với các tội nhân.
Ngoài ra, Ngài còn quan tâm đến mọi chiều kích khác của con người. Vì vậy, Ngài không ngừng bố thí, giúp đỡ những người nghèo, những người tàn tật. Đặc biệt, Ngài xây dựng nhiều viện mồ côi, trường học …để phục vụ những người kém may mắn trong xã hội.
Trên đây là một số nét chính yếu về cuộc đời của Thánh Gioan Vianney. Tất cả chứng minh cho chúng ta thấy một tâm hồn hằng cháy lửa yêu mến Chúa và thương yêu các linh hồn. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ trên toàn thế giới.
Mong rằng, tất cả các cha xứ đều biết noi gương bắt chước Ngài: chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh hãm mình, kiên nhẫn ngồi tòa giải tội, soạn bài giảng chu đáo, đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ và yêu mến Bí tích Thánh Thể. Nếu làm được như vậy, tất cả các linh mục đều trở thành những linh mục như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Lm Anthony Trung Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét