28 thg 9, 2019

Hai khuôn mặt trái ngược nhau (29.9.2019 – Chúa nhật 26 Thường niên năm C)


Lời Chúa: (Lc 16,19-31)
Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: 19 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” 25 Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.
27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” 29 Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. 30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. 31 Ông Ápraham đáp: “Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.

 Suy Niệm

Dụ ngôn cho ta thấy hai khuôn mặt trái ngược nhau:
một ông nhà giàu dư ăn dư mặc,
một anh nhà nghèo bệnh tật nằm đói lả,
không đủ sức xua đuổi những con chó đến quấy rầy.
Hai người ở gần nhau,
chỉ cách nhau một cái cổng vẫn thường khép,
nhưng lại thật xa nhau.
Ông nhà giàu biết mặt, biết tên anh nhà nghèo,
nhưng ông chẳng mảy may quan tâm,
vì ông bận tổ chức tiệc tùng và mời quan khách.

Ladarô đã chết trong cảnh đói nghèo và bệnh tật.
Ông nhà giàu cũng chết.
Cái chết đồng đều cho mọi người,
nhưng số phận sau cái chết lại khác nhau.
Không phải chỉ vì giàu mà ông nhà giàu bị phạt,
nhưng vì ông đã khép cửa và khép lòng,
đã ung dung hưởng thụ quyền sở hữu “hợp pháp”,
đã không chấp nhận chia sẻ điều mình có dư thừa.
Ông nhà giàu hẳn đã thấy Ladarô,
nhưng đã sống như thể không có anh ta,
vì ông loay hoay vun quén cho hạnh phúc của mình.
Không phải chỉ vì nghèo mà anh nhà nghèo được thưởng,
được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Abraham,
nhưng vì anh chấp nhận số phận hẩm hiu của mình,
và trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Thế giới văn minh lại càng đào sâu hố ngăn cách
giữa nước giàu và nước nghèo,
giữa thiểu số người giàu và đa số người nghèo.
Chính tôi cũng giàu về một mặt nào đó:
giàu trí tuệ, giàu bạn bè, giàu thế lực,
giàu chỗ đứng trong xã hội, giàu đời sống thiêng liêng.
Hố sâu chỉ được lấp đầy
bằng cách mở tung cánh cửa yêu thương và chia sẻ,
nhìn nhận tài nguyên thế giới là của mọi người,
nhìn nhận quyền sống của từng người,
sống như một nhân vị, sống như con cái Thiên Chúa,
sống như anh chị em tôi.

Mỗi người chúng ta đều có một Ladarô chờ ngoài cửa,
nếu chúng ta mở cửa và mời người đó đồng bàn,
thì chúng ta sẽ trở nên người giàu có thực sự,
và trưởng thành viên mãn trong nhân cách.

Dù người chết hiện về, dù kẻ chết sống lại
cũng chẳng làm chúng ta hết chai đá.
Chỉ Lời Chúa mới khiến chúng ta sám hối ăn năn,
mở lòng trước tha nhân và Thiên Chúa (x. 1Ga 3,17).

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy
những người nghèo ở quanh con,
ở trong gia đình con, đang cần đến con.
Bất cứ ai đang cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười,
một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó
và ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con
khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh
can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 9, 2019

Tại sao người giàu sang kẻ nghèo hèn?


Mỗi người một suy nghĩ, một lối sống và con đường có thể dẫn bạn tới thất bại hay thành công. Điểm mấu chốt là tại sao cùng một kiếp sống lại có người giàu kẻ nghèo? Người giàu là người có nhiều của cải vật chất và tích trữ theo nhiều hình thức như: gửi ngân hàng, cho vay mượn hay đầu tư mua bán trái phiếu, bất động sản... khiến cho họ giàu, càng trở nên giàu. Người nghèo là người có số lượng hạn hẹp về nhiều mặt như thiếu thốn của cải vật chất cũng như tinh thần, khó khăn trong đời sống, chi tiêu hạn hẹp, không có khả năng mua bán cao. Vậy tại sao có nhiều người giàu đến thế? 

Bạn có bao giờ tự hỏi tiền họ kiếm ở đâu không? Thiển nghĩ chắc họ kinh doanh buôn bán giỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế... tạo lập ra nhiều mối quan hệ tốt, tận dụng được thời cơ, vận dụng sáng suốt nắm bắt cơ hội. Người nghèo vì hoàn cảnh thiếu thốn, mối quan hệ ít hoặc không có, tiền cũng ít, nhiều khi làm gì cũng rơi vào nghèo, đã nghèo càng nghèo thêm. Trong kinh doanh người ta gọi là bẫy nghèo. Làm gì cũng rơi vào bẫy nghèo. Lý do đơn giản vì vốn ít, khi thất bại không có vốn để duy trì đầu tư, cộng thêm quen biết hạn hẹp nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhìn chung, khi ai đó sinh ra được bao bọc che chở trong điều kiện thuận lợi có lẽ sẽ tốt hơn nhiều so với một người nghèo đói. Tuy vậy, hoàn cảnh nào thì cũng có giá trị riêng của nó. 

Có những người giàu sang nhờ vào năng lực của chính mình, cụ thể như Bill Gates là một người giàu có và nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ thông minh. Ông là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ mà ông cùng với Paul Allen tạo lập. Bên cạnh đó, nhờ giàu có, ông lại có tấm lòng bao dung khi giúp đỡ nhiều các tổ chức từ thiện nên ông quả là con người giàu có và có lòng với người nghèo khó. Tuy nhiên, có người giàu có lại nhờ vào khối tài sản thừa kế từ các bậc tiền nhân đi trước. Lại có người giàu có từ các hình thức kinh doanh buôn bán trá hình như: cờ bạc, mại dâm, buôn bán hàng cấm trái pháp luật, cho vay nặng lãi, tham ô, trộm cắp, lươn lẹo...

 Nhiều người muốn giàu có còn nghĩ cách chặt chân, chặt tay để mong đền bù khối tài sản bảo hiểm hàng tỷ. Trong cuộc sống, nhiều người giàu có muốn thể hiện đẳng cấp mua sắm quá chớn, sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để mua điện thoại. Tại sao vậy? Có thể vì công việc làm ăn hay là một sở thích, có khi lại là mốt, cũng đôi khi vì lịch lãm và đẳng cấp với thương hiệu. Muốn thể hiện giá trị thứ thiệt của người giàu hay một dân chơi thứ thiệt.

 Nói như thế, không có nghĩa là người giàu hoàn toàn xấu. Điều quan trọng là lối suy nghĩ của mỗi người về nhiều phương diện cuộc sống. Từ những bàn luận trên, nhiều người giàu vẫn cứ giàu và tốt lành tạo điều kiện cho người nghèo phát triển. Còn nhiều người giàu lại quá giàu nhờ vào bàn tay hôi hám trục lợi. Đối với người nghèo, có người thực sự nghèo khó. Có người nói nghèo từ trong trứng nghèo ra. Sinh ra đã nghèo, nghèo về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí sinh ra đã không có chân tay. Thế mà nhờ ý chí quyết tâm họ đã vượt qua như trường hợp của Nick Vujicic.

 Trái lại, một số thích nghèo, thích liệt vào danh sách hộ nghèo để được trợ cấp. Còn biết bao trường hợp giả nghèo để quỵ lụy xin xỏ, giả nghèo để ăn xin làm giàu. Ôi thương cho một kiếp người, phải chăng môi trường xã hội hay giáo dục tạo nên họ? Vậy có mẫu gương quyền cao, chức trọng nào cho ta đáng noi theo không?

 Chỉ cần vào Google gõ Đức Giáo Hoàng Phanxicô ta có thể thấy rõ cách sống nghèo khó của ngài. Thứ đến, mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta con người nghèo khó nhưng giàu tình cảm. Phi thường đến nỗi cả thế giới ca ngợi là Mẹ thánh. Hơn nữa, năm 1979, Mẹ Têrêsa được trao Giải Nobel Hòa bình cho: "Những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khó và cùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình." Mỗi kiếp người mỗi hoàn cảnh, hãy cố gắng vượt qua. Sống trọn giây phút hiện tại bằng khối óc và con tim nhân từ sẻ chia. 

Đừng than trách tại sao tôi sinh ra trên trần gian lại đau khổ nghèo đói rồi lại chết đi? tại sao người giàu kẻ nghèo? Câu trả lời của tôi là:  bạn hãy quan sát bàn tay của mình, hay bàn tay của người khác, có người ngón ngắn, ngón dài. Cuộc sống cũng vậy, có người giàu kẻ nghèo, người giàu phương diện này nhưng lại nghèo phương diện kia và ngược lại. Mục đích và ý nghĩa là để cạnh tranh, cố gắng và xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đừng vì tham giàu mà dẫn đến chiến tranh. Đừng vì chấp nhận nghèo mà không có ý chí cố gắng phấn đấu tạo lập cuộc sống.  “Hãy học và sống nghèo mới giàu”- Bạn và tôi cùng cố gắng

Tác giả bài viết: Agape

26 thg 9, 2019

Anh em bảo Thầy là ai? (27.9.2019 – Thứ sáu tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 18-22

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).

Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Cầu nguyn:

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 9, 2019

Mẹ tôi và anh em tôi (24.9.2019 – Thứ ba Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 8, 19-21
19 Khi ấy, Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Cách thức anh em nghe (23.9.2019 – Thứ Hai tuần 25 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 8, 16-18
16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

 Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”
Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn dấu.
“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Ðó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.