31 thg 12, 2012

NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG

MỪNG KÍNH THÁNH GIA THT
ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH 


KỶ NIỆM CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG

THÁNH LỄ TẠ ƠN
* KỶ NIỆM 12 NĂM CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG
* ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH GIÁO XỨ
* MỪNG KỶ NIỆM HÔN PHỐI
Sáng qua (30.2.2012) vào lúc 9g30, Cha Chánh xứ Giuse, Cha PT. Phaolo và cộng đoàn Giáo xứ đã long trọng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn :
- Mừng Kỷ Niệm 12 Năm Cung Hiến Thánh Đường (30.12.2000 - 30.12.2012) Đây cũng là dịp nhắc nhớ mọi người ý thức về Ngôi Thánh Đường: nơi tụ họp để thờ phượng và tôn vinh danh Chúa, tri ân quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý ân nhân xa gần và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã chung tay xây dựng để hình thành Gx. Thiên Ân hôm nay...
*Xin Click   Vào Đây   Để nhìn lại quãng thời gian 12 năm trước và cùng cảm tạ Hồng Ân.

Cùng với niềm vui hôm nay: Lễ Kính Thánh Gia Thất, giáo xứ còn tổ chức:
- Đại Hội Gia Đình (do Sr. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế thuyết trình)
- Chúc Mừng Kỷ Niệm Hôn Phối cho 92 đôi Hôn Phối (từ 20 năm - 60 năm), một chặng đường dài Hồng Ân, nhằm hun đúc gia tăng Tình yêu theo mẫu gương Gia Thất: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Nêu gương sáng cho thế hệ trẻ về lòng chung thủy yêu thương trong gia đình.
"Tín nghĩa Ân tình nay Hội Ngộ"....

Múa Thiếu Nữ Sion (mở đầu thuyết trình Chuyên đề Gia Đình)
Huấn từ của Cha Chánh xứ

Sr. Hồng Quế (OP) Thuyết trình về Hôn Nhân Gia Đình

Tiếp rước các Đôi Hôn Nhân
 
Các Đôi Hôn Nhân lập lại Lời Thề Ước
Một trong những Ảnh Lưu Niệm

27 thg 12, 2012

NIỀM VUI GIÁNG SINH

Vào lúc 9g30 ngày 23.12.2012 Cha Chánh xứ Giuse, Cha Phụ tá Phaolo đã cử hành nghi thức tiếp nhận, ban các Bí Tích và Thánh lễ Tạ Ơn: Bế giảng Khóa III Lớp Giáo Lý Dự Tòng & Hôn Nhân 2012.
Trong niềm đợi mong ngày Đại Lễ Giáng Sinh, Cộng đoàn Giáo xứ vui mừng đón nhận 34 Anh chị em Dự tòng được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chính thức gia nhập vào Đại gia đình Giáo Hội. Với những bước đi đầu tiên của người Kitô hữu, họ rất cần những gương sống đạo, lời cầu nguyện, sự quan tâm nâng đỡ của cộng đoàn: Con cùng một Cha trên trời. Ngoài ra còn có 07 anh chị cũng được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và 03 đôi Hôn Phối.
Xin chung lời cảm tạ Hồng Ân cho Niềm Vui Giáng Sinh nở hoa trên mọi người vừa nhận biết "Đấng Yêu Thương Ở Cùng Chúng Ta"
Nghi thức Đón nhận Anh Chị em Dự Tòng
Lãnh nhận Bí tích Rửa Tội


Đón nhận Chúa Thánh Thần

Anh chị em Dự Tòng & Hôn Nhân chụp ảnh  lưu niệm (Khóa III 2012)









23 thg 12, 2012

Tháng 12 - Năm Đức Tin (Tuần 4)

 

ƠN GỌI VÀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Khai triển nội dung

1. “Mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ trong ánh sáng của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”. Tại sao? Vì khi mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta thấy ơn gọi cao cả và phẩm giá cao quý của con người (Hiến chế Gaudium et Spes, số 22). Trong mầu nhiệm Nhập Thể, cách nào đó, Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Người đã thực sự nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.

2. Bằng cuộc sống làm người cũng như bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu Kitô chỉ cho chúng ta thấy phẩm giá và ơn gọi đích thực của con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được ban cho một linh hồn thiêng liêng bất tử, có lý trí và ý chí tự do. Ngay từ lúc tượng thai, con người đã được quy hướng về Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Augustinô). Vì thế, mỗi một con người, dù nhỏ bé và yếu đuối đến đâu (vd. thai nhi), vẫn phải được tôn trọng vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa.

3. Vì không ý thức đủ về phẩm giá và ơn gọi cao quý Chúa ban, nên nhiều khi chúng ta sống không xứng hợp với phẩm giá ấy; ngoài ra còn xúc phạm đến phẩm giá của người khác. Mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa phải là cơ hội thúc đẩy người Kitô hữu tái khám phá và sống đúng với ơn gọi, phẩm giá của mình cũng như tôn trọng phẩm giá người khác.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Nền tảng phẩm giá con người là gì?

Thưa: Phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, có lý trí và ý chí tự do, con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác (số 358).

Hỏi: Tại sao phải tôn trọng sự sống con người?

Thưa: Vì sự sống con người có giá trị linh thánh. Không ai được phép trực tiếp hủy hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa (số 466).

Ý cầu nguyện:

Cầu cho mọi người biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của chính bản thân và của anh chị em chung quanh.

 

BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THẾ NÀY ?

Tin Mừng Lc 3: 39-45 

           Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em".

18 thg 12, 2012

Tháng 12 - Năm Đức Tin (Tuần 3)

VAI TRÒ CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Khai triển nội dung
1. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Khi được loan báo rằng Mẹ sẽ hạ sinh “Con Đấng Tối Cao” bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã tin chắc chắn rằng Thiên Chúa làm được mọi sự (Lc 1,37-38). Mẹ đã sẵn sàng “xin vâng” với Lời Chúa. Khi bày tỏ sự vâng phục của đức tin như thế, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn. Trong các Sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là Thân Mẫu của Chúa Giêsu (Ga 2,1; 19,25; Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là con của Mẹ theo xác phàm, Đấng ấy chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa.
2. Đức Maria trọn đời đồng trinh.
Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên, Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria hoàn toàn là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Các trình thuật Tin Mừng hiểu việc thụ thai đồng trinh như một công trình của Thiên Chúa, vượt quá mọi hiểu biết và khả năng của nhân loại (Mt 1,20). Việc suy niệm sâu xa hơn đã đưa Hội Thánh đến chỗ tuyên xưng Đức Maria thật sự và trọn đời đồng trinh.
3. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội.
Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy. Trong ngày Truyền Tin, sứ thần Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ơn phúc”. Qua các thế kỷ, Hội Thánh ý thức rằng vì Đức Maria được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên ngài đã được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Piô IX công bố năm 1854.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Tại sao Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa?
Thưa: Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa vì là Mẹ của Chúa Giêsu. Thật vậy, Đấng mà Mẹ đã thụ thai bởi tác động của Chúa Thánh Thần và đã thực sự trở nên con của Mẹ, Đấng ấy chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha. Đấng ấy là Thiên Chúa (số 95).
Hỏi: Câu “Đức Maria trọn đời đồng trinh” có nghĩa gì?
Thưa: Đức Maria trọn đời đồng trinh có nghĩa là Mẹ vẫn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng trinh khi sinh con, vĩnh viễn đồng trinh. Khi các Sách Tin Mừng nói về “anh chị em của Chúa Giêsu” thì đó là những người bà con họ hàng gần của Chúa Giêsu, theo như cách nói quen dùng trong Kinh Thánh (số 99).
Ý cầu nguyện:
Cùng với Đức Maria, dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa (Kinh Ngợi Khen – Magnificat).

16 thg 12, 2012

Tháng 12 - Năm Đức Tin (Tuần 2)

TẠI SAO

THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI ?

Khai triển nội dung

1. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi hiến ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16; 1Ga 4,9); “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

2. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Trên núi Biến Hình, Chúa Cha đã truyền “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Chúa Giêsu chính là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Vì thế, chiêm ngắm Chúa Giêsu và bước theo Người là con đường chắc chắn dẫn đến sự sống dồi dào, sự sống đời đời.

3. Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Thánh Irênê dạy: “Chính vì điều này mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa”.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Tại sao Con Thiên Chúa đã làm người?

Thưa: Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là để chúng ta là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Người, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện, và để cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (số 85).

Hỏi: Trái tim của Đức Kitô nói lên điều gì?

Thưa: Đức Kitô biết và yêu thương chúng ta bằng trái tim của con người. Trái tim của Người bị đâm thâu để cứu độ chúng ta, là biểu tượng tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với mỗi người (số 93).

Ý cầu nguyện:

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con giống như Trái tim Chúa.

15 thg 12, 2012

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - Năm C



Tin Mừng Lc3: 10-18           
Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì ?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy". Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình". Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình". Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a. Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi". Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

9 thg 12, 2012

ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG - Năm C


Tin Mừng Lc 3: 1-6
        Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Khan-na và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

5 thg 12, 2012

Tháng 12 - Năm Đức Tin (Tuần 1)

Tháng 12 / 2012 – Tháng 5 / 2013
LỜI MỞ ĐẦU
Tòa Tổng giám mục đã gửi đến các giáo xứ tập Hướng Dẫn Mục Vụ Năm Đức Tin, giới thiệu những chủ đề được khai triển trong suốt năm.
Để đồng hành với các giáo xứ và các hội đoàn, các nhóm trong việc khai triển chủ đề hằng tháng, Tòa Tổng giám mục tiếp tục gửi tập Các Bài Giáo Lý Cộng Đồng. Những bài giáo lý này được sắp xếp theo hằng tuần và theo sát chủ đề của mỗi tháng. Trong mỗi bài, có phần khai triển nội dung đề tài, tiếp theo là một vài câu hỏi-thưa để ghi nhớ, cuối cùng là gợi ý cầu nguyện.
Hi vọng tập sách này sẽ giúp các cộng đoàn học hỏi và sống chủ đề mỗi tháng cách tích cực hơn.
Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục phụ tá

Tháng 12 / 2012 trùng với Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Vì thế, chủ đề giáo lý của tháng này là ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI : “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này trong 4 tuần lễ :
Tuần 1: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người;
Tuần 2: Tại sao Thiên Chúa xuống thế làm người?
Tuần 3: Vai trò của Đức Trinh Nữ Maria;
Tuần 4: Ơn gọi và phẩm giá con người.


TUẦN 1
ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
Khai triển nội dung

1. Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại: “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Trong một thánh thi do thánh Phaolô ghi lại, Hội Thánh hát mừng Đức Giêsu Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,5-8).
2. Khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, điều đó không có nghĩa là nơi Chúa Giêsu, có một phần là Thiên Chúa, còn một phần là người; cũng không có ý nói Chúa Giêsu là kết quả của sự pha trộn lẫn lộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Trong lịch sử, đã có những lạc thuyết chủ trương như trên. Nhưng Hội Thánh khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt: “Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt” (CĐ Calcêđônia).
3. Tin vào Con Thiên Chúa làm người là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2).
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?
Thưa: Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành xác thể (Ga 1,14), trở thành con người thật. Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo (số 86).
Hỏi: Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật như thế nào?
Thưa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất nơi Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Người đã thực sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta (số 87).
Ý cầu nguyện:
Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu đã đến chia sẻ phận người với chúng con.

3 thg 12, 2012

BƯỚC THEO THẦY


THÁNH PHANXICO XAVIER (03.12)

Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4.1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Quốc truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quãng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3.12.1552, được ĐTC Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x.Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

1 thg 12, 2012

CARITAS ThiênÂn - Hành Hương Đức Mẹ TàPao

Ngày 26-27 vừa qua, Cha Chánh xứ đã tổ chức cho Ban Caritas và đại diện một số anh chị em thiện nguyện trong công tác phục vụ Giáo xứ chuyến hành hương kính viếng Đức Mẹ TàPao:Tạ ơn công trình nhà Sinh hoạt mới hoàn thành và chia sẻ bác ái tại Cơ Sở Khiếm Thính Hừng Đông do các Soeur dòng Mến Thánh Giá Nha Trang phụ trách.
* Thánh Lễ Tạ Ơn tại Nguyện đường trên đồi Đức Mẹ TàPao.


Đến với các em Khiếm Thính
 - Xin mở rộng vòng tay nhân ái
   Cho đời nhẹ bớt những đau thương !

30 thg 11, 2012

NGƯ PHỦ LƯỚI NGƯỜI

THÁNH ANDRE TÔNG ĐỒ (30.11)




Thánh Anrê – Anh ông Phêrô.
Tử Đạo : Bị trói đến chết vào năm 74 A.D. ( Anno Domini ) Kỷ nguyên Kitô.

Theo tiếng Hy Lạp, Anrê có nghĩa là trượng phu và thanh nhã.Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Anrê và một tông đồ khác với Chúa Giêsu.Thánh nhân đã đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu:”Hãy theo Ta,Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ngư phủ lưới người ta. Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu.

29 thg 11, 2012

CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG - Năm C

Tin Mừng Lc 21,25-28.34-36

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc"…Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người".p>

21 thg 11, 2012

DAO ĐỘNG VÀ HOANG MANG

Bạn có bao giờ nghe nói tới Nostradamus chưa? Ông được thế giới ca tụng là một “đại tiên tri” lừng danh đấy!
Nostradamus sinh ngày 14-12-1503 tại Saint Rémy de Provence, miền Nam nước Pháp. Theo tiếng Pháp, tên ông là Michel de Nostredame, còn Nostradamus là tên được La-tinh hóa. Ông là dược sĩ và tiên tri. Ông là tác giả quyển “Les Prophéties” (Những Lời Tiên Tri hoặc Những Lời Sấm), gọi tắt là “sấm ký”. Đó là một bộ sưu tập “lừng danh” gồm những điều tiên tri của ông được xuất bản năm 1555, với những bài đoản thi gồm 4 câu, mỗi nhóm 100 câu nói về một thế kỷ, lời lẽ trong quyển sấm ký này rất mơ hồ, khó hiểu, miêu tả những biến cố được tiên báo sẽ xảy đến cho thế giới từ giữa thế kỷ XVI cho đến ngày tận thế. Ông dự báo Ngày Tận Thế sẽ xảy ra vào năm 3797. Nhiều người đã luận giải những lời sấm trong quyển sấm ký này liên quan các sự kiện đã xảy ra từ thời Nostradamus đến nay và tiên liệu những biến động có thể sẽ xảy đến cho nhân loại.
Quyển sấm ký của ông đã nhận được những phản ứng trái ngược. Một số người gọi ông là thuộc hạ của Satan, là bịp bợm, là dở hơi; nhưng giới quý tộc thượng lưu lại tấm tắc ca ngợi khả năng “linh hứng” thể hiện trong những điều ông viết. Chính Hoàng hậu Catherine de Médicis, vợ vua Henri II, cũng là một trong những người sùng mộ Notradamus. Sau khi đọc quyển “Niên Giám” cho năm 1555 của Notradamus có tiên báo một tai họa sẽ giáng xuống cho Hoàng gia, Hoàng hậu Catherine liền triệu ông về Paris để giảng giải cho tường tận, đồng thời lập lá số tử vi cho các hoàng tử và công chúa. Năm 1560, vua Charles IX đã phong cho Nostradamus chức “ngự y”.


Nostradamus có năng khiếu toán học, thiên văn và chiêm tinh từ nhỏ. Năm 15 tuổi, Nostradamus vào đại học Avignon học lấy bằng tú tài, nhưng hơn một năm sau ông bỏ dở do tác động của trận Đại Dịch Đen (dịch hạch). Năm 1529, sau vài năm hành nghề dược sĩ, ông học lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Đại học Montpelier, nhưng bị phát hiện từng hành nghề lang y nên bị nhà trường trục xuất (theo luật đại học thời đó, bào chế thuốc “thủ công” là dạng bị cấm). Nhưng ông vẫn tiếp tục hành nghề bào chế thuốc. Ông mất ngày 2-7-1566.
Qua kiểm chứng thực tế, ông không phải là tiên tri đúng nghĩa, vì những điều quan trọng vẫn không xảy ra như ông tiến đoán!

Nhà nghiên cứu Stephen Yulish chuyên về thiên văn học và UFO (Unidentified Flying Object – vật thể bay không xác định), ông nói rằng có nhiều mối liên hệ trong Kinh thánh cho biết vào một ngày Đông chí, khi mặt trời ở khoảng cách xa nhất đối với trái đất cùng lúc với các trận bão mặt trời, sự dịch chuyển bất thường của sao Kim sẽ gây ra động đất liên tiếp. Liệu điều này có liên quan đến những tiên đoán của lịch Maya?
Theo một số nhà thiên văn học, vào ngày này thì Thái dương hệ sẽ đi qua mặt phẳng xích đạo của thiên hà, điều này chỉ xảy ra theo chu kỳ mỗi 26.000 năm. Lịch Maya bắt đầu từ năm 3114 trước Công nguyên, tức là họ chưa hề có cơ hội kiểm chứng điều trên đây. Người Maya gọi sự kiện này là “cây thánh”, nó sắp xếp sự thẳng hàng của Thái dương hệ với trung tâm thiên hà theo mặt phẳng chính, nghĩa là lực hấp dẫn tác động lên Thái dương hệ khi đó sẽ là cực đại.
Người Maya là thổ dân có nền văn minh cổ đại nổi tiếng nhất là về toán học và thiên văn học, nhưng hiện nay coi như tuyệt chủng tại Nam Mỹ. Lịch tuần hoàn cuả họ có một chu kỳ lịch dài 5125 năm, và năm 2012 là năm kết thúc cuả chu kỳ hiện nay. Người Maya tin rằng sự kết thúc cuả một “niên lịch Maya” sẽ đánh dấu sự tận diệt cuả nền văn minh hiện đại, do những thiên tai xảy ra hàng loạt: Lũ lụt, động đất, núi lưả và sóng thần.

Theo cách tính toán rất khoa học cuả người Maya, ngày 21-12-2012 là ngày theo lịch Gregorian cuả họ kết thúc. Đó là khi mặt trời sẽ nằm giữa trung tâm Dải Ngân Hà trong Thái dương hệ (theo chu kỳ mỗi 26.000 năm), và ngày này cũng trùng vào ngày Đông chí.
Chính vì những hiện tượng trùng hợp này người ta cho rằng nguồn năng lượng chiếu vào trái đất sẽ bị cản trở, và khoảng giữa cuả trái đất sẽ bị kéo phình ra do lực kéo từ bên ngoài trái đất. Hiện tượng này khiến Bắc cực và Nam cực cuả trái đất bị hoán vị lẫn nhau. Như thế có nghiã là ngày thành đêm đêm thành ngày. Mặt đất lúc đó cũng sẽ thay đổi vị trí, những vùng đất liền cuả các lục địa sẽ bị kéo về phiá khác do ảnh hưởng cuả lực hút từ cuả thiên hà ở ngoài trái đất. Khi đó sẽ có sự hoạt động của các núi lưả, các trận sóng thần và động đất. Âu châu lúc đó sẽ biến mất và Anh quốc cũng vậy. Nước biển sẽ tràn ngập mặt đất gây trở ngại lớn cho sự sống còn cuả mọi loài sinh vật.

Quan điểm này cũng phần nào được Cơ quan Không gian NASA xác nhận khi họ tuyên bố về hiện tượng những tia lửa và đốm đen từ mặt trời toả ra đồng loạt, hiện tượng này sẽ gây ra cảnh cúp điện liên tục và các hệ thống vệ tinh nhân tạo sẽ bị cản trở vào năm 2012. Trong bản tường trình cuả NASA năm 2002 cho thấy trái đất đã bị phình ra ở khúc giữa từ năm 1998, thấy rõ qua hình ảnh chụp được bằng hệ thống vệ tinh.

Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng thường có ba luồng ý kiến: Người đồng tình, người phản bác, và người bàng quan. Tin đồn về Ngày Tận Thế cũng vậy. Giáo sư Stephen Houston, thuộc ngành khảo cổ tại ĐH Brown, nhận định: “Những lời tiên tri về ngày tận thế kiểu này thực sự là chẳng hiểu gì về văn hoá Maya. Cách mô tả cuả người Maya chỉ cho thấy chu kỳ cuả một niên lịch đang đến hồi kết thúc, và một niên lịch khác sẽ được tiếp diễn một cách bình thường, chứ chẳng có một sự kiện nào xảy ra! Thật ra thiên hạ chỉ dựa vào sự lo lắng bồn chồn cuả thời đại này, cộng thêm với những truyền thuyết đã có từ trước, rồi cho rằng các nhà thông thái cổ đại đã tiên đoán về những biến động đột ngột trong thời đại chúng ta”.

Vài chục năm trước, người ta cũng đã từng có nhiều lời đồn về Ngày Tận Thế. Người ta truyền nhau những “thông điệp” bằng chữ viết tay, khi máy photocopy phổ biến thì người ta sao chép hàng loạt, có những bản được chụp đi chụp lại nhiều lần đến nỗi không còn rõ chữ. Tất cả chỉ là nhắm vào tính hiếu kỳ và tính “thỏ đế” của dân chúng, nhất là những người “yếu bóng vía”. Chuyện chưa hề xảy ra mà họ đã “run như cầy sấy” rồi, nếu sự cố xảy ra thì chắc chắn họ chết trước: Chết vì hoảng loạn, chết vì khiếp vía, chết vì sợ hãi!

Sau khi đọc bài “Dự báo của NASA: Đất Trời đen tối” do tôi tổng hợp và chuyển ngữ, nói về việc trời đất đen như mực vào ba ngày 23, 24 và 25-12-2012, một thanh niên gởi mail cho tôi thế này: “Đọc bài của chú xong mà toát mồ hôi hột, vì thấy gần trùng hợp với ngày 21-12-2012”. Đọc mail xong, dù chỉ có một mình, tôi vẫn lắc đầu theo phản xạ, cười thầm và nghĩ: “Yếu bóng vía quá! Vậy mà nói tin Chúa sao?”.

Ngày Tận Thế là thời điểm có thật, chắc chắn xảy ra, vì đó là ngày Đức Kitô giáng lâm. Thời điểm đó có thể là ngay khi bạn vừa đọc đến câu này, cũng có thể là ngày mai, hoặc vào một lúc nào đó trong tương lai (dù gần hay xa). Ngày Tận Thế chắc chắn xảy ra vì Chúa Giêsu đã từng cho biết rõ: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào, sóng thét” (Lc 21:25).

Về hiện tượng của Ngày Quang Lâm, Chúa Giêsu cho biết: Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (Mt 24:29-31).

Thánh Gioan kể về thị kiến: Tôi thấy: khi Con Chiên mở ấn thứ sáu, có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh. Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại, mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác. Vua chúa trần gian, vương hầu khanh tướng, người giàu sang, kẻ quyền thế, và mọi người, nô lệ hay tự do, tất cả đều phải trốn vào hang hốc và núi đá” (Kh 6:12-15).

Vài năm qua, người ta đã chứng kiến nhiều “sự lạ”, dù là người bình thường và “vô tư” nhất cũng khả dĩ nhận biết. Đó là thời tiết khác thường, thiên tai bất thường, trời đất thất thường, thủy triều lạ thường,… khiến lòng người khó có thể bình thường! Ngay tại Việt Nam, các báo đài cũng cho biết ở tỉnh này hoặc tỉnh nọ vẫn thường xuyên xảy ra những trận động đất.

Thiên Chúa biết chúng ta đang dao động và hoang mang, nên Ngài căn dặn từ hơn 2000 năm trước: “Nếu có ai bảo anh em: Này, Đấng Kitô ở đây hoặc ở đó, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giảngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24:23:25). Rõ ràng chúng ta thấy những điều Chúa Giêsu tiên báo đã và đang “ứng nghiệm” chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy.

Còn Thánh Phaolô cũng cảnh báo: “Thần khí phán rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ; đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung” (1Tm 4:1-2). Thánh nhân dùng từ khá “nặng”, nhưng phải vậy mới có thể làm cho người ta “mở mắt”.
Đức tin rất quan trọng, thực sự quan trọng hơn phép lạ. Chính Chúa Giêsu đã cầu chúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Thật vậy, chính nhờ đức tin mà được cứu độ (Rm 1:15), nhờ đức tin mà nên công chính (Rm 3:21; Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:6; Gl 3:24; Dt 11:7), nhờ đức tin mà được niềm vui và bình an (Rm 15:13), và cũng nhờ đức tin mà được chữa lành (Mt 9:22; Mc 5:34; Lc 8:48; Lc 17:18; Lc 18:42; Cv 14:9).
Chúng ta vẫn “leo lẻo” nói tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, luôn nói tín thác vào Thiên Chúa, thế mà mới nghe tin đồn trời đất biến động vào ngày 21-12-2012, hoặc vũ trụ tối thui vào các ngày 23, 24 và 25-12-2012, chúng ta đã DAO DỘNG và HOANG MANG là tại sao? Vậy là chúng ta chỉ tin Chúa bằng môi miệng như lời Chúa Giêsu đã trách: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15:8).
Dao động và hoang mang vì chúng ta chưa thực sự tin Chúa, chưa hoàn toàn phó thác cho Chúa. Không chỉ vậy, chúng ta dao động và hoang mang có nghĩa là chúng ta đang tin tưởng vào một thần quyền nào đó, có thể là quyền phép theo dạng phù thủy, hoặc cậy dựa vào quyền lực thế gian. Chúng ta không có cách nào để biện hộ cho động thái dao động và hoang mang của mình!

Có lẽ chúng ta chỉ nghe tai này luồn qua tai kia, rồi cho nó bay theo gió, vì chắc chắn chúng ta đã nhiều lần nghe Chúa Giêsu động viên: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20).

Quả thật, Thiên Chúa không chỉ động viên “Đừng sợ!”, mà còn giải thích lý do: “Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18). Vậy còn gì khác có thể làm bạn sợ hãi mà phải dao động và hoang mang?

Chúa Giêsu cứ lặp đi lặp lại hoài mà chúng ta vẫn cứng lòng, nên Ngài lại phải nhắc nhở: “Đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa!” (Mc 11:22; Ga 14:1), ấy thế mà người ta vẫn chưa thực sự tin, và rồi Ngài lại tiếp tục khuyến khích: “Đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!” (Ga 14:27). Đặc biệt là Ngài dùng cách nói nghi vấn: “Khi Con Người đến, liệu còn lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8).

Tất cả những người được thế giới ca tụng là tiên tri cũng đều sai, may ra có phần đúng theo kiểu ngẫu nhiên chứ không ai dám xác định và chắc chắn, dù chỉ là một sự kiện nhỏ thôi. Không một ai biết lúc nào là lúc Tận Thế, vì Chúa Giêsu đã minh định: Về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32).

Bạn đã đủ tin chưa? Hãy tự xét lại đức tin của mình, nhất là trong Năm Đức Tin này!

Tóm lại, Ngày Tận Thế là ngày có thật 100% chứ không chỉ là phỏng đoán theo kiểu “hên, xui” của thiên văn học hoặc khoa học, và chỉ tiên đoán như kiểu dự báo thời tiết.

Các tiên tri đã báo trước điều gì thì đều ứng nghiệm khi Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Và tất nhiên, điều gì Chúa Giêsu đã nói thì cũng sẽ chính xác đến từng chi tiết: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24:35; Mc 13:31; Lc 21:33).

Trầm Thiên Thu

18 thg 11, 2012

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
18.11.2012
Xin Click vào góc phải phía dưới hình để phóng to Slideshow

17 thg 11, 2012

NGÀY GIỜ ĐÓ...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên - Năm B

"Trời đất sẽ qua đi, nhưng những
lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."
(Mc 13,32)

Tin Mừng Mc 13,24-32Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. Khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”

12 thg 11, 2012

LOGO NĂM ĐỨC TIN 2012

Ý nghĩa Logo và bài ca Năm Đức Tin
Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã quyết định công bố Năm Đức Tin, bắt đầu từ ngày 11-10-2012 và sẽ kết thúc vào ngày 24-11-2013, dịp Lễ Chúa Ki-tô vũ trụ, và cũng là ngày Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vaticano II và 20 năm ban hành sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.

Ý nghĩa Logo:
Một chiếc thuyền, hình ảnh của Giáo Hội đang chèo chống trên những làn sóng của thế gian, mà cột buồm của nó là cây thánh giá, và những cánh buồm được làm nổi lên bởi các mẫu tự IHS (có nghĩa: Đức Giêsu Đấng Cứu Độ Nhân Loại). Phía nền sau là một hình mặt trời biểu tượng Thánh Thể.
Một trang web đa ngôn ngữ (
www.annusfidei.va) cũng như các ứng dụng cho điện thoại di động sẽ cho phép theo dõi các biến cố, sự kiện của Năm Đức Tin.


*Một chiếc thuyền, hình ảnh của Giáo Hội đang chèo chống trên những làn sóng của thế gian.


*Cột buồm của chiếc thuyền là cây thánh giá, và những cánh buồm là kết hợp bởi các mẫu tự JHS(Có nghĩa: Đức Giêsu Đấng Cứu Độ Nhân Loại).



*Phía nền sau là một hình mặt trời biểu tượng Thánh Thể.



 Ý Nghĩa Logo Năm Đức Tin:
Mời gọi người công giáo trên thế giới trở về với Đức Giêsu Kitô là cội nguồn đức tin, và là con đường đưa đức tin đến mức thành toàn. Đồng thời cũng xác định mục đích của việc trở về với Chúa Giêsu là:
- Để hiểu rõ Ngài hơn;
- Để sống trung thực với lời tuyên xưng đức tin;
- Để sống trọn vẹn hồng ân đức tin mà Ngài đã thương ban;
- Để canh tân đổi mới đời sống, làm cho hồng ân đức tin được tỏa sáng trong xã hội, được chia sẻ cho mọi người.