25 thg 4, 2012

BÀI CA NGƯỜI MỤC TỬ

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
CN CHÚA CHIÊN LÀNH


“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi,
và chiên của tôi biết tôi.”
(Ga 10,14)

23 thg 4, 2012

14 . MATTHIA

Thánh Matthia - Sau khi Chúa Giê-xu về trời, các tông đồ họp nhau lại để chọn sứ đồ thứ 12 thế chỗ của Judas Iscariot theo cách bắt thăm, cách mà người Do Thái thường dùng để xem ai là người được chọn theo ý của Thiên Chúa.
 Thăm trúng vào Matthias, người này trở nên sứ đồ thứ mười hai.

13 . PHAOLÔ

12 . GIACÔBÊ - Tiền.


Thánh Giacôbê – Con ông Dêbêđê và anh của Gioan. Người sự xét đoán.
Sự chết : Bị chém đầu tại Giêrusalem vào năm 44 A.D.


11 . PHÊRÔ

Thánh Phêrô (Simon) – Em ông Anrê. Ðược Chúa gọi là “Peter”, nghĩa là “Ðá”. Người sự lòng tin và cậy.
Sự chết : Ðóng thập giá đầu xuống đất (trái ngược Chúa Giêsu) vào năm 66 A.D.

10 . TÔMA

Thánh Tôma – Người thông minh. Ðược gọi là “Tôma Hồ Nghi”.
Sự chết : Ðâm bằng thương tại Corehandal, East Indies vào năm 52 A.D.

9 . GIUĐA - Tađêô.

Thánh Giuđa – Con ông Giacôbê . Người Trung kiên.
Sự chết : Bị tên bắn vào năm 72 A.D.

8 . GIUĐA - Ítcariốt.

Giuđa Ítcariốt – Con ông Simon Ítcariốt. Người phản bội Chúa. Người sự sống.
Sự chết : Thắt cổ tự tử vào năm 34 A.D.

7 . GIACÔBÊ - Hậu.

Thánh Giacôbê – Con ông Anphê. Người Giai cấp.
Sự chết : Ném xuống núi nhỏ và đánh cho chết vào năm 60 A.D.

6 . SIMON

Thánh Simon – Người nhiệt thành.
Sự chết : Ðóng thập giá tại Presta vào năm 74 A.D.

5 . GIOAN

Thánh Gioan – Em ông Giacôbê và con ông Dêbêđê. Người của lòng yêu mến.
Sự chết : Bị đày đến Isle of Patmos vào năm 96 A.D.

4 . MATTHÊU

Thánh Matthêu – Người thu thuế. Người ý chí.
Sự chết : Bị ám sát vào năm 60 A.D.


3 . BARTOLOMEO ( Nathanael )

Thánh Bartholomeo – Là Natanael, người Cana xứ Galilê, được Philipphê mời đến gặp Giêsu. Người của sự tưởng tượng.
Sự chết : Bị đánh, đóng thập giá, và chém đầu theo lịnh của Vua vào năm 52 A.D.

2 . PHILIPPHÊ



Thánh Philípphê – Ở Bétsaiđa vùng Galilê. Người quyền lực.
Sự chết : Ðóng thập giá tại Heirapole Phryga vào năm 52 A.D

1 . ANRÊ




Thánh Anrê Anh ông Phêrô. Người sức mạnh.
 Sự chết : Trói đến chết vào năm 74 A.D. ( Anno Domini ) Kỷ nguyên Kitô.

13 NGƯỜI LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Lời Ngõ : Lm. Tiến Lộc ( DCC


21 thg 4, 2012

MỤC TỬ TỐT LÀNH




PHẢI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH MỤC
Nếu Chúa Giêsu Mục Tử Tốt Lành đã bằng lòng đổ máu mình, để các con  chiên nhờ máu Ngài mà tẩy sạch mọi tội lỗi và nên tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa, thì  mỗi tín hữu còn có  quyền khao khát những mục tử đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu  đổ máu để họ cũng được nên tinh tuyền, được cứu độ.
   Tôi không chỉ nghĩ đến các Linh Mục với vài ngàn con chiên, mà  còn nhớ đến những người làm cha mẹ, với năm bảy hoặc mươi lăm con chiên mình phải  coi sóc, kể cả những nhà giáo, những huynh trưởng, những giáo lý viên. Thảy đều phải noi  gương Mục Tử Tốt Lành là Chúa Giêsu mà chịu đổ máu mình ra để đoàn chiên mình được  cứu rỗi.
   Vì để bảo đảm cho Sự Sống đời đời không ai cướp đi được, nhờ có các Mục Tử Tốt  Lành, mà hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ơn Thiên Triệu,  đặc biệt cho ơn Thiên Triệu Linh Mục thừa tác. 

  - Phải cầu nguyện vì Giáo Hội luôn cần những người sẵn lòng tận hiến đời  mình cho Thiên Chúa trong vai trò mục tử thánh thiện.
   - Phải cầu nguyện để có nhiều, nếu không nói là tất cả, những Linh Mục thánh  thiện.
- Phải đóng góp cụ thể cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội trong việc chuẩn bị và đào tạo các ứng sinh Linh Mục. 
- Và thiết nghĩ, còn phải bảo vệ các Linh Mục với thân phận con người mỏng dòn của mình nữa.

   Tại Việt Nam, điều đáng mừng là còn có  nhiều thanh thiếu niên đáp lại tiếng gọi  của Thiên Chúa và tận hiến đời mình cho Chúa và Giáo Hội. Nơi này, nơi kia, Giáo Xứ  này, Giáo Xứ nọ, đều có những hoa trái Linh Mục đáng kể, mặc dầu không phải nơi nào  cũng có nhiều người được chọn làm Linh Mục. 
Tôi bỗng nhớ câu chuyện của một cụ già đầy kinh nghiệm kể rằng: “Giáo Xứ chúng  tôi đến nay đã hơn trăm năm thành lập, mà Chúa chọn có mỗi một người làm Linh Mục  thôi. Linh Mục ấy cũng qua đời ở Dallas rồi !”  
Tôi hỏi cụ: “Theo cụ thì tại sao Chúa lại bất công như thế. Có Giáo Xứ có đến mười  hoặc hơn mười người làm Linh Mục”. Ông nói: “Truyền rằng, trong Giáo Xứ tôi hồi xa  xưa ấy, có một bà làm nhục cha sở, rồi cả Giáo Dân đứng lên phản đối cha, bêu xấu, đóng  cửa Nhà Thờ, trả cha về cho Tòa Giám Mục… Từ ấy về sau, con cái trong Giáo Xứ đứa  nào đi tu cũng cách này cách khác tìm đường chuồn về, chẳng đứa nào đậu được chức cha.  Giá mà hồi ấy ai nấy ra sức cầu nguyện cho cha, và đừng phạm sự thánh cách công khai  ấy, thì có lẽ Chúa thương cũng được thêm vài cha nữa rồi”.  
Tôi không biết suy nghĩ của ông cụ có đúng không. Tôi chỉ biết là phải trân quí, yêu  mến, cầu nguyện và bảo vệ các Linh Mục, và không được phép khước từ.

 Sách Công Vụ  Tông Đồ đã kể: Phaolô và ông Barnaba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những  người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy,  và tự coi mình không xứng đáng hưởng Sự Sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về  phía dân ngoại” ( Cv 13, 46 ). 

Vâng phải cầu nguyện và cũng phải bảo vệ nữa. Vì ma quỷ luôn có những kế  hoạch hàng đầu trong chương trình phá hoại Giáo Hội là “đánh kẻ chăn, đàn chiên ắt tan  tác”.  
- Phải cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, vì những tố cáo về  những  vụ “sexual scandals” mà ngài phải gánh chịu do một số Linh Mục sống cuộc sống buông  thả.  
- Phải cầu nguyện cho các Đức Giám Mục, các Đấng Chăn Chiên trực tiếp của  Giáo Hội Địa Phương. Tôi nghĩ có thể có những bất toàn thuộc về cá nhân, nhưng tôi  không tin có một bất toàn nào thuộc về tập thể, vì phải xác tín rằng, Chúa Thánh Thần  đang hướng dẫn các ngài dẫn dắt Giáo Hội đi theo đường ngay nẻo chính, không đi trên  con đường sai lầm.
 Không thể lấy điển hình tốt của một cá nhân Giám Mục này, mà bôi  nhọ, bài xích tất cả các vị khác. Còn thậm tệ hơn nữa, dùng cách bôi nhọ bài xích thiếu  văn hóa, thiếu nhân phẩm, thiếu đức tin, là cách làm của ma quỷ.
Lịch sự luôn là hoa trái  của lòng bác ái. Cách bôi nhọ bài xích không phải là cách góp ý chân thành. Vô tình mà  các tín hữu tự mãn, tự phụ về vốn hiểu biết chính trị một chiều của mình lại làm tay sai  cho ma quỷ để thực hiện mưu toan chia rẽ sự hiệp nhất nội bộ của các chủ chiên.  
- Phải cầu nguyện cho các Linh Mục, vì thời nào cũng có những cạm bẫy cho các  Linh Mục, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, những  hiện thân của Chúa Giêsu, những cánh tay nối dài của các Giám Mục.
 Riêng trong thời đại  này, thời đại ma quỷ đỏ rực lửa hỏa ngục đang nhắm thẳng vào các chủ chiên tốt lành của Giáo Hội, để giảm thiểu tối đa uy tín của chính các ngài, để làm mất mặt Giáo Hội và Chúa Giêsu. Ma quỷ thừa biết rằng: uy tín của các ngài phát xuất từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội. Vì thế, chúng tạo mọi điều kiện tốt để các ngài được tận hưởng một nền văn minh  hưởng thụ vật chất thế gian mà các ngài đã quyết lòng từ bỏ, để tận hiến cho Thiên Chúa.   
Trước nỗi đau của Đức Giáo Hoàng, của Giáo Hội, về các vụ sexual scandals, thiết tưởng, Giáo Dân Việt Nam càng phải tha thiết cầu nguyện nhiều nhiều hơn nữa cho các chủ chiên của mình luôn cảnh giác trước những chước cám dỗ tinh vi. Không chỉ cầu nguyện, mà còn tích cực góp ý và chặn đứng các nguy cơ dẫn đến điều tệ hại ấy. 
Cha Hạt Trưởng của tôi mất nay đã gần 100 ngày. Tôi nhớ, cũng tháng này 3 năm  trước, ngài gọi tôi để nhờ tìm hiểu về tác giả một bức thư gửi qua E-mail của chính ngài:  thư đề “Kính gửi quí cha nhân ngày Tĩnh Tâm các cha trong Giáo Hạt”, như sau: 
“Là Giáo Dân sống trong thời đại này, chúng con còn cần phải cảnh giác tối đa,  trước những cám dỗ về tiền bạc, rược chè,  khoái lạc, huống chi là các Linh Mục. Giáo  Dân còn bị ma quỷ đen đầu đỏ đuôi cài đặt cạm bẫy để phạm các tội luân lý huống nữa  là các Linh Mục. Không ai đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã.   
Vì thế, với lòng yêu mến, và vì cương quyết bảo vệ các Linh Mục là những mục  tử tốt lành như lòng Chúa mong muốn để ban Sự Sống đời đời cho chúng con, chúng  con thực tình mà nói về những điều mà Giáo Dân chúng con không muốn thấy : 
Giáo dân không muốn thấy các cha nhập cuộc với “văn hóa cạn chén” nơi  những đám cưới, đám giỗ chạp, hoặc ngay cả trong buổi tiệc tốt lành tại nhà xứ… để  được tiếng là “cha mình rất dễ tính, rất hòa đồng”… huống nữa là họ phải thấy cha  mình đang lai rai ở các quán ăn, quán bia, hoặc nhâm nhi cà phê giết thời gian dưới  ánh đèn mờ, hoặc hát karaoke với mấy bà sồn sồn quá mười giờ đêm không cho ai ngủ. 

 Giáo Dân càng không muốn thấy cha cử hành Thánh Lễ đang lúc còn sặc nồng  men rượu nghiêng ngã trên bàn thờ, giảng Lời Chúa lắp bắp, cử hành Phụng Vụ quên  trước quên sau, huống nữa là họ phải thấy, phải nghe ngay từ trên tòa giảng cha mình  nặng lời chĩa mũi dùi vào một vài cá nhân chân thành góp ý...  
  
Giáo Dân không muốn thấy cha mình cần tiền bạc đến mức phải thường xuyên lui tới thăm mục vụ các nhà Việt kiều, thăm các nhà kinh doanh, thăm những ân nhân, thăm những người đẹp..., còn nhà những người nghèo, người đau yếu tật nguyền cùng khổ…  thì đợi tới khi xức dầu, cha vẫn tìm không ra nhà hoặc là đi lộn ngõ !   
Giáo Dân không muốn thấy các cha tiếp khách ưu tiên nơi phòng riêng, trong  khi tiếp các ông Hội Đồng, các người giúp việc Giáo Xứ nơi hiên Nhà Thờ cho qua loa cho xong chuyện.  

 Giáo Dân không muốn thấy kể cả các Nữ Tu hiền lành thánh thiện thường trú ở nhà xứ, vì họ vẫn biết rằng “une soeur, deux femme”, huống nữa là họ phải chứng  kiến các cô các bà sinh hoạt ở nhà xứ,  ăn ở nhà xứ sáng trưa chiều tối có  khi đến tận khuya, đùa cợt, nói cười vui vẻ.
Không phải Giáo Dân không tín nhiệm bản lĩnh của cha mình, nhưng không có gì bảo đảm cho một cuộc chiến thắng thánh thiện. Họ sợ cha mình phải xiêu lòng, vì trong số các xơ, các bà, các cô ấy, chỉ cần có một sơ sẩy, là đã tiêu tan cả cái uy tín của ngài, huống nữa là có thể có hai hoặc ba hoặc nhiều hơn,  đến lúc bà này đánh ghen với bà kia thành ra bể chuyện. 

 Giáo Dân không muốn thấy cha chánh xứ mình chán xứ đi vắng thường xuyên,  mọi chuyện ở nhà giao cho bà xơ già “chủ lễ- Phụng Vụ Lời Chúa”, việc hôn phối đợi cha về giải quyết một lúc, các Bí Tích khác có ông cha già ở xứ bên cạnh, cần thì ông  Hội Đồng cứ kêu. Họ đang rất cần cha. Biết cha đi đâu ? Làm gì ? Chỉ nghe nói cha đi  lo việc chung, đến khi vỡ chuyện rằng cha đi lo chuyện riêng của cha rồi mới hỡi ôi !  Không còn cứu kịp !”… 

Tôi nhớ có câu chuyện vui rằng: Một cha trẻ mới về Giáo Xứ, chuẩn bị xây Nhà  Thờ. Đức Cha gọi cha về Tòa Giám Mục thẩm tra: “Nghe nói con xin được nhiều tiền rồi phải không ?” – “Vâng, lạy Đức Cha, con xin cũng được khá khá” – “Nghe nói con giao tiền cho bà nào đó quản lý phải không” – “Dạ thưa Đức Cha, không hề có chuyện đó ạ. Con đang nhờ cha Quản Lý giữ mà” – Tốt lắm, chắc con đã thuộc lòng câu: “Tiền đưa cho gái không đòi được đâu”. Chúc con giữ vững điều con đã xác tín. 
Tôi nghĩ là Giáo Dân Việt Nam rất dễ thương đấy chứ. Họ đang rất tha thiết với  chức Linh Mục thánh thiện. Họ sẵn lòng dâng hiến và khuyến khích con cái họ theo  đường dâng hiến. Tuy nhiên, họ cũng rất cảm thông với thân phận con người yếu đuối của  Linh Mục.
 Họ âm thầm chịu đựng các lầm lỗi của Linh Mục và cầu nguyện cho các ngài nhiều hơn là chống đối hay nổi loạn. Nhưng, không phải như thế là không có thiểu số  lầm lỗi hay đã toàn thiện cả đâu.

 Có  thể nói, chỉ sợ thiếu Linh Mục thánh thiện chứ chưa  đến nỗi phải sợ thiếu ơn gọi làm Linh Mục. Càng phải ra sức cầu nguyện cho các Linh  Mục, không chỉ hôm nay. 
Lạy Chúa, chúng con mong được sống đời đời. Sự Sống đời đời ấy nơi Giá Máu của  Chúa Giêsu, và hôm nay, cụ thể nơi Giá Máu của các Linh Mục Chúa. Chúng con tha  thiết nguyện xin Chúa ban cho các Linh Mục tự hiến đời mình cách hoàn toàn, không  chỉ trong đời sống độc thân mà còn trong Đức Khiết Tịnh, không chỉ dâng lễ tế Chúa  Giêsu mà còn dâng chính thân mình và cuộc đời các Ngài đã trở nên hiến lễ tinh tuyền  đẹp lòng Chúa. Amen. 
(trích từ : PM. Cao Huy Hoàng)
 
 

12 thg 4, 2012

BÀI CA ĐỨC TIN

BÀI CA ĐỨC TIN
Sáng tác : Ngọc Linh
            Tiếng hát : Hoài Nam
            Hình ảnh : 40giayloichua.net
            Slideshow : Ánhminh


9 thg 4, 2012

TÂM CA PHỤC SINH

TÂM CA PHỤC SINH
Sáng tác : Lm.Viện phụ Yên Phương
Trịnh Văn Đức.
Tiếng hát : Uyên Dy - Duy Linh

7 thg 4, 2012

VỌNG PHỤC SINH

  • NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY

CANH THỨC




CANH THỨC PHỤC SINH
Từ giữa màn đêm mới vừa buông xuống, một ánh lửa bén lên bên ngoài thánh đường. Ngọn lửa ấy được dùng để thắp cây Nến Phục Sinh, một cây nến đính các dấu biểu hiệu của con số chỉ năm dương lịch hiện tại, của thần tính Đức Kitô và của cuộc khổ nạn vinh quang của Ngài.
 Cây nến được trịnh trọng đem vào giữa đám đông đang qui tụ. Tại đây, cây nến được giới thiệu bằng lời ca hân hoan: Ánh sáng Chúa Kitô… Tạ ơn Chúa.” Hàng trăm cây nến của các tín hữu tham dự được thắp sáng lên từ ngọn lửa của một cây nến duy nhất này, cho đến khi cả thánh đường chan hòa ánh sáng mới.
 Đứng trước cây Nến Phục Sinh đang bùng cháy, người lĩnh xướng cất tiếng hát bài Exultet – một bài ca cổ điển và hùng tráng công bố Tin Mừng Phục Sinh.
 Tiếp theo là các bài đọc Thánh Kinh đầy ấn tượng về nước và về công cuộc sáng tạo mới. Kinh Cầu Các Thánh được hát lên trong khi giếng nước Phục Sinh được làm phép bằng dầu thánh mới được thánh hiến chỉ vài hôm trước.
 Những người dự tòng bước tới, tuyên hứa các lời hứa Phép Rửa hòa trong tiếng nói đồng tình của toàn thể cộng đoàn vây quanh họ; và Phép Rửa được cử hành. Chuông bắt đầu đổ liên hồi. Hoa đèn rực rỡ cung thánh. Bài ca Alleluia uy phong vút lên sau sáu tuần lễ im bặt. Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết!
Không một khoảnh khắc nào khác của năm phụng vụ uy hùng và  súc tích ý nghĩa cho bằng Đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh này. Đây là đêm mẹ của mọi đêm. Đây là trái tim của Kitô giáo. Chúa đã sống lại trong đêm này.
Những giờ khắc ban ngày của ngày Thứ Bảy Thánh tiếp nối bầu khí mặc niệm của Thứ Sáu Thánh – và ngay từ những thế kỷ đầu, những giờ khắc ấy được xem như thời gian để thinh lặng và chay tịnh. Bản thân ngày Thứ Bảy Thánh không có phụng vụ hay truyền thống tôn giáo nào. Tất cả bầu khí nhằm sửa soạn để đón màn đêm buông xuống và cuộc cử hành mừng Chúa sống lại.
Canh thức Phục Sinh
Ngay từ  thế hệ Kitô hữu đầu tiên, đã có  việc cử hành hằng năm mừng Chúa sống lại. Trong suốt ba thế kỷ đầu, đây là lễ hội duy nhất được ghi nhận trong Giáo Hội.
Việc cử hành nguyên thủy – tiền thân của Lễ Phục Sinh sau này – được thực hiện bằng hình thức một cuộc canh thức (vigilia trong tiếng La tinh có nghĩa là “sự tỉnh thức” hay “đợi chờ”). Thật dễ hiểu tại sao các Kitô hữu đã chọn những giờ khắc của ban đêm để cử hành cảm nghiệm tôn giáo của mình về cuộc khải thắng của Đức Kitô trên sự chết và tội lỗi – đồng thời đó cũng là cuộc khải thắng của chính họ, cùng với Đức Kitô.
 Chính trong những giờ khắc  của đêm tối trước ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) mà mầu nhiệm này đã diễn ra. (Matthêu 28,11; Máccô 16,1; Luca 24,1; Gioan 20,1).
Vào thời Giáo Hội sơ khai, có một niềm tin rất phổ  biến rằng Chúa Phục Sinh sẽ trở lại trong chính những giờ khắc đêm tối này của Đêm Canh Thức Phục Sinh. Vì vậy, điều đương nhiên là tất cả mọi người cùng có mặt và chờ đợi.
 Đây sẽ là sự trở lại cuối cùng trong vinh quang của Người, và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, lời loan báo về sự cáo chung của thời gian vẫn còn vang lên để xác tín: “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và sẽ đến!”.
Ngoại trừ  một số thay đổi, nhất là thay đổi về thời lượng, nghi thức đã được canh tân ngày nay phản  ảnh rõ chính nghi thức của những thế kỷ  ban đầu. Vừa khi sao hôm xuất hiện trên bầu trời, các nghi thức bắt đầu được cử hành và kéo dài suốt cả đêm.
 Những khoảnh khắc đầu tiên dành cho việc đọc các bài đọc Thánh Kinh và những lời nguyện. Các bài đọc Thánh Kinh – thường gồm 12 bài – nhấn mạnh ý nghĩa tiên tri về một công cuộc sáng tạo và cứu độ mới bằng nước. Đó là những bản văn nói về cuộc tạo dựng ban đầu, sự sa ngã, trận lụt hồng thủy, câu chuyện sát tế Isaac, biến cố các thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tàn sát các con trai đầu lòng của người Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ và hành trình tiến vào Đất Hứa.
Khi bóng tối  đã trùm kín không gian cũng là lúc chủ đề nói trên được thể hiện bằng nghi thức sáng tạo mới qua nước của Phép Rửa, nhất là Phép Rửa cho người trưởng thành.
 Vốn là một nét đặc trưng của Đêm Canh Thức Phục Sinh, nghi thức này bắt đầu với việc làm phép nước Phục Sinh một cách trọng thể. Trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, cây Nến Phục Sinh cháy sáng được cắm vào nước, và dầu thánh cũng được chế vào hòa lẫn với nước. Giờ đây, những người dự tòng – thường đã được chuẩn bị từ vài năm trước – sẽ tuyên hứa từ bỏ mọi ảnh hưởng của Satan trên con người cũ của mình; họ tuyên xưng đức tin, lãnh nhận Phép Rửa, được xức dầu và mặc áo trắng.
 Vào thế kỷ thứ 5, trong Giáo Hội Rôma có thực hiện việc xức dầu lần thứ hai do đức giám mục – và đây chính là dạng ban đầu của bí tích Thêm Sức.
Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta có thói quen trao sữa và mật ong đã được làm phép cho những người mới lãnh nhận Phép Rửa.
 Cử chỉ này có ý  nghĩa rằng người mới lãnh Phép Rửa là người còn non nớt trong đức tin, gọi là tân tòng. Cử chỉ  ấy cũng ám chỉ rằng họ vừa mới tiến vào miền Đất Hứa mới “chảy tràn sữa và mật ong”. Việc thực hành nói trên, có tầm vóc đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong cả đời sống, vốn là một thực hành được vay mượn từ các thần thoại ngoại giáo.
Cuối cùng, gần lúc tờ mờ sáng, những người mới lãnh Phép Rửa sẽ rước Thánh Thể lần đầu – cùng với cộng đoàn tín hữu.
Lửa Phục Sinh
Nghi thức làm phép và thắp lửa Phục Sinh đầy ấn tượng, vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay để bắt  đầu mỗi đêm Vọng Phục Sinh, vốn không hề được nhận thấy trong nghi thức cổ thời. Trước kỷ nguyên Kitô giáo, người Germanic đã có thói quen đốt lửa tôn vinh thần minh để loan báo mùa xuân đã bắt đầu, và để cầu xin cho mùa màng được bội thu. Khi Kitô giáo được truyền bá đến với các sắc dân này, Giáo Hội cấm việc đốt lửa đầu xuân vì cho rằng đó là một thực hành ngoại giáo. Tuy nhiên, trong các thế kỷ 6 và 7, các nhà thừa sai người Ailen đã mang vào lục địa châu Âu một truyền thống làm Phép Rửa bên ngoài thánh đường vào tối Thứ Bảy Thánh. Truyền thống này đầu tiên do thánh Patrick khai mào để phản ứng lại ảnh hưởng của tập tục đốt lửa đầu xuân đang phổ biến giữa các tăng lữ vùng Celtic. Rồi truyền thống này trở thành quen thuộc trong đế quốc Caroling, lan tràn đến Rôma, và cuối cùng được đưa vào phụng vụ Đêm Canh Thức Phục Sinh.

Nến Phục Sinh


Việc thắp Nến Phục Sinh dường như bắt nguồn từ nghi thức Lucernare được thực hiện hằng ngày hồi cổ thời (“lucernare” có nghĩa là “thắp đèn”) mỗi khi màn đêm buông xuống. Còn truyền thống thắp nến trên tay những người hiện diện thì bắt đầu ở Rôma trong các thế kỷ đầu tiên. Bóng tối của Đêm Canh Thức được tràn ngập bởi áng sáng muôn ngọn nến tượng trưng cho Đức Kitô sống lại.
Trong vương quốc Frankish, nhiều ý nghĩa biểu tượng được gán thêm vào cho cây Nến Phục Sinh và tiếp tục đến ngày hôm nay, tùy theo sự thẩm định của vị mục tử. Một dấu thánh giá được khắc hay vẽ lên cây nến, kèm theo lời công bố: “Đức Kitô hôm qua và hôm nay, nguyên thủy và cùng đích,” rồi hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hi Lạp được khắc lên: “Alpha và Omega.” Các con số chỉ năm dương lịch hiện tại được ghi nơi bốn góc tạo ra bởi hình thánh giá: “Thời gian là của Chúa, và mọi thế hệ là của Chúa; vinh quang và quyền lực là của Chúa qua mọi thế hệ đến muôn đời. Amen.” Bốn hạt trầm hương đính sẵn với những chiếc đinh bằng sáp màu đỏ được gắn lên bốn đỉnh thánh giá, hạt thứ năm được đính vào chỗ tréo ngang – với lời nói kèm theo: “Nhờ các dấu thương tích thánh và vinh hiển của Ngài… xin Chúa Kitô … gìn giữ…. và bảo toàn chúng con. Amen.”
Phụng vụ buổi sáng Thứ Bảy Thánh
Khoảng đầu thế kỷ thứ 5, con số người lớn lãnh Phép Rửa giảm dần và việc rửa tội trẻ em trở  thành điều thông thường.
 Vì Đêm Canh Thức Phục Sinh không còn cần quá nhiều giờ như trước nữa, nên vào thế kỷ 6 việc cử hành Thánh Thể  được bắt đầu trước lúc nửa đêm, đến giữa thế kỷ 8 thì việc cử hành này được lui về sớm hơn nữa – ngay sau khi trời sập tối.
Trong thế kỷ thứ 6, một Thánh Lễ cử hành vào buổi sáng Chủ Nhật Phục Sinh đã trở thành thông thường. Càng về sau, việc canh thức càng được cử hành sớm hơn nữa.
Trong Lễ Qui của Đức Piô V (1570), luật Giáo Hội qui định việc Canh Thức thành một phụng vụ sáng Thứ Bảy Thánh, lưu giữ nguyên hình thức nguyên thủy của nó, chỉ trừ có việc cử hành Phép Rửa. Vì dài dòng – thường là vài tiếng đồng hồ – và cũng vì đã đánh mất ý nghĩa gốc của nó là cử hành mừng Chúa Phục Sinh, việc Canh Thức Phục Sinh không được mấy tín hữu tham dự. Không phải là chuyện quá xa lạ việc các giáo hữu tà tà đến vào lúc sắp vãn các nghi thức, đem theo bình chứa để lấy một ít nước Phục Sinh mới về nhà sử dụng như một á bí tích.
 Phần đông giáo hữu xem Thánh Lễ sáng Chủ nhật Phục Sinh là việc cử hành chính yếu mừng Chúa sống lại.
Canh tân việc Canh Thức Phục Sinh
Ngày nay, việc Canh Thức Phục Sinh đã lấy lại chỗ đứng xứng đáng của nó như nghi thức quan trọng bậc nhất của cả năm và như cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại.
 Đầu tiên, vào năm 1951, sự canh tân này được áp dụng thử nghiệm. Đến năm 1955, nó được thiết định dứt khoát.
 Đêm Canh Thức Phục Sinh trong hình thức canh tân cũng gần giống hoàn toàn với hình thức nguyên thủy của nó trong các thế kỷ ban đầu, ngoại trừ là các nghi thức giờ đây chỉ kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ thay vì suốt cả đêm.
 Các nghi thức bao gồm bốn phần rõ rệt: nghi thức làm phép và rước Nến Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa, cử hành Phép Rửa, và cử hành Thánh Thể.
Sự canh tân việc Canh Thức Phục Sinh đã đem lại ấn tượng cơ hồ như có hai Lễ Phục Sinh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi năm càng có nhiều tín hữu  ý thức cuộc canh thức Phục Sinh theo nguồn gốc của nó hơn: đây là đêm mẹ của mọi đêm và là cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại.
 Sự canh tân trong việc dạy giáo lý cho người lớn dự tòng ở các giáo xứ cũng đã tái lập một nét đặc biệt cho Đêm Canh Thức Phục Sinh sau nhiều thế kỷ bị đánh mất: đó là việc cử hành Phép Rửa cho người trưởng thành. Đối với nhiều giáo hữu khác, Thánh Lễ sáng Chủ Nhật Phục Sinh vẫn là dịp chính để mừng Chúa sống lại.
Để có  được những nghi thức mạch lạc và trang trọng cho đêm Canh Thức Phục Sinh, cần phải có sự chuẩn bị rộng rãi của những người hữu trách trong giáo xứ và của nhiều giáo hữu khác. Phải chuẩn bị sẵn lửa củi, nước, trầm hương, dầu thánh và các thứ trang hoàng thánh đường; nghi thức phụng vụ phải được dợt đi dợt lại. Còn những người lớn dự tòng thì bước vào những khoảnh khắc cuối cùng của quá trình sửa soạn lãnh nhận Phép Rửa.
Cho tới những thập niên gần đây, ngày Thứ Bảy Thánh là  ngày giữ chay và kiêng nhịn một phần (chỉ  được ăn thịt trong bữa ăn chính thôi) để sửa soạn đón mừng lễ trọng nhất trong năm.
Quy định giữ chay này vẫn được duy trì ngay cả vào thời mà cuộc Canh Thức Phục Sinh long trọng được cử hành vào sáng ngày Thứ Bảy Thánh, và do đó đã tràn ngập bầu khí vui mừng của Lễ Phục Sinh rồi. Điều ấy cho thấy rằng mầu nhiệm Phục Sinh vẫn gắn kết chặt chẽ với những giờ khắc của buổi tối hôm trước và buổi sáng sớm ngày Chúa Nhựt.
Trong những năm gần đây, truyền thống giữ chay này đã  được tái lập cùng với sự canh tân việc dạy giáo lý dự tòng cho người lớn. Những người lớn dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa trong đêm Canh Thức Phục Sinh thường dành ra một thời gian để tĩnh tâm kèm với việc giữ chay và cầu nguyện trước khi đi vào với cuộc Canh Thức Phục Sinh.
Làm phép giỏ thức ăn Phục Sinh
Các truyền thống phổ biến của ngày Thứ Bảy Thánh thường gắn liền, cách nào đó, với việc sửa soạn mừng lễ hội Phục Sinh. Vào ngày này hoặc trong suốt những ngày trước đó nữa, người ta chuẩn bị các thứ thức ăn. Việc làm phép những thức ăn đặc biệt mừng Lễ Phục Sinh hiện vẫn còn là một truyền thống phổ biến, nhất là đối với những người gốc Ba Lan. Người ta mang các giỏ thức ăn đến nhà thờ và chúng sẽ được cha sở ban phép lành.
Phục Sinh
Sáu tuần lễ trôi qua thật căng thẳng. Tiếng gọi hoán cải vang lên dồn dập. Một mùa đền tội, chẳng có  chi là “thú vị” lắm! Mọi hình thức trang trí  đều bị khống chế. Các nghi thức trong Tuần Thánh vừa qua đầy ắp tính biểu tượng. Những cành lá thiên tuế xếp lại, nhường chỗ cho tấn kịch đau thương. Bữa Tiệc Vượt qua rộn ràng rồi cũng đến hồi tàn, nhường chỗ cho thập giá. Và đêm qua, thập giá nhường chỗ cho lửa mới, dầu mới, nước mới – và sự sống mới.
Rõ ràng là một điều gì đó thật tuyệt diệu  đã xảy ra khi người ta bước vào bên trong thánh đường. Họ được chào đón bởi một thánh đường lộng lẫy những dấu hiệu của sự sống mới: những sắc màu rực rỡ và những đóa huệ Phục Sinh xinh tươi. Điệp khúc Alleluia vang vọng dập dìu. Buổi sáng Phục Sinh đã đến rồi!
Đối với nhiều tín hữu – nếu không nói là đa số –  đây là cuộc cử hành chính mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, trong nhiều giáo xứ, cuộc cử hành chính đã diễn ra tối hôm trước với các nghi thức Canh Thức Phục Sinh. Thánh Lễ Phục Sinh vào sáng Chủ Nhật đã xuất hiện trong lịch sử khi cuộc Canh Thức mừng Chúa sống lại được dời lui về buổi sáng ngày Thứ Bảy Thánh.
Bầu khí  của buổi sáng Phục Sinh cũng âm vang lại bầu khí  của đêm Canh Thức tối hôm trước. Trong buổi sáng này, người ta tưởng niệm và cử hành chính nền tảng của Kitô giáo: Đức Giêsu đã được Phục Sinh từ cõi chết và Ngài là Chúa. Những ai tin và nhận lãnh Phép Rửa đều thông dự vào cuộc Phục Sinh này để hướng tới sự sống mới. Tiêu điểm này sẽ tiếp tục trong năm mươi ngày tiếp theo – tức mùa Phục Sinh.
Thật dễ  hiểu tại sao ngay tự ban đầu các Kitô hữu  đã xem khoảnh khắc này là khoảnh khắc linh thánh. Đây chính là khoảnh khắc kỷ niệm buổi sáng hôm nào khi họ cảm nghiệm được rằng Ngài  đã sống lại và đang hiện diện giữa họ. Ngài đã chết vào dịp đại lễ Vượt Qua. Và sự sống lại của Ngài đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa của lễ Vượt Qua theo nhận thức của họ trong tư cách là người Do Thái. Đó là một cuộc xuất hành, một chuyến đi bỏ lại sau lưng ách nô lệ xưa cũ để tiến đến với sự tự do đích thực của tâm hồn. Giêsu, Con Chiên Vượt Qua, đã bị sát tế để đạt đến tự do này.
Sự sống lại của Đức Kitô là dấu chỉ của những khởi đầu mới: một mùa xuân. Ý nghĩa này vốn  đã được ghi nhận trong lịch sử của lễ  Vượt Qua từ rất lâu trước cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập.
 Tổ tiên của người Do Thái đã cử hành lễ hội mừng hoa quả đầu mùa bằng việc dâng tiến bánh và ngũ cốc, và mừng lứa con đầu tiên của đàn súc vật bằng việc sát tế chiên con. Theo sự chỉ dẫn của Môsê, những lễ hội này được kết hợp lại trong một cuộc tưởng niệm hằng năm về cuộc trốn thoát lạ lùng của họ ra khỏi Ai Cập, và tưởng niệm biến cố thiên thần tru diệt đã vượt qua chứ không ghé vào nhà họ.
 Ngót 3000 năm và mãi đến hôm nay, người Do Thái vẫn còn cử hành cuộc giải cứu kỳ diệu này bằng việc nhắc lại câu chuyện ngày xưa ấy qua các bài ca, bài đọc và những thức ăn đầy tính biểu tượng: bữa tiệc Chiên Vượt Qua. Ngày nay, cũng như trong suốt giòng lịch sử vẫn thế, nghi thức này diễn ra vào buổi chiều ngày mười bốn tháng Nisan theo lịch Do Thái.

                                                                Lm. Lê Công Đức tổng hợp,
theo Catholic Customs & Traditions của Greg Dues,
do  Twenty-Third Publications xuất bản.