29 thg 1, 2013

ẤM ÁP MÙA XUÂN 2013

NĂM ĐỨC TIN ĐÓN XUÂN VỀ: CÙNG CHUNG TAY THỂ HIỆN ĐỨC ÁI !




TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA NĂM (V) MÙA XUÂN QUA, BAN MỤC VỤ GIỚI TRẺ THIÊN ÂN SẼ TỔ CHỨC:
ĐÊM VĂN NGHỆ  "ẤM ÁP MÙA XUÂN "( Lần VI)
MỤC ĐÍCH:  GÂY QUỸ GIÚP CÁC HỘ GIA ĐÌNH CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN (Không phân biệt lương giáo) VUI XUÂN ĐÓN TẾT SẮP ĐẾN.
ĐÊM VĂN NGHỆ XUÂN QUÝ TỴ 2013 VỚI SỰ GÓP MẶT CỦA NHIỀU CA SĨ NỔI TIẾNG VÀ CÁC VŨ ĐOÀN THIỆN NGUYỆN .
Quý Ông bà, Anh chị em và các Bạn hãy đến Ban MVGT để cùng chung tay GÓP VÉ ủng hộ: CHO MÙA XUÂN THÊM ẤM ÁP YÊU THƯƠNG TÌNH NGƯỜI.
     - Khai diễn:  Lúc 20g00  Đêm: 02/02/2013  (22 Tết)
     - Tại Nhà Sinh Hoạt Giáo Xứ Thiên Ân.
                                                  Kính mời Cộng đoàn cùng tham dự.
                                                                               CHA PHAOLO ĐẶC TRÁCH MVGT

26 thg 1, 2013

Chúa Nhật III Thường niên - C

MỘT CÚ NGÃ NGỰA

Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức,thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rắng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hylạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối ngịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong hình ảnh thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.
Cú ngã ngựa cũng là ngã rẽ cuộc đời.
Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”

Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng so những người Biệt phái cũ của ông.
Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng nhũng mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật tháng 01.2008)

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông.Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi,Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi,chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì :“ Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó,tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô.Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ,là bất lợi cả,vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa tôi.Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô,và được thuộc về Ngài,không có sự sông chính của riêng tôi,sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô …( Pl ,7-9).
  
Từ đó trở đi,Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất,sự bình đẳng,tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: ” vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ;vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Biết mình đã tin vào ai,Phaolô đã sung sướng sống nghèo,lấy việc lao động mà đổi miếng ăn,không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô.Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết,năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải th7c1 đêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( 2 Cor 11 23-27).Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê,người môn đệ có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai …(2 Tim 1,8-12).Vì đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” ( 2Tìm 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy ”chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn;lâm bĩ nhưng không mạt lộ;bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14)..Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20). Những cú ngã ngựa trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô.Từ một kẻ thù Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sãn sàng chết vì Người.
Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (xem 2 Tm 4,6-8 Rm 8,18-19.32.33.38.39)

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp nhan nhản nhũng cú “ngã ngựa”. Có nhũng cú ngã ngựa trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú ngã ngựa trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có nhũng cú ngã ngựa trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang. Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị tông đồ.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An


19 thg 1, 2013

CANA DẤU LẠ ĐẦU TIÊN

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN - C




Tin Mừng Ga 2,1-11
          
Hôm ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến." Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ." Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

16 thg 1, 2013

Tháng 01 - NĂM ĐỨC TIN (Tuần 4)

HỒNG ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM

 

Khai triển nội dung

1. Nếu đức tin là một hồng ân thì chúng ta phải cầu xin. Nếu đức tin là một nhân đức thì người tín hữu phải tập luyện. Và nếu đức tin là một di sản thì chúng ta phải trân trọng giữ gìn. Hồng ân luôn hàm nghĩa trách nhiệm. Chúa đã trao cho những nén bạc thì chúng ta có bổn phận làm cho những nén bạc ấy sinh lời chứ không thể chôn vùi xuống đất (x. Mt 25,14-30). Trách nhiệm này được gồm tóm trong hai việc: vun trồng và thông truyền.

2. Phải vun trồng đức tin bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý và sống đức ái. Cầu nguyện là sự thể hiện đức tin rõ nét nhất vì cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin. Lắng nghe Lời Chúa để tìm biết và thực thi thánh ý Chúa, nhờ đó sống xứng đáng là con cái Chúa. Học hỏi giáo lý để hiểu rõ hơn tôi tin vào ai và tại sao tôi tin, nhờ đó có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15). Sống đức ái vì đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2,26) và giống như đèn mà không có dầu.

3. Cùng với việc khai mở Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về đề tài Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo. Như thế, đức tin không chỉ cần được vun trồng mà còn cần phải thông truyền. Trong Thư Mục Vụ Năm Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc thông truyền đức tin. Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, các gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng đức tin, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho con cái. Ngày nay, do tác động của đời sống, nhiều gia đình trẻ không còn ý thức đủ về điều này nữa. Chúng ta cần nhắc nhở nhau để xây dựng gia đình của mình thành nhà thờ (thờ phượng Chúa), nhà trường (dạy giáo lý), và nhà thương (mái ấm của tình thương); nhờ đó con cái được hít thở và lớn lên trong bầu khí đức tin trong lành.

 

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Cha mẹ có bổn phận nào đối với con cái?

Thưa: Vì được thông phần tư cách làm cha của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên loan báo đức tin cho chúng (số 460).

Hỏi: Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái?

Thưa: Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham gia vào đời sống Giáo Hội (số 461).

 

Ý cầu nguyện:

Xin cho các gia đình công giáo ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.

 

 

Tháng 01 - NĂM ĐỨC TIN (Tuần 3)

 

ĐỨC TIN LÀ MỘT DI SẢN

Khai triển nội dung

1. Trong Tự sắc “Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi mọi tín hữu nhìn lại lịch sử của đức tin Kitô giáo cách mới mẻ, để thấy mầu nhiệm khôn dò của cuộc chiến giữa thánh thiện và tội lỗi. Việc nhìn lại đó giúp chúng ta thấy rõ trong lịch sử, đã có biết bao người góp phần vào việc phát triển cộng đoàn Hội Thánh qua việc làm chứng cho đức tin (số 13).

2. Nhờ đức tin, Đức Maria đã đón nhận lời của sứ thần; Mẹ đã tin vào lời loan báo và trở thành Mẹ Thiên Chúa trong sự vâng phục và tận hiến (x. Lc 1,38). Nhờ đức tin, các Tông đồ đã bỏ tất cả để theo Thầy (x. Mc 10,28), và theo lệnh của Thầy, đã đi khắp thế gian để đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15). Nhờ đức tin, các Kitô hữu đầu tiên tạo thành cộng đoàn tiên khởi, hiệp nhất với nhau trong cầu nguyện, trong cử hành bí tích Thánh Thể và trong việc chia sẻ đời sống chung (x. Cv 2,42-47). Nhờ đức tin, các vị tử đạo đã hiến dâng cuộc sống của mình để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Nhờ đức tin, biết bao người nam cũng như nữ đã dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Kitô, từ bỏ tất cả để sống theo ba lời khuyên Phúc Âm.

Nhờ đức tin, rất nhiều tín hữu làm chứng cho đức tin Kitô giáo của họ qua đời sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tại Việt Nam, làm sao chúng ta quên được Các Thánh Tử Đạo và những chứng nhân đã đổ máu đào trên giải đất này để làm chứng cho Chúa, và máu của các ngài là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu ngày nay.

3. Như thế, đức tin là cả một di sản vĩ đại được trao lại cho chúng ta ngày nay. Di sản ấy cần được trân trọng giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau. Vì thế, trong Năm Đức Tin, chúng ta phải tự vấn xem mình đã trân trọng di sản ấy ra sao, và đã thi hành trách nhiệm thông truyền đức tin cho thế hệ sau như thế nào.

 

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: “Đức tin là một di sản” nghĩa là gì?

Thưa: Đức tin là một hành vi cá nhân của mỗi người đối với Thiên Chúa. Nhưng đức tin cũng là hành vi mang tính giáo hội, vì chính Hội Thánh đã đi trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Vì thế Hội Thánh là Mẹ và là Thầy (x. số 30).

Hỏi: Người Kitô hữu có trách nhiệm truyền giáo như thế nào?

Thưa: Các Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Đức Kitô mang đến, và khi bước theo cùng một con đường như Người, họ phải sẵn sàng hi sinh bản thân, thậm chí đến chỗ tử đạo (x. số 173).

 

Ý cầu nguyện:

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; xin Chúa sai thợ gặt đến cánh đồng của Chúa.

 

MẮC NỢ

Ôi linh mục! Một cuộc đời mắc nợ!

 Ôi linh mục !  Một cuộc đời mắc nợ !
Đến bao giờ mới trả cho xong?
Nhìn lại chính mình : Ôi kiếp phận long đong
Nợ lời cam kết từ thuở lên bàn thánh.


Nợ bài Thánh Vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng
Nợ những giờ Chầu Thánh Thể chiều đông…
 Mắc nợ bao người kẻ liệt ngóng trông,
Mắc nợ bài giảng chưa xong của ngày Chúa Nhật…















Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật,
Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương…
Tôi nợ người trẻ nhiệt huyết để lên đường,
Nợ các gia đình những lần ủi an thăm viếng…

Nợ đức khó nghèo, nợ lòng trong trắng,
Để nêu gương thánh thiện cho đời.
Nợ bao nhiêu cuộc sống lứa đôi,
Trái tim yêu thương và ánh nhìn thông cảm.

Nợ những bước chân
của trưa nắng gắt, của chiều đông lạnh,
Để về thăm bao địa chỉ khó nghèo,
Những cụ già, những bệnh nhân trong xó tối hẩm hiu…
Khao khát chờ mong, chỉ một lần, gặp người mục tử !

Nợ những anh chị em cùng tôi chung một lý tưởng,
Tình huynh đệ, hiệp nhất và chung chia sướng khổ vui buồn.
Nợ những người lương, người phật, cả những kẻ vô thần,
Cuộc sống chứng nhân và tinh thần bao dung đối thoại.

Nợ màu trắng của mây, nợ màu xanh của lá,
Vũ trụ đẹp vô cùng sao lòng vẫn cứ khô ran…
Nợ đức hy sinh, lòng nhẫn nhục, nợ trái tim vàng, …
Mà những người cộng tác vẫn hằng luôn mong đợi…

Nợ những cô gái, những chàng trai bên vệ đường tội lỗi,
Họ vẫn mãi chưa về tìm lại mái ấm của người Cha…
Thánh lễ chiều nay sao vắng tiếng thánh ca ?

Lm Giuse Trương Đình Hiền

8 thg 1, 2013

Tháng 01 - NĂM ĐỨC TIN (Tuần 2)


ĐỨC TIN LÀ MỘT NHÂN ĐỨC

Khai triển nội dung

1. Giáo lý công giáo phân biệt các nhân đức nhân bản và các nhân đức đối thần. Nhân đức đối thần là nhân đức trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa, giúp các Kitô hữu sống tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn gốc, động lực và đối tượng của nhân đức. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến.

2. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là chân lý. Nhờ đức tin, người tín hữu tự nguyện phó thác toàn thân cho Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta cố gắng nhận biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn hưởng kiến hồng phúc. Vì thế đức tin là khởi đầu của sự sống muôn đời: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17); “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6).

3. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống đức tin, mà còn phải can đảm tuyên xưng, làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn gặp phải” (Hiến chế Lumen Gentium, số 42). Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ: “Phàm ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Đức tin là gì?
Thưa: Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta, cũng như những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân Lý. Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm biết và tìm thi hành ý muốn của Ngài, vì đức tin hoạt động nhờ đức ái (số 386).

Hỏi: Phải làm gì để vun trồng đức tin?
Thưa: Đức tin hành động nhờ đức ái và đức tin có thể tăng trưởng hoặc lụi tàn. Vì thế, phải lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện không ngừng và sống đời bác ái yêu thương. Nhờ đó, đức tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái dồi dào (x. số 28).

 Ý cầu nguyện: 
Cầu cho những anh chị em đang gặp thử thách và khủng hoảng trong đời sống đức tin.

Tháng 01 - NĂM ĐỨC TIN (Tuần 1)


Sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh có Mùa Giáng Sinh, mời gọi các tín hữu tiếp tục học hỏi, cử hành và sống đức tin vào Đấng Thiên Chúa làm người. Vì thế, chủ đề của tháng này là : ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN.
Chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề này trong 4 tuần lễ :

Tuần 1: Đức tin là một hồng ân.
Tuần 2: Đức tin là một nhân đức.
Tuần 3: Đức tin là một di sản.
Tuần 4: Hồng ân và trách nhiệm.

ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN
Khai triển nội dung

1. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Người nói với ông rằng không phải huyết nhục mặc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17). Khi chứng kiến những người đã thấy các phép lạ Người làm mà vẫn không tin, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Tất cả đều nói lên đức tin trước hết là một hồng ân chứ không phải là kết quả của nỗ lực nhân loại.

2. Đức tin là một hồng ân vì chính Thiên Chúa đi bước trước. Như thai nhi Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria tìm đến Gioan Tẩy giả trong lòng bà Elisabeth, chính Thiên Chúa đến tìm con người trước khi con người tìm kiếm Ngài. Thiên Chúa đi bước trước bằng nhiều cách: Để có được đức tin, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (Hiến chế Dei Verbum, số 5).

3. Đức tin là một hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Tuy nhiên chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó như thánh Phaolô nói: “Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1Tm 1,19). Vì thế người tín hữu phải gìn giữ và vun trồng đức tin bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không?
Thưa: Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào đi vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng cách mặc khải cho họ, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, như vậy mọi người có thể biết được những chân lý đó cách dễ dàng, chắc chắn và không sợ sai lầm (số 4).

Hỏi: “Đức tin là một hồng ân” nghĩa là gì?
Thưa: Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban không, và tất cả những ai khiêm tốn cầu xin đều có thể đạt tới (x. số 28).

Ý cầu nguyện:
Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của con (x. Mc 9,24).

1 thg 1, 2013

MARIA MẸ THIÊN CHÚA

NỮ VƯƠNG BÌNH AN
MẸ VẪN CHỜ CON

Người ta kể rằng: có một cô gái ở nơi xa về thăm nhà, vừa mới xuống xe đã nhìn thấy mẹ đứng phía trước. Cô gái rất ngạc nhiên vì mẹ cô không hề biết cô sẽ trở về liền hỏi: ”Sao mẹ biết con về vậy?”. Thì ra cuối tuần nào người mẹ cũng ra chỗ này để “đón” cô.
Tâm tư người mẹ luôn như vậy, luôn lấy thường xuyên thành trùng hợp, biến có thành không khiến những đứa con không khỏi ngạc nhiên cũng không đoán trước được. Mẹ thường che dấu tình cảm của mình. Nước mắt của mẹ luôn chảy ngược vào tim khiến con cái không thể thấy nỗi khổ của mẹ mà chỉ thấy sự diu ngọt từ mẹ. Quả đúng như ai đó đã nói:
“Mẹ là dòng suối nước trong 
Thơm, ngon, mát, ngọt như lòng mẹ yêu 
Mẹ là gió nhẹ ban chiều 
Khẽ ru con ngủ cưng chiều con thơ”
Tình mẹ thật mênh mông. Tình mẹ không có bến bờ chỉ có dạt dào tình yêu và tuôn chảy trên cuộc đời con cái. Vì:
Mẹ là biển rộng xanh lơ
Tình thương bát ngát đôi bờ đại dương 
Mẹ là mây phủ ngàn phương 
Chở che con dại trên đường nắng rơi 
Mẹ là tất cả mẹ ơi!”
Là những người con khi đã nhận ơn của mẹ thì luôn mong mỏi được sống bên mẹ. Không chỉ để được mẹ yêu mà còn để phụng dưỡng ơn mẹ. Không chỉ để được mẹ vỗ về mà cả thèm nghe sự la rầy đầy tình yêu nồng nàn của mẹ.
“Con mong bên mẹ từng giây 
Con thèm nghe tiếng la rầy mắng yêu
Bên mẹ nắng sớm mưa chiều
Để con săn sóc mẹ yêu suốt đời”

Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ thật yêu thương chúng ta. Mẹ cũng đánh đổi cuộc đời mình vì yêu thương chúng ta. Mẹ hy sinh cuộc đời, gác bỏ việc riêng để gánh lấy nhân loại chúng ta. Tình mẹ cũng mênh mông, bát ngát luôn theo sát con mẹ, đó chính là Mẹ Maria.

Với lời xin vâng, Mẹ Maria đã gác bỏ những dự định riêng của đời mình để sẵn lòng thực thi chương trình của Chúa. Dưới cây thập giá, Mẹ một lần nữa đã nói lời xin vâng khi đón nhận nhân loại làm con của Mẹ. Lời Chúa Giê-su đã thưa cùng Mẹ. “Thưa bà, đây là con của bà”. Mẹ đã không khước từ. Dù rằng, dưới cây thập giá lòng Mẹ đang tan nát bởi cái chết người Con yêu. Mẹ tiếp tục xin vâng để lại làm Mẹ nhân loại theo thánh ý Thiên Chúa.

Và hôm nay, Mẹ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời từng người con để vỗ về, để yêu thương, để dìu dắt như ngày nào Mẹ đã yêu thương Con Chúa Trời. Mẹ tiếp tục đứng đó trên những đỉnh đồi thương đau của từng người con như Mẹ đã từng đứng bên thập giá để chia sẻ với Con yêu quý của mình. Mẹ vẫn đang đứng đợi con cái về bên Mẹ như bao bà mẹ vẫn mong con sum vầy bên Mẹ để được Mẹ dậy bảo, để được Mẹ vỗ về yêu thương.

Hôm nay, ngày đầu năm mới, Giáo hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa để nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện của Mẹ Maria vẫn đi bên cạnh cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện của Mẹ bên cuộc đời chúng ta qua biết bao ơn lành hồn xác chúng ta lãnh nhận nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Biết bao người vẫn được ơn này ơn kia qua lời cầu khẩn của Mẹ. Biết bao người vẫn đang bám vào Mẹ như sự ủi an duy nhất giữa chốn ba đào đầy khó nguy. Và có lẽ, Mẹ Maria vẫn đang chờ những con cái Mẹ biết chạy đến cùng Mẹ mỗi khi khó khăn, biết nương tựa vào Mẹ mỗi khi thất bại, biết cầm lấy tay Mẹ mỗi khi vấp ngã để Mẹ tiếp tục chia sẻ những thăng trầm trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ thật có phúc vì đã cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Và  hôm nay chúng con cũng thật có phúc vì có Mẹ là Mẹ của chúng con. Chúng con xin cám ơn Mẹ đã nhận chúng con là con của Mẹ để tiếp tục chăm sóc chúng con. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Mẹ mỗi khi gặp những khó khăn. Xin cho chúng con luôn sum vầy bên Mẹ để được Mẹ yêu thương chúc lành.Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền