1.
Đọc Phúc Âm, tôi thấy nhiều khi số phận khốn khổ đời đời được định đoạt từ những thái độ vô tâm coi như bình thường.
Đáng suy nghĩ nhất là trường hợp “ông nhà giàu” kể trong Phúc Âm thánh Luca.
“Có
một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh
đình. Lại có một người nghèo khó, tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm
trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt
xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn.
Dưới
âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông nhà giàu ngước mắt lên thấy tổ phụ
Apraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông
ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô
nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị
lửa thiêu đốt khổ lắm. Ông Araham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con
đã nhận phần phước của con rồi, còn Ladarô bất hạnh. Bây giờ, Ladarô
được an ủi nơi đây, còn con, thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng
ta đây và con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con
cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta cũng không được” (Lc 16,19-26).
2.
Tôi thấy từ nhà ông phú hộ đến chỗ ông ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước,
nghĩa là cách nhau chỉ có cái cổng. Khi sống, ông phú hộ đã không chịu
bước vài bước đó, để cảm thương và cứu khổ cho người hành khất Ladarô
luôn nằm đó. Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó đã phải ném vào
vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng cao sang vời vời.
Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận.
3.
Dụ ngôn trên đây khiến tôi thực sự lo ngại cho một số trường hợp giàu nghèo đang xảy ra tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay.
Hưởng thụ một cách quá vật chất như ông phú hộ mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình hằng ngày thì không có. Nhưng hưởng thụ một cách tinh vi dựa vào những phát triển vật chất khoác áo đạo đức, thì có.
Hưởng
thụ kiểu đó, nếu lại quên cứu khổ những người nghèo túng khổ đau bên
cạnh mình, thì thiết tưởng sẽ khó chối được mình cũng giống phần nào
người phú hộ vô phúc đó.
4.
Chỉ vài bước thôi,
thế mà nhiều khi chúng ta không muốn bước ra khỏi ranh giới cộng đoàn
tôn giáo chúng ta, để tìm đến những người nghèo túng khổ đau ngay cạnh
nhà chúng ta.
Người
nghèo hiện nay rất đông. Họ thuộc nhiều thứ nghèo. Họ là địa chỉ, mà
Chúa muốn chúng ta tới. Nhưng chúng ta không chịu tới, tuy chỉ vài bước
thôi. Lý do là vì chúng ta ích kỷ, trong tư thế chỉ muốn phát triển nội
bộ, cố tình quên đi những liên đới với dân chúng xung quanh, nhất là với
những người nghèo khổ kề bên.
5.
Vượt qua được khoảng cách chỉ vài bước nhiều khi cũng là một thách đố quan trọng. Cũng may là thách đố quan trọng đó đang được nhiều người công giáo tại Việt Nam giải quyết tốt đẹp.
Với
đức tin dạt dào yêu thương, họ vượt qua khoảng cách vài bước rất khó
khăn, để xây dựng những liên đới tốt với những người trong gia đình, với
hàng xóm, với những người cùng cơ quan.
Khoảng
cách chỉ vài bước. Bước tâm lý, chứ không phải bước thân xác. Những
bước tâm lý ấy cực kỳ là khó. Nhưng họ đã bước được khoảng cách vài bước
cực kỳ khó khăn ấy. Nhờ ơn Chúa.
Họ
không phải là những nhà phú hộ. Nhưng là những người thường. Họ siêng
năng cầu nguyện và sống phần nào chiêm niệm. Họ âm thầm, khiêm tốn, gắn
bó với Hội Thánh, qua các vị hướng dẫn có ơn phân định.
Chỉ vài bước thôi, họ thích sống bé nhỏ, và làm những việc bé nhỏ. Nhưng mỗi bước âm thầm của họ đều mang lửa và hy vọng.
6.
Tuy
nhiên, kinh nghiệm đạo đức cho thấy: Bất cứ điều gì tốt đều bị ác thần
cản phá, cũng như bất cứ điều gì xấu đều được nó khuyến khích.
Dụ ngôn người Samari tốt lành cho thấy sự thực đó.
Chúa Giêsu nói: “Một
người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp.
Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống
nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông
thấy người này, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi cũng thế, một
thầy Lêvai tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia đường mà đi” (Lc 10,30-32).
Dụ ngôn cho thấy: Cũng chỉ vài bước thôi,
thầy tư tế và thầy Lêvi đã tránh sang bên kia đường, để khỏi cứu nạn
nhân. Lý do họ vịn vào để tránh cứu nạn nhân, có thể là vì quá bận với
những công tác tôn giáo ở nhà, hoặc vì không rõ lý lịch nạn nhân. Và họ
an tâm. Nhưng Chúa Giêsu coi đó là một an tâm xấu, có thể là một tội
đáng phải phạt.
7.
Với những gì về “chỉ vài bước” trên đây đang đặt ra cho tôi một vấn đề lương tâm:
Nếu
chỉ với vài bước thôi, tôi đã có thể cứu được một người cả xác cả hồn,
thế mà tôi không làm, thì liệu tôi có thể tránh được án phạt nặng nề
Chúa nói trong Phúc Âm không?
Nếu
chỉ với vài bước thôi, một số cá nhân và tổ chức công giáo có thể giúp
Hội Thánh Việt Nam trở thành một Hội Thánh sống nghèo, lo cho người
nghèo, nhưng họ đã không chịu bước, thì trách nhiệm của họ trước Chúa sẽ
ra sao?
Họ
không giúp Hội Thánh trở thành một Hội Thánh sống nghèo và lo cho người
nghèo, là vì chính họ sống như một giai cấp giàu sang quyền lực một
cách tự hào và khiêu khích, ngay giữa đám đông dân nghèo, lầm than,
thiếu thốn. Tự hào và khiêu khích với não trạng thắng thế lại được cho
là để làm sáng danh đạo Chúa. Đó là một vấn đề có thực rất cần được cảnh
giác.
Lạy
Chúa, xin thương giúp con luôn biết mau lẹ thực hiện những bước cứu con
người. Con xác tín đó chính là dấu chỉ tốt làm chứng cho đức tin tại
Việt Nam hôm nay. Con cũng rất xác tín những bước thực sự cứu con người
theo ý Chúa sẽ chỉ được thực hiện đúng là nhờ Chúa, với Chúa và trong
Chúa.
Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con trông cậy ở Chúa.
ĐGM. GB Bùi Tuần