Bà Veronica lau mặt Chúa trên đường Thánh Giá.
Tượng Bà Veronica đặt ở một trong bốn cột chính tại Đền Thánh Phero (Vatican).
Bà Veronica được tôn kính trong lịch sử Giáo Hội như một vị thánh nhưng không được tuyên phong theo luật Giáo Hội. Tuy nhiên, các tín hữu sùng mộ bà từ thời kỳ đầu của Giáo Hội.
Tiểu sử của bà cũng không có tài liệu lịch sử chắc chắn mà chỉ dựa trên truyền tụng. Bà là người vô danh. Có người đồng hóa bà Veronica với bà Matta (chị của Maria và Ladarô), người khác lại cho bà là vợ của ông Dakêu. Truyền thuyết khá phổ thông là đồng hóa bà Veronica với người đàn bà loạn huyết được Chúa chữa cho khỏi nhờ sự động chạm đến gấu áo Chúa (x. Mt 9:20-2; Mc 5:25-34; Lc 8:43-48).
Theo truyền thuyết, bà Veronica đã gặp Chúa Giêsu trên “Đường Thánh Giá” (Via Dolorosa). Kinh Thánh chỉ nói các phụ nữ khóc thương khi thấy Chúa Giêsu vác Thập Giá, nhưng Ngài bảo: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Khi bà Veronica lấy khăn trùm đầu để thấm máu mặt Chúa Giêsu thì hình khuôn mặt Chúa Giêsu đã in ấn trên khăn ấy. Biến cố này đã được tưởng nhớ trong chặng thứ sáu trong Đàng Thánh Giá.
Một truyền thuyết cho rằng chiếc khăn này được bà Veronica trao cho Hoàng Đế Rôma là Tiberius. Qua tấm khăn này, Chúa đã làm nhiều phép lạ cho kẻ mù được sáng, cho kẻ chết sống lại. Chính tên của bà cũng được “đặt ra” theo chữ Latin là “Vera” – nghĩa là “thật”, và tiếng Hy-lạp “Icon” – nghĩa là “hình ảnh”. Chúng ta có: Vera + Icon = Veronica.
Sau Công đồng Vatican II, Thánh Veronica không có tên trong lịch phụng vụ nhưng có truyền thống đã kính nhớ bà vào ngày 12 tháng 7, có truyền thống kính nhớ bà vào Thứ Ba “béo” ngay trước Thứ Tư Lễ Tro.
Các nhiếp ảnh gia và các thợ giặt ủi nhận Thánh Veronica làm bổn mạng. Trong Giáo Hội có một thánh cũng tên là Veronica (tên đầy đủ là Veronica Giuliani, người Ý), được in năm Dấu Thánh, được Giáo Hội phong thánh năm 1839, lễ kính ngày 10 tháng 7.
Chúng ta lại nhớ tới bà Veronica mỗi khi cầu nguyện bằng 14 chặng Đàng Thánh Giá, nhất là trong Mùa Chay và Thứ Sáu Tuần Thánh. Bà là một phụ nữ đạo đức và can đảm, dám lấy khăn thấm máu mặt một tử tội trên đường đến pháp trường. Liều thật, nếu không can đảm thì không thể hành động như vậy. Chắc hẳn bà nhận ra Tử Tội Giêsu là người công chính, một ngôn sứ, một thánh nhân, và rất có thể bà cũng biết đó là Con Thiên Chúa.
Dù bà là nhân vật thật hay không thì bà vẫn xứng đáng để chúng ta noi gương trong đời sống tâm linh vậy.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét