Phêrô là một trong những nhân vật nổi bật được nhắc đến trong các trình thuật Tin Mừng về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô đã theo sát Thầy mình đến dinh thượng tế Cai-pha, và ông đã chối Chúa ba lần. Đây là điểm cốt yếu cho thấy tính đa diện nơi con người Phêrô, vị Tông đồ cả.
1. Chối Chúa.
Nhiều người có cảm tưởng việc Phêrô chối Chúa là một thất bại nặng nề và nhục nhã của ông, vì ông đã đánh mất tất cả đoan hứa và những lĩnh hội cao đẹp từ Tôn Sư Giêsu. Có người vì quá xúc động và cảm thương trước nỗi đau tột cùng của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó, đã tỏ ra căm giận, mạt sát Phêrô về việc ông chối Chúa. Có thể họ có lý khi căn cứ trên số lần và cường độ tâm lý giữa mỗi lần chối Chúa của Phêrô, dựa theo Tin Mừng Mát-thêu (26, 69 – 74):
- Lần 1: “…Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì !”
- Lần 2: “…Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy”
- Lần 3: “…Bây giờ ông Phêrô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy”.
Thái độ “quả quyết” chối Chúa của Phêrô trước áp lực của những chất vấn về liên hệ thân tín giữa ông với Chúa Giêsu, khiến chúng ta dễ bất bình và khiển trách ông là điều dễ hiểu.
Tất nhiên, chúng ta không thể đồng tình với Phêrô về việc ông đã chối Chúa. Tuy nhiên, nếu xét trong hệ thống của trình thuật Thương Khó – Phục Sinh và suốt hành trình mà Phêrô đã theo sát Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy một tông đồ Phêrô với những mặt tích cực, tác động đến đời sống Đức tin của chúng ta hôm nay.
Chúng ta không quên cái đêm tối mà Chúa Giêsu và các môn đệ đi theo Người phải đối diện với cuộc vây bắt tại vườn Giêtsimani. Chính trong thời khắc hiểm nghèo, lúc mà “Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình” thì Phêrô đã tỏ can đảm, bênh vực Thầy mình. Ông đã gan dạ dùng thanh gươm có sẵn “tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y…” (Ga 18, 10).
Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ khác đã bỏ mặc Chúa chạy trốn, ngoại trừ Phêrô (cùng với “một môn đệ khác” được Tin Mừng Ga nhắc đến) vẫn theo sát Chúa. Đây là nét son giúp chúng ta nhận thấy lòng quả cảm, trung thành chính thực của Phêrô với Chúa Giêsu. Điều này đã dẫn ông tới chỗ phải đương đầu với áp lực của những chất vấn cam go. Những lời chối Chúa của Phêrô được bộc lộ ra, phải chăng là hệ quả của một tình cảnh quá cay nghiệt khiến ông không thể có phản ứng khác được ? Chính lòng mến Chúa và sự trung thành quả cảm đã dẫn ông vào những thời khắc thử thách khôn lường này.
Con người thật nơi Phêrô chính là tình yêu, lòng trung thành được khẳng định trong những tình huống lựa chọn dứa khoát để sống đúng với lý tưởng tông đồ Chúa. Hơn nữa, nó còn được biểu tỏ qua thái độ hoán cải chân thành của ông khi được chính tình thương Thiên Chúa đánh thức, lay động.
“Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 75).3
Việc Phêrô chối Chúa chỉ là “những lời nói dối” nhất thời. Quan trọng là chúng ta nhận ra con người thật, việc thật và thái độ đích thực của ông dành cho Chúa.
2. Phần chúng ta ?
Chúng ta vội kết tội Phêrô là “dám dối Thầy, dối Chúa !”, hay “lời nói dối của Phê-rô là không thể tha thứ được !”…Thế còn chúng ta thì sao ?
Nhiều bạn trẻ vẫn trông đến ngày Mồng Một Tháng Tư (“Ngày Nói Dối”) để ghẹo, đùa nhau bằng những lời nói dối. Nhưng các bạn có nghĩ rằng, suốt năm, suốt tháng, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tôi đã có thể nói dối, làm dối, sống dối rồi không ?
Nhờ bầu khí thánh thiêng của Mùa Chay Thánh, và từ kinh nghiệm của Phêrô, giúp chúng ta nhìn lại con người thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người.
Thước đo con người thật của ta là thái độ chân thành nhìn nhận những bất toàn, và biết tin tưởng nơi Chúa để đứng dậy từ những thất bại trước tội lỗi. Biết nhận ra những dấu chỉ đánh thức ý nghĩ và hành vi dối trá, lọc lừa nơi ta, như Phêrô khi nghe tiếng gà gáy đã “khóc lóc thảm thiết”.
Biểu hiện con người thật nơi ta là tình yêu, lòng trung thành phụng sự Chúa và lòng quả cảm chứng nhân trước những đợt sóng dữ vô hình đang xô đẩy bước lữ hành Đức tin của ta. Như Phêrô, ta hãy theo sát Chúa và bênh vực cho Sự Thật của Chúa.
Dấu chỉ con người thật nơi ta là biết chấp nhận những bổ túc từ phía tha nhân; đồng thời phát huy tâm lực sẵn có để kiện toàn phẩm giá con người và cuộc sống.
Chỉ có tình yêu xả kỷ mới có thể giúp ta biến các định hướng này thành sự thật.
Tác giả: JB. Nguyễn Quốc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét