16 thg 4, 2015

BIẾT ĐIỂM DỪNG


Tuổi trẻ là khoảng thời gian mà người ta cảm thấy có nhiều năng lượng nhất. Ở lứa tuổi này, ta có cảm tưởng như mình có thể làm được mọi chuyện, có thể vượt qua được tất cả mọi chông gai thử thách. Với nguồn năng lượng dồi dào ấy, người trẻ chẳng quản ngại điều gì, chẳng lo sợ điều chi, vì chẳng bao giờ họ thấy mình kiệt sức. Họ muốn chinh phục những đỉnh cao, muốn đối đầu với mọi thử thách, muốn lao mình vào những chỗ cam go. Đây cũng là lứa tuổi mà ta chẳng sợ gì cả. Không sợ trời, không sợ đất, ta tự thấy mình làm chủ chính mình chứ chẳng cần ai sửa dạy hay chỉ bảo. Ta tự cho mình có tự do vô hạn nên muốn làm gì thì làm, mà chẳng cần kiêng nể ai, chẳng cần nghĩ đến tương lai, không lo bận tâm đến hậu quả, vì ta nghĩ là mình có đủ khả năng để giải quyết tất cả.
Có được một nguồn năng lượng dồi dào như vậy là một điều rất tốt nhưng cũng có thể là một điều xấu. Nó sẽ trở thành tốt khi ta biết sử dụng nó vào những mục đích sinh lợi nhằm tạo lập nền tảng vững chắc cho tương lai của mình. Nó sẽ trở nên xấu khi ta phóng đại nó lên, ảo tưởng về mình và đặt nó vào những hành vi tai hại. Đặc biệt, khi đang hứng thú chuyện gì đó, khi đang bị cảm xúc đưa dẫn, ta thường khó làm chủ mình, nhưng cứ để chúng kéo mình đi quá đà đến mất kiểm soát. Để rồi, khi nhìn lại, ta thấy mình đã lạc đường, mất hướng, thậm chí còn đánh mất những điều quý giá mà ta từng sở hữu trước đây. Cuộc sống là một cuộc hành trình tiến về phía trước. Nhưng ta không bước đi với một đôi mắt mù lòa hay bị đưa đẩy một cách vô thức. Phải có những lúc ta biết đâu là điểm dừng của mình. Biết điểm dừng không phải là hèn nhát nhưng là biểu hiện của sự khôn ngoan.
Vui chơi với bạn bè là điều tốt. Để cuộc vui được trọn vẹn, ta phải chơi hết mình. Nhưng hết mình không phải là đánh mất chính mình. Cứ mỗi khi hứng chí, hay khi có men say thấm vào người, ta thường không kiểm soát được những gì mình nói, những gì mình làm. Những hành vi của ta khi ấy dường như không nằm dưới sự kiểm soát của ta nữa, nên rất nhiều khi gây ra những điều nguy hại. Có óc hài hước và biết nói đùa là điều tốt. Nhưng có khi những lời nói đùa của ta không mang đến tiếng cười, mà vô tình làm tổn thương người ta. Có một tương quan là tốt, vì tương quan giúp ta thăng tiến chính mình và làm cho cuộc sống của mình thêm triển nở. Nhưng không phải tương quan nào cũng như tương quan nào. Mỗi tương quan đòi hỏi nơi ta một ý thức và một trách nhiệm riêng. Có những tương quan ta phải dấn thân trọn vẹn để vun đắp; nhưng cũng có những tương quan mà ta không được phép vượt qua ranh giới ngăn cản… Và còn có rất nhiều ví dụ tương tự như thế!
Sở dĩ ta phải biết điểm dừng là vì ta không phải là người toàn năng, ta không thể làm được mọi thứ và không thể đảo ngược thời gian để thay đổi những gì ta đã gây ra. Tạo Hóa đã ban cho con người chúng ta có tự do để làm gì mình muốn, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta có lý trí nhận định và cân nhắc để không sử dụng tự do của mình đi quá giới hạn. Ta thường dễ để mình hùa theo những thúc đẩy, hơn là mạnh dạn dừng lại trước khi đi quá xa. Người biết điểm dừng là người làm chủ được chính mình, người đó có ý thức cao về mình, có lập trường vững chắc và không bị những trào lưu hay cảm xúc dẫn dắt. Họ biết giới hạn của mình và họ không làm gì để vượt qua giới hạn đó. Họ biết dừng vì họ ý thức về sự hữu hạn của mình. Họ không ảo tưởng, không hống hách, không ngang tàng, không bướng bỉnh, không cố chứng tỏ bản thân, không cần những danh dự hão, không bị những thách thức và khiêu khích của người khác khuấy động tâm can. Vậy nên, để có thể dừng lại, người ta phải có một sức mạnh rất lớn trong mình.
Biết điểm dừng và dừng lại khi cần thiết không phải là thất bại, không là nhút nhát, nhưng là khiêm nhường, khôn ngoan và ý thức về giới hạn của mình. Ngược lại, những ai bất chấp và điên cuồng, không biết dừng lại chính là những người ảo tưởng, kiêu ngạo và ngu dốt. Dừng lại cũng không có nghĩa là ta không có quyền làm điều gì đó, nhưng là ta biết rằng mình không nên làm. Quả vậy, người nào biết dừng lại kịp thời là người còn làm chủ mình, còn sống dựa vào lý trí của mình, chứ không “mất tay lái” và bị những xúi dục thúc đẩy lôi kéo.
Rất nhiều khi, ta bị rơi vào cạm bẫy bởi những khiêu khích của người khác. Những khiêu khích ấy đụng chạm đến lòng tự ái của ta. Ta không muốn thua ai, ta không muốn bị ai coi thường. Cái tôi muốn chứng tỏ trong ta bừng dậy, thúc đẩy ta cứ thế mà “chơi tới bến”, chẳng ngán chẳng sợ gì, bất chấp cả hậu quả. Cũng có khi ta bị những thúc đẩy của đam mê và cảm xúc lôi kéo. Yêu người này, thích người nọ, muốn làm điều kia… dù biết rõ là sai, là không được phép, là đi ngược lại với chân lý, là không có tương lai ta vẫn cứ nhắm mắt đưa chân vào. Bỏ ngoài tai những luân thường đạo lý, những lời khuyên hữu ích, ta cứ vô tư “vượt rào” để chiều theo những cảm xúc ấy. Càng đi vào sâu, ta càng cảm thấy mình không thể bứt ra được, và cứ thế, ta trở nên nô lệ cho chúng, ta đánh mất chính mình, đánh mất tương lai của mình, đánh mất cả những gì tốt đẹp mà ta đang thụ hưởng.
Cái ngông nghênh của tuổi trẻ còn nằm ở tính kiêu ngạo và ảo tưởng nữa. Vừa mới vào đời, kinh nghiệm còn non nớt, kiến thức chưa tới đâu, nhưng lúc nào ta cũng cho là mình đã trải qua phong sương, đã biết hết tất cả. Chính từ thái độ tự phụ ấy, ta chẳng coi ai ra gì, chẳng thèm nghe theo lời khuyên bảo của người khác. Có đôi khi ta còn muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, muốn cho người khác thấy ta tài hoa ra sao, để người khác phải thần phục và khen mình bằng những lời tán thưởng. Bởi thế, ta không thể chấp nhận được thì có ai đó chê ta, không coi ta ra gì. Cái thói chứng tỏ mình nhiều khi làm cho ta trở nên điên cuồng và bất chấp tất cả, chẳng biết đâu là điểm dừng để ngừng lại và trau dồi bản thân hơn.
Các bạn trẻ thân mến, hãy dừng đúng lúc đúng nơi. Điều đó chẳng gây thiệt hại gì cho các bạn cả. Nhưng nó sẽ nói cho người khác biết, bạn đích thực là một con người vững mạnh vô cùng. Có một định nghĩa cho rằng người trưởng thành là người biết nói “không” khi cần thiết.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét