29 thg 4, 2016

Chúa Nhật VI Phục Sinh


Tin Mừng   Ga 14:23-29

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: `Thầy ra đi và đến cùng anh em'. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

Sunday VI of Easter
Gospel Jn 14:23-29

Jesus said to his disciples:
“Whoever loves me will keep my word,
and my Father will love him,
and we will come to him and make our dwelling with him.
Whoever does not love me does not keep my words;
yet the word you hear is not mine
but that of the Father who sent me.

“I have told you this while I am with you.
The Advocate, the Holy Spirit,
whom the Father will send in my name,
will teach you everything
and remind you of all that I told you.
Peace I leave with you; my peace I give to you.
Not as the world gives do I give it to you.
Do not let your hearts be troubled or afraid.
You heard me tell you,
‘I am going away and I will come back to you.’
If you loved me,
you would rejoice that I am going to the Father;
for the Father is greater than I.
And now I have told you this before it happens,
so that when it happens you may believe.”

TÂM THẦN Facebook


Mạng xã hội Facebook vốn là một công cụ truyền thông xã hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, và xây dựng tình bằng hữu với nhau, đó là điều tốt đẹp mà thiết nghĩ từ lúc đầu khi hình thành nên phương tiện này những người sáng lâp đã nghĩ đến. Tuy nhiên, chính mạng xã hội này cũng đang dần trở nên một công cụ cho những người nhân danh cái gọi là “tự do ngôn luận trên mạng” để loan truyền những thông tin nhảm nhí, những thông tin đồi trụy, và đưa ra những luận điểm hay nhận định mà xem chừng hết sức lệch lạc, nếu không muốn nói họ bị mắc chứng bệnh tạm gọi là “Tâm Thần Facebook”. 
Triệu chứng của những người mắc chứng này là họ không đọc và tìm hiểu kỹ nội dung được đăng tải, đặc biệt trước những vấn đề nhạy cảm với cái thế giới khép kín ngớ ngẩn hạn hẹp của họ, thì lập tức họ giãy nảy lên, phùi bọt mép, tay muá lung tung trên bàn phím để đả kích, để chửi, để thoá mạ nhân danh điều này điều nọ. Gần như họ không còn hiểu biết thế nào là suy nghĩ, họ để cho mình bị “sướng” lên bởi những thông tin mà họ cho là “có vấn đề”.
Ai cũng biết, khi người mắc bệnh tâm thần lên cơn “sướng” thì mọi thứ thế nào. Họ như những con ngựa bất kham, chẳng còn biết đâu là lẽ phải, đâu là đúng đắn, họ chỉ còn biết một điều phải làm gì đó cho “cơn sướng” của họ được thoả mãn, thậm chí là đập phá, quậy làng quậy xóm, và gây thương vong cho người khác. Cũng thế, kẻ mắc chứng tâm thần Facebook cũng sẽ có những biểu hiện y chang, họ đang yên bình, nhưng vì quá rảnh không biết làm gì, họ lên để lướt face, và rồi một thông tin “chướng tai gai mắt” nào đó đập vào mắt họ, họ không cần đọc và tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung, biện phân, suy nghĩ kĩ trước khi phản ứng, mà chỉ thấy một vài từ ngữ tạo cảm giác “sướng” là họ nhào vô bình luận, tỏ ra nguy hiểm, và sau đó là lăng mạ, thoá mạ, chửi rủa om sòm trên trang nhà người khác mà cứ tưởng rằng mình đang làm một việc anh hùng, một điều can đảm, bất luận là họ đang làm nhân danh điều gì. 
Một kiểu tâm thần khác cũng không kém phần nguy hại, đó chính là tình trạng a dua, ăn theo số đông, dư luận viên. Chả cần biết nội dung hay ý nghĩa sự việc là gì, chỉ cần bị người khác chọc vào chỗ “sướng” để kích hoạt, thì lập tức não bộ gân hấn, anh hùng rơm, gieo hận thù, gieo chia rẽ, gieo sự hiểu lầm nổi lên và họ bắt đầu đưa ra những lời tranh luận tỏ ra hết sức “có hiểu biết”, họ xỉa xói, chửi thề, làm đủ thứ điều xằng bậy để cốt làm tổn thương người khác, còn kẻ kích hoạt thì ngồi cười hả hê vì sung sướng. Suy cho cùng, kẻ kích hoạt và kẻ bị kích hoạt đều có vấn đề về tâm thần như nhau.
Khi gặp những lời bình luận kiểu tâm thần thế này, điều đầu tiên bạn cần phải xử lý đó là hãy im lặng nếu cảm thấy chưa cần thiết phải có biện pháp khác. Sau khi im lặng mà ta thấy họ vẫn nhào vào “cắn bóng” thì tốt nhất lúc này hãy xoá những bình luận của họ đi và đưa họ vào sổ đen của Facebook để họ không còn cơ hội gây cớ vấp phạm cho người khác nữa. Nhiều trường hợp, ta sẽ thấy họ sẽ bị người khác chỉnh, nếu điều ấy khiến họ im tiếng, thì ta không nên làm gì thêm, cứ để cho cộng đồng xử lý họ. Điều cần nhớ là tuyệt đối bạn đừng bao giờ trao đổi với kẻ tâm thần, bởi người cuối cùng bị thương tổn và thiệt hại là bạn, pháp luật không xử lý kẻ tâm thần. 
Một tình trạng tâm thần khác cũng hết sức đáng quan ngại trong thời đại truyền thông xã hội ngày nay, đó là có những kẻ vì một chút tò mò, một chút ghen tức cá nhân nào đó, họ thường xuyên mò vào tường nhà của bạn để dò xét thông tin của bạn, các mối quan hệ của bạn, và thậm chí cuối cùng là để ra tay hại bạn cách này cách khác. Kiểu tâm thần này không phải nhờ có Facebook mới bị, họ đã bị mắc chứng này từ khi chưa hề có mạng xã hội, họ thường xuyên gặp gỡ người này người kia, thậm chí cả chính đương sự, luôn tỏ ra dễ mến, tỏ ra người đạo đức, có hiểu biết, vui vẻ với bạn, thân mật với bạn để khai thác thông tin và điểm yếu của bạn. Đối diện với loại tâm thần này, bạn không cần phải làm gì cả, cứ tỏ ra hết sức bình thản trước những săn đón, những nịnh nọt, hay bất cứ điều tốt nào họ thực hiện để đánh lừa nhằm khai thác bạn.
Khi đối diện với những dạng tâm thần trên mạng thế này, điều tốt nhất bạn có thể làm đối với họ là hãy mặc lấy một tinh thần bình an, nhìn rõ sự việc, biện phân cụ thể, và rồi hãy tha thứ cho họ, bởi những người này họ là những người bất hạnh hơn ai hết về mặt tâm lý và niềm tin, họ lên tiếng nhằm xúc phạm không phải vì họ muốn thế, mà vì họ đang cần một sự quan tâm, một tình yêu mà không biết làm thế nào để có được, nên phải dùng cách mà họ cho là tốt nhất để dành sự quan tâm của mọi người. Họ đang là nạn nhân của chính bản thân họ, bởi cả một hành trình sống có khi bị nhồi sọ những ý thức hệ nửa đúng nửa sai, những lối giáo dục bạo lực trong gia đình và nhà trường, lại còn thêm bệnh lười học tập mà lại muốn người khác công nhận mình giỏi... 
Phần chúng ta, mỗi khi viết hay bình luận điều gì, chúng ta hãy đặt mình ở trong hoàn cảnh của người khác, đừng gây hấn, đừng móc xỉa, đừng chửi rủa, đừng kết án... nhưng hãy can đảm nói lên sự thật sau khi đã suy xét và bản hỏi thật kĩ càng, để không gây tổn hại cho bất kỳ ai trong cộng đồng. Để làm thế, chúng ta không nên lên mạng Faceboo khi trong lòng bị rối bời, bất an, buồn chán...lúc ấy khó tránh khỏi ta bị rơi vào cái bẫy của cái gọi là “tự do ngôn luận” và “tự do thể hiện”, “tự do quan điểm” hay cần sự quan tâm của cộng đồng mà làm tầm bậy như những kẻ tâm thần. 
Joseph C. Pham

BỚT ẢO TƯỞNG ĐI


Ta thường hay ảo tưởng về chính mình. Có đôi khi ta cứ ngỡ rằng mình là người quan trọng lắm, như thể mọi thứ trong vũ trụ này phải quy hướng về ta, để ý đến ta. Cả khi buồn lẫn khi vui, lúc thành công cũng như khi thất bại, ta luôn mãi bận tâm đến chuyện người ta sẽ nhìn đến mình, có suy nghĩ về mình, đánh giá mình, hướng ánh mắt về mình. Ta quên mất rằng giữa khoảng không bao la của vũ trụ này, khách quan mà nói, ta chẳng là cái gì to tát cả. So với cái thế giới có hàng tỷ sinh linh, ta còn nhỏ bé hơn cả từ “nhỏ bé”. Thế giới mà ta nghĩ là rộng lớn vô biên này, so với vũ trụ bao là ngoài không gian, cũng chẳng đáng là chi. Bởi thế, sự hiện diện của ta, tiếng nói của ta chỉ hệt như một chấm nhỏ li ti chẳng đáng kể đến, bất chấp ta có tài năng đến đâu, giỏi giang đến đâu, trẻ khoẻ thế nào!
Ta thành công thì sao chứ? Ta sở hữu nhiều vàng bạc châu báu thì sao chứ? Ta nổi tiếng thì sao chứ? Đâu phải tất cả mọi người trên thế giới này đều biết đến ta. Tài sản của ta cũng đâu có vượt quá được các tầng trời. Ta có quyền sai khiến người này, điều khiển người kia, nhưng ta có chuyển đổi được tinh tú không, có khiến mình trường sinh bất tử được không, có làm cho ta trở nên Chúa tể vũ trụ được không? Thành công đến từ những nỗ lực của bản thân là điều đáng vui, đáng trân trọng và ai ai cũng phải cố gắng để đạt được. Nhưng nó không phải là cùng đích của đời ta. Huênh hoang làm gì với những của hư nát ấy! Người ta có thể khen và sợ một người giỏi giang và lắm tiền, nhưng người ta chỉ thực sự yêu mến và nể trọng một người có nhân đức. Người bám vào vật chất thì bất an vì sợ mất nó; còn người có nhân đức thì luôn an vui vì họ có tự do trong lòng. Bởi thế, khi gặp thành công và có trong tay thật nhiều tiền của, ta đừng nên cho rằng mình đã là nhất giữa vũ trụ này. Bởi vì, thật sự có rất nhiều người chẳng bận tâm mấy đến chuyện ta giàu hay nghèo đâu.
Ta tài hoa thì sao chứ? Ta đẹp thì sao chứ? Ta “không được đẹp” thì sao chứ? Có thể có nhiều người ngưỡng mộ vẻ bề ngoài của ta, nhưng cũng có không ít người chẳng xem đó là điều gì quá quan trọng. Nếu ta thực sự đẹp, tự khắc sẽ có người nhìn ta; còn nếu ta tự mang tư tưởng trong đầu là mình đẹp, thì ta chỉ mất giờ để ý đến người khác để biết xem có ai nhìn đến mình, khen mình, thần tượng mình không thôi. Sắc đẹp hay tất cả những thứ khác trên trái đất này đều là cái chóng qua. Tạo Hoá ban cho thì được hưởng, Tạo Hoá lấy đi thì cũng chẳng thể trách gì được Ngài. Níu kéo làm gì một nét đẹp bên ngoài, trong khi nét đẹp bên trong thì lơ là, chẳng để ý. Hiện tại, có thể ta có nhiều người theo đuổi, ta vui vì điều đó. Nhưng vài năm sau, ai quan tâm đến chuyện ta đẹp hay xấu, đang làm gì, sống ra sao nữa đâu. Thay vì đặt mình lên trên người khác, sao ta không hoà mình vào với đồng loại, cố gắng kết dệt nên những tấm chân tình đơn sơ nhưng hoà nhã, bền chặt? Điều đó không giúp ta trở nên tươi trẻ và thoái mái hơn sao?
Ta thất tình thì sao chứ? Ta thất bại thì sao chứ? Ai quan tâm đến nỗi buồn của ta? Bạn bè và người thân có để dành chút thời gian để đỡ nâng và chia sẻ. Họ có thể ngồi nghe ta tâm sự, kể lể, chuyện trò. Họ có thể vì tình yêu mến mà dành cho ta những lời khuyên. Nhưng họ còn có cuộc sống của riêng họ. Họ đâu thể cứ luôn mãi bên ta để “chịu đựng” nỗi buồn gì đó của ta. Ta cho rằng chuyện tình của mình là đẹp nhất trên đời, giờ mất đi thật là tiếc. Nhưng nó chỉ đẹp với ta thôi, chứ cả thế giới này đâu có giờ mà để ý đến. Ta xấu hổ khi gặp thất bại, ta sợ người ta dị nghị, đánh giá mình này kia. Giả như có những dị nghị và đánh giá thật, thì nó cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Rồi người ta cũng phải đi làm để mưu sinh kiếm sống, chứ đâu mãi bận tâm đến ta làm gì. Ta đâu có quan trọng đến mức độ luôn được người ta để ý? Có thể hơi phũ phàng, nhưng đó là sự thật, rằng thế giới này có đông người lắm, và chính vì có quá nhiều người cùng hiện hữu, nên hình bóng của ta cũng trở nên mờ nhạt và chẳng đáng gì. Ta không tự lo cho chính mình, thì chẳng có ai lo cho ta được. Ta không tự đứng lên, quên đi quá khứ để đắp xây hạnh phúc cho mình thì cuộc đời của ta cứ mãi vật vờ, chênh vênh mà thôi. Cuộc sống này là của ta. Sự sống này là do Tạo Hoá ban cho ta. Nó trở nên bầu trời quang đãng, hay giông tố bão bùng là do chính ta quyết định, chứ chẳng phải do ai cả.
Hãy thức dậy đi, bớt ảo tưởng đi. Đừng nghĩ mình là cái gì đó to tát. Đừng tưởng và cũng đừng nỗ lực để lấy lòng hết tất cả mọi con người hiện diện trên trái đất này. Họ có tôn sùng ta, có tôn thờ ta, thì cũng không thể biến ta thành Thượng Đế. Cuộc đời này, xem vậy chứ đôi khi cũng phũ phàng lắm. Thật vậy, có thể là ta quan trọng đấy, nhưng ta không quá quan trọng như nhiều khi ta tưởng nghĩ đâu. Rốt cuộc thì cũng chỉ còn lại ta với ta, với nỗi cô đơn của kiếp con người. Chẳng ai vui được niềm vui của ta, chẳng ai buồn được nỗi buồn của ta. Họ chỉ có thể san sẻ chút ít và cảm thông phần nào mà thôi. Chính ta là người phải trải nghiệm tất cả, chịu đựng tất cả và ôm trọn tất cả. Hãy là chính mình và làm chủ chính mình, đừng xây dựng bình an đời mình trên người khác hay bất cứ điều gì hư nát của cuộc đời mau qua. Hãy đi vào lòng mình để cảm nghiệm niềm vui khi thành công, tìm kiếm giải pháp khi bế tắt và múc lấy sức mạnh lúc mệt nhoài. Tìm gặp chính mình cũng chính là tìm thấy hạnh phúc!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Thế gian ghét anh em (30.4.2016 – Thứ bảy Tuần 5 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 15, 18-21
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
Suy nim:
Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.
Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống 
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.
Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em, 
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu, 
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).
Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.
Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci, 
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 4, 2016

Yêu thương nhau như Thầy (29.4.2016 – Thứ sáu Tuần 5 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 15, 12-17
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Suy nim:
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.
Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.
Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.
Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:
“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).
Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.
Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,
khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:
“Không ai có tình yêu lớn hơn 
tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).
Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.
Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.
Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.
Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.
“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).
Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,
và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.
Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,
qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.
Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.
Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,
mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14). 
Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.
Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,
và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).
Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.
Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ. 
Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.
Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.
Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,
các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).
Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.
Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.
Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.
Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,
như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…
Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.
Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).
Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 4, 2016

Niềm vui trọn vẹn (28.4.2016 – Thứ năm Tuần 5 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 15, 9-11
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
Suy nim:
Kitô giáo gắn liền với thánh giá. 
Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá. 
Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh, 
mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu, 
từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang. 
Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát, 
nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn. 
Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.
Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình: 
“Thầy đã nói với anh em những điều ấy, 
để niềm vui của Thầy ở trong anh em, 
và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11). 
Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn. 
“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian 
để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13). 
Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy: 
“Cứ xin đi, anh em sẽ được, 
để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24). 
Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ. 
Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy. 
Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình, 
và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này, 
bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ. 
Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến, 
“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).
Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn, 
vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy. 
Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy, 
Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b). 
Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy, 
để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a). 
Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha, 
nên ai giữ lệnh Thầy truyền 
cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.
Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn. 
Và con người tưởng mình có thể tìm được 
bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình. 
Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ. 
Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền. 
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu! 
Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! 
Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. 
Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc 
ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SỐNG ẢO



Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người có khuynh hướng bất mãn, không hài lòng với những gì mình có. Họ luôn theo đuổi những tham vọng hão huyền, ngoài khả năng của mình. Một hiện tượng xã hội đang phổ biến như một căn bệnh trầm kha có sức lây lan ảnh hưởng với tốc độ nhanh chóng, đó là bệnh sống ảo. Căn bệnh này không loại trừ ai, từ người bình dân đến người trí thức, từ người nông thôn đến người thành thị, từ trẻ vị thành niên đến người trưởng thành, từ người nghèo khó đến người giàu sang.
Tìm trong Google tiêu đề “sống ảo”, trong thời gian 0,60 giây, chúng ta có kết quả là 358.000 bài viết có liên quan. Điều này cho thấy vấn đề sống ảo được nhiều người nhắc tới như một hiện tượng xã hội đáng báo động và, đồng thời mời gọi mọi người hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Do cuộc sống ở nông thôn nghèo khó, nhiều thiếu nữ Việt muốn đổi đời. Họ mơ mộng hão huyền nghĩ rằng cứ sang đến Hàn Quốc, Đài Loan là có những người tình trong mộng, đẹp trai như diễn viên điện ảnh, cơ bắp như những vận động viên thể thao. Những đường dây cò mồi “kết duyên” được hình thành. Biết bao cô gái chân quê nhắm mắt đưa chân, bỏ lại đàng sau gia đình và quê hương, tới một chân trời xa lạ và một tình yêu hoang tưởng. Trong số những cô dâu này, phải nhận rằng một phần nhỏ gặp được người tốt, an phận làm dâu xứ người, mặc dù rất nhiều khó khăn do khác biệt về văn hoá, phong tục tập quán. Nhưng phần lớn trong số những cô dâu Việt không được may mắn như thế. Họ phải đối mặt với những xung đột, bạo lực hành hạ tinh thần thể xác. Có những người tìm giải thoát bằng nhảy lầu tự tử. Nhiều người tìm cách bỏ trốn mong thoát khỏi đời sống vợ chồng đã biến thành địa ngục trần gian. Bất chấp những thông tin về những vụ việc đau lòng này, nhiều bạn trẻ vẫn muốn lên đường, mang theo giấc mộng làm dâu xứ người, mặc dù phải vay mượn, nợ nần để có tiền đóng cho những đường dây dịch vụ. Theo bài viết trên báo điện tử VNExpress ngày 12-11-2015, nhân ngày độc thân (11-11-2015), cô dâu Việt được rao bán công khai trên mạng với giá 1.500 USD trên một trang mạng điện tử Trung Quốc. Ai là con Rồng cháu Lạc mà không đau lòng trước những thông tin này?
Khá nhiều bạn trẻ thời nay thích hưởng thụ hơn là lao động. Họ vùi đầu vào các cuộc ăn chơi đen đỏ, cá độ bóng đá, lô đề, nghiện ngập. Biết bao án mạng đã xảy ra vì nguyên nhân cờ bạc. “Cờ bạc là bác thằng bần”, “Chơi đề ra đê mà ở”, những thành ngữ đó đã thành quen thuộc, mà vẫn không ngăn được thú ham chơi, dẫn nhiều người đến tan cửa nát nhà, vợ chồng chia ly, huynh đệ tương tàn. Cờ bạc đen đỏ thường đi liền với rượu chè bê tha và những lạc thú khác. Ông bà ta thời xưa có nói đến “tứ đổ tường” tức là bốn tệ nạn thường hay gắn liền với nam giới: Cờ bạc - rượu chè - trai gái - hút sách. Tưởng đâu chỉ là những tệ nạn của thời phong kiến xa xưa, nhưng những nết xấu này không những tồn tại mà còn gia tăng trong thời hiện đại này, làm tan cửa nát nhà và đau khổ những người thân. Vẫn còn đó số đông thanh niên muốn tìm cảm giác lạ trong ma tuý, thuốc lắc và đập đá. Con số những đệ tử của “nàng tiên nâu” vẫn không ngừng gia tăng, huỷ hoại tinh thần, thể xác và tương lai của giới trẻ. Ảo tưởng của người con thứ hoang đàng trong Tin Mừng (x. Luc 15,11-31) vẫn là lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Thời gian gần đây, do thiếu hiểu biết, một số lớn nông dân nghèo đã bị lừa bằng những chiêu bài quảng cáo buôn bán đa cấp, chương trình “làm giàu không cần vốn”, thậm chí còn có những chương trình “đến nghe được tiền”. Đây là những vụ lừa đảo nhẫn tâm, kéo theo nhiều hệ luỵ đau đớn cho người nghèo. Người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, hy vọng đổi đời, nhưng những chiếc phao hy vọng đó lại làm cho họ trở thành con nợ không biết đến bao giờ mới trả hết được. Cũng vì chạy theo ảo ảnh mà nhiều người lao vào những vụ “tín dụng đen” như con thiêu thân, kéo theo cả họ hàng làng xóm đến chỗ khánh kiệt. Có những thôn làng, sau khi cơn bão tín dụng đen đi qua, trở thành xơ xác, tiêu điều, cộng với sự thù hằn giữa những chủ nợ và con nợ. Đó là bài học đắt giá cho những ảo tưởng, tham vọng làm giàu mà thiếu hiểu biết.
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, ở nông thôn, những bà già nhai trầu bỏm bẻm, những ông lão chăn trâu ngoài đồng cũng sử dụng điện thoại. Không ai phủ nhận lợi ích và hiệu quả của phương tiện thông tin này. Tuy vậy, sự tiếp nhận không kiểm soát và thiếu quân bình là một mối nguy hiểm cho xã hội, như con dao hai lưỡi. Một tỷ lệ không nhỏ các bạn trẻ đã trở thành tín đồ của Facebook và say mê trong thế giới ảo này. Họ đưa mọi thứ lên “phây”, từ những chuyện tình cảm cá nhân, những vui buồn, những giận dữ… tất cả đều trở thành công khai. Những người bình luận cũng vội vã, phiếm diện và ác ý tuỳ theo cảm tính cá nhân, khiến không ít người trở thành nạn nhân. Nhiều người đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực của những lời đàm tiếu. Đơn cử một trường hợp cụ thể: ngày 27-6-2013, N.T.C.L. là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L., khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết (http://thanhnien.vn/thoi-su/tu-tu-vi-mang-xa-hoi-628434.html).Internet cũng đã trở thành một cái bẫy để lừa tình, lừa tiền những con mồi ngây thơ. Nhiều người tìm hiểu nhau qua “chat” trên mạng, nghĩ rằng sẽ tìm được ý trung nhân mình mong muốn. Do cả tin, nhiều cô gái, trong đó có những nữ sinh và trẻ vị thành niên, đã rơi vào những đường dây buôn người và những ổ điếm. Báo chí cũng nêu đã có những “mệnh phụ phu nhân”, những “quý bà” vì ham trai lạ người nước ngoài đã mắc lừa và chuốc lấy những hậu quả thảm hại.
Lối sống ảo cũng len lỏi vào đời sống tín ngưỡng của người dân. Cứ mỗi độ xuân về, lại xuất hiện những lễ hội đủ kiểu mà linh thiêng thì ít, trần tục thì nhiều. Có nhiều người quanh năm buôn bán gian lận, nghĩ rằng đầu xuân đi lễ các đình, các phủ là được may mắn. Đây là một hình thức “hối lộ thần linh” như nhiều người đã bình phẩm và phê phán. Họ cố tình tin rằng một miếng vải cướp được ở Đền Trần, một chút lộc thánh giành giật ở những nơi được gọi là linh thiêng, sẽ giúp họ làm ăn thịnh đạt phát tài, trong khi đó, sự thanh thản trong cuộc sống chỉ đến từ một lương tâm ngay thẳng, và sự thành đạt thịnh vượng cần có nỗ lực cố gắng của bản thân. Không ít người tín hữu Công giáo cũng bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ thực dụng trên đây khi họ thực hành những bổn phận đạo đức. Họ quên rằng giáo huấn của Tin Mừng nhằm hoàn thiện con người toàn diện, giúp họ sống mối tương quan tốt đẹp với Chúa và thân thiện với tha nhân, nhận ra Chúa luôn đồng hành với mình trong mọi nẻo đường của cuộc sống.
Vào buổi bình minh của lịch sử loài người, hai ông bà Ađam và Evà cũng đã ảo tưởng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn. Khi mơ mộng mình có thể đạt tới bậc thần linh, ngang hàng với Thiên Chúa, ông bà đã phủ nhận thân phận thụ tạo của mình. Sau khi ông bà ăn trái cấm, Chúa đã đến gặp ông bà để đưa ông bà ra khỏi ảo tưởng hão huyền đó. “Ađam, ngươi đang ở đâu?” (St 3,9), câu hỏi của Chúa giúp ông bà thức tỉnh, nhận ra vị thế của mình và nhận ra những điều mình đã làm là sai lỗi. Câu hỏi này cũng đưa ông bà về với thực tại, nhận ra những điều tốt đẹp Chúa đã làm cho ông bà. Vậy mà ông bà đã sớm quên lãng và chạy theo những ảo ảnh hư vô.
Giêrêmia, vị ngôn sứ sống ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã diễn tả những người sống ảo và những người sống thật như sau: “Đây Chúa phán: Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc… Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn” (x. Gr 17,5-9). Theo vị ngôn sứ, người sống thật là người đặt niềm tin cậy nơi Chúa, phó thác trọn vẹn vào tình thương quan phòng của Ngài.
Phụng vụ tuần này giúp chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành là Chúa Giêsu. Mỗi tín hữu chúng ta hãy biết lắng nghe tiếng Chủ Chiên của mình. Chúa Giêsu đã đến trần gian để đưa con người ra khỏi những khái niệm mơ hồ về Thượng Đế. Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống, dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Sống ảo là căn bệnh trầm kha của nhiều người trong xã hội chúng ta, nhất là nơi giới trẻ. Để chữa trị căn bệnh này, cần phải có tác động từ nhiều phía, nhất là giúp các bạn trẻ nhận ra trách nhiệm của mình với hiện tại và với tương lai, biết tiếp thu có chọn lọc những tiện ích trong cuộc sống. Đối với các Kitô hữu, cố gắng sống con người thực của mình trước mặt Chúa và đối với tha nhân, gắn bó với Lời Chúa, nhận ra những điều kỳ diệu Chúa làm xung quanh chúng ta. Làm được như thế, chúng ta sẽ góp phần làm cho cuộc sống này tốt đẹp và an bình hơn.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

26 thg 4, 2016

Thầy là cây nho (27.4.2016 – Thứ tư Tuần 5 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 15, 1-8
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
Suy nim:
Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.
Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,
mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).
Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.
“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự  èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu nguyn:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô) 
Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 4, 2016

Bình an cho anh em (26.4.2016 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Suy nim:
Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử. 
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an. 
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em. 
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu 
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi: 
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió, 
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng 
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ 
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu nguyn:
Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 4, 2016

Yêu mến, đến và ở lại (25.4.2016 – Thứ hai Tuần 5 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 14, 21-26
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Suy nim:
“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng”.
Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.
Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.
Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.
Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.
Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,
nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,
nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông 
giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).
Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,
trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,
thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.
Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.
Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).
Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).
Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại 
giữa người môn đệ với Cha và Con.
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.
Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,
tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.
Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi 
trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,
Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).
Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).
Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ 
nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).
Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!
Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại, 
cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.
Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.
và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.
Cầu nguyn:
Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.
Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.
Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.
Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.
Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.
Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 4, 2016

Điều răn mới (24.4.2016 – Chúa nhật 5 Phục Sinh năm C)


Lời Chúa: (Ga 13,31-33a.34-35)
31 Khi Giuđa ra khỏi phòng Tiệc Ly, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. 33Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Suy Niệm
GANDHI được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ.
Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi.
Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng
cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.
Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.
Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông
nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.
Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi
chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.
Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi,
họ sống tinh thần Ðức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới:
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.
Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài,
nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.
Yêu thương nhau trở thành điều răn mới,
mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.
Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này,
Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.
Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.
Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa
như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)
Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.
Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31)
Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.
Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.
Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.
Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta,
thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu:
đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn…
Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ
là tình yêu thương mà họ dành cho nhau:
cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…
Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.
Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này
thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị…
Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga,
giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.
Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha,
mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày,
cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.
Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi
mời mọi người đặt chân tới.
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng và thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chúa Nhật V Phục Sinh



Tin Mừng   Ga 13,31-33a.34-35 

Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”


Sunday V of Easter
Gospel Jn 13:31-33a, 34-35

When Judas had left them, Jesus said,
“Now is the Son of Man glorified, and God is glorified in him.
If God is glorified in him,
God will also glorify him in himself,
and God will glorify him at once.
My children, I will be with you only a little while longer.
I give you a new commandment: love one another.
As I have loved you, so you also should love one another.
This is how all will know that you are my disciples,
if you have love for one another.”

22 thg 4, 2016

Làm những việc lớn hơn nữa (23.4.2016 – Thứ bảy Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 14, 7-14
7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” 8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
SUY NIỆM
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do-thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do-thái, 
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, 
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm :
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay 
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
Thánh Âu Tinh
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.