Mạng xã hội Facebook vốn là một công cụ truyền thông xã hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, và xây dựng tình bằng hữu với nhau, đó là điều tốt đẹp mà thiết nghĩ từ lúc đầu khi hình thành nên phương tiện này những người sáng lâp đã nghĩ đến. Tuy nhiên, chính mạng xã hội này cũng đang dần trở nên một công cụ cho những người nhân danh cái gọi là “tự do ngôn luận trên mạng” để loan truyền những thông tin nhảm nhí, những thông tin đồi trụy, và đưa ra những luận điểm hay nhận định mà xem chừng hết sức lệch lạc, nếu không muốn nói họ bị mắc chứng bệnh tạm gọi là “Tâm Thần Facebook”.
Triệu chứng của những người mắc chứng này là họ không đọc và tìm hiểu kỹ nội dung được đăng tải, đặc biệt trước những vấn đề nhạy cảm với cái thế giới khép kín ngớ ngẩn hạn hẹp của họ, thì lập tức họ giãy nảy lên, phùi bọt mép, tay muá lung tung trên bàn phím để đả kích, để chửi, để thoá mạ nhân danh điều này điều nọ. Gần như họ không còn hiểu biết thế nào là suy nghĩ, họ để cho mình bị “sướng” lên bởi những thông tin mà họ cho là “có vấn đề”.
Ai cũng biết, khi người mắc bệnh tâm thần lên cơn “sướng” thì mọi thứ thế nào. Họ như những con ngựa bất kham, chẳng còn biết đâu là lẽ phải, đâu là đúng đắn, họ chỉ còn biết một điều phải làm gì đó cho “cơn sướng” của họ được thoả mãn, thậm chí là đập phá, quậy làng quậy xóm, và gây thương vong cho người khác. Cũng thế, kẻ mắc chứng tâm thần Facebook cũng sẽ có những biểu hiện y chang, họ đang yên bình, nhưng vì quá rảnh không biết làm gì, họ lên để lướt face, và rồi một thông tin “chướng tai gai mắt” nào đó đập vào mắt họ, họ không cần đọc và tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung, biện phân, suy nghĩ kĩ trước khi phản ứng, mà chỉ thấy một vài từ ngữ tạo cảm giác “sướng” là họ nhào vô bình luận, tỏ ra nguy hiểm, và sau đó là lăng mạ, thoá mạ, chửi rủa om sòm trên trang nhà người khác mà cứ tưởng rằng mình đang làm một việc anh hùng, một điều can đảm, bất luận là họ đang làm nhân danh điều gì.
Một kiểu tâm thần khác cũng không kém phần nguy hại, đó chính là tình trạng a dua, ăn theo số đông, dư luận viên. Chả cần biết nội dung hay ý nghĩa sự việc là gì, chỉ cần bị người khác chọc vào chỗ “sướng” để kích hoạt, thì lập tức não bộ gân hấn, anh hùng rơm, gieo hận thù, gieo chia rẽ, gieo sự hiểu lầm nổi lên và họ bắt đầu đưa ra những lời tranh luận tỏ ra hết sức “có hiểu biết”, họ xỉa xói, chửi thề, làm đủ thứ điều xằng bậy để cốt làm tổn thương người khác, còn kẻ kích hoạt thì ngồi cười hả hê vì sung sướng. Suy cho cùng, kẻ kích hoạt và kẻ bị kích hoạt đều có vấn đề về tâm thần như nhau.
Khi gặp những lời bình luận kiểu tâm thần thế này, điều đầu tiên bạn cần phải xử lý đó là hãy im lặng nếu cảm thấy chưa cần thiết phải có biện pháp khác. Sau khi im lặng mà ta thấy họ vẫn nhào vào “cắn bóng” thì tốt nhất lúc này hãy xoá những bình luận của họ đi và đưa họ vào sổ đen của Facebook để họ không còn cơ hội gây cớ vấp phạm cho người khác nữa. Nhiều trường hợp, ta sẽ thấy họ sẽ bị người khác chỉnh, nếu điều ấy khiến họ im tiếng, thì ta không nên làm gì thêm, cứ để cho cộng đồng xử lý họ. Điều cần nhớ là tuyệt đối bạn đừng bao giờ trao đổi với kẻ tâm thần, bởi người cuối cùng bị thương tổn và thiệt hại là bạn, pháp luật không xử lý kẻ tâm thần.
Một tình trạng tâm thần khác cũng hết sức đáng quan ngại trong thời đại truyền thông xã hội ngày nay, đó là có những kẻ vì một chút tò mò, một chút ghen tức cá nhân nào đó, họ thường xuyên mò vào tường nhà của bạn để dò xét thông tin của bạn, các mối quan hệ của bạn, và thậm chí cuối cùng là để ra tay hại bạn cách này cách khác. Kiểu tâm thần này không phải nhờ có Facebook mới bị, họ đã bị mắc chứng này từ khi chưa hề có mạng xã hội, họ thường xuyên gặp gỡ người này người kia, thậm chí cả chính đương sự, luôn tỏ ra dễ mến, tỏ ra người đạo đức, có hiểu biết, vui vẻ với bạn, thân mật với bạn để khai thác thông tin và điểm yếu của bạn. Đối diện với loại tâm thần này, bạn không cần phải làm gì cả, cứ tỏ ra hết sức bình thản trước những săn đón, những nịnh nọt, hay bất cứ điều tốt nào họ thực hiện để đánh lừa nhằm khai thác bạn.
Khi đối diện với những dạng tâm thần trên mạng thế này, điều tốt nhất bạn có thể làm đối với họ là hãy mặc lấy một tinh thần bình an, nhìn rõ sự việc, biện phân cụ thể, và rồi hãy tha thứ cho họ, bởi những người này họ là những người bất hạnh hơn ai hết về mặt tâm lý và niềm tin, họ lên tiếng nhằm xúc phạm không phải vì họ muốn thế, mà vì họ đang cần một sự quan tâm, một tình yêu mà không biết làm thế nào để có được, nên phải dùng cách mà họ cho là tốt nhất để dành sự quan tâm của mọi người. Họ đang là nạn nhân của chính bản thân họ, bởi cả một hành trình sống có khi bị nhồi sọ những ý thức hệ nửa đúng nửa sai, những lối giáo dục bạo lực trong gia đình và nhà trường, lại còn thêm bệnh lười học tập mà lại muốn người khác công nhận mình giỏi...
Phần chúng ta, mỗi khi viết hay bình luận điều gì, chúng ta hãy đặt mình ở trong hoàn cảnh của người khác, đừng gây hấn, đừng móc xỉa, đừng chửi rủa, đừng kết án... nhưng hãy can đảm nói lên sự thật sau khi đã suy xét và bản hỏi thật kĩ càng, để không gây tổn hại cho bất kỳ ai trong cộng đồng. Để làm thế, chúng ta không nên lên mạng Faceboo khi trong lòng bị rối bời, bất an, buồn chán...lúc ấy khó tránh khỏi ta bị rơi vào cái bẫy của cái gọi là “tự do ngôn luận” và “tự do thể hiện”, “tự do quan điểm” hay cần sự quan tâm của cộng đồng mà làm tầm bậy như những kẻ tâm thần.
Joseph C. Pham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét