“Đạo tại tâm” là câu nói được nhiều người trích dẫn với nhiều cách giải thích khác nhau. Nếu bạn tiếp tục nói rằng: theo đạo là tại tâm, thì có lẽ bạn không sai cũng chẳng đúng, quan trọng là ý của bạn là gì. Có người dễ nói theo kiểu ai cũng nghĩ như mình, nên không giải thích, không cần lắng nghe thêm. Mong một chút kiên nhẫn và cởi mở, để chúng ta có thể hiểu nhau. Có lẽ, không nên nói cái gì cũng có vẻ như đúng rồi.
Không nên nói chắc nịch theo kiểu đúng rồi
Có người nói đắc ý rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo của Tây phương, cớ gì tôi phải theo. Xin phép nói lại một chút. Theo hay không thì tùy, nhưng nên cẩn thận khi nói như thế. Đúng là các vị truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam đều đến từ các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Pháp, Ý v.v. Nhưng thử hỏi cha ông ta có phải là người bài ngoại không. Thưa, không phải. Những bậc thánh nhân, những con đường chân chính, dù thuộc dân tộc và nền văn hóa nào, cũng được cha ông ta kính trọng, học hỏi và noi theo. Ví như Tam giáo vốn ăn sâu trong nền văn hóa dân tộc: Khổng giáo và Đạo giáo đến từ Trung Hoa, Phật giáo đến từ Ấn Độ.
Xin hỏi thêm rằng, học thuyết cộng sản đến từ đâu: Karl Marx là người Đức, Lênin là người Nga. Chẳng ai có quyền bắt buộc người dân phải tin vào một đạo nào đó, vì tin hay không là quyền của mỗi người. Ấy thế mà có người lại bắt tất cả phải tin vào một lý thuyết về xã hội. Có thể cái niềm tin ấy là giả vờ chăng nữa. Thật là khó hiểu!
Có người nói cũng rất chắc rằng: người ta càng văn mình giàu có, thì người ta sẽ bỏ niềm tin tôn giáo. Những người nói như thế còn trưng dẫn những số liệu về các nước phương Tây. Điều này có vẻ đúng. Ví như có những nước phương Tây vốn cả nước theo Đạo, nhưng giờ chỉ còn một phần ba là thường xuyên đến nhà thờ. Nhưng thử hỏi lại, nhiều nước phương Tây cũng đã theo học thuyết cộng sản một thời gian, giờ họ bỏ hết rồi, thế sao lại không trích dẫn số liệu này.
Có người nói: tôi không theo đạo Chúa, vì đạo ấy là đạo của những kẻ ngoại xâm. Điều ấy có vẻ đúng, vì thực tế là có thực dân Pháp. Nhưng thử hỏi, có phải tất cả người Pháp đều là thực dân không, còn có biết bao nhà truyền giáo chân chính, những bác sĩ, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, những người thiện nguyện của nước Pháp đến đất Việt. Thử hỏi lại, cả gần một ngàn năm lệ thuộc Trung Hoa, thế mà chúng ta đâu có nói Khổng giáo hay Phật giáo là tôn giáo của kẻ thống trị, của kẻ ngoại xâm. Khi đồng hóa niềm tin tôn giáo chân chính vào những xung đột chính trị, thì quả là đáng tiếc cho một sự hiểu biết hẹp hòi nông cạn.
Chẳng cần nói đâu xa. Ngay bây giờ, trong các nước phát triển phương Tây, vẫn đầy dẫy những ông trùm tư bản đi thực dân nước khác, cả về kinh tế lẫn văn hóa, đó là thực dân kiểu mới. Nhưng ở nơi những đất nước ấy, cũng không thiếu những bậc vĩ nhân, bậc thánh nhân. Thử nhìn một chút về chính nước Việt mình cũng thế, những vụ tham nhũng khủng lại chẳng phải là thực dân hay sao. Người Việt mình cũng tốt xấu đủ loại. Nhiều khi, một số người Việt sống trên các vùng dân tộc thiểu số, cũng đâu có khác mấy kẻ thực dân.
Chỉ phác họa một chút như thế, để thấy một thực tại rất phức tạp của xã hội, của chính trị, của tôn giáo. Không thể giản lược, không hề dễ dàng, nhưng đây cũng chính là sự đa dạng phong phú.
“Đạo tại Tâm” rất quan trọng
Chữ Đạo trong cụm từ “đạo tại tâm” có thể muốn nói về một tôn giáo hoặc về những sinh hoạt tôn giáo. Về điều này, có lần Chúa Giêsu trách mắng một số người Dothái chỉ biết giữ những luật lệ và sinh hoạt bề ngoài, mà không thật tâm. Chúa trích dẫn lời ngôn sứ Isaia mà rằng: “Dân này thờ kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta.” Hoặc có lần khác, khi Chúa nói chuyện với một phụ nữ Samari bên bờ giếng, chị đã phân vân đặt câu hỏi: “Thưa ông, các ông thì nói phải thờ phượng Thiên Chúa ở Giêrusalem, còn cha ông chúng tôi lại bảo phải thờ phượng trên núi này.” Chúa đáp lại: “Đã đến lúc thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.” Trong niềm tin Kitô giáo, chữ Đạo không chỉ muốn nói về một tôn giáo, không chỉ nói về một đường ngay nẻo chính để đi theo, mà còn nói về một Đấng là chính Chúa Giêsu và cũng là Thiên Chúa.
Cẩn thận khi chỉ giữ “Đạo tại Tâm”
Chúa Giêsu trách mắng những kẻ sống đạo kiểu giả hình, tức là chỉ có những sinh hoạt bề ngoài, mà không có bề trong. Thế nhưng, chưa khi nào Chúa khuyến khích người ta đừng thực hành những sinh hoạt tôn giáo. Chính Chúa được Đức Mẹ và thánh Giuse dâng trong Đền Thánh theo luật truyền. Cả thời thơ ấu và thời ẩn dật cho đến tuổi trưởng thành, chẳng ai trách cứ Trẻ Giêsu được điều gì. Trong đời công khai, Chúa cầu nguyện, rao giảng, vào đền thờ, vào hội đường. Chúa kiện toàn Lề luật chứ không hủy bỏ. Thế nên, nếu chỉ giữ đạo tại tâm, mà không hành đạo, thì hãy cẩn thận vì không rõ có thật tâm không, không rõ đó là đạo Chúa hay là đạo tự ý mình nghĩ ra. Thêm nữa, chẳng ai đi trên con đường tầm đạo mà lại không cần các bậc thầy hướng dẫn và giúp đỡ. Chẳng ai có thể tinh thông võ nghệ nếu không tập luyện từ những chiêu thức đơn giản nhất. Chẳng ai có thể trở thành bậc tôn sư nếu không dành bao năm tu tập và kiếm tìm Thiên ý.
Bạn mến! Có lẽ bạn có góc nhìn của riêng bạn, có thể giống có thể khác góc nhìn của tôi, điều ấy cũng thật tốt. Cầu chúc mỗi người có tấm lòng rộng mở để đón nhận những khác biệt của nhau trong tôn trọng, và cùng nhau tìm kiếm những gì cao quý hơn.
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét