1. LỜI CHÚA:
Thánh Gia-cô-bê dạy: “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc 1,19).
2. CÂU CHUYỆN:
Trong cuộc sống hằng ngày, một vấn đề thường xảy ra làm phương hại đến quan hệ giữa các cá nhân với nhau là sự ngộ nhận về người khác. Nhiều khi sự hiểu lầm còn dẫn đến hậu quả tai hại khôn lường, mà dù hối hận đến đâu cũng không thể bù đắp được những thiệt hại đã gây ra. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng:
Năm đó tại ALASKA Hoa Kỳ, có một đôi vợ chồng sống chung với nhau trong một căn nhà ở bìa rừng. Sau một thời gian, chị vợ mang bầu và đã từ giã cuộc đời trong lúc sinh con, để lại cho chồng một bé trai kháu khỉnh. Từ khi vợ chết, anh chồng vất vả với cảnh gà trống nuôi con: hằng ngày anh phải đìu đứa con theo vào rừng săn bắn và chở gỗ mang đến nhà máy gần chợ bán lấy tiền nuôi con. Rất may, một ngày kia anh đã gặp một con chó hoang đang bị thương nằm thoi thóp bên đường, anh liền mang về nhà chăm sóc và huấn luyện trở thành chó nhà giúp việc đắc lực cho anh. Đây là giống chó bẹc-dê rất thông minh và mạnh khỏe. Nó luôn ngoan ngoãn đi theo giúp chủ chăm sóc em bé khi chủ làm việc trong rừng.
Ngày nọ, anh chủ nhà có việc phải ra khỏi nhà không tiện mang theo con nhỏ. Trước khi đi, anh ta đã dặn dò con chó phải ở nhà thay anh trông coi đứa bé cho anh. Lẽ ra công việc chỉ cần sáng đi tối về, nhưng hôm đó trời có bão tuyết, nên anh đành phải ở nán lại tránh tuyết mãi đến trưa hôm sau mới về đến nhà. Anh hơi chột dạ khi thấy cổng ngòai nhà anh đã bị mở toang và con chó của anh từ trong nhà khập khiễng chạy ra vẫy đuôi chào chủ. Thấy miệng con chó còn dính đầy máu tươi, anh liền chạy vào nhà thì thấy một quang cảnh tan hoang: Đồ đạc lộn xộn, chỗ nào cũng có máu đỏ, ngay cả trên giường cũng bê bết máu nhưng không thấy con anh đâu cả. Anh gọi nhưng không thấy con trả lời. Nghĩ là con chó của anh đã trở lại cái tính dã man của loài thú hoang trước kia để ăn thịt con mình, trong lúc nóng giận, anh liền rút súng ra nhắm bắn vào đầu con chó tội phạm. Nó chỉ kịp kêu “ẳng” lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất giãy chết. Ngay lúc đó, anh đã nhìn thấy đứa con của anh đang từ dưới gầm giường bò ra và kêu lớn tiếng gọi ba. Anh vội bồng con lên quan sát từ đầu đến chân. Tuy trên mình nó cũng có vết máu, nhưng dường như con anh không bị thương chỗ nào cả. Anh nhìn lại con chó, thấy trên đùi của nó bị mất một miếng thịt, và tại góc nhà gần đó là xác một con chó sói bị chết nằm giơ bốn vó lên, trên miệng con chó sói vẫn còn đang ngậm miếng thịt cắn con chó nhà anh. À, thì ra con chó Bẹc-dê củya anh đã anh dũng chiến đấu chống lại chó sói để cứu cậu chủ, nhưng lại bị chính ông chủ “lấy óan đền ơn” ra tay giết hại oan uổng. Đây là một sự ngộ nhận gây hậu quả nghiêm trọng, mà từ đó về sau mỗi lần nghĩ tới anh đều cảm thấy áy náy và đau nhói trong tim. Anh luôn tự trách mình đã quá nóng nảy hồ đồ, khi chưa hiểu rõ thực hư, đã vội giết chết con chó trung thành đã có công bảo vệ con mình khỏi bị sói rừng cắn xé.
3.SUY NIỆM:
Nguyên nhân dẫn đến ngộ nhận hiểu lầm một phần là do tính nóng nảy giận dữ như người ta thường nói: “Giận quá mất khôn”; phần khác do có thành kiến về người khác như anh chủ nhà trong câu chuyện trên đã nghĩ sai là con chó bị biến đổi về tính hoang dã trước kia. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do thái độ thiếu kiên nhẫn và quyết định hồ đồ khi chưa biết rõ thực hư như anh chủ nhà đã hấp tấp giết hại con chó trung thành.
Sự ngộ nhận tiến triển từ sự nghĩ không tốt cho đối phương , làm cho sự hiểu lầm càng lúc càng thêm trầm trọng, đưa đến chỗ không thể ngồi lại nói chuyện phải quấy với nhau được. Ngộ nhận đối với một con vật mà đã phát sinh hậu quả nghiêm trọng như câu chuyện trên, thì sự ngộ nhận giữa người với người còn tác nghiêm trọng đến mức độ nào.
4.THẢO LUẬN:
1) Bạn có cảm tưởng thế nào sau khi nghe câu chuyện chủ nhà đã vì ngộ nhận mà hành xử bất công đối với con chó trung thành ?
2) Trong cuộc sống chung giữa gia đình, cộng đoàn hay xã hội có thường xảy ra sự ngộ nhận hiểu lầm nhau như vậy hay không ? Tại sao ?
3) Ta phải làm gì phòng tránh những hiểu lầm gây hậu quả nghiêm trọng để khỏi phải hối hận sau này ?
5.NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA, trong cuộc sống chung với tha nhân, chúng con thường hay hiểu sai về người khác và cũng thường bị người khác hiểu không đúng về mình. Theo con nghĩ: nguyên nhân chính dẫn đến hiểu lầm về nhau là do thành kiến về người khác, do thái độ hồ đồ thiếu cẩn trọng khi xét đoán sự việc, và hành động theo tính nóng nảy của mình. Xin cho chúng con quyết tâm thực hành lời Chúa trong thư thánh Gia-cô-bê Tông Đồ: “Mau nghe, chậm nói và khoan giận”. Nhờ đó, chúng con sẽ bình tĩnh suy xét thấu đáo mọi việc và hành xử đúng đắn trước bất cứ tình huống nào trong cuộc sống chung xã hội.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét