18 thg 2, 2019

Linh Mục, ngài là ai?


Khi đặt câu hỏi, “Linh mục, ngài là ai?”, có lẽ câu trả lời sẽ khác nhau, bởi mỗi người có cái nhìn, cảm nghiệm và nhận định riêng về linh mục. Dù sao, người ta vẫn có thể đưa ra một câu định nghĩa đơn giản nhưng ý nghĩa về chân dung linh mục, đó là hình ảnh Người-mục-tử.


Trong khi đó, ĐGM Phê-rô Nguyễn Soạn, Gp Qui Nhơn, trong bài viết nhan đề “Linh mục, người là ai?” đã đưa ra một nhận định ngắn, như sau: “Hình ảnh của linh mục rất đa dạng nơi cảm nghĩ của dân chúng. Cách đây ba bốn mươi năm, linh mục là người dâng thánh lễ, cử hành các Bí tích, giảng dạy đức tin, luân lý, Kinh Thánh, là con người của Giáo Hội, độc thân, xa lìa thế gian, mặc áo dòng đen, một viên chức có quyền thế, một nhà quý phái có bàn tay trắng. Nhưng gần đây hơn, danh từ linh mục gợi lên trong trí óc người ta, hình ảnh của một người bạn nghèo, có bàn tay chai cứng, đấu tranh cho hòa bình, cho độc lập, cho tự do, tham gia chính trị, vận động yêu nước, chống tham nhũng…” (VietCatholic News (28/02/2005).

Bản thân các linh mục có lẽ không ai dám nhận mình là mục tử tốt lành, mà có chăng chỉ là người thi hành sứ vụ mục tử đã được trao ban ngày lãnh nhận chức linh mục. Thực sự thì các ngài có lý do để không dám nhận mình là mục tử tốt lành như Thầy Giêsu chí thánh. Dù được các tín hữu xưng hô là “Cha” và được hưởng một sự tôn kính đặc biệt, các ngài vẫn là những con người bé nhỏ, hèn mọn với thân phận con người yếu đuối và đầy khuyết điểm.

Trong thực tế, nhiều người khi thấy hình ảnh mục tử nơi một linh mục nào đó không toàn hảo nguyên vẹn, thì xem ra ngã lòng và coi đó như một cớ vấp phạm. Nhưng đối với phần đông các tín hữu trưởng thành, việc “Thần thánh hóa” các linh mục chỉ là sản phẩm của một não trạng ấu trĩ, nông cạn. Thực ra, linh mục cũng là một con người yếu đuối và mỏng dòn như bao con người khác. Vì thế, khi nghĩ và nói về linh mục, trước hết chúng ta nên quan tâm lưu ý đến thân phận “người” của các ngài, những yếu đuối, những thất vọng, những đắng cay, những thao thức, những ngại ngùng, những lo lắng, những nhát đảm, những rụt rè, những vụng về, những chứng tật...

Mở đầu bài chia sẻ về đề tài “Yếu đuối” trong tuần tĩnh tâm các linh mục TGp Saigon năm 1990, ĐGM GB. Bùi Tuần đã kể một câu chuyện, như sau: “Tháng sáu vừa qua, tôi dự thánh lễ mở tay của một tân linh mục. Bài giảng hôm đó tập trung vào sự ca tụng chức linh mục. Đang khi cha giảng lên giọng hùng hồn thao thao bất tuyệt, hết lời nâng cao linh mục, thì tôi thấy một cha trước mặt tôi ngủ gục ngon lành. Ngài là vị chức cao quyền trọng, trong phẩm phục đại lễ, ngồi ghế danh dự trên cung thánh, trước mặt cộng đoàn Dân Chúa. Nhìn ngài ngủ gục, tôi thấy thương ngài. Tôi thông cảm thực tế yếu đuối của ngài”.

Người ta có nhiều nhận định và đánh giá khác nhau về linh mục và chức vị của ngài. Có người nghĩ linh mục là “Vị tư tế thánh thiện tinh tuyền”. Có người tôn vinh linh mục là “Thầy cả thông thái tuyệt vời”. Người khác thì lại suy phục ngài như “Bậc thánh hiền” mà nhất cử nhất động của ngài đều toàn bích...Sự tôn sùng như thế quả thực đã khiến không ít linh mục cảm thấy lúng túng, khó xử, e ngại khiến có thể gây ra mặc cảm xa cách giáo dân. Thực ra, linh mục dù là thuộc bậc chức cao quyền trọng cũng là những con người với thân phận nhân sinh muôn vàn yếu đuối của mình.

Có thể nói, dưới con mắt nhiều người, nét đẹp dung dị, kín đáo và nhân bản nhất nơi chân dung con người linh mục, đó là sự yếu đuối, bình thường nhưng không tầm thường. Và tính cách anh hùng nhất nơi những con người ấy chính là sự khiêm tốn nhận biết mình yếu đuối một cách nhân loại.

Thực vậy, “Sự cảm nghiệm về những yếu đuối của mình là nét sống động và thường xuyên. Có lúc tôi yếu đuối quá, chỉ còn biết lập đi lập lại mấy lời đơn sơ: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Chúa, xin đừng bỏ con’. Tôi cầu nguyện như người thu thuế ở cuối nhà thờ, như người phong cùi bên đường đợi Chúa đi qua, như người ăn trộm đóng đinh bên hữu Chúa” (ĐGM GB. Bùi Tuần, tập “Truyền Giáo”, tĩnh tâm linh mục TGp Saigon năm 1990).

Nhận ra được mình yếu đuối, bất lực, bất tài, hèn kém, giới hạn sẽ là một ơn huệ đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các mục tử sống an vui và khiêm tốn. Vì kinh nghiệm cho thấy nhiều khi chính sự không-nghĩ-mình-yếu-đuối sẽ là cái cớ khiến cho con người mang ảo tưởng rằng mình hoàn hảo, trong sạch, vững mạnh và thánh thiện. Chỉ có thái độ khiêm tốn đích thực mới giúp con người ra khỏi ảo tưởng, để tự do trở về với chính mình, để dấn thân phục vụ cách hiệu quả.

Khi nói về thái độ phục vụ của linh mục, ĐGM GB. Bùi Tuần đã nêu ra những lệch lạc có thể có của mục tử khi phục vụ. Ngài viết: “Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này: phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Ki-tô. Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà chỉ tưởng rằng cho đi mà không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa. Nhưng phục vụ với dáng vẻ khiêm nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm” (x. Tập tĩnh tâm các linh mục, tu sĩ Gp Long Xuyên 5-1997).

Vậy, có thể nói con người đích thực của linh mục, đó là người mục tử yếu đuối và sứ vụ của ngài là được trao phó việc phục vụ cộng đoàn như một đầy tớ với tinh thần khiêm tốn. Khi gọi và chọn các môn đồ, Chúa Giê-su không quan tâm lý lịch, trình độ, nhân đức, tài năng của họ mà chỉ vì Ngài yêu họ. Vậy thôi. Ngài biết rõ họ hơn họ biết họ. Ngài chú ý tới con người và thân phận của họ: sự yếu đuối nông cạn, tính nhút nhát vụng về, thái độ vô tình bạc bẽo, kể cả lòng đam mê ích kỷ của họ. Nhưng Ngài muốn chinh phục trái tim của họ để họ dần dần thích nghi với sứ mệnh mà Ngài trao cho họ, “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17).

Các linh mục vẫn luôn luôn là những con người mỏng dòn, yếu đuối. Khi chấp nhận theo Chúa, các ngài được Chúa đào tạo, uốn nắn, nâng đỡ, thúc đẩy để có đủ sức thực hiện kế hoạch của Ngài. Sự yếu đuối, nông nổi sẽ được Chúa làm cho trở nên mạnh mẽ, kiên cường như trường hợp thánh Phê-rô. Sự cứng cỏi, tự mãn sẽ được Chúa làm cho trở nên đam mê, tích cực như trường hợp thánh Phao-lô. Hội thánh xác tín rằng: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 28).     

Hình ảnh mục tử nơi các vị linh mục không thể mô phỏng theo nhãn giới của thế gian nhưng theo tình thương và kế hoạch của Thiên Chúa. Tình thương và kế hoạch ấy đã thể hiện hoàn hảo nơi Đức Giê-su, Đấng đã tự giới thiệu mình là Mục Tử tốt lành. Các vị mục tử, khi theo Chúa và thay mặt Chúa chăm sóc cộng đoàn, chỉ có một ước vọng là noi gương bắt chước để nên giống Thầy Giê-su chí thánh. Đó chắc chắn sẽ là một chọn lựa cam go và quyết liệt.

ĐGM GB. Bùi Tuần, trong tập “Truyền Giáo”, tĩnh tâm linh mục TGp Saigon năm 1990, đã có đoạn chia sẻ như sau: “Đầy tớ không trọng hơn thầy. Tôi phải bắt chước Ngài. Khi chọn bắt chước thái-độ-yếu của Chúa Giê-su, tôi không nghĩ đến sự làm chứng trước mặt người ta cho bằng làm chứng trước mặt chính Chúa. Tôi muốn làm chứng cho Chúa thấy rằng tôi đi theo Chúa. Có thế thôi. Tôi tin rằng: Cái yếu của tôi là một chút từ bỏ mình. Nó chẳng là gì. Nhưng khi hòa vào những hy sinh bao la của Chúa Ki-tô, nó sẽ trở nên cái giá, mà Thiên Chúa đòi, để cứu rỗi các linh hồn”.

Linh mục trong mắt Thiên Chúa và loài người vẫn là những con người yếu đuối, tội lỗi, bất toàn. Nhưng nhờ ơn thông hiệp với Chúa trong đời sống tận hiến của mình, các ngài âm thầm mang những vết thương của Chúa vì lợi ích cộng đoàn. Các ngài kín đáo chăm lo đến con chiên của mình với những lương thực chất lượng cao và hoàn hảo nhất. Các ngài lặng lẽ vượt qua chính bản thân mình để đến với tha nhân với trái tim rộng mở. Các ngài cần cù kết nối những mối liên hệ trong cộng đoàn thành một gia đình đậm tình yêu thương... Lúc đó, chính bản thân linh mục sẽ là một câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “Linh mục là ai?”./.

Aug. Trần Cao Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét