2 thg 4, 2019

Căn bệnh mất cảm giác đau – và vài suy tư hướng về Tuần Thánh


Y học đã phát hiện ra chứng bệnh rối loạn thần kinh tự quản cảm giác di truyền (hereditary sensory autonomic neuropathy – HSAN). Nó là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến dây thần kinh giác quan, khiến các dây thần kinh giúp cảm nhận sự đau đớn và nhiệt độ môi trường đều không phát triển. Chính vì thế, bệnh nhân không thể cảm nhận được bất cứ sự đau đớn nào diễn ra nơi cơ thể mình, dù cho có những tác động rất lớn lên bản thân như dao đâm, lửa đốt, vv.
Thoạt nghe, có thể có người nghĩ rằng căn bệnh đó là một điều may mắn, vì bệnh nhân chẳng bao giờ phải chịu cảm giác đau đớn gì cả. Cuộc đời này hẳn sẽ tuyệt vời nếu ta không phải cảm nhận những nỗi đau hành hạ! Nhưng thật ra, đó là một căn bệnh rất nguy hại ở nhiều phương diện. Thật thế, vì không cảm thấy được nỗi đau, nên họ có thể tự huỷ hoại mình, và huỷ hoại người khác. Nếu họ đang mang những bệnh tật nào đó, họ cũng không biết để tìm cách chạy chữa (‘đau’ tự nó không phải là bệnh, mà là một dấu hiệu báo cho ta biết cơ thể đang có vấn đề). Hơn nữa, họ sẽ gặp vấn đề về tâm lý: họ cảm nhận mình bị ‘lạc loài’, không giống ai, vì không thể cảm nhận được nỗi đau của mình cũng như của người khác, vốn là một điều rất cơ bản của phận người. Họ chứng kiến biểu hiện đau đớn của người khác, nhưng lại không thể hiểu nó là gì. Vì thế, họ thấy mình như không chung chia nền tảng chung của đời sống con người.
Ngày nay, chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều triệu chứng của một thứ bệnh tương tự, nhưng không phải ở bình diện thể lý, mà ở bình diện lối sống – tinh thần. Biểu hiện chung của bệnh này cũng tương tư như HSAN: mất khả năng cảm nhận nỗi đau từ bệnh tật của mình, và đặc biệt là nỗi đau của người khác. Bệnh này không chỉ xảy ra ở phạm vi cá nhân, mà còn ở phạm vi xã hội và có nguy cơ xảy ra cho cả Giáo hội.
Ở phạm vi cá nhân, rất nhiều người ngày nay bị chứng ‘rối loạn’ đó trong lối sống: vô thức với tội lỗi của chính mình, và vô cảm với nỗi đau khổ của tha nhân hay của các thụ tạo khác nói chung. Đúng hơn là họ tìm cách tự làm cho mình rối loạn như thế, bằng cách xây lên những ‘bức tường’ vô hình ngăn cách mình với nội tâm và tách biệt với tha nhân; tự che mắt che tai mình để khỏi thấy hay nghe tiếng nhắc nhở của lương tâm và những đau đớn của người khác. Với chình mình, họ không muốn để ý tới những tiếng nói bên trong, những dằn vặt của cảm thức về tội lỗi. Với tha nhân, họ trở thành người đứng bên lề, hoặc thành người quan sát những nỗi đau của người khác, mà không bao giờ để cho nỗi đau đó chạm đến mình.
Thiết tưởng, chúng ta sẽ chỉ như những cái bóng nếu ta không mở ra với tiếng nói nội tâm của chính mình; và chúng ta không thật sự thuộc về cộng đồng nhân loại nếu chúng ta không đụng chạm vào nỗi đau của tha nhân, vốn là một nền tảng chung của đời sống con người. Vì thế, tương tự như người bị bệnh HSAN, một khi đóng kín với nội tâm cũng như không cảm nhận được nỗi đau của tha nhân, chúng ta sẽ không thật sự sống tính người của mình cách chân thật. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ ít có nhân tính hơn. Bệnh nhân HSAN ít ra còn có nỗi đau tâm lý kéo ngược họ lại, giúp họ thấu cảm hơn về nhân tính, về cảm thức thuộc về loài người. Còn những người vô cảm trước nỗi đau tha nhân do lối sống thì ngược lại.
Nguyên nhân của lối sống này có thể mang tính chủ quan: bị ‘nhờn’ trước trước những thách đố của lương tâm do lối sống tinh thần quá dễ dãi với chính mình; muốn chọn một cuộc đời ‘an phận’, không muốn bị phiền hà, vân vân. Nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan: những lệch lạc của nền văn hoá duy hưởng thụ và duy cá nhân; những bất ổn trong xã hội khiến nhiều người thu mình lại, tìm cách bảo vệ cho an toàn của mình.
Ở bình diện của xã hội cũng vậy. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng bất công mang tính cơ cấu trong xã hội, trong đó có những chính sách bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. Những chính sách và dự án này không chỉ bỏ qua quyền lợi của các thành phần nhỏ bé trong xã hội, mà thậm chí còn gạt họ ra hẳn ngoài lề, và bóp nghẹt những tiếng kêu oan khiên của họ. Người ta cũng cố tình phớt lờ, hay lảng tránh các vấn đề và các nỗi đau cụ thể của những người thấp cổ bé miệng nhân danh sự phát triển chung, hoặc bằng những thuật ngữ mang tính hành chính, như ‘đúng quy trình’, vốn có thể là những lá khiên che đậy cho những trái tim vô cảm. Những chính sách này sẽ khiến xã hội ngày càng mất nhân tính hơn.
Trong Giáo hội cũng có thể tiểm ẩn căn bệnh này: chúng ta có nguy cơ ‘xây hàng rào’ trong một số trường hợp nhất định, nhất là khi phải đối diện những chống đối hay tấn công từ bên ngoài. Ngày nay, Giáo hội đang gặp nhiều thách đố, ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sỹ. Nếu quá chú trọng đến việc bảo vệ sự an toàn cho mình, Giáo hội cũng có nguy cơ rơi vào cái bẫy của căn bệnh nói trên: vì tập trung tìm kiếm những phương thức che chắn cho mình mà không thật sự can đảm mở ra để được đụng chạm từ những vết thương của các nạn nhân, từ những nỗi đau cụ thể của những người bé mọn; không sẵn sàng chịu ‘bầm dập’ để được đụng chạm, chung chia và mang vác nỗi đau của con người.
Tuần Thánh có lẽ là dịp đặc biệt để chúng ta chiêm nghiệm về vấn đề này. Đức Giê-su vốn mang bản chất ‘lạc loài’ với chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng ngài lại muốn ôm ấp bản tính nhân loại, trở thành ‘cùng loài’ với con người. Thiên Chúa không chọn lựa ‘đứng ngoài cuộc’ hay đứng bên lề để quan sát nỗi đau của nhân loại. Ngài chọn cách đi vào, đụng chạm, ôm ấp và đón nhận chính nỗi đau đó. Đó là cách Thiên Chúa nhập cuộc vào thế gian trong thân phận con người; để cho những nỗi đau của thân phận đó đụng chạm mình. Thiên Chúa đã thực sự kết hợp với con người qua sự chung chia  và mang vác những nỗi đau đó cách tận cùng trong thân phận mỏng dòn của nhân tính, để cuối cùng đưa thân phận đó vào trong vinh quang của Phục Sinh. Đó là cách Thiên Chúa nâng cao nhân vị của con người. Vì thế, đối với Thiên Chúa, không gì quan trọng hơn thân phận một con người, như lời thánh I-rê-nê: “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống.”
Chúng ta được mời gọi để sống tinh thần đó của Đức Giê-su: sẵn sàng mở chính mình ra để có thể được chạm thấu bởi những nỗi đau của chính mình và của tha nhân, hay những tiếng kêu cứu của thiên nhiên, của các tạo vật. Chỉ khi sống ơn gọi đó, chúng ta mới có thể hiểu biết và sống sung mãn nhân tính của mình trong gia đình nhân loại, cũng như có sự kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng đã đến để kết hiệp với con người, với đỉnh cao là cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Vì thế, chiêm ngắm cuộc cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô cách đích thực tự nó cũng phải là chiêm ngắm về thân phận và nỗi đau của con người, tới mức độ phá bỏ các rào cản để cho những nỗi đau đó thực sự đụng chạm đến chúng ta.
Khắc Bá, sj.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét