Hiện nay không khó để chứng kiến tại nhiều giáo xứ sự việc này là cung thánh đã mặc nhiên biến thành sân khấu để phục vụ múa hát do các đoàn-thể-hội-nhóm trẻ thực hiện như Thiếu nhi Thánh Thể, Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo lý viên, Giới trẻ vv… Việc biểu diễn múa hát này, nếu diễn ra tại một nơi chốn không phải là cung thánh thì không nói làm gì. Nhưng đây hầu hết người ta đã chọn cung thánh như là sân khấu để trình diễn thì những sinh hoạt này, theo thiển ý người viết, cần được xem lại.
Những cuộc diễn này không phải là buổi trình diễn thánh ca hay diễn nguyện, nhưng là diễn theo kiểu sinh hoạt. Có múa, có hát, có di chuyển, có âm thanh của tiếng ca và tiếng nhạc từ một đĩa CD, ầm ầm khiến nhiều người tham dự có cảm giác “bị tra tấn”! Mặt khác, khi diễn, các diễn viên đi lại nhảy múa trên cung thánh và quay mặt xuống cộng đoàn. Cung thánh bỗng mất đi tính cách linh thánh do những sinh hoạt không đúng chỗ này.
Thực vậy, “Từ ngữ ‘cung thánh’ trong tiếng Việt được dịch từ tiếng La-tinh sanctuarium. Từ này, theo nghĩa đen, có nghĩa là đền thánh hay nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus, nghĩa là thánh hay thuộc thần thánh. Cung thánh là nơi thánh vì quy chiếu đến khu vực phụng tự trong nhà thờ, đặc biệt là chung quanh bàn thờ”. [1]
Nhân đây, cũng xin mạn phép được nói thêm về việc dâng hoa kính Đức Mẹ. Nhiều nơi tổ chức dâng hoa tại sân nhà thờ hay một nơi bên ngoài nhà thờ. Nhưng cũng có nhiều nơi cho dâng hoa ngay trên cung thánh. Lúc đó, tượng Đức Mẹ hoặc là để ngay trên mép ngoài bàn thờ phía quay xuống cộng đoàn hoặc đặt tượng Đức Mẹ trên một bàn, một bục hay kiệu có chưng hoa nến đèn, đặt gần bàn thờ.
Ở đây, xin đưa ra hai thắc mắc:
a- Có nên đặt tượng Đức Mẹ trên bàn-thờ-dâng-lễ để dâng hoa hay không?
Chúng ta đều biết rằng, “Bàn thờ là nơi quan trọng nhất của nhà thờ, là trung tâm điểm của phụng vụ Thánh Thể. Sở dĩ bàn thờ được coi là quan trọng, vì đó là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ, liên kết với nhau, là nơi mà Thiên Chúa đến với loài người và loài người đến với Thiên Chúa. Bàn thờ cũng tượng trưng cho Chúa Kitô, mối giao tiếp tuyệt hảo của sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, bởi vì trong ngôi vị của Chúa Kitô, vừa có bản tính Thiên Chúa, vừa có bản tính loài người… Nếu bàn thờ có ý nghĩa phong phú như thế, bạn đừng lấy làm lạ khi thấy vị linh mục cúi hôn bàn thờ lúc bắt đầu thánh lễ. Đó là cử chỉ tôn kính đối với Chúa Kitô và đối với hy lễ của Người”. [2]
Vậy, khi dâng hoa kính Đức Mẹ, chúng ta có nên đặt tượng Đức Mẹ ngay trên bàn thờ thay vì đặt trên một cái bục, cái bàn hay cái kiệu bên ngoài bàn thờ không?
b- Khi dâng hoa, chúng ta có nên cho các em tiến hoa quay xuống “dâng hoa” cho cộng đoàn không?
Khi tham dự các buổi dâng hoa, nếu chúng ta lưu ý thì sẽ thấy rằng có nhiều phân đoạn trong buổi dâng hoa, các em dâng hoa, múa hoa, tiến hoa, thay vì quy hướng về tượng Đức Mẹ thì lại quay lưng lại với tượng Đức Mẹ mà quay xuống “dâng hoa” cho cộng đoàn ngồi bên dưới. Xét cho kỹ thì điều này không còn ý nghĩa gì nữa!
Thiết nghĩ, khi dâng hoa, Đức Mẹ phải là trung tâm của mọi quy hướng, trong đó tiếng hát, cử điệu múa, sẽ giúp cộng đoàn tín hữu sốt sắng hiệp thông trong lời ca tiếng hát dâng lên Mẹ./.
Aug. Trần Cao Khải – http://conggiao.info/co-nen-coi-cung-thanh-la-san-khau-de-trinh-dien-d-50215
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét