Tại Việt Nam, mỗi khi tổ chức cuộc rước dâng lễ vật (phải gọi là cuộc rước chuẩn bị lễ vật thì đúng hơn vì dâng lễ thực sự diễn ra sau đó trong Kinh nguyện Thánh Thể)[1], chúng ta đều thấy có mang theo cả hoa và nến. Đây là thực hành đã tồn tại từ nhiều chục năm nay mà không ai thắc mắc gì khiến đa số tưởng như vậy là ổn. Do vậy, người ta thường chỉ đặt ra câu hỏi là: thứ tự của cuộc rước thế nào, người mang hoa và nến đi trước hay đi sau người mang bánh-rượu? Thực ra, khi nhìn lại thực hành này dưới khía cạnh lịch sử, luật pháp, thần học và mục vụ, việc đem hoa và nến đang cháy trong đoàn rước chuẩn bị lễ vật là dư thừa và không cần thiết. Như thế, không còn cần phải giải đáp hoa và nến đi trước hay sau bánh - rượu nữa vì hoa và nến không nên có trong đoàn rước này.
Vài nét lịch sử về cuộc rước
Từ ban đầu, các tín hữu đưa bánh rượu đặt trên bàn vị chủ sự để cử hành Bữa tối của Chúa, như họ thường gọi, hay cử hành Eucharistia[2].
Khi Bữa ăn Huynh đệ (Agape) không còn nữa, các tín hữu vẫn tiếp tục đưa của lễ đến để tham dự thánh lễ. Trong những của lễ này, vào thế kỷ II- III, các phó tế tiếp nhận lễ phẩm bánh và rượu và trình bày chúng cho Đức Giám mục để ngài cử hành Hy tế Thánh Thể nên chúng được coi như là oblatio (hiến vật) nghĩa là đồ vật thánh thiêng. Trong thể kỷ III, lý do Giáo hội khuyến khích các tín hữu đem dâng bánh rượu và các hoa mầu ruộng đất khi tham dự thánh lễ là nhằm giúp các tín hữu biết trân trọng các đối tượng vật chất và nhằm chống lại phái Ngộ đạo thuyết vốn chủ trương thuyết nhị nguyên bài vũ trụ, chấp nhận hai nguyên lý tốt xấu trong vũ trụ. Họ cho rằng sự ác nằm trong thế giới vật chất xấu xa nên những gì thuộc vật chất phải loại trừ[3]. Cũng trong thế kỷ III, thánh Cyprianô khuyến khích các tín hữu mang lễ vật của họ đến nhà thờ[4].
Sang thế kỷ IV, theo tường thuật của thánh Giêrônimô, các tín hữu đem theo lễ phẩm cũng như ý nguyện của mình khi đến tham dự thánh lễ. Họ rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện trước Thánh lễ [trên những chiếc bàn nhỏ ở gian ngang của nhà thờ Rôma]. Sau Phụng vụ Lời Chúa, thầy phó tế sẽ đưa các lễ phẩm này đến cho Giám mục. Ngoài của lễ là bánh và rượu, sách Truyền thống Tông đồ cho biết, các tín hữu còn mang lúa mì, dầu, nến, đèn, hương, vải, trái cây (nho, sung, lựu, táo, lê, đào, dâu, sơri, mận…), bánh sữa, mật ong... và nhiều thứ khác nữa (thỉnh thoảng có hoa đặc biệt là hoa hồng và hoa huệ) không những làm của lễ dâng tiến mà còn nhằm mục đích bác ái: nuôi dưỡng các giáo sĩ, lo cho các công việc của Giáo hội và giúp những người nghèo[5]. Nhiều Công đồng địa phương đã tìm cách hạn chế một số loại của lễ, và sách Hiến chế các Tông đồ (năm 380) liệt kê những thứ được phép là bánh, rượu, hương, hạt lúa, trái nho, trái ôliu và nến sáp[6]. Rượu được đựng trong bình lớn có quai, bánh mì đặt trên bàn rồi dùng tấm khăn lớn phủ lại cho khỏi bụi, còn các của lễ khác thì đặt bên cạnh bàn thờ[7].
Ở Tây phương, cuộc rước lễ phẩm sa sút dần dần suốt thời kỳ tiền Trung cổ. Lý do là vì bánh có men thông thường không thích hợp cho cử hành Thánh Thể nữa; mặt khác, số người tham dự thánh lễ và lên hiệp lễ ngày càng ít ỏi đi. Cuộc rước dâng của lễ kể như biến mất khi người ta thay đổi lễ vật tiến dâng từ sản phẩm nông nghiệp sang dâng cúng tiền bạc. Từ đó, quyên góp tiền bằng những thùng hay giỏ tiền trở thành một thực hành phổ biến trong Giáo hội[8].
Việc các tín hữu đến dâng lễ mang của lễ đi theo đã được ghi lại trong nhiều bút tích của các giáo phụ. Khoảng thế kỷ II, một tân Kitô hữu thường phải mang lễ vật của họ lần đầu tiên khi họ đến tham dự nghi thức Khai tâm Kitô giáo vào đêm Vọng Phục sinh[9]. Năm 155, thánh Justinô đã đề cập đến tập tục mang bánh và rượu đến cho vị tư tế sau khi kết thúc những Lời Chuyển cầu (Apol LXVII, 5)[10]. Thánh Hippôlytô (năm 225) cũng ghi nhận thực hành này. Trong thời gian đó, Tertulianô (199) cũng nói về dân chúng mang lễ vật của họ đến với thánh lễ như một “hiến lễ” dâng lên Thiên Chúa. Giữa thế kỷ III, đang khi đề cập đến việc các tín hữu trình bày lễ phẩm của họ, thánh Cyprianô thành Carthage (210-258) đã khiển trách một bà giàu có dám tớí dự thánh lễ mà không mang theo lễ vật[11].
Thánh Augustinô quả quyết rằng mẹ ngài không ngày nào không mang của lễ tới bàn thờ (Confessions, V, 9, 17). Công đồng Mâcon (585) truyền cho đàn ông đàn bà khi đi dâng lễ phải mang của lễ đi theo. Nhiều Công đồng khác cũng nhắc lại lệnh này, tuy càng ngày nó càng mất hiệu lực[12].
Vào thời Trung cổ, sau khi phụng vụ Rôma truyền qua Pháp, bị ảnh hưởng ngôn ngữ và khuynh hướng thần học tại đây, thánh lễ dần dần trở nên xa lạ với giáo dân. Trong phần Dâng lễ, họ không còn tích cực tham dự như trước. Chắc chắn từ ban đầu, bánh được đem dâng tiến là những ổ bánh mì, vì vậy, việc bẻ bánh ra những phần nhỏ đem phân phát cho nhiều người tham dự là điều cần thiết trong suốt thời gian dài trong Giáo hội thời cổ.
Từ thế kỷ VII, Giáo hội bên Tây phương cho hát Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa...) kèm theo nghi thức Bẻ bánh. Nhưng đến thế kỷ VIII-IX, Giáo hội bên Tây phương chuyển sang dùng bánh không men thay cho bánh có men là thứ bánh hằng ngày dân chúng vẫn dùng trong các bữa ăn và có thể mua cách dễ dàng tại các tiệm bánh. Vì bánh không men được chuẩn bị cách đơn giản từ bột và nước mà không thêm bất kỳ một loại men nào, cho nên có thể giữ được lâu mà không sợ hư. Đàng khác, để tỏ lòng cung kính, người ta làm thứ bánh riêng theo hình tròn và dẹp. Bánh loại này không dễ bị rơi vãi vụn, dễ dàng phân phát cho nhiều người, do vậy không cần giáo dân đem lễ vật đến dâng trong phần Chuẩn bị Lễ vật nữa. Đó là lý do thay vì dân chúng mang bánh đến tiến dâng, sang thế kỷ XI, người ta dâng cúng tiền bạc. Điều này kéo theo hai việc: i] Cuộc rước kiệu phẩm vật biến mất; ii] Hình thành thực hành quyên tiền trong thánh lễ, xuất hiện khái niệm và thực hành xin lễ các linh mục, nhất là tang gia xin lễ cầu cho người quá cố của họ. Thói quen xin lễ như thế trở nên phổ biến vào thời Trung cổ, nhất là tại các đan viện vì nơi đây có nhiều linh mục. Nhưng tập tục này lại làm tách biệt việc dâng lễ với sự hiện diện để tham dự thánh lễ vì giáo dân nghĩ rằng họ chỉ cần xin lễ, tức “khoán trắng” cho các linh mục dâng lễ bằng một món tiền để ngài cầu nguyện theo ý chỉ là đủ, là đã hiệp thông với linh mục khi ngài dâng lễ rồi, không cần thiết họ phải đến hiện diện trong Thánh lễ nữa[13].
Thực hành rước dâng lễ vật hiện nay
Cuộc rước lễ phẩm được áp dụng phổ biến như hiện nay được phục hồi trở lại sau Công đồng Vatican II với hướng dẫn trong Sách lễ 1970. Toàn bộ nghi thức chuẩn bị bàn thờ và lễ vật hiện nay bao gồm: Chuẩn bị bàn thờ[14]; Mang lễ vật trong đoàn rước lên bàn thờ[15]; Đặt lễ vật lên bàn thờ (sau khi đọc lời nguyện “Lạy Chúa là Chúa cả trời đất…”)[16]; Xông hương lễ vật, dân chúng và chủ tế rửa tay[17]; Đọc Lời nguyện Tiến lễ.
Vì bài viết này chỉ xem xét lễ phẩm dâng tiến mang trong đoàn rước, nên chỉ nêu ra hai văn bản hướng dẫn cụ thể:
1. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] số 73:
Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hoặc còn gọi là bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, Sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.
Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, linh mục hoặc phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Cũng được nhận tiền bạc hoặc các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hoặc nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.
2. Nghi thức Thánh lễ [2002] số 22:
Các tín hữu nên biểu lộ sự tham dự của mình bằng việc dâng lễ vật: hoặc dâng bánh rượu để cử hành thánh lễ, hoặc những lễ vật khác theo nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo.
Từ hướng dẫn ở trên, chúng ta thấy rằng:
Mục đích chính của nghi thức dâng lễ là mang lên bàn thờ bánh và rượu được sử dụng cho hy lễ Thánh Thể.
Ngoài bánh và rượu ra, có thể đem theo cuộc rước những lễ vật khác nữa trong đó có cả tặng phẩm dưới hình thức tiền bạc hay những lễ phẩm khác nhằm mục đích chăm lo cho Hội Thánh cũng như giúp đỡ người nghèo.
Tiền bạc, cũng như những vật phẩm khác dành cho người nghèo, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc Thánh Thể vì khác với bánh rượu, chúng không trực tiếp thuộc về dấu chỉ bí tích của bữa tiệc.
Có thể mang theo hoa và nến trong cuộc rước không?
Có những lý do sau đây khiến chúng ta phải loại hoa và nến [đang cháy] ra khỏi cuộc rước dâng lễ vật:
1 - Không phải hoa hay nến, mà chính là bánh và rượu cũng như những lễ phẩm khác tín hữu đem lên trong cuộc rước là những dấu chỉ bên ngoài về hy lễ thiêng liêng của họ, đó là biểu tượng của “một tâm hồn thống hối ăn năn và lòng mến Chúa yêu người, làm cho chúng ta xứng hợp với hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã nộp chính mình vì chúng ta”. Sở dĩ Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 73 khẳng định “việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó” là bởi vì nghi thức rước lễ phẩm:
i] Diễn tả việc toàn thể cộng đoàn đều tham dự vào hiến tế của Chúa Kitô trong thánh lễ [mà không còn là việc của riêng linh mục nữa] cũng như vào trong sứ vụ của Giáo hội;
ii] Cho thấy rõ hơn là tất cả đời sống con người đi vào trong mầu nhiệm đang khởi sự;
iii] Ngay sau nghi thức này, các tín hữu được chuẩn bị để tham dự cách thiêng liêng vào hy tế của Đức Kitô trong Kinh nguyện Thánh Thể[18].
2 - Chủ đích của cuộc rước dâng lễ vật không phải là rước các biểu tượng khác cho bằng là đem “dâng tiến”:
i] Bánh rượu: Đại diện cho tất cả những gì mà thiên nhiên tạo ra và nằm trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Đây cũng là hoa màu ruộng đất và công lao của con người [xét như là một biểu tượng cực kỳ mạnh mẽ về của ăn nuôi sống con người nói chung (bánh - St 3, 19; Mt 6, 11), biểu tượng cho niềm vui mừng hạnh phúc của con người (rượu - Tv 104, 15; Hc 31, 27-28; Cn 31, 6-7; Gv 10, 19) cũng như biểu tượng cho toàn bộ cuộc sống chúng ta và của chính bản thân mỗi người chúng ta: thể lý, tâm lý và thiêng liêng] vốn đã được sử dụng trong bối cảnh của lễ Vượt qua và trong bữa Tiệc ly và sẽ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta được nuôi dưỡng, được hiệp thông với Chúa và với nhau khi lãnh nhận Thánh Thể (1Cr 10, 16-17)[19];
ii] Tiền bạc và những tặng phẩm khác: xét như là nhu yếu phẩm dành cho nhu cầu của Giáo hội và người nghèo sau thánh lễ, tức phục vụ cho sứ vụ của Giáo hội và của giáo xứ: hoat động bác ái và loan báo Tin Mừng. Thế nên, có thể nói, cuộc rước chuẩn bị lễ vật chính là một bài thực tập và thực hành về tình yêu dành cho tha nhân, nhất là đối với những người yếu đau, bệnh tật và nghèo túng.
Trong khi đó, hoa và nến là vật phẩm mang ý nghĩa hoàn toàn khác: chúng vừa không được sử dụng để làm chất liệu cho hy tế Thánh Thể vừa không dễ dàng diễn tả được lòng bác ái đối với người nghèo. Theo bản chất của chúng, hoa và nến cháy thường không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào sau cử hành thánh lễ. Hơn nữa, mang theo hoa và nến trong đoàn rước sẽ xảy ra nguy cơ là dân chúng có thể chú ý đến những người mang hoa - nến hơn là những người mang bánh rượu và những lễ phẩm khác.
3 - Như đã trình bày ở trên, về phương diện lịch sử, bên cạnh lễ phẩm chính là bánh rượu cũng như các sản phẩm từ hoa màu ruộng đất và lao công của con người như lúa mì, trái cây, mật ong, sữa, dầu, hương, vải…, thì hoa - nến cũng nằm trong số các lễ phẩm dâng tiến. Tuy nhiên, có vài điểm cần lưu ý ở đây:
i] Nguyên tắc là có những thực hành phụng vụ phải thay đổi bằng cách bỏ đi hay chỉnh sửa lại đôi chút cho phù hợp và hoa - nến [đang cháy] trong đoàn rước chuẩn bị lễ vật nằm trong trường hợp này;
ii] Hoa - nến được đem lên vào lúc này nằm trong bối cảnh phụng vụ khác với hiện nay, nghĩa là bàn thờ vào thời điểm này mới được chuẩn bị bằng cách đốt nến sáng và trưng hoa;
iii] Một số nến được dâng vào lúc này thuộc về nhu cầu của Giáo hội để dùng cho những buổi cử hành khác sau này chứ không phải là nến đang cháy[20].
Còn ngày nay, hoa và nến [đang cháy] là một biểu tượng không mang ý nghĩa lương thực hay nhu yếu phẩm của con người, do vậy được Giáo hội dùng vào việc trưng bày trong cung thánh ngay từ đầu lễ [để tỏ lòng cung kính và mừng lễ] chứ không phải trong cuộc rước dâng của lễ[21], trừ ra trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh (lễ Vọng Phục Sinh) và trong thánh lễ có nghi thức cung hiến bàn thờ hay làm phép bàn thờ[22]. Dẫu vậy, trong lễ Vọng Phục Sinh, hoa nến (chưa cháy) cũng đã được trưng ngay từ đầu lễ, đến kinh Vinh Danh thì chỉ đốt nến mà thôi. Còn những trường hợp khác, việc chuẩn bị bàn thờ với các đối tượng như hoa và nến diễn ra trước cuộc rước lễ phẩm chứ không phải mang theo trong chính cuộc rước này (Notitiae 35 (1999): 456)[23]. Hoa và nến đang cháy là những yếu tố trang trí cho không gian phụng tự. Chúng thuộc về môi trường phụng vụ chứ không nằm trong số những lễ phẩm cho người nghèo[24].
Thật vậy, ánh sáng [chẳng hạn của nến đang cháy, đèn pha lê…] là một biểu tượng. Việc đốt đèn hay nến bàn thờ có những ý nghĩa sau:
i] Bày tỏ sự kính trọng sâu xa nhất của Giáo hội đối với bàn thờ vốn là biểu tượng của Chúa Kitô và là nơi Hy tế Thánh Thể được dâng tiến;
ii] Không phải vì thiếu ánh sáng mà dùng nến, nhưng nến được đốt sáng trong buổi cử hành phụng vụ vừa để tôn vinh Chúa Kitô, làm dấu chỉ cho Đức Kitô Phục Sinh là “ánh sáng trần gian”, vừa biểu trưng cho những kẻ theo Ngài, họ cũng được mời gọi trở nên “con của ánh sáng”, nên “ánh sáng cho thế gian” (Ga 8, 12; 9, 5; Mt 4, 16. 5,14; Lc 1, 79);
iii] Đốt nến cho cháy sáng trong nhà thờ / nhà nguyện là nhằm thể hiện thái độ của chúng ta sẵn sàng đi vào cầu nguyện, không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu tha thiết trong suốt cuộc sống của mình[25]. Thay đổi số cây nến là một cách thức phân biệt ngày lễ và mức độ cử hành. Hiện nay, tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi là sử dụng 2 nến cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng. Vào những dịp long trọng, sẽ sử dụng 7 nến khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế[26]. Ngày xưa, luật Giáo hội quy định rõ ràng: lễ trọng (6 nến); lễ hát (4-6 nến); lễ đọc (2 nến); đặt Mình Thánh chầu và ban phép lành Thánh Thể bằng hào quang (12 nến); ban phép lành bằng bình thánh (6 nến)[27]…
"...Còn ngày nay, hoa và nến [đang cháy] là một biểu tượng không mang ý nghĩa lương thục hay nhu yếu phẩm của con người, do vậy được Giáo hội dùng vào việc trưng bày trong cung thánh ngay từ đầu lễ [để tỏ lòng cung kính và mừng lễ] chứ không phải trong cuộc rước dâng của lễ..."
Hoa lá cũng là một biểu tượng. Chẳng hạn: hoa huệ chỉ sự thanh khiết và mùa Phục Sinh; hoa hồng nói về tình yêu; cây (trái) lựu chỉ sự bất tử; lúa mì chỉ về Thánh Thể; vòng hoa với 3 cây nến tím và một cây nến hồng ám chỉ mùa Vọng; hoa trạng nguyên biểu tượng cho mùa Giáng Sinh… Sử dụng khôn khéo các vật liệu tự nhiên (cây cối, hoa, lá, cành, đá, cát, gỗ, san hô...) và nhân tạo (màn trướng, vải vóc, tranh ảnh, chén chậu, khung sườn, rubăng, cây Giáng Sinh...), cũng như màu sắc và ánh sáng khi trang hoàng cho đúng chỗ đúng dịp là nhằm mục đích thông truyền niềm tin và các giá trị vô hình, lôi kéo các tín hữu tham dự cả hồn lẫn xác của họ một cách có ý thức, tích cực và trọn vẹn vào cử hành phụng vụ. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] số 305 dạy: “Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày sinh nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính. Việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ”. Việc sử dụng màu hoa cũng như số lượng hoa thế nào tùy theo mùa phụng vụ, nơi chốn và tập tục địa phương.
Như vậy, trên hay gần bàn thờ có nến đã được đốt cháy ngay từ đầu lễ rồi [với số lượng đã được đề nghị rõ ràng] cũng như hoa đã được trang trí mang tính biểu tượng ngay từ đầu lễ[28]. Trước câu hỏi liệu có thể đem khăn bàn thờ và nến cháy lên bàn thờ trong cuộc rước lễ phẩm không, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã trả lời dứt khoát không được: không thể trì hoãn trải khăn bàn thờ và trưng nến vào thời điểm chuẩn bị lễ vật (Notitiae 35 (1999): 456)[29]. Vì thế, không cần thiết phải “tăng cường” số lượng hoa và nến trên cung thánh nữa nhờ vào hoa nến mang theo trong đoàn rước dâng lễ. Thực hành này dễ dàng lôi kéo người ta đến việc nhìn ngắm và quan sát hoa nến hơn là đang tiến hành một hành vi phụng tự đúng nghĩa, và như thế không nên có chỗ trong cử hành phụng vụ. Tốt hơn hết, hành động này nên thực hiện bên ngoài thánh lễ.
4 - Hoa và nến là hai đối tượng được Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] và Nghi thức Thánh lễ [2002] nói một cách rõ ràng bất cứ khi nào cần được đề cập đến[30]. Tuy nhiên, số 73 của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] và số 22 của Nghi thức Thánh lễ [2002] chỉ nhắc đến đối tượng có thể đem theo trong cuộc rước chuẩn bị lễ vật là bánh và rượu cùng những lễ phẩm khác nữa, trong đó có cả tặng phẩm dưới hình thức tiền bạc hay những lễ phẩm dùng cho nhu cầu của Hội Thánh và thi hành bác ái đối với người nghèo. Cụm từ “các phẩm vật khác” trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] số 73 (Cũng được nhận tiền bạc hoặc các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hoặc nhà thờ) và “những lễ vật khác” trong Nghi thức Thánh lễ [2002] số 22 (hoặc những lễ vật khác theo nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo) chắc chắn không thể hiểu gồm cả là hoa và nến.
5 - Nếu không hiểu nến là lễ phẩm như trên mà chỉ là nến cháy sáng đi theo cuộc rước như trong nhiều cuộc rước khác, thì cũng không được áp dụng trong trường hợp này. Bởi vì nến đang cháy [trong cuộc di chuyển / rước nào đó] là yếu tố cần thiết để đi kèm và tôn cao các đối tượng cao trọng và thánh thiêng như Thánh Thể, thánh giá, Sách Tin Mừng hay ảnh tượng thánh. Do đó, không thể mang theo nến đang cháy trong cuộc rước dâng của lễ với những đối tượng là bánh và rượu chưa được truyền phép, tiền nong hay những lễ phẩm khác[31].
6 - Thông thường, chúng ta vẫn dâng tặng bông cho những nhân vật vị vọng vào lúc cuối lễ mà nhiều khi những bó hoa này lại sang trọng và rực rỡ hơn cả hoa trong đoàn rước dâng lễ vật. Điều này tạo ra một sự khập khiễng và kỳ quặc không những vì đối tượng được kính dâng [theo nghĩa là kính trọng, tạ ơn và vinh danh] mà còn vì sẽ xảy ra một sự lập lại trái khoáy do ý nghĩa của hai lần dâng hoa này hoàn toàn khác biệt nhau. Cách giải quyết vấn đề khập khiễng và kỳ quặc này không phải là giảm bớt hoa tặng lúc cuối lễ hay tăng số lượng hoa trưng trong cung thánh, mà chính là đừng bao giờ mang hoa trong đoàn rước chuẩn bị lễ vật.
[1] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL) [2002], số 79f.
[2] Xc. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (USA: Liguori Publications, 2011), 9.
[3] Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),105.
[4] CCL 3a:64-65, trích lại từ Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 50.
[5] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 91
[6] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),179.
[7] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 61.
[8] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 65.
[9] Bulletin 51, Christian Initiation, 281-283.
[10] Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1345.
[11] Cypriano, Liber de opere et eleemosinis, 15 = PL 4:612-613 trích lại trong Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications”, ed. Foley, Edward, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 222.
[12] Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 92.
[13] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,180; Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 107.
[14] Xc. QCSL [1970], các số 49-52); Paul Turner, The Supper of the Lamb, 51.
[15] Xc. QCSL [2002], các số 73-76.
[16] Xc. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 70.
[17] Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 48.
[18] Xc. QCSL 78.
[19] Xc. QCSL 321
[20] Xc. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 336-340
[21] Xc. QCSL 117, 297, 307.
[22] Xc. Sách Các Phép, các số 948, 981.
[23] Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well ((Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 63.
[24] Xc. Paul Turner, “Liturgical Catechesis: Preparation of the Gifts” trong Modern Liturgy 28/9 (November 1993):24-25.
[25] Xc. Antonio Donghi, Actions and Words, bản dịch từ tiếng Ý bởi William McDonough và Dominic Serre (Collegeville, Minesota: The Liturgical Press, 1997), 83.
[26] Xc. QCSL 117.
[27] Xc. Edwin Ryan, Candles in the Roman Rite (Baltimore: A. Gross Candle Co., 2009), 15-23.
[28] Xc. QCSL 117, 307.
[29] Utrum in offertorio ad altare ferri possint linteamina eiusdem cum candelabris in processione donorum? Negative.
[30] Xc. QCSL 100, 117, 119, 120, 133, 175, 188, 274, 297, 305.
[31] Xc. QCSL 117, 120, 133, 175, 188, 274
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét