30 thg 9, 2012

29 thg 9, 2012

HẸN GIÊSU VUI TRUNG THU (P.1)

TNTT. Gx. Thiên Ân đón mừng Trung Thu.

HẸN GIÊSU - VUI TRUNG THU

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Gx Thiên Ân vui chơi Tết Trung Thu với chủ đề thật dễ thương:
" Hẹn Giêsu - Vui Trung Thu ".

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN



Mừng Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần :
MICHAEL - GABRIEL - RAPHAEL

1. Micae là tổng lãnh tất cả các Thiên thần. Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe. Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa ?”.

Xin Thánh Thiên thần Micae trợ lực để chúng con chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xin Ngài luôn nhắc chúng con biết đặt Thiên Chúa ở vị trí cao cả nhất trong cuộc đời chúng con.

2. Gabrie là Thiên thần truyền tin (Lc 1,19): Truyền tin cho ông Dacaria ; Lc 1,26: truyền tin cho Đức Mẹ). Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.

Xin Thánh Thiên thần Gabriel giúp con mau mắn đón nhận những sứ điệp Chúa gởi đến chúng con và mau mắn thưa lời “Xin vâng” như Đức Mẹ.

3. Raphae là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già. Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.

Xin Thánh Thiên thần Raphael là bạn đồng hành của chúng con trong cuộc hành trình dương thế nhiều cạm bẫy. Xin Ngài nhắc nhở chúng con làm việc thiện, vì luôn biết rằng từng việc thiện âm thầm nhỏ bé cũng là những làn hương thơm tho bay lên toà Thiên Chúa.
 (Sưu tầm)

27 thg 9, 2012

MỘT CHÉN NƯỚC LÃ

CHÚA NHẬT XXVI TN-B
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9,41)

26 thg 9, 2012

TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO

Saint Vincent De Paul

Hàng năm khi đến ngày 27 – 9, chúng ta lại nhớ đến một mẫu gương điển hình sống đức ái như Chúa Kitô đã dạy, sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn nhất, đó chính là vị tông đồ của người nghèo, Thánh Vinh sơn Phaolô.
1. Vị tông đồ của người nghèo

Thánh Vinh sơn Phaolô sinh ngày 24 – 4 – 1581, trong một gia đình nông dân tại Gát – côn, nước Pháp. Sau khi theo học trường các cha dòng Phan sinh tại Dax, rồi học đại học ở Toulouse, Cha được thụ phong linh mục và đi phục vụ một giáo xứ ở Pari.
Trong thời gian đầu phục vụ, Thánh nhân đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi cha linh hướng Piere de Bérulle và Thánh Francois de Sales, để từ đó hướng tới việc tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ những người nghèo khổ, bần cùng nhất.
Năm 1617, Cha được chỉ định làm tuyên úy cho các tù nhân tại Gondi. Đây là giai đoạn thực tế giúp cha sống gần gũi với những người bất hạnh và thấm thía nỗi khổ vật chất cũng như tinh thần của họ. Như dấu chỉ thúc đẩy con tim tràn đầy yêu thương, Thánh nhân đã vươn cao lý tưởng phục vụ cách có hệ thống và rộng lớn hơn.
Linh đạo sống của Ngài được khởi đi từ việc tập hợp các “nữ tỳ người nghèo”, để sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, nhằm hướng khả năng phục vụ hữu hiệu hơn. Nhờ sự trợ giúp của Thánh nữ Louise de Marillac, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái do Thánh Vinh sơn sáng lập ngay từ đầu đã cho thấy khả năng phục vụ phi thường và nhanh chóng lan rộng.

Thánh nhân cũng đặc biệt đề cao vai trò của các mục tử trong tương quan đức ái với người nghèo. Năm 1625, Người sáng lập Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của Thánh nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng hành với người nghèo của Người.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy những nét chính yếu trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô, qua bút ký của Ngài cho các nữ tử bác ái. Với Ngài, con đường nên thánh được khởi đi từ việc nhận ra “hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo”:
“… Chính chúng ta phải nghiệm điều đó, và phải xử sự như Đức Kitô là quan tâm đến người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của họ…”
Việc phục vụ người nghèo với Thánh nhân, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà được xuất phát từ chính con tim biết “hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phaolô tông đồ, khi Người nói: "Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”.
Đức ái với người nghèo trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô hệ tại ở hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).

2. “Linh đạo người nghèo” của Thánh Vinh sơn Phaolô vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay.

Phải chăng chúng ta đang quên đi sứ mạng “ưu tiên phục vụ người nghèo” do những cám dỗ của tiện nghi vật chất ? Phải chăng những lợi lộc và danh vọng thấp hèn đã khiến chúng ta lãnh cảm trước “hiện thân của Con Thiên Chúa” ?
Con đường và tinh thần phục vụ của Thánh Vinh sơn Phaolô một lần nữa khích lệ và mời gọi chúng ta hãy trở nên bạn hữu của những người bần cùng khốn khổ. Theo gương Thánh nhân, mỗi chúng ta hãy là tông đồ nhỏ đem ngọn lửa tình yêu Chúa đến an ủi, vực dậy những người cùng khốn. Chúng ta hãy nhớ lời của chính Thánh nhân:
“Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không yêu thương anh em. Ưu tư, lao tâm, khổ trí của tôi, chính là người nghèo”.


Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ngày 27.9.1660 tại Paris và được phong thánh năm 1737. Năm 1883, Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tôn làm bổn mạng tất cả các nhóm, các công việc bác ái Công giáo.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn

21 thg 9, 2012

MATTHEO THÁNH SỬ

Thánh Matthêu – Người thu thuế. Người ý chí.
Sự chết : Bị ám sát vào năm 60 A.D.




“Hãy theo theo Ta!” ( Mc 2,13-14 )

19 thg 9, 2012

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU: NGƯỜI PHỤC VỤ

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em nầy vì danh Thầy, là tiếp đón
chính Thầy” (Mc 9,37)

16 thg 9, 2012

KHAI GIẢNG GIÁO LÝ 2012-2013

Sáng nay vào lúc 7g30 :
Cha Giuse Chánh xứ Thiên Ân đã cử hành Thánh lễ
Khai Giảng năm học Giáo Lý  2012-2013.
Chủ đề : " Thiếu Nhi Sống Đức Tin "
Hợp dâng thánh lễ gồm có :
-          Cha Cố Gioan Bt.
-          Cha Phụ tá Phaolo, Tuyên úy TNTT.
Cùng cộng đoàn phục vụ - và 1.048 em Thiếu nhi bước vào năm học mới.

Đặc biệt sau Thánh lễ, Ban Caritas Giáo xứ và quý ân nhân đã trao quà khuyến học cho 25 em trúng tuyển vào Đại học trong các kỳ thi tuyển vừa qua.

Cha xứ điểm trống khai giảng năm học mới.

      * Xin Click " Vào đây "

15 thg 9, 2012

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI ?

"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy".

MẸ SẦU BI : MẸ MĂNG ĐEN



Đức Mẹ Măng Đen

Măng Đen một địa danh còn xa lạ với rất nhiều người, đây cũng là lần đầu tiên tôi được đến nơi này trên đường đi hành hương đến Thánh Địa La Vang vừa qua (tháng 8/08), đoàn chúng tôi đi qua địa phận tỉnh Kontum, huyện Kon Plong.


Măng Đen là tên của một ngôi làng, nằm ven quốc lộ 24 – Đông Trường Sơn, độ cao trung bình 1200m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm 20 oC, có nguồn nước sạch dồi dào.
Tượng Đức Mẹ Măng Đen mới chỉ có khoảng gần 1 năm nay.

Chuyện kể lại rằng, cách đây khoảng 1 năm khi các công nhân đang làm con đường Đông Trường Sơn, khi đến nơi này thì các xe ủi đất đều bị chết máy và không ủi được, nhưng nếu ủi chỗ khác thì lại không chết máy, sau nhiều lần và nhiều ngày cố gắng đều thất bại, lúc đó có người chợt nghĩ rằng: “Hay là chỗ này có vật gì linh thiêng.” Và mọi người đâm nghi ngờ và cùng nhau đào bằng tay, thì đụng phải một tượng Đức Mẹ, mọi người rất tin vào dấu lạ linh thiêng này, các giáo dân gần đấy và các công nhân làm đường cùng nhau dựng lên một tượng đài Đức Mẹ tại đây. Đặc biệt là tượng Đức Mẹ này không có hai bàn tay, đã có người là nghệ nhân điêu khắc đến đây để làm hai bàn tay mới cho Mẹ nhưng đều không gắn được, người ta nói rằng ý Đức Mẹ không cho gắn tay mới vì tượng Đức Mẹ này ngày xưa là của những người mắc bệnh phong cùi ở vùng này, Đức Mẹ muốn chia sẻ những nỗi thống khổ của đoàn con người dân tộc đau khổ tại nơi đây.
Khi đoàn chúng tôi đến đây thì đã có người dâng hương hoa, nhang khói cho Đức Mẹ, đã có cả một vườn hoa xinh xắn lúc nào cũng có hoa tươi, chỉ mới gần một năm mà chung quanh tượng đài Mẹ đã có rất nhiều bảng tạ ơn của những người đã được ơn từ nơi Mẹ.


Mẹ đứng nơi đây giữa một vùng núi rừng hoang vắng, xa xa có đoàn công nhân đang làm việc, xung quanh chúng tôi không nhìn thấy có ngôi nhà của người dân nào cả, những hạt mưa phùn lất phất, các luồng gió lành lạnh càng tạo nên vẻ hoang vu và tĩnh mịch của núi rừng, đoàn chúng tôi đến trước đài Mẹ thắp hương và đọc kinh, nhưng tâm hồn mỗi người cảm thấy có một cảm giác nôn nao, khó tả, vì thông thường khi cầu nguyện với Mẹ ở bất cứ nơi đâu, chúng ta thường hay ngước lên nhìn Mẹ, chúng ta thường nhận thấy ở nơi Mẹ một khuôn mặt dịu dàng, khả ái đang nhìn và đang lắng nghe lời cầu xin của chúng ta, nhưng ở nơi đây khuôn mặt Đức Mẹ rất sầu thảm đang nhìn chúng ta như là đang muốn xin chúng ta một điều gì đó và nhất là khi nhìn thấy Mẹ không có hai bàn tay thì lời kinh của mỗi người khi cất lên cũng cảm thấy xúc động nghẹn ngào.

Chúng tôi đứng thinh lặng trước tượng Mẹ, để suy gẫm những dấu lạ của Mẹ nơi này, và cũng để lắng nghe điều Mẹ muốn nói nơi tâm hồn mỗi người, khoảng 30 phút đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường, khi đó chúng tôi cũng thấy có vài chiếc xe hơi của các đoàn hành hương khác đến với Mẹ, có người đi xe gắn máy đến mang theo nhang, nến và hoa đến thắp tại tượng đài Mẹ.

Lạy Mẹ Maria Chí Ái, chúng con biết rằng dù Mẹ ở bất cứ nơi nào cũng chỉ là một Mẹ duy nhất mà thôi, tất cả những dấu lạ của Mẹ tỏ ra ở nơi này hay nơi khác, Mẹ cũng đều muốn chuyển đến cho chúng con một sứ điệp. Nguyện xin Mẹ soi lòng mở trí chúng con nhận ra sứ điệp mà Mẹ muốn chuyến đến cho chúng con tại vùng rừng núi Măng Đen này. Xin cho mỗi người chúng con là con cái của Mẹ luôn biết sẵn sàng đáp lại những sứ điệp mà Mẹ muốn gởi đến cho chúng con.

Lạy Đức Mẹ Măng Đen, xin soi lòng mở trí cho chúng con. Amen


Mặc Trầm Cung

12 thg 9, 2012

BÁO LÁ CẢI



Ảnh Corbis

Nói chuyện với báo lá cải.
Bàn về tính chuyên nghiệp của đạo đức nhà báo quả là một vấn đề rộng. Tôi chỉ xin đề cập đến 1 khía cạnh của vấn đề là việc kiếm tiền bằng nghề báo như thế nào. Thiết nghĩ nó vừa thể hiện đạo đức của mỗi nhà báo vừa nói lên tính chuyên nghiệp trong nghề.

Độc giả mỗi tờ báo là nhiều nhóm đối tượng. Làm báo khác nào “làm dâu trăm họ”. Nhà báo nên biết cách dung hòa, biết cách chèo lái cây bút của mình. Để độc giả điều khiển mình thì khác nào viết thuê, viết mướn. Lúc đó, cái từ “nhà báo” nghe xa xỉ lắm.


Nói gần nói xa cái chuyện câu khách giật gân. Nào là lộ hàng, nào là “ăn cơm trước kẻng” của các "sao xẹt", nào là chuyện chia tay, chuyện bị đá, chuyện nude… Mà lại giật những cái tít đầy mồi chài, đầy mê hoặc.

Nhiều người nói với tôi rằng, khi nhìn thấy những cái tít ấy, dù có “miễn dịch” đến cỡ nào, họ cũng khó lòng tránh được sự tò mò, click chuột vào và lại góp công cho 1 lượt view. Vậy mà bài báo cứ như một vấn đề thời sự nóng hổi, lượt truy cập tăng vèo vèo.

Vậy chứ chuyện "sao xẹt" có ảnh hưởng gì đến thùng gạo nhà tôi không? Ảnh hưởng cơm áo có chăng cũng chỉ là nhà tôi bán băng đĩa. Cô ca sĩ này có scandal thì tôi biết đường mua đĩa của cô ấy về bán cho chạy. Thế còn bao nhiêu vấn đề dân sinh, bao nhiêu con người khác và những thông tin khác chẳng lẽ lại đem cân với chuyện "sao xẹt" hay sao?

Có đáng không việc dành quá nhiều đất cho thế giới giải trí thị phi ấy! Giải trí cũng chỉ là giải trí, không thể thiếu nhưng vừa phải thôi, từ tốn thôi, cứ vồn vã, cứ dựng người ta giật cả gân lên thì thật  buồn cười. Nhất là báo mạng, do đặc thù về lượt view quyết định tính hấp dẫn của tin bài nên phóng viên cứ khoái đem chuyện giật gân để nói. Dường như họ không còn cái gì muốn chia sẻ với người đọc nữa vậy.

Dù chê trách kiểu nhà báo này, nhưng thôi cũng cho là họ lo cho bát cơm gia đình họ. Viết báo để có tiền, mà tiền là nhuận bút và lương, mà nhuận bút và lương được quyết đinh bởi lượng view.

Thế nên họ cần câu view, mà câu view thì cách dễ nhất là làm cho chuyện to ra, hấp dẫn và kích thích người ta chứ sao.


Muốn thay đổi bài viết của tôi thì phải thay đổi cách làm việc của cả nền báo chí chứ chẳng chơi! Cứ cho đó là một nỗi khổ của nhà báo đi! Chấp nhận luận điệu ấy.

Vậy thì hỏi tiếp, bản lĩnh của anh đâu? Tính chuyên nghiệp của anh đâu? Anh có cảm thấy xấu hổ hay day dứt khi càng ngày càng dấn cây bút vào những chuyện này. Nhớ chuyện “đời thừa” của Nam Cao, anh chàng Hộ đã bao lần day dứt vì phải viết ẩu “bán linh hồn” để kiếm tiền nuôi vợ con.


Không biết các nhà báo lá cải bây giờ có mảy may thương xót cho chính mình? Đấy là đạo đức, đấy là tính chuyên nghiệp mà có khi họ không bao giờ nghiệm ra.
Nghe thì có vẻ nghiêm trọng hóa nhưng thử nghĩ sâu xa thấy cũng có cái lý của nó. Thử hỏi, vai trò của báo chí là gì? Vai trò cơ bản nhất là cung cấp thông tin cho độc giả, định hướng dư luận, đại diện cho tiếng nói của dân. Vậy báo của anh có đáp ứng được những yêu cầu đó?

Cung cấp thông tin ? Có, nhưng thông tin gì. Thông tin vô thưởng vô phạt, chẳng ảnh hưởng đến ai, đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng thiếu gì. Chẳng qua anh nhầm tưởng việc đáp ứng tò mò của một nhóm người với việc đưa tin. Vô tình anh coi đó là sứ mệnh của anh.



Định hướng dư luận? Anh định hướng điều gì từ những chuyện sao xẹt. Chuyện sao này chia tay với sao kia có ảnh hưởng gì đến anh? Không khéo, báo chí viết quá nhiều, thành ra giới trẻ tiêm nhiễm những suy nghĩ bệnh hoạn cũng nên.


Có bịt mắt cũng thấy hiện tượng nhiều thanh niên bị cuồng bởi thần tượng nọ thần tượng kia, bắt chước theo thần tượng. Đã bắt chước thì theo luôn cả những cái xấu. Nhất cử nhất động của thần tượng được báo chí đưa tin, fan học theo ngay. Suốt ngày họ bàn tán chuyện sao. Coi đó quan trọng không kém quốc gia đại sự. Báo chí như thế có thất vọng không? Có ngứa ngáy không?


Tính kỹ, vai trò cơ bản nhất của báo chí anh không có, thì nói thẳng ra là không nên đặt cho anh một cái tên mĩ miều là nhà báo. Viết báo mà cứ dựng người ta dậy đọc bài của mình nhờ những tin gây sốt, giật gân thì khó mà gọi là có đạo đức. Hơn nữa, anh còn tiếp tay cho thói buông thả của những người nổi tiếng. Anh càng viết về họ, họ càng có dịp tạo scandal, càng có dịp nổi tiếng. Nói đến cùng, anh kiếm tiền nhưng anh lại bị họ lợi dụng.


Nói qua cũng phải nói lại là có cầu mới có cung. Nghĩa là có những người quan tâm thì nhà báo mới đưa tin. Đọc những thông tin giải trí cũng giúp thư giãn. Nhưng làm báo mà chỉ đáp ứng nhu cầu thỏa mãn trí tò mò thì nghe thật chua xót. Anh viết báo mà để đánh mất đi cái thiêng liêng của nghề thì chẳng ai tôn trọng anh nữa. Dù đọc bài của anh nhưng độc giả thấy cái tên anh là biết ngay đến loạt bài lá cải câu khách, hay chính đồng nghiệp của anh cũng chép miệng lắc đầu.

Làm báo làm ơn biết tự trọng, có tự ái, có thương xót cho lương tâm nghề nghiệp thì mới có những bài viết tôn trọng tính chân thực, tôn trọng độc giả. Đáng sợ nhất là khi sự xấu hổ của 1 nhà báo bị chai lì.
Tính chuyên nghiệp được nói đến ở đây là sự kiếm tiền chính đáng bằng nghề báo. Dĩ nhiên cái nghề phải tạo ra cuộc sống. Nhưng lợi dụng cái nghề để kiếm tiền thì có vấn đề rõ ràng. Có những nhà báo theo mảng văn hóa văn nghệ nhưng lại tạo cho mình một đẳng cấp khác. Họ đưa tin một cách khách quan, có duyên, họ sống được và sống tốt bằng nghề báo. Suy cho cùng bị khinh bỉ hay không là chuyện tác nghiệp và chính đạo đức của nhà báo thôi.


Sản phẩm báo chí thể hiện chính nhân cáchđạo đức nhà báo. Thế nên hãy biết thương những đứa con tinh thần của mình. Anh “đẻ” ra những đứa con quái thai thì chính anh phải sống với nó, phải gắn liền với nó. Anh có vui không khi nhìn những đứa con dị dạng, và người ta nhìn ngắm con anh cũng chỉ vì con anh trông khác người?
Sưu tầm từ Internet

TU NHÀ VÀ TU CHỢ



Theo “Từ Điển Bách Khoa Việt Nam”, về việc tu thân, sửa mình, “khoa học hiện nay có khái niệm tự giáo dục: cá nhân trau dồi năng lực hoạt động đạo đức, hình thành ý thức đạo đức của mình, hoàn thiện những tính tốt và khắc phục những thói xấu. Phương pháp của tự giáo dục không chỉ là học tập để có tri thức và đạo đức, mà chủ yếu là tích cực tham gia vào thực tiễn xã hội, bởi vì chỉ có trong quá trình tham gia thực tiễn xã hội, con người mới cải tạo và hoàn thiện bản thân”.

Câu trích dẫn trên đây mang nặng tính cách lý thuyết và trừu tượng, riêng gã thì thích kiểu nói cụ thể hơn, đó là môi trường bên ngoài, như gia đình và xã hội, sẽ giúp chúng ta dễ dàng tu thân, sửa mình, đồng thời việc tu thân, sửa mình của chúng ta sẽ là một góp phần làm cho gia đình và xã hội được tốt đẹp hơn. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa vốn thường chủ trương chữ tu kia cũng có ba bảy đường.

- Thứ nhất thì tu tại gia,
  Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Vì là con nhà có đạo, nên gã xin sửa lại của câu ca dao này thành:

- Thứ nhất thì tu tại gia,
  Thứ hai tu chợ, thứ ba tu…dòng.

Trước hết là việc tu tại gia, các cụ ta ngày xưa đã xác định một cách rõ ràng và minh bạch:

- Tu đâu cho bằng tu nhà,
  Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.

Chuyện xưa kể lại rằng: Dương Phủ, người đời nhà Minh, đỗ tiến sĩ và nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.
Một hôm nghe bên đất Thục có một vị Vô tế đại sĩ, tức là một nhà tu hành vô cùng đắc đạo, ông bèn thưa với song thân xin từ biệt ít lâu để theo hầu bậc Vô tế.
Đi được nửa đường, gặp một lão tăng, vị này bảo ông rằng:
- Gặp được bậc Vô tế không bằng  gặp được Phật.
Ông hỏi : - Phật ở đâu?
Vị lão tăng nói: - Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo như thế này, đi đôi dép như thế kia, thì đó chính là Phật đấy.

Dương Phủ háo hức quay trở về, dọc đường không gặp một ai như thế. Đến khuya mới tới nhà, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá vội vàng xỏ ngược cả đôi dép, áo sống xộc xệch ra đón. Dương Phủ ngẩn người nhìn, thì ra đấy chính là hình dáng Phật mà vị lão tăng đã chỉ dạy. Ông chợt ngộ ra thâm ý trong lời dạy của vị lão tăng. Từ đấy ông ở nhà, hết lòng thờ kính cha mẹ, không
phải cầu kỳ đi mộ Phật ở đâu xa nữa. Chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử:
- Sinh thời không gặp Phật, khéo phụng dưỡng cha mẹ, tức là thờ Phật vậy (Kinh Pháp cú).


Trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam, hiếu với cha mẹ là một trong những đạo lý hàng đầu, thiêng liêng và cao cả. Có sự thành công nào của những đứa con, mà đằng sau không có bóng dáng của những người cha, những người mẹ tuyệt vời?


Và như vậy, tu tại gia hay tu nhà có nghĩa là cứ ở tại nhà, tại gia đình của mình mà tu bằng cách sống đúng với đấng bậc của mình: Là con cái thì phải thảo kính và vâng lời cha mẹ; là vợ chồng thì phải yêu thương và trung thành với nhau; là anh chị em thì phải hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau.


Trong giờ giáo lý, chị giảng viên kể cho các em nghe mẩu chuyện về thánh Simon Cột. Ngài sống vào thế kỷ thứ năm tại Syrie, nổi tiếng là một người thánh thiện và khổ hạnh. Ngài làm một cái chòi nhỏ trên đầu một cây cột và sống ở đó suốt 35 năm trời. Sau khi ngài chết, để nêu cao mẫu gương thánh thiện và khổ hạnh của ngài, Giáo Hội đã tôn phong ngài, và người ta thường gọi ngài với biệt danh là Simon Cột.


Nghe xong câu chuyện này, một em nhỏ như được thôi thúc muốn bắt chước sự thánh thiện và lối sống khắc khổ của ngài. Thế là khi về đến nhà, em chồng những chiếc ghế đẩu trên một cái bàn để leo lên. Giữa lúc đang loay hoay như thế, thì mẹ em nhìn thấy, bà đã la mắng và cấm không cho em được leo lên và bà nói tiếp:

- Con ơi, làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm con à.

Đây là một lời nói đơn sơ, nhưng quả thực có một ý nghĩa sâu xa khiến chúng ta phải suy nghĩ. Làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm.

Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ sống với những người thân yêu trong cùng một mái ấm, mà hơn thế nữa chúng ta còn phải sống với những người khác, mỗi khi bước chân vào xã hội, vì thế mới nảy sinh ra một thứ tu khác, được gọi là…tu chợ.

Tu chợ có nghĩa là tu tại chợ cũng như tại phố xá, tu giữa tiếng ồn ào của xe cộ cũng như giữa những sinh hoạt tấp nập của cuộc sống, tu giữa những vất vả của nghề nghiệp cũng như giữa những bươn chải kiếm tìm cơm áo gạo tiền.
Tóm lại, tu chợ là tu giữa giòng đời, hay nói một cách chuyên môn hơn, là tu giữa đời, tu tại thế, tu ngay trong  trần gian.


Viết tới đây gã bỗng nhớ tới lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assie và tìm thấy trong đó cả một chương trình cho việc tu chợ: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Cũng trong chiều hướng ấy, Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi chúng ta, là những người sống giữa đời và làm việc với đời, hãy trở nên như men trong bột, như ánh sáng trong đêm tối, nghĩa là trở nên chứng nhân cho đức tin giữa lòng cuộc đời.

Việc tu chợ như thế sẽ biến chúng ta thành một bông sen như ca dao Việt Nam đã diễn tả:

- Trong đầm gì đẹp bằng sen,
  Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
  Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
  Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


Thảo nào mà trong lòng Giáo Hội hôm nay, các thứ dòng ba, các thứ tu hội đời, các thứ phong trào tại thế…đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa, hay như trăm hoa đua nở, báo hiệu một mùa xuân mới!!! 


Gã Siêu

11 thg 9, 2012

TU



Theo sự diễn tả của các cụ ta ngày xưa thì con nhà có đạo được gọi là con nhà… “hai phần”, phần hồn và phần xác. Con nhà có đạo ấy khi lớn lên sẽ chọn cho mình một trong hai ngả đường đời. Một là đi vào cuộc sống tu trì, như mấy cha, mấy dì, mấy thầy…dấn thân theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Hai là đi vào cuộc sống lứa đôi, như hầu hết bàn dân thiên hạ đã làm, dấn thân xây dựng một mái ấm gia đình.

Nếu chọn nếp sống tu trì, thì cũng phải lựa cho mình một  hướng đi, đó là tu triều hay tu dòng. Tu triều là dâng mình cho Chúa với mục đích làm công việc mục vụ, không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo và đời sống chung, nhưng đoan hứa giữ sự độc thân và vâng phục Giám mục như bề trên trực tiếp của mình.

Còn tu dòng là dâng mình cho Chúa, bằng cách theo đuổi sự hoàn thiện của Tin Mừng: khó nghèo, trong sạch và vâng phục, với đời sống chung của cộng đoàn, được biểu lộ qua việc tuyên khấn công khai vĩnh viễn hay tạm thời theo qui luật riêng của từng dòng.
  Tuy nhiên, nếu chọn tu dòng, thì cũng phải lựa cho mình một linh đạo, hay nói một cách cụ thể hơn, phải lựa cho mình một dòng để mà đầu tư công sức vào đó. Bởi vì trong lòng Giáo hội, có rất nhiều dòng và mỗi dòng lại theo đuổi một lý tưởng khác nhau, như một thửa vườn với muôn hoa khoe sắc.

Tuy cùng phục vụ Chúa và người khác, nhưng mấy sư huynh Lasan lại chuyên về dạy học, mấy thầy Gioan Thiên Chúa lại chuyên về chăm sóc các bệnh nhân, mấy cha Don Bosco lại chuyên về giáo dục giới trẻ…Và cách riêng là các dòng nữ.


Thực vậy, nếu hỏi rằng:
- Trên thế gian này có bao nhiêu dòng nữ?
Một người có óc khôi hài và được liệt vào hạng cũng thích đùa, đã trả lời như sau:
- Đức Chúa Trời là Đấng thông minh sáng suốt vô cùng,
thế mà Ngài cũng đành phải bó tay, không biết chính xác hiện nay trên thế gian có bao nhiêu dòng nữ !

TU THÂN 

Qua những gì vừa trình bày, chữ tu được hiểu theo nghĩa hẹp của Công giáo. Còn nếu hiểu chữ tu theo nghĩa rộng là sửa sang lại cho hoàn thiện, nhất là bằng cách uốn nắn những sai lỗi và sửa đổi khuyết điểm, để trở thành một con người tốt lành và thánh thiện hơn, thì đó phải là bổn phận đầu tiên của mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.


Thực vậy, nhân vô thập toàn. Đã là người, thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm, chẳng ai là người hoàn thiện. Vì thế, việc tu thân, hay nói cách khác, việc sửa mình phải được coi như là điểm khởi đầu cho trật tự xã hội. Sách Đại Học có viết: “Từ vua cho đến dân, nhất thiết phải lấy việc tu thân làm gốc”. Hay như người xưa cũng đã bảo: “Phải tu thân trước đã, rồi sau đó mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”.


Theo Nho Giáo, muốn tu thân, thì phải: cách vật, trí tri, thành ý và chánh tâm. Thực vậy, muốn sửa mình cho thành người đức hạnh hoàn toàn, trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chánh (chánh tâm), cái ý của mình cho thành (thành ý), rồi sau đó mới cách vật, trí tri được, nghĩa là mới hiểu rõ các sự vật và biết đến tận cùng cái biết.


Giữ cái tâm của mình cho chánh, có nghĩa là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, vui buồn… làm cho cái tâm của mình chếch lệch, không còn hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm rối loạn cái tâm của mình, thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết ngon, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chánh.


Giữ cái ý của mình cho thành, có nghĩa là không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thật, như ghét mùi thối, yêu vẻ đẹp, ý mình thế nào thì cứ chân thực bày tỏ ra như thế, chớ không dối trá chút nào. Bởi thế, người quân tử phải cẩn thận giữ tư tưởng của mình, ngay cả trong khi ngồi một mình.


Tâm đã chánh, ý đã thành, thì tự nhiên cái lương tri, lương năng của mình, tức là cái minh đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì, hay là đối phó với cảnh huống nào, cũng trung dung, cũng điều hòa và rất hợp đạo lý. (Theo “Nho Giáo” của Trần Trọng Kim).


Nói như vậy xem ra có vẻ trừu tượng và xa vời. Gã xin bàn đến một vài kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Thực vậy, việc tu thân hay sửa mình đòi hỏi chúng ta cần phải kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng.


Người ta kể lại rằng: Tamerlan là một vị tướng đánh đâu thua đấy. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ và càng đánh thì lại càng thua. Trong một cuộc bàn luận trao đổi với bộ sậu của mình, để rút ưu khuyết điểm, ông bỗng nhìn thấy một con kiến đang bò lên đỉnh lều. Lên gần tới đỉnh thì lại bị tụt xuống. Cứ thế, cứ thế đến ba bốn lần con kiến mới bò lên tới đỉnh lều. Trước hình ảnh con kiến ấy, ông đã quyết định và truyền cho các binh lính:
- Chiến đấu, chiến đấu mãi, chiến đấu không ngừng, cho đến khi nào chiến thắng mới thôi.
Và cuối cùng, ông đã chiến thắng.

Chúng ta cũng vậy, trong cuộc chiến chống lại những thói hư tật xấu, chúng ta giống như người bơi ngược giòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị giòng nước, là những đam mê sai trái, cuốn trôi.

Một người nghiện rượu đã chừa bỏ tật xấu này bằng cách trước khi ngồi vào bàn nhậu với các “chiến hữu”, ông bèn nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, cuối cùng chiếc ly đầy nến và ông không còn nghiện rượu nữa.

 
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thường có hai thái độ. Thái độ thứ nhất, đó là thiếu kiên nhẫn.

Thực vậy, trong những giây phút sốt sắng, chúng ta cảm thấy mình tội lỗi, nên đã dốc quyết uốn nắn lại khuyết điểm này, sửa đổi lại tật xấu kia.

  Những ngày đầu, chúng ta hăng hái bắt tay vào công việc đổi mới này, thế nhưng cái quyết tâm của chúng ta chẳng kéo dài được lâu, có khi chưa đủ ba bảy hai mươi mốt ngày, thì đã tàn lụi như một ngọn lửa rơm, để rồi cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo và chó đen vẫn giữ mực. Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ là một kẻ tầm thường, xoàng xĩnh mà thôi.


Thái độ thứ hai, đó là ngại cố gắng, nên cứ mãi sa lầy trong đám bùn nhơ, không ngoi lên được.

Chúng ta giống như chú vịt trời theo đàn bay về phương bắc. Vào một buổi chiều, khi đáp xuống nông trại, chú thấy bầy vịt nhà đang được ăn bắp và thế là chú bèn nhập bầy để được ăn no. Bữa ăn quá ngon khiến chú không còn muốn bay theo đàn nữa. Chú tự nhủ:
- Để mai mốt mình sẽ bay theo cũng chưa muộn.


Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, chú vẫn cứ ở lỳ với bầy vịt nhà để được muôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời từ phương bắc bay xuống phương nam, các bạn cũ kêu chú trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời cố gắng đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, chú chỉ bay được lên nóc nhà, rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi và hưởng thụ ở nông trại đã làm cho chú không còn bay được như xưa nữa. Chú đành phải đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.
   Từ đó, mỗi mùa xuân và mỗi mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay lên phương bắc, rồi lại bay trở xuống phương nam. Mới đầu chú còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng ấy bị mờ phai và chú bằng lòng sống dưới đất với bầy vịt nhà trong nông trại.


Một kinh nghiệm khác cũng cho thấy: phải quyết tâm diệt trừ tật xấu ngay từ thuở ban đầu, bởi vì càng để lâu càng khó sửa. Trên chiếc áo trắng có một vết bẩn nhỏ, chúng ta giặt ngay, thì có thể tẩy xoá vết bẩn một cách dễ dàng. Thế nhưng, nếu chúng ta để cho chiếc áo ấy vàng ố, lúc bấy giờ thật khó mà giặt cho sạch.
Ngày nọ, ông thầy cùng với cậu học trò đi ngang qua một khu rừng. Bỗng dưng, ông thầy dừng chân và chỉ vào ba cây mọc gần đó. Cây thứ nhất mới nhú lên khỏi đất. Cây thứ hai lớn hơn và cây thứ ba đã thành cây to. Ông thầy bảo:
- Con hãy nhổ cây thứ nhất.
Chỉ với hai ngón tay, cậu học trò đã nhổ lên một cách dễ dàng.
Ông thầy lại bảo:
- Hãy nhổ tiếp cây thứ hai.
Cậu học trò phải dùng cả hai cánh tay lay tới lay lui, mãi một lúc sau mới nhổ lên được, mồ hôi mồ kê toát ra như tắm.
Ông thầy lại bảo:
- Bây giờ con hãy cố gắng nhổ cây thứ ba.
Cậu học trò cũng phải dùng hai cánh tay ôm lấy thân cây. Cậu ra sức lay, nhưng thân cây chẳng hề nhúc nhích. Cuối cùng, cậu đành bó tay chịu thua, không thể nhổ lên được. Lúc bấy giờ, Ông thầy mới cắt nghĩa:

- Đó con thấy không? Về các tính hư tật xấu của chúng ta cũng vậy. Khi mới nhiễm thì dễ khử trừ, nhưng nếu để chúng bén rễ sâu trong tâm hồn và trong thân xác, thì chúng ta khó mà trừ khử.
Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã bảo:
- Uốn cây từ thuở còn non,
  Dạy con từ thuở con còn đương thơ.

Hay như danh ngôn phương tây cũng đã nói:
- Bé ăn trộm một trái trứng, lớn lên sẽ ăn trộm cả con bò !

Gã Siêu (còn tiếp)




10 thg 9, 2012

TỪ BỎ "CUỘC CHƠI"




Sinh vào vào cõi tạm này như một kiếp “rong chơi”. Trong kiếp “rong chơi” này, ai ai cũng đi tìm cho mình một chút danh, một chút phận.
Chút danh, chút phận đó cũng hết sức bình thường nhưng danh phận đó đủ hay thiếu, vừa hay dư đó lại là quan niệm của mỗi người.

Có những người quá đủ và thậm chí quá dư để dừng cuộc chơi nhưng họ cứ mãi lao đầu vào để đi tìm.
Vài ngày qua, “thế giới” showbiz cũng như những người hay đọc tin tức sẽ thấy một sự kiện khá lớn của “thế giới” này đó là sự kiện nghệ sĩ QL đã từ bỏ cuộc chơi.

Với QL, anh cảm nhận cho là để nhận để rồi anh quyết định rời bỏ làng giải trí để theo đuổi những công việc mà anh cho là ý nghĩa hơn. QL, như nhiều người biết thì anh khá nổi tiếng trong nhiều chương trình. Có lẽ, nổi tiếng nhất với anh vẫn là chương trình “Vượt lên chính mình”.

Xem chương trình “vượt lên chính mình”, khán giả không còn thấy theo kiểu lý thuyết nữa mà là “mắt thấy tai nghe” dù bị hạn chế là qua màn ảnh. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả thấy được những con người nghèo thật sự mà QL cùng với chương trình tìm đến. Những con người nghèo đó đã cố gắng để vượt lên chính mình với cuộc sống còn quá nhiều cơ cực. Chính những người làm chương trình hay chính bản thân QL, anh cũng cảm được ít nhiều về đời sống cơ cực của họ.

Có thể “mưa lâu thấm đất” hay đụng chạm với thực tế quá “thực tế” để rồi lòng anh dần dần thay đổi. Anh thay đổi nhất có lẽ từ những ngày gặp gỡ với những con người nghèo mà còn bị chứng bệnh khủng khiếp đe dọa sinh mạng đó là bệnh tim. Có lẽ ngày mỗi ngày đụng đến trái tim nên anh hiểu về trái tim hơn trong “Hiểu về trái tim”.

Anh chính thức từ bỏ “cuộc chơi” để đi tìm và làm những cái gì có ý nghĩa hơn.

Tâm tình của anh hết sức mộc mạc, đơn sơ : “Chẳng có biến cố gì đặc biệt cả, chỉ có điều nếu cuộc sống của bạn chỉ tiếp xúc với những mảnh đời nghèo khổ, tôi tin chắc bạn cũng phải suy nghĩ đôi điều. Trước đây, tôi chỉ ao ước có được căn nhà chừng 15 m2 để có chỗ ngủ thì giờ tôi có căn nhà rộng hơn nhiều. Trước đây, tôi mong có gia đình ấm cúng với một đứa con thì giờ tôi có một người vợ hiểu mình cùng 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. So với ước mơ, tôi đã đạt được điều lớn hơn thế nhiều lần thì tôi còn mong gì nữa. Mà không phải ai cũng làm được điều họ muốn đâu. Điều tôi muốn làm là những gì có ích để tri ân khán giả và tôi đang làm được. Mỗi ngày, tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm những điều có ích”.

Tất cả những gì anh có ngày hôm nay ngoài sự mơ ước, ngoài sức tưởng tượng của anh để rồi anh chẳng còn mong gì nữa.

Tâm tình thật hay của anh : “Mỗi ngày, tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm những điều có ích”.

Không phải tán tụng, không phải đề cao anh nhưng tâm tình, suy nghĩ, chọn lựa của anh chính là bài học cho riêng bản thân tôi.

Đôi khi mình đã đủ và quá đủ nhưng lòng mình vẫn còn đâu đó để đi tìm và bi đát nhất đó là những cái mình đi tìm cũng sẽ mất theo thời gian. Danh vọng, bạc vàng có đó nhưng khi ta nằm xuống chẳng ai mang theo được đến mộ phần.

“Cuộc chơi” của mỗi người cũng sẽ kết thúc. Chuyện quan trọng là khi mình biết dừng đúng lúc thì lòng mình thanh thản và tâm hồn mình sẽ bình an.

Suy nghĩ, chọn lựa, quyết định của QL lại một lần nữa nhắc nhớ cho mình rằng mình cũng phải làm một điều gì đó cho những người kém may mắn hơn mình, bất hạnh hơn mình.

Xin cho trái tim mình còn thổn thức, cảm nhận với những con người nghèo khổ xung quanh mình chứ đừng để trái tim mình ra xơ cứng trước những mảnh đời bất hạnh.

Lm Anmai, CSsR

9 thg 9, 2012

8 thg 9, 2012

MỪNG SINH NHẬT MẸ




Cuốn Sách Một Chữ
Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh. Ông ta muốn viết một cuốn sách. Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang. Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng. Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ.

Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ.
Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ. Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy?

Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng... Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài kiệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.

Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được. Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ. Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng.

Chữ ấy là: Maria, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Maria, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng ngày chào đời của công trình tuyệt hảo ấy của Thiên Chúa. Hân hoan vì với tiếng khóc và nụ cười của em bé mang tên Maria này, vầng đông của lịch sử và công trình cứu rỗi của toàn thể nhân loại đã ló dạng.

Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều. Bà ta vừa trở thành góa phụ. Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối. Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối. Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.
Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:
- Chồng bà đã được cứu thoát. Quá ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi: 
- Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy? Cha Vianney cắt nghĩa:
- Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông. Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.
- Nhưng làm sao có thể như vậy được? Bà vợ hỏi lại:
- Ðó là một ơn của Ðức Mẹ. Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:
- Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường. Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?
Mừng ngày sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta hãy quyết hái nhiều chiếc hoa xinh đẹp dâng kính Mẹ. Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính mẹ, như: lần hạt Mân Côi, đọc kinh truyền tin, nguyện kinh cầu. Nhưng chúng ta hãy làm những việc đạo đức thông thường ấy một cách phi thường. Có nghĩa là: miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Ðức Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống