Trong
Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh, thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu
chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô
Khi
đọc đoạn Phúc Âm đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng
tất cả 3 người đều đến mồ, đều thấy cùng một sự kiện mồ trống và khăn
liệm, nhưng chỉ có mỗi mình Gioan là tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh
Gioan đã viết về chính mình rằng: “Ông thấy và ông đã tin”.
Để
hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy trở lại chương 16. Sau khi Chúa Giêsu
chết, người Do Thái đến xin Philatô cho hạ xác những người đóng đinh
xuống vì họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày thứ
bảy, ngày sabbat, nhất là ngày sabbat trong lễ Vượt Qua của họ.
Phép tắc, thủ tục xong, xác Chúa được hạ xuống. Theo phong tục người Do Thái, họ tính bắt đầu ngày mới từ lúc mặt trời lặn.
Maria
Mađalêna và các môn đệ có mặt lo hối hả để chôn xác Chúa cho xong và ra
về trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo vì ngày
sabbat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi.
Chúng
ta cũng nên biết qua cách liệm xác của người Do Thái. Cách liệm xác của
họ là rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy băng
quấn lại từ đầu đến chân như người ta băng bó vết thương, xong xuôi đâu
đó đem đặt xác vào trong hang huyệt đục sẵn trong đá và lấy tảng đá to
đậy cửa hang lại.
Vì
hối hả nên Maria Mađalêna về nhà nhận thấy mình không cẩn thận đủ đối
với Thầy Giêsu của mình và nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy. Vào ngày
thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp
xác lại. Khi đến nơi bà thấy mồ trống, cửa đã được đẩy ra và Thầy không
còn trong đó nên vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Gioan là
thanh niên trai trẻ chạy nhanh hơn Phêrô nên ra đến mồ trước. Đến nơi
Gioan chỉ đứng ngoài khom người nhìn vào chờ Phêrô đến, cả hai cùng vào
mồ, họ đều thấy dây băng liệm và vải liệm, nhưng Gioan thú thực trong
lòng ông đã tin Chúa sống lại. Phân tích tâm lý của 3 nhân vật, chúng ta
sẽ thấy tại sao?
Đối với Maria Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Thầy lại cho chu đáo hơn.
Bà cầm thuốc thơm trong tay và đầu óc chỉ nghĩ đến thân thể đã nằm yên
bất động. Nói tắt một lời: Bà đến mồ chỉ để tìm xác chết. Một tâm trạng
như thế, thấy mồ trống không, bà khó có thể nhận ra tức thì Chúa Giêsu
đã sống lại.
Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy.
Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng
có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ “bình yên”. Nhưng tại sao
lại có sự kiện mất xác này. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong
đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông
đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy
đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng
chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối
phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.
Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông.
Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình trong đó,
thánh Gioan luôn dùng kiểu nói “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. Thánh
Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên
ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh
Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy
nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và chỉ trở về
nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy,
khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của
người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau.
Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng
Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra
dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.
Qua
câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những
lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không
vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến
đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng
đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
Trong
cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng tìm Chúa, chúng ta có thể cảm
thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi
biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng
trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa.
Radio Veritas Asia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét