Chủ đề của tháng là: ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT, ALLELUIA!
Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này qua 4 tuần lễ:
Tuần 1: Sự kiện Phục Sinh.
Tuần 2: Ý nghĩa của mầu nhiệm Phục Sinh.
Tuần 3: Phục Sinh và Tôn vinh.
Tuần 4: Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh
(Bí tích Thánh Thể).
*********************************************
TUẦN 1
SỰ KIỆN PHỤC SINH
Khai triển nội dung1. Sự phục sinh của Đức Kitô là một biến cố có thật, với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng trong lịch sử. Trước hết là sự kiện ngôi mộ trống. Ở tự nó, ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, vì người ta có thể đưa ra những cách giải thích khác (x. Ga 20,13; Mt 28,11-15). Dù vậy, ngôi mộ trống vẫn là dấu chỉ căn bản đối với mọi người, là bước đầu dẫn các môn đệ Chúa Giêsu đến chỗ nhìn nhận Người đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
2. Cùng với ngôi mộ trống là những lần Đấng Phục Sinh hiện đến với các môn đệ. Bà Maria Mađalêna và các phụ nữ thánh thiện là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh (Mt 28,9-10; Ga Ga 20,11-18). Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ, trước hết là Phêrô, rồi cả Nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15,5). Thánh Phaolô còn nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ (x. 1Cr 15,4-8). Với tư cách là chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ mãi mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh. Đức tin của cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng như của chúng ta ngày nay được xây dựng trên lời chứng của các Tông Đồ.
3. Đức Kitô phục sinh không có nghĩa là Người trở lại với cuộc sống trần thế, như trường hợp Lazarô, con trai bà góa Naim hay con gái ông Giairô. Sự phục sinh của Đức Kitô hoàn toàn khác. Người chuyển từ trạng thái của con người tự nhiên phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Đức Kitô Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Thánh Thần, thân thể vinh quang, thuộc thiên giới (1Cr 15,35-50). Vì thế, sự phục sinh của Đức Kitô vừa là một biến cố lịch sử vì đã thật sự xảy ra trong thời gian, vừa là một biến cố siêu việt vì vượt lên trên lịch sử.
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Sự phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Thưa: Phục Sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin Kitô giáo. Cùng với thập giá, sự phục sinh của Chúa là thành phần thiết yếu của Mầu nhiệm Vượt Qua (số 126).
Hỏi: Những dấu chỉ nào làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu?
Thưa: Ngoài dấu chỉ chính yếu là ngôi mộ trống, sự phục sinh của Chúa còn được làm chứng bởi các Tông Đồ và những người đã được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Các Tông Đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục Sinh, vì đối với các ngài, Phục Sinh là chuyện không thể xảy ra. Chính Chúa Giêsu đã trách cứ sự cứng lòng tin của các ngài (số 127).
Ý cầu nguyện:
Xin ơn vững tin vào sự phục sinh của Chúa để cảm nghiệm bình an và niềm vui trong mọi hoàn cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét