Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này trong 4 tuần lễ :
Tuần 1: Vụ án Chúa Giêsu.
Tuần 2: Chúa Giêsu Kitô, Đấng xóa tội trần gian.
Tuần 3: Hy tế tình yêu của Chúa.
Tuần 4: Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa
(Bí tích Giao Hòa).
*****************************
TUẦN 1
VỤ ÁN CHÚA GIÊSU
1. Các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem đã không nhất trí với nhau về cách xử sự đối với Chúa Giêsu. Nhóm Pharisêu dọa khai trừ những ai đi theo Chúa. Có những người sợ rằng “mọi người sẽ tin vào ông Giêsu, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,48). Thượng tế Caipha đưa ra đề nghị: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Thượng Hội Đồng tuyên bố Chúa Giêsu đáng phải chết vì tội nói phạm thượng, nhưng vì đã mất quyền tuyên án tử hình, nên họ đã nộp Chúa Giêsu cho người Rôma và tố cáo Người về tội nổi loạn chính trị. Vì thế Chúa Giêsu bị xếp đồng hàng với Baraba là người bị tống ngục vì một vụ bạo động (Lc 23,19). Các thượng tế cũng đưa ra những lời đe dọa mang tính chính trị để buộc quan Philatô kết án tử hình Chúa Giêsu.
2. Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho mọi người Do Thái ở Giêrusalem lúc đó, càng không được mở rộng trách nhiệm đến những người Do Thái ở những nơi chốn và thời đại khác. Công Đồng Vaticanô II khẳng định rất rõ điều này: “Không thể nói rằng Thiên Chúa đã loại bỏ người Do Thái hoặc đã chúc dữ cho họ, coi đó như là điều được dạy trong Thánh Kinh” (Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4).
3. Khi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh luôn nhắc nhở điều này: Các tội nhân là những tác giả và tác viên của mọi cực hình mà Đức Kitô đã phải chịu. Thánh Phanxicô Assisi kêu lên: “Ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn vẫn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi”.
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Chúa Giêsu bị kết án vì những lời tố cáo nào?
Thưa: Một số thủ lãnh Israel đã tố cáo Chúa Giêsu chống lại Lề luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và nhất là chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, vì Người tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Chính vì thế, họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình (số 113).
Hỏi: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Thưa: Không thể quy trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do thái thời đó, cũng như con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, nhất là các Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và ham thích những thói xấu (số 117).
Ý cầu nguyện:
Cầu cho mọi Kitô hữu biết “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và không chiều theo tính xác thịt” (Rm 13,14).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét